1,6 triệu xe phải đổi sang “biển vàng” và chuyện làm sao để doanh nghiệp an tâm kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đang rất khó khăn bởi Covid-19, giờ sẽ phải dành thêm thời gian và chi phí để tiến hành đổi màu biển số theo quy định mới.
Ảnh Internet

Ảnh Internet

Dự tính, có khoảng 1,6 triệu ô tô kinh doanh vận tải sẽ phải thực hiện việc này.

Mặc dù mọi công cụ quản lý đều có lý của nó và việc chuyển đổi này sẽ kéo dài đến cuối năm sau, nhưng ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vẫn không thể lý giải, tại sao quyết định đó lại đưa ra vào thời điểm này.

“Nếu cách đây 20 năm hay 10 năm, tôi có thể hiểu được, nhưng bây giờ thì không. Với sự phát triển của công nghệ, hệ thống dữ liệu thông tin, màu biển xe không còn là công cụ duy nhất để kiểm soát xe kinh doanh hay không kinh doanh. Nhưng cũng phải nói, tư duy quản lý như trên không chỉ có ở một vài nơi”, ông Hiếu nói khi giới thiệu về những điểm mới của Luật Doanh nghiệp 2020.

20 năm trước, khi Luật Doanh nghiệp 1999 ra đời, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam xuất hiện như nấm sau mưa bởi cuộc cách mạng về thành lập doanh nghiệp.

Từ việc phải mất hàng năm, với chi phí tính bằng… cây vàng, 1 doanh nghiệp thành lập mới chỉ mất khoảng 15-30 ngày. Điểm đột phá là hàng loạt điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh vô lý, không còn phù hợp được bãi bỏ. Hoạt động kinh doanh ở Việt Nam trở nên sôi nổi, sống động hơn bao giờ hết.

Riêng trong lĩnh vực kinh doanh vận tải, rất nhiều giấy phép, điều kiện kinh doanh từng được cho là rất cần để phục vụ quản lý, cũng được bãi bỏ, như quy định cứng về số lượng xe, màu xe, hộp đèn trên xe… Ngay quy định liên quan đến tổng đài, đồng hồ tính tiền trên xe taxi cũng đã rất khác so với 20 năm trước nhờ có sự phát triển đột phá và vô cùng nhanh chóng của công nghệ, xu thế phát triển.

Luật Doanh nghiệp 2020 cũng rất khác so với những phiên bản trước. Dấu ấn của thời công nghệ đậm nét khi quy định thực hiện đăng ký kinh doanh hoàn toàn trên môi trường số, cho phép doanh nghiệp có con dấu số, bãi bỏ hoàn toàn thủ tục hành chính liên quan đến con dấu của doanh nghiệp... Chỉ 5 năm trước, đây vẫn là chủ đề không tìm được tiếng nói chung của các cơ quan quản lý nhà nước.

Điều đáng nói là Covid-19 đang đẩy sự phát triển, sự chuyển dịch của công nghệ, của kinh tế số sang một trang khác, rất mới.

Những khảo sát doanh nghiệp mới đây của CIEM cho thấy, doanh nghiệp đang có tư duy hoàn toàn khác về công nghệ, về kinh tế số, rất khác với sự thờ ơ của 1 năm trước.

Nhưng đáng tiếc là sự thay đổi tương tự chưa nhìn thấy rõ ở nhiều cơ quan quản lý nhà nước. Nguyên tắc làm việc theo đúng chức năng, nhiệm vụ chi phối chính cách ứng xử của các cơ quan nhà nước, khiến những gì thuộc về tình hình mới, sáng tạo mới được xử lý quá thận trọng, nhiều khi không chấp nhận đổi mới do tâm lý sợ trách nhiệm…

Hệ quả là không chỉ các ý tưởng, những mô hình kinh doanh mới của kinh tế số, kinh tế tuần hoàn bị đặt vào thế dè chừng, mà ngay trong bối cảnh hoạt động kinh doanh bị tác động mạnh, khó lường của dịch bệnh, các đề xuất hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp hoạt động cũng không đủ linh hoạt, quá thận trọng.

Trong bối cảnh chính sách này, doanh nghiệp đã vô cùng khó khăn vì đứt đoạn thị trường, đứt đoạn đơn hàng, vì tâm lý tiêu dùng thay đổi, thì sự dè chừng, cách ứng xử không theo xu thế phát triển của các cơ quan quản lý nhà nước càng khiến doanh nghiệp trở nên bất an.

Rất nhiều lần, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ rào cản kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Công điện số 5452/CD-VPCP, ngày 6/7 vừa qua của Văn phòng Chính phủ một lần nữa nhắc lại yêu cầu trên.

Lúc này, doanh nghiệp rất cần được hỗ trợ, tạo điều kiện để duy trì, bảo toàn lực lượng, chuẩn bị sức lực cho bước phục hồi. Chỉ như vậy, doanh nghiệp mới có thể thực sự là một phần của “cỗ xe tam mã” kích thích tăng trưởng kinh tế.

Tin bài liên quan