Đón chúng tôi sau hành trình hơn 520 cây số, là Bí thư Đảng ủy xã Ẳng Cang, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên. “Những gì đoàn cần hỗ trợ để tổ chức lễ khánh thành cầu và tổ chức chương trình ‘Điện Biên Phủ trong em’, anh em cán bộ xã đã lo xong hết rồi và bà con đang háo hức chờ đoàn tới lắm”, ông Đào Duy Thạch, Bí thư Đảng ủy xã Ẳng Cang hồ hởi.

Nhờ có sự chuẩn bị chu đáo của xã, Lễ khánh thành “Cầu nối yêu thương” số 80 tại bản Co En, xã Ảng Cang trong chiều ngày 8/4/2022 đã diễn ra rất thành công với sự tham dự của lãnh đạo các đơn vị tài trợ, đại diện UBND tỉnh, Bí thư và Chủ tịch huyện Mường Ảng, chính quyền xã, cùng bà con ở Ẳng Cang.

Cây cầu tại bản Co En là cây cầu thứ 80 trong chương trình “Cầu nối yêu thương” và cũng là cây cầu thứ hai mà Nhựa Tiền Phong triển khai tại tỉnh Điện Biên.

“Cây cầu đầu tiên mà Nhựa Tiền Phong xây dựng, khởi đầu cho chương trình ‘Cầu nối yêu thương” của công ty chính là cây cầu đầu tiên mà Nhựa Tiền Phong xây dựng ở bản Xôm, xã Pá Khoang, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Và 5 năm sau, không hẹn mà đến, chúng tôi lại quay trở lại mảnh đất Điện Biên để xây tặng cây cầu thứ 2”, ông Phạm Hồng Sĩ, Chủ tịch Công đoàn Nhựa Tiền Phong chia sẻ.

Theo lời kể của ông Sĩ, thời điểm mới bắt đầu chương trình cầu nối yêu thương - năm 2017, nhờ sự giới thiệu của một Hội thiện nguyện tại Hải Phòng mà công ty từng nhiều lần hợp tác, Nhựa Tiền Phong đã tìm đến với bản Xôm.

Sau khi khảo sát thực địa, cả đoàn đã chọn địa điểm này phù hợp với các tiêu chí mà Chương trình “Cầu nối yêu thương đề ra”. Đó là địa bàn khó khăn; chưa có cầu bắc qua sông, suối hoặc cầu đã xuống cấp trầm trọng; khu vực có nhiều học sinh và đông người dân đi lại qua con sông, suối đó.

Chỉ sau 01 tháng kể từ khi khởi công, ngày 20/11/2017, cây cầu đầu tiên của chương trình “Cầu nối yêu thương” được khánh thành, thay thế cho cây cầu Pá Khoang cũ, nối tới hai điểm trường - trường mầm non và tiểu học số 1 xã Pá Khoang, đã bị mục ruỗng nghiêm trọng, có thể sập bất cứ lúc nào.

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm đó đã trở thành một kỷ niệm không bao giờ quên với tất cả thầy cô và học trò, người dân xã Pá Khoang, cũng như của cán bộ, công nhân viên Nhựa Tiền Phong.

Còn cây cầu thứ 2 này cũng đã trở thành chương trình thiện nguyện lớn nhất mà người dân xã Ẳng Cang nhận được đến hiện tại. Ý nghĩa hơn, khi đây còn là chương trình thiện nguyện đầu tiên được thực hiện bằng hình thức đầu tư cho hạ tầng của xã.

“Theo tiêu chí xác định hộ nghèo mới, thì tỉ lệ hộ nghèo của xã đã tăng lên hơn 46%. Trong đó, có đến 7 bản với hơn 500 hộ dân phải đi qua cầu Co En mới đến được trung tâm xã. Hạ tầng giao thông cũng là 1/5 tiêu chí mà xã còn thiếu để được công nhận chuẩn nông thôn mới”, ông Đào Duy Thạch cho biết.

Được biết, cầu Co En, nối bản Hua Nguống và trung tâm xã với bản Co En và 6 bản khác (trong đó có đến 4 bản nghèo, 2 bản chưa có điện).

Theo cô Mai Thị Nga - Phó Hiệu trưởng Trường Mần non Hua Nguống: Cây cầu treo cũ của bản Co En đã xuống cấp, xe máy đi qua rất chòng chành và nguy hiểm. Mùa mưa, các cháu học sinh tiểu học từ bên kia cầu, muốn sang bản Hua Nguống học, hay thầy cô giáo từ xã lên các điểm trưởng ở bản Co En và các bản vùng sâu, vùng xa rất khó khăn và nguy hiểm. Cây “Cầu nối yêu thương” số 80 bản Co En có kết cấu bê tông liên hợp, rộng 4m và được đắp đường dẫn 2 bên dài gần 40 m, ô tô trọng tải dưới 7 tấn đi lại được, có kinh phí xây dựng hơn 1,5 tỷ đồng (Ngân hàng VietinBank chi nhánh Ngô Quyền, Hải Phòng đã đồng hành tài trợ 300 triệu đồng) có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của xã nghèo Ẳng Cang.

Gửi lời cảm ơn đến Công ty Nhựa Tiền Phong, ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng chia sẻ: Cây cầu do Nhựa Tiền Phong đầu tư xây dựng được khánh thành trong dịp kỷ niệm 15 năm thành lập huyện (01/4/2007 - 01/4/2022) nên còn mang ý nghĩa lớn hơn với địa phương. Đó là sự biểu thị của tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của doanh nghiệp. Đồng thời thể hiện sự, năng động, sáng tạo, đổi mới vươn lên của huyện trong hoạt động thu hút đầu tư, xây dựng đô thị, gắn kết phát triển du lịch nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, từng bước xây dựng huyện Mường Ảng trở thành điểm sáng trọng điểm kinh tế của tỉnh Điện Biên.

Sau lễ khánh thành cầu, vui mừng chia sẻ với chúng tôi, chị Đường Thị Chung, một người dân ở bản Co En cho biết: “Bọn chị mong cây cầu này lắm. Trước đây, mọi người muốn đi xe máy ra xã thì phải đi đường vòng bằng đường trục xã đã xuống cấp, hỏng hết lớp nhựa đường rồi. Mùa mưa thì lầy lội lắm. Giờ có cầu thì xe máy, xe ô tô đều đi lại được. Xã cũng sẽ phát triển du lịch ở hồ trên núi, nên chị đang tính sẽ bán thêm hàng quán cho du khách tại nhà, không phải đi làm phụ hồ xa nhà nữa”.

Cùng với lễ khánh thành cầu, Nhựa Tiền Phong còn dành cho các em học sinh nhiều niềm vui bất ngờ trong chương trình “Điện Biên Phủ trong em”.

Không chỉ có thêm cơ hội, hiểu thêm về lịch sử hào hùng của mảnh đất quê hương, các em còn có thêm những giờ phút vui vẻ qua những trò chơi và những phần quà. Nhựa Tiền Phong luôn dành chương trình ý nghĩa, thiết thực cho các em nhỏ nhân dịp khởi công hoặc khánh thành cầu, như một sự động viên, một phần quà ý nghĩa cho tuổi thơ của các em.

“Ở đâu có học sinh còn phải đi học qua những con sông, con suối; bà con còn khó khăn, hàng hoá không lưu thông được vì thiếu cầu, thì Nhựa Tiền Phong vẫn sẽ tiếp tục hành trình xây cầu của mình. Lúc đầu, chúng tôi đề ra số lượng giới hạn của Chương trình “Cầu nối yêu thương”, nhưng càng đi, Nhựa Tiền Phong càng nhận ra, hành trình này phải được tiếp tục khi vẫn còn những cây cầu tạm trên dải đất hình chữ S”, ông Chu Văn Phương - Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Nhựa Tiền Phong chia sẻ khi nói về kế hoạch thiện nguyện trong thời gian tới của Nhựa Tiền Phong.

Dự kiến ban đầu, chương trình sẽ được thực hiện trong 5 năm (10/2017 - 10/2022), với mục tiêu xây dựng trên 60 cây cầu dân sinh. Nhưng hiện tại “Cầu nối yêu thương” đã được chặng đường gần 5 năm, với gần 90 cây cầu đã được khởi công và khánh thành xong. Dự kiến, hết năm 2022, chương trình “Cầu nối yêu thương” sẽ có 100 cây cầu được xây dựng trên mọi miền tổ quốc, từ Bắc tới Nam.

Những con số thống kê chỉ mất vài phút liệt kê, sao có thể đong hết những tâm tư, tình cảm và sự vất vả mà những thành viên của Ban Dự án phụ trách thực hiện Chương trình đã trải qua.

Anh Lê Hữu Công, Ủy viên thường trực Ban Quản lý dự án của Nhựa Tiền Phong - người luôn có mặt tại các đoàn khảo sát, giám sát công trình Cầu nối yêu thương cho biết: “Anh không thể nào quên được hành trình xây cây cầu số 3 - cầu treo Nà Ui, xã Nậm Sỏ, huyện Tân Uyên, Lai Châu”.

Đây là cây cầu có điều kiện thi công khó khăn nhất bởi diễn ra vào mùa mưa lũ, nguyên vật liệu huy động được đã khó, lại còn bị lũ cuốn trôi. Hành trình xây cây cầu này chẳng khác gì sự thách đố độ bền gan của những người giám sát và cả thi công cầu. Và khi chúng tôi đến dự khánh thành cầu, một đoạn đường lên huyện vẫn còn đang phải sửa chữa sau đợt lũ.

Không phụ lòng người, sau gần 08 tháng thi công, Cầu Nà Ui có chiều dài 54 m, chiều rộng 1,5 m, trọng tải 0,5 tấn, được Nhựa Tiền Phong tài trợ kinh phí hơn 3 tỷ đồng cũng đã được khánh thành vào tháng 11/2018.

“Đây là cây cầu chứa đựng nhiều tâm huyết nhất của toàn thể cán bộ Nhựa Tiền Phong và các đơn vị thi công” - ông Chu Văn Phương khẳng định.

“Khó khăn vậy, nhưng thấy được niềm vui của người dân nơi mình xây cầu, chúng tôi thấy công sức mình bỏ ra thật xứng đáng”, anh Công trải lòng.

Còn chúng tôi, những người chỉ thi thoảng góp mặt trong một số sự kiện khởi công, hay khánh thành thôi, nhưng khi được hoà mình trong không khí đó cũng đã cảm thấy sự lan tỏa của tình thương và trách nhiệm. Niềm yêu thương và hạnh phúc cứ như thế nhân lên, nhân lên!

Cái “Tết sớm” ở Bản Xốp Kha, xã Yên Hòa, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An dịp sát tết Nguyên đán 2021 - khi khánh thành cầu, vẫn còn như in trong đầu chúng tôi.

Thời điểm đó, Xốp Kha được ví là “ốc đảo” ba không của huyện Tương Dương, nơi mà bao năm qua, 85 hộ dân là người đồng bào Khơ Mú phải sống trong cảnh không có điện lưới, thiếu nước sạch, thiếu giao thông kết nối.

Đầu năm 2019, đoạn đường đất 4 km về bản Xốp Kha đã được huyện Tương Dương đầu tư. Nhưng phải đến cuối tháng 1/2021, khi cây cầu bắc qua suối Xốp Kha do Nhựa Tiền Phong tài trợ kinh phí xây dựng được khánh thành, thế “ốc đảo” của bản mới được phá vỡ hoàn toàn.

Sáng 21/1/2021, lễ khánh thành cầu mới diễn ra, nhưng từ tối 20/1, người dân bản Xốp Kha đã cùng uống chum rượu cần, cùng hát vang bài ca mừng một mùa xuân mới với nhiều hi vọng. Những ánh vui tươi, nét mặt rạng ngời hạnh phúc của người dân dưới ánh đèn flash của điện thoại thực sự làm ấm lòng tất cả những người có mặt tối đó.

“Hành trình của chúng tôi mới được gần 5 năm, và đang tiến dần đến mốc 100 cây cầu, nhưng chúng tôi vẫn còn thấy những đóng góp của mình chưa được nhiều. Nhựa Tiền Phong tin tưởng rằng trên hành trình lan toả sự yêu thương của mình, chúng tôi luôn nhận được sự đồng hành của Nhóm Thiện nguyện Từ Tâm cũng như các đối tác bạn bè như Viettinbank, Deloitte Việt Nam, Tín Kim, Đại Dũng, Bê tông 620 Châu Thới, Định Tân… Chúng tôi luôn mong muốn, chương trình Cầu nối yêu thương không dừng lại ở con số 5 năm. Và hình ảnh những cô giáo, học sinh phải chui vào túi nilon để qua suối đến trường vào mùa lũ; hay người dân và cả trẻ em phải đu dây qua sông, qua suối … sẽ ngày càng giảm bớt và không còn nữa trong thời gian tới” - Tổng Giám đốc Nhựa Tiền Phong Chu Văn Phương chia sẻ.