Một góc khu bến số 1, số 2 cảng Lạch Huyện, Hải Phòng - Ảnh: Nguyễn Đức Nghĩa.

Một góc khu bến số 1, số 2 cảng Lạch Huyện, Hải Phòng - Ảnh: Nguyễn Đức Nghĩa.

Ẩn số năng lực Hateco tại Dự án trị giá 6.245 tỷ đồng xây dựng bến 5, 6 cảng Lạch Huyện

Không chỉ năng lực của chủ đầu tư – Công ty CP Tập đoàn Hateco mà nhiều nội dung trong phương án tài chính của Dự án đầu tư xây dựng bến số 5, 6 khu bến cảng Lạch Huyện, thuộc Cảng biển Hải Phòng cũng cần được làm rõ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có công văn gửi Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng (Heza) để tham gia ý kiến về hồ sơ đề xuất Dự án đầu tư xây dựng bến số 5 và bến số 6 khu bến cảng Lạch Huyện thuộc cảng biển Hải Phòng.

Trước đó, Heza đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến về Dự án này đồng thời xin hướng dẫn thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định.

Đây là đề xuất chủ trương đầu tư của Công ty CP Tập đoàn Hateco có tổng mức đầu tư dự kiến là 6.425 tỷ đồng và có quy mô sử dụng đất là 47 ha.

Dẫn chiếu điểm a, khoản 2, Điều 14, Nghị định số 43/2014/NĐ – CP ngày 15/5/2014 quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng để có thể nhận Dự án này, nhà đầu tư phải có vốn chủ sở hữu không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư, tương đương 963,7 tỷ đồng.

Trong khi đó, tại Báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2018 của Công ty CP Tập đoàn Hateco, vốn chủ sở hữu của công ty tại thời điểm 31/12/2018 là 2.118,4 tỷ đồng, tài sản dài hạn là 1.402 tỷ đồng, bao gồm đầu tư vào công ty con, công ty liên kết là 1.392 tỷ đồng. Mặt khác, theo báo cáo của Hateco tại văn bản số 09/2019/Hateco ngày 24/9/2019, Công ty đang sử dụng 252,9 tỷ đồng vốn tự có để đầu tư 2 dự án nhà ở.

“Với việc đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết và các dự án bất động sản nêu trên, vốn chủ sở hữu mà chủ đầu tư có thể huy động để thực hiện Dự án chỉ là 463,23 tỷ đồng”, Bộ Kế hoạch và đầu tư nêu rõ và đề nghị chủ đầu tư bổ sung giải trình rõ về khả năng đáp ứng yêu cầu về vốn chủ sở hữu để thực hiện công trình theo quy định.

Một điểm cấn cá khác trong đề xuất Dự án liên quan đến thời gian hoạt động của công trình và thời gian cho thuê đất. Theo hồ sơ, Dự án có thời gian hoàn vốn là 16,13 năm, tỷ suất nội hoàn (IRR) ở mức khá cao là 12,65%, được đầu tư tại khu vực đã và đang được xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, có hệ thống giao thông kết nối thuận lợi. Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc nhà đầu tư đề xuất thời gian hoạt động của Dự án là 70 năm và thời gian cho thuê đất là 70 năm là chưa phù hợp với quy định tại khoản 3, Điều 126 của Luật Đất đai.

Mặt khác, tại phụ lục 4, thời gian hoàn vốn Dự án được xác định là 11,91 năm trong khi tại văn bản đề xuất dự án đầu tư, thời gian hoàn vốn là 16,13 năm. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị chủ đầu tư chuẩn xác lại thông tin đảm bảo sự chính xác về số liệu.

Do khoản 3, Điều 1 Luật Đấu thầu quy định việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu. Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND Tp. Hải Phòng chỉ đạo Heza và các cơ quan chuyên môn rà soát khu đất thực hiện dự án theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 10, Nghị định số 30/2015/NĐ – CO ngày 17/3/2015 về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư. Nếu xét thấy khu đất này có giá trị thương mại cao, cần lựa chọn nhà đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND Tp. Hải Phòng tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

Tin bài liên quan