Tháng 11 vừa qua, Tập đoàn đầu tư thương mại đa ngành Marubeni 165 tuổi đến từ Nhật Bản vừa thông báo đầu tư vào CTCP Nguyên liệu Á Châu AIG thông qua công ty con Marubeni Development Capital Asia Pte. Ltd.

Những đóng góp tích cực của AIG ngày càng khẳng định uy tín, vị thế của một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong thị trường nguyên liệu thực phẩm Việt Nam và thu hút sự quan tâm của các quỹ đầu tư quốc tế.

Mặc dù không tiết lộ chính xác giá trị khoản đầu tư, nhưng theo đánh giá của Giám đốc Phát triển kinh doanh Lê Nguyễn Đoan Duy, sự đồng hành của Marubeni sẽ tiếp thêm nguồn lực cho AIG trong việc mở rộng quy mô hoạt động, nâng cao năng lực sản xuất, và phát triển các sản phẩm dành cho thị trường quốc tế.

“Sự hợp tác này không chỉ là cột mốc phát triển mới, ghi dấu những thành tựu đã đạt được của AIG mà còn mở ra cơ hội để công ty tiếp tục mở rộng tầm nhìn, phát triển và đưa ra những giải pháp thực phẩm thực sự có ý nghĩa cho người tiêu dùng và cộng đồng trong tương lai”, ông Duy nhận định.

Tiền thân của AIG - Asia Ingredients Group là Công ty cổ phần hóa chất Á Châu (ACC) do chủ tịch Nguyễn Thiên Trúc thành lập vào 22 năm trước. Thời gian đầu hoạt động trong lĩnh vực thương mại và sau đó chuyển dần sang sản xuất nguyên liệu thực phẩm, công ty đã đối diện với vô vàn khó khăn vì không bán được sản phẩm trong suốt một năm.

“Thách thức lớn nhất là thuyết phục được các doanh nghiệp trong nước sử dụng sản phẩm”, ông Lê Nguyễn Đoan Duy, Giám đốc Phát triển kinh doanh của AIG chia sẻ.

“Mặc dù đã tìm được đối tác uy tín để đầu tư vào nhà máy, nhưng khi thành phẩm ra đời thì họ lại không mua vì không tin tưởng về chất lượng”, ông cho biết thêm.

Tuy nhiên, câu chuyện thành công của các doanh nghiệp Việt Nam tiên phong và niềm tin sâu sắc vào những sản phẩm thuần Việt, chế biến từ nguyên liệu Việt và do người Việt tạo ra đã truyền cảm hứng và thôi thúc AIG trưởng thành nhanh hơn.

Chỉ sau 3 năm, hệ sinh thái của ACC đã có thêm nhà máy sản xuất bột kem không sữa AFI – Asia Saigon Food Ingredients và tới nay đã mở rộng thành AIG Group gồm 1 trung tâm nghiên cứu và 6 công ty thành viên.

Từ doanh nghiệp chật vật tìm kiếm đầu ra, AIG đã vươn mình trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực cung ứng nguyên liệu thực phẩm tại Việt Nam khi sở hữu vùng nguyên liệu tại các tỉnh miền Trung và Đồng bằng Sông Cửu Long, hệ thống sản xuất hiện đại và mạng lưới phân phối vươn rộng ra thị trường quốc tế.

Không chỉ là đối tác của các doanh nghiệp F&B hàng đầu Việt Nam như Vinamilk, Masan, Vinacafe hay Trung Nguyên, công ty còn đang trở thành đối tác của các tập đoàn cung ứng nguyên liệu hàng đầu thế giới như DSM, James Farrel, AAK, CP KelCo., Pantheryx, Givaudan, Darigold, Ingredion.

Theo Giám đốc phát triển kinh doanh của AIG Lê Nguyễn Đoan Duy, vùng nguyên liệu có vai trò vô cùng quan trọng trong việc quyết định chất lượng sản phẩm của công ty, bởi phải sở hữu vùng nguyên liệu bền vững và có chất lượng tốt mới có thể tạo ra được những sản phẩm tốt.

Do đó, một trong những ưu tiên của AIG ngay từ những ngày đầu thành lập là tập trung phát triển vùng nguyên liệu chất lượng cao và sản xuất các sản phẩm organic, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về nhu cầu sử dụng các sản phẩm tốt cho sức khỏe.

“Nguyên liệu hữu cơ qua quy trình sản xuất hiện đại sẽ tạo ra được những sản phẩm thương hiệu Việt có giá trị cao, không chỉ giúp doanh nghiệp tăng lợi nhuận mà cộng đồng cũng được hưởng lợi”, Giám đốc Phát triển kinh doanh Lê Nguyễn Đoan Duy khẳng định.

Theo ông Duy, ban lãnh đạo AIG cũng chủ trương xây dựng các nhà máy sản xuất tại vùng nguyên liệu khác nhau, sản xuất ra thành phẩm đạt chuẩn quốc tế, đảm bảo chất lượng và an toàn. Công ty cũng cam kết hỗ trợ vốn, phân bón và bao tiêu toàn bộ đầu ra của sản phẩm với giá cao hơn thị trường từ 5-10%.

Từ vùng nguyên liệu dừa đầu tiên, đến nay AIG đã sở hữu thêm các vùng nguyên liệu sắn, café tại Trà Vinh và Nghệ An thông qua hệ sinh thái các công ty thành viên như CTCP Chế biến Dừa Á Châu (ACP), Công ty Cổ phần Á Châu Hoa Sơn (AHS) và Công ty cổ phần APIS.

Thời gian tới, AIG có kế hoạch đầu tư mở rộng dòng sản phẩm nước ép đông lạnh và trái cây sấy từ nguồn trái cây dồi dào tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhằm nâng cao giá trị nông sản Việt và trái cây Đồng bằng Sông Cửu Long, đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Các sản phẩm dừa chế biến khác của ACP như nước dừa, bột sữa dừa và cơm dừa sấy khô hiện cũng đang xuất khẩu rộng rãi sang nhiều thị trường khó tính tại Châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan hay Australia.

Thành công của ACP một lần nữa khẳng định vai trò của AIG, một trong những doanh nghiệp chiếm thị phần lớn trong thị trường nguyên liệu thực phẩm Việt Nam, mà còn góp phần nâng cao giá trị nông sản và thương hiệu Việt trên trường quốc tế.

Theo số liệu từ Bộ Công thương, Việt Nam đang là một trong những quốc gia sản xuất và xuất khẩu gia vị lớn trên thế giới với tổng kim ngạch xuất khẩu các loại mặt hàng nguyên liệu, gia vị dự kiến đạt trên 2 tỷ USD đến năm 2025.

Trung bình mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu trên 1 tỷ USD sắn và sản phẩm từ sắn, khoảng 4 tỷ USD các mặt hàng rau quả, trong đó 70% là trái cây tươi để làm nguyên liệu nước trái cây cô đặc. Ngoài ra, sản lượng cà phê cũng xuất khẩu gần 4 tỷ USD/năm, hạt điều khoảng 3,6 tỷ USD/năm, hồ tiêu và những mặt hàng gia vị khác cũng đạt hơn 1,4 tỷ USD/năm.

Sức hấp dẫn của thị trường này đã thu hút sự tham gia của nhiều tập đoàn quốc tế như Unilever, Ajinomoto, Miwon, Nestlé, đồng thời tạo ra sự cạnh tranh quyết liệt giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.