Tuyến đường cao tốc Tp.HCM - Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) - Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) có chiều dài khoảng 69 km (Ảnh minh họa)

Tuyến đường cao tốc Tp.HCM - Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) - Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) có chiều dài khoảng 69 km (Ảnh minh họa)

Bộ GTVT đề xuất phương án đầu tư cao tốc Tp.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành

0:00 / 0:00
0:00

Tuyến đường cao tốc Tp.HCM - Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) - Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) có tổng chiều dài khoảng 69km dự kiến đầu tư mới quy mô 6 - 8 làn xe cao tốc.

Bộ GTVT vừa có công văn gửi Văn phòng Chính phủ tham gia ý kiến về Dự án đầu tư tuyến cao tốc Tp.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành theo đề xuất của UBND tỉnh Bình Phước.

Bộ GTVT cho biết, theo quy hoạch mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 1/3/2016, tuyến đường cao tốc Tp.HCM - Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) - Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) có tổng chiều dài khoảng 69 km dự kiến đầu tư mới quy mô 6 - 8 làn xe cao tốc, tổng mức đầu tư khoảng 24.150 tỷ đồng và thực hiện trong giai đoạn trước năm 2030.

Bên cạnh đó, tại Quy hoạch chi tiết đường Hồ Chí Minh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 15/2/2012, tuyến cao tốc Chơn Thành – Tp.HCM thuộc giai đoạn 3 trong kế hoạch phân kỳ đầu tư sau năm 2020 với quy mô 6 làn cao tốc nhằm hoàn chỉnh toàn tuyến đường Hồ Chí Minh theo quy hoạch.

Như vậy, Dự án đầu tư tuyến cao tốc Tp.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành phù hợp quy hoạch chi tiết đường Hồ Chí Minh và quy hoạch mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bộ GTVT ủng hộ đề xuất của địa phương về sự cần thiết phải sớm đầu tư tuyến cao tốc Tp.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành nhằm tăng cường tính kết nối, năng cao năng lực vận tải, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của tỉnh Bình Phước nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.

Theo Bộ GTVT, đề xuất đầu tư tuyến cao tốc Tp.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành theo hình thức PPP và hợp đồng BOT (có sự hỗ trợ của nhà nước) là phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng nhằm giảm áp lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, phù hợp với định hướng huy động nguồn lực và phù hợp với hình thức đầu tư quy định tại Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 4/5/2018 của Chính phủ.

Tuy nhiên, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư số 64/2020/QH14 đã được Quốc hội ban hành từ ngày 18/6/2020 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Việc triển khai dự kiến sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.

“Do vậy, cần có nghiên cứu cụ thể các phương án dự kiến trước khi đề xuất hình thức đầu tư đảm bảo tính khả thi và phù hợp với quy định của Luật, trong đó cần xem xét tổng thể, đánh giá tất cả các yếu tố ảnh hưởng như chia sẻ lưu lượng với tuyến song hành Quốc lộ 13 hiện hữu đã đầu tư BOT với quy mô 4-6 làn xe, ý kiến tham vấn từ các cơ quan liên quan và người dân về dự án”, ông Lê Anh Tuấn – Thứ trưởng Bộ GTVT khuyến nghị.

Liên quan đến đề xuất giao UBND tỉnh Bình Phước là Cơ quan nhà nước có thẩm quyền để chủ động kêu gọi đầu tư dự án, Bộ GTVT cho rằng việc giao cho địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện đầu tư dự án vượt thẩm quyền của Bộ GTVT, cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Bộ GTVT nhấn mạnh, theo quy định hiện hành, bộ này là cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về giao thông đường bộ đối với các đường quốc lộ, cao tốc trên cả nước.

Trong điều kiện nguồn lực để thực hiện đầu tư còn khó khăn, Bộ GTVT đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét 2 hướng đầu tư Dự án tuyến cao tốc Tp.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.

Theo đó, trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Bộ GTVT, trường hợp kịp đưa nguồn vốn thực hiện đầu tư vào kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025, đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT là cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục triển khai dự án theo quy định.

Trường hợp không thể bố trí vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025, để tạo điều kiện thuận lợi trong việc huy động nguồn lực của địa phương trong điều kiện nguồn lực ngân sách nhà nước khó khăn và tăng tính chủ động, thuận lợi trong công tác giải phóng mặt bằng, Bộ GTVT thống nhất với kiến nghị giao tỉnh Bình Phước là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện đầu tư dự án.

Vào tháng 11/2020, UBND tỉnh Bình Phước đã có tờ trình số 144/TTr – UBND gửi Thủ tướng Chính phủ về việc giao cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kêu gọi đầu tư Dự án đường cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành theo hình thức PPP.

Cụ thể, UBND tỉnh Bình Phước muốn người đứng đầu Chính phủ xem xét, chấp thuận giao cho tỉnh này làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để chủ động phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan triển khai các thủ tục của pháp luật kêu gọi đầu tư đường cao tốc Tp.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT (có sự hỗ trợ của Nhà nước).

Hiện tuyến cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành đang được Bộ GTVT giao Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo đó, đơn vị tư vấn đang cân nhắc 3 phương án đầu tư Dự án đường cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành. Phương án 1, tuyến có điểm đầu tại Bình Chuẩn, điểm cuối tại Chơn Thành đi theo hướng tuyến của của đường Mỹ Phước – Tân Vạn, có chiều dài 55,6 km, tổng mức đầu tư 33.000 tỷ đồng. Phương án 2, tuyến có điểm đầu tại nút giao An Phú, điểm cuối tại Chơn Thành, đi theo Tỉnh lộ 743, 745, có tổng mức đầu tư khoảng 27.500 tỷ đồng. Phương án 3, tuyến có điểm đầu tại Bình Chuẩn, điểm cuối tại Chơn Thành, đi trùng theo hành lang đường sắt quy hoạch TP.HCM – Lộc Ninh, có chiều dài 55,9 km, tổng mức đầu tư 21.600 tỷ đồng.

Tin bài liên quan