“Số 1” trong thông điệp này không phải là con số định lượng, mà chính là vị thế mà Hoà Bình đạt được qua chặng đường 35 năm tạo dựng giá trị. Hiện nay, Hòa Bình được xếp hạng là Nhà thầu uy tín nhất Việt Nam theo đánh giá của Vietnam Report, là doanh nghiệp có môi trường làm việc tốt nhất trong ngành xây dựng, là nhà thầu duy nhất nằm trong top 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VPE500).

Hòa Bình cũng là nhà thầu đầu tiên và duy nhất đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam, nhà thầu duy nhất 7 lần đạt thương hiệu quốc gia và cũng là nhà thầu đầu tiên niêm yết trên thị trường chứng khoán. Uy tín nhất, tốt nhất, lớn nhất, nhiều nhất, duy nhất, đầu tiên… chính là những con số 1 đáng tự hào mà Hoà Bình đã đạt được qua hành trình 35 năm của mình.

Chặng đường 35 năm tới là một hành trình mới, bắt đầu trên một thị trường mới là thị trường nước ngoài, cũng từ con số 0 và đích đến là số 1. Hòa Bình đặt mục tiêu trở thành nhà thầu số 1 trong phân khúc xây dựng nhà ở, đặc biệt là nhà ở cao tầng ở thị trường nước ngoài.

Hòa Bình đã có 11 năm triển khai chiến lược ra nước ngoài. Là Tập đoàn xây dựng số 1 trong nước nhưng mới ở số 0 về vị thế ở thị trường nước ngoài. Chúng tôi đã thực hiện những dự án quy mô lớn, nhưng chỉ trong vai trò quản lý xây dựng, chưa làm tổng thầu. Doanh thu và lợi nhuận mang về không đáng kể.

Tuy nhiên, khác với số 0 của chu kỳ đầu tiên, chúng tôi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, kiến thức để xác định rõ hướng đi, cách đi và đã tìm được nhiều người bạn đồng hành trên con đường đó. Hành trang trên con đường mới đó còn là vị thế của một tập đoàn xây dựng hàng đầu ở trong nước. Hòa Bình cần đi ra thị trường nước ngoài bằng 4 chân, đó là tổng thầu xây dựng, đầu tư địa ốc, thiết kế kiến trúc, xuất nhập khẩu vật tư xây dựng.

Trong đề án phát triển thị trường nước ngoài, chúng tôi đã phân tích cẩn trọng để xác định rõ đối với mỗi lĩnh vực cần đầu tư, hợp tác và xây dựng mô hình kinh doanh theo cách thức như thế nào. Chẳng hạn, với xây dựng, Hòa Bình sẽ đầu tư bằng việc mua lại hoặc liên doanh với công ty xây dựng địa phương nhằm kết hợp sự am hiểu môi trường kinh doanh, khai thác hiệu quả các nguồn lực của họ với những lợi thế riêng của Hòa Bình và của công nghiệp xây dựng Việt Nam.

Xây dựng một mối quan hệ hợp tác đúng đắn, liên doanh đó chắc chắn sẽ trở nên rất cạnh tranh. Hòa Bình cũng cần tham gia vào khâu thiết kế bằng cách liên kết, hợp tác với các công ty thiết kế địa phương nhằm chủ động đưa sản phẩm, vật liệu xây dựng của Việt Nam vào công trình trong khi vẫn đảm bảo sự phù hợp với các tiêu chuẩn của nước sở tại. Việc lập một công ty xuất nhập khẩu là cần thiết để giải quyết nhanh chóng và hiệu quả nhất các thủ tục xuất nhập khẩu. Đây là kinh nghiệm khi chúng tôi triển khai 1 dự án ở Canada.

Trong 3 năm qua, chiến lược phát triển thị trường nước ngoài đã bị chậm do đại dịch Covid-19, nhưng sau giãn cách, Hòa Bình đã tổ chức ngay 3 chuyến đi các thị trường Anh, Úc, Mỹ và Canada để nắm lại thông tin các thị trường mục tiêu và làm việc trực tiếp với các đối tác tiềm năng. Thời gian đại dịch đã có 280 cuộc họp online, cũng như chuyến đi nước ngoài vừa rồi tôi gặp gỡ với vài chục đối tác.

Chúng tôi đã chốt lại được 2 dự án ở Úc và Canada mà Hòa Bình sẽ hợp tác đầu tư cùng 10 dự án khác đang tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, xác định tính khả thi với tổng trị giá hơn 1 tỷ USD. Bên cạnh tiếp tục nghiên cứu thị trường, Tập đoàn đồng thời triển khai kế hoạch tăng vốn. Các dự án được đánh giá khả thi sẽ xúc tiến đàm phán để ký biên bản ghi nhớ với đối tác và trình HĐQT thông qua trước khi ký hợp đồng chính thức.

Khi tôi sang Hàn Quốc vào mấy chục năm trước cũng nghĩ rằng, phải lâu lắm mới có thể xây được mấy chục tòa nhà cao tầng như họ. Nhưng với quyết tâm lớn, Hòa Bình đã thành công trong việc tổng thầu những dự án rất lớn và đã trở thành nhà thầu số 1 ở Việt Nam.

Hành trình đó bắt đầu khi công nghiệp xây dựng trong nước còn rất lạc hậu. Mọi công việc đều được thực hiện với những công cụ rất thô sơ, ván khuôn bánh gỗ thông và gỗ dầu được gia công bằng cưa tay, giàn giáo cây chống bằng cừ tràm, không có vận thăng, không có cần cẩu. Gạch xây, cát đá và bê tông, phải chuyển bằng xe cút kít và đưa lên các tầng cao bằng cách chuyền từng viên, từng xô nhỏ bằng tay. Công nhân không có đồ bảo hộ lao động, không có giày mũ, không có dây đeo an toàn.

Vào giai đoạn Việt Nam bùng nổ xây dựng, đã thu hút các nhà thầu quốc tế, chúng ta đã hợp tác với họ và tích cực học hỏi, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và đã thay đổi cực kỳ nhanh chóng. Hiện nay, nhìn ra toàn cầu ngành xây dựng Việt Nam đang có 3 lợi thế trọng yếu mang tính chiến lược: Thứ nhất là sự trưởng thành trong vai trò tổng thầu của doanh nghiệp xây dựng, thứ hai là sự dồi dào về nguồn nhân lực chuyên môn và thứ ba là tính cạnh tranh rất cao của chuỗi cung ứng nguyên vật tư xây dựng.

Hòa Bình là nhà thầu duy nhất hợp tác với trên 20 nhà thầu quốc tế đến từ các châu lục, nên đã tích lũy và làm chủ được công nghệ với kiến thức và kinh nghiệm thực tế rất phong phú; đã tích hợp tinh hoa của thế giới trong mảng xây dựng dân dụng, đặc biệt về nhà ở cao tầng.

Nhưng ra thị trường nước ngoài không phải câu chuyện của riêng Hòa Bình, mà là cơ hội của ngành xây dựng. Xuất khẩu dịch vụ xây dựng đi trước kéo theo cả hệ sinh thái, bao gồm sản xuất vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội ngoại thất, trang thiết bị thi công, dịch vụ thầu phụ, dịch vụ tư vấn, dịch vụ vận chuyển…, đưa công nghiệp xây dựng trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia.

Tôi đã trình bày cơ hội quý báu này của ngành xây dựng ở nhiều diễn đàn khác nhau và sẽ tiếp tục nêu lên tại các diễn đàn lớn sắp tới. Chúng ta cần có một chiến lược mang tầm quốc gia để có thể thành công trong việc hiện thực hóa mục tiêu chiến lược này.

Nhiều mặt hàng vật liệu xây dựng Việt Nam đã vươn lên dẫn đầu thế giới về xuất khẩu, như xi măng, sản xuất gạch men hàng đầu trên thế giới, đồ gỗ nội thất... Việt Nam đang có lượng kỹ sư xây dựng với tỷ lệ lên đến 9.000 trên một triệu dân, trong khi mức trung bình của thế giới là 3.000 và hiện nay, đã có những biểu hiện về sự mất cân đối cung cầu khi kỹ sư xây dựng ra trường rất khó kiếm việc làm.

Chúng ta đang có những điều kiện cần và đủ mang tính trọng yếu để Việt Nam xuất khẩu công nghiệp xây dựng ra nước ngoài. Nếu chúng ta kết hợp qua việc đưa dịch vụ tổng thầu xây dựng ra thế giới, thì vật liệu xây dựng, đồ gỗ nội thất và nguồn nhân lực sẽ được xuất khẩu mạnh mẽ, sản phẩm giàu hàm lượng chất xám hơn trong những công trình xây dựng hoàn thiện mà doanh nghiệp Việt Nam làm tổng thầu sẽ mang lại lợi ích kinh tế rất lớn.

Hòa Bình đi tiên phong, nhưng cũng mong muốn các nhà thầu, nhà cung cấp, nhà sản xuất cùng các ngành hỗ trợ khác cùng nắm bắt cơ hội để hình thành hệ sinh thái trong ngành xây dựng công nghiệp xây dựng Việt Nam ở nước ngoài.

Rất nhiều doanh nghiệp đối tác đã tìm đến bày tỏ cơ hội hợp tác cùng chúng tôi. Đối tác Nhật Bản mua cổ phần phát hành riêng lẻ sắp tới cũng rất hứng thú với kế hoạch này, vì họ hiểu không phải công ty Nhật Bản nào ra nước ngoài cũng thành công, vì còn phải cạnh tranh với doanh nghiệp nội địa, do Nhật Bản mất lợi thế cạnh tranh về giá rẻ.

Mặt khác, chúng ta cần phải làm ngay để nắm bắt cơ hội. Nếu càng kéo dài lợi thế cạnh tranh càng giảm, nhất là khi những khó khăn của thị trường xây dựng trong nước có thể bào mòn năng lực tài chính của nhà thầu. Trong khi đó, ở nhiều nước phát triển, dịch vụ xây dựng đang thiếu trầm trọng như Đức, Pháp, Canada. Nếu chúng ta biết khai thác lợi thế của mình thì ngành xây dựng sẽ bứt phá.

Với mục tiêu xuất khẩu dịch vụ xây dựng tổng hợp (tức dịch vụ tổng thầu) của Việt Nam ra thị trường nước ngoài để đưa công nghiệp xây dựng trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia, Hòa Bình đã không ngừng tìm tòi học hỏi và đổi mới, đặc biệt sử dụng sớm nhất các công nghệ hiện đại vào quản lý dự án và thi công trong xây dựng.

Tìm kiếm nguồn “gen” mới cho sự phát triển tiếp theo, vươn ra thị trường thế giới duy trì năng lực cạnh tranh bền vững. Hòa Bình đang triển khai xây dựng Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Hòa Bình - HBIC tại khu Công nghệ cao TP.HCM thành “Trung tâm Đổi mới sáng tạo mở”, chuyển dịch từ mô hình R&D - Research and Development - nghiên cứu và phát triển truyền thống sang mô hình C&D - Connect and Development - Kết nối và phát triển.

Trong cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp sắp tới, tôi tiếp tục kiến nghị về gấp rút xây dựng chiến lược đưa ngành xây dựng ra thế giới với việc tham gia của nhiều bộ, ngành có liên quan để giải quyết các vấn đề cung cấp thông tin, kết nối thị trường, vấn đề hợp chuẩn quốc tế, kỹ thuật công nghệ, vấn đề vốn đầu tư, thủ tục chuyển ngân, xuất khẩu lao động, hàng hóa và dịch vụ… Nói chung là nâng cao năng lực cạnh tranh cho nhà thầu Việt Nam ở thị trường quốc tế.

Thành công trong chiến lược xuất khẩu công nghiệp xây dựng sẽ giúp tăng nguồn thu ngoại tệ cho quốc gia, nâng cao trình độ kỹ thuật công nghệ cho ngành xây dựng, củng cố vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế… và rất nhiều lợi ích khác cho người lao động, cho doanh nghiệp trong hệ sinh thái xây dựng, cho sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của Việt Nam và thế giới.

Chúng tôi xác định, con đường “TỪ 0 ĐẾN 1” ở thị trường toàn cầu có rất nhiều chông gai, nhưng chúng tôi sẽ vượt qua bằng nhiều số 0 khác. Đó là không do dự, không tự ti, không tự cao, không tự đại, không sợ hãi, không nản lòng, không lùi bước…, bởi đây là con đường tất yếu mà Hòa Bình phải đi qua để tiếp tục khẳng định mình.