Với vị trí Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trường Thành Việt Nam và hiện đang điều hành trực tiếp TEG, ông có thể chia sẻ cơ duyên nào khiến ông gắn bó với lĩnh vực năng lượng và những dấu mốc trên chặng đường này?

Vào đầu năm 2011, sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi tại Nhật Bản đã làm rung động thị trường toàn cầu. Những con số thiệt hại về con người, vật chất và hậu quả kéo dài thật sự rất ám ảnh, khiến tôi không ngừng trăn trở về câu chuyện phát triển năng lượng phục vụ thịnh vượng quốc gia, nhưng phải gắn liền với an toàn và bền vững.

Cũng chính những suy tư này đã thúc đẩy tôi hành động để hiện thực hoá cơ hội phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Ngay từ những năm 2012-2013, tôi và các đồng sự đã bắt đầu đào sâu tìm hiểu lĩnh vực năng lượng, học hỏi từ thị trường toàn cầu, lăn lộn thực tế tại các địa phương. Những khu vực phù hợp xây dựng nhà máy điện mặt trời đều là nơi có khí hậu khắc nghiệt, nhưng đó cũng là nơi mà ý chí vươn lên phát triển kinh tế rất mạnh mẽ. Quá trình đồng hành cùng các địa phương ngay từ thủa ban đầu đã giúp tôi có thêm quyết tâm gắn bó với năng lượng tái tạo.

Năm 2018, TTVN tiến hành đầu tư vào 3 dự án điện mặt trời với tổng công suất 357 MW tại các tỉnh Phú Yên, Quảng Ngãi, Bình Định và thành công đưa vào vận hành thương mại từ tháng 6/2019, từ đó được hưởng cơ chế giá FIT 9,35 cent của Chính phủ. Thời điểm này, TTVN là một trong 3 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, chiếm 8% thị phần phát điện tái tạo của cả nước.

Khi điện mặt trời lan toả và phát triển mạnh mẽ hơn, TTVN lại tìm tới một nguồn năng lượng xanh mới - điện gió. Năm 2020, chúng tôi đã khởi công xây dựng Nhà máy điện gió V1-2 công suất 48 MW tại Trà Vinh, đưa vào vận hành thương mại vào tháng 10/2021 và tiếp tục được hưởng giá FIT dành cho điện gió.

Kể từ bước chân đầu tiên trên chặng đường phát triển năng lượng tái tạo, TTVN không hề đơn độc. Chúng tôi có sự đồng hành của chính quyền các địa phương và các đối tác lớn sẵn sàng kề vai sát cánh. Đây đều là những tập đoàn lớn đến từ Thái Lan, Pháp, Nhật Bản...

Điều gì khiến các đối tác nước ngoài lựa chọn TTVN để cùng phát triển các dự án trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ngay từ thời điểm sơ khai của thị trường Việt Nam?

TTVN là doanh nghiệp bắt đầu từ rất sớm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Vào thời điểm đó, các ngân hàng đều chưa cho vay thế chấp dự án, cũng chưa có các chương trình tập trung nguồn vốn phục vụ phát triển năng lượng sạch như hiện nay. Trong khi đó, việc phát triển các dự án điện mặt trời, điện gió đều cần năng lực tài chính và yêu cầu kỹ thuật cao. Quyết tâm phải làm tới cùng, TTVN lựa chọn chiến lược “bước trên vai những gã khổng lồ" - chính là các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại thị trường toàn cầu.

Lợi thế của doanh nghiệp tiên phong là mức độ cạnh tranh còn thấp và nhiều cơ hội rộng mở. Chúng tôi không ngừng tìm kiếm doanh nghiệp đồng hành, chủ động tiếp cận, gặp gỡ nhiều đối tác, cùng trao đổi, nghiên cứu phát triển dự án. Mỗi câu hỏi mà đối tác đặt ra đều mang tới kiến thức, trải nghiệm và kinh nghiệm quý giá.

Thực tế, khó khăn là không thể tránh khỏi, mà một trong những thử thách lớn là vướng cơ chế bởi lĩnh vực còn rất mới, đặt nhà đầu tư vào tình thế rủi ro cao. Không ít thời điểm, TTVN sẵn sàng nhận tất cả rủi ro về phía mình, thể hiện quyết tâm và không ngừng nỗ lực đàm phán để có thể bắt tay với đối tác quốc tế. Cho tới nay, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của nhiều tên tuổi lớn lĩnh vực năng lượng tái tạo toàn cầu. Đây cũng là điều khiến tôi rất hạnh phúc khi có thể kết nối được các đối tác có năng lực và quyết tâm.

Sau hơn một thập kỷ dấn thân tại lĩnh vực năng lượng tái tạo, TTVN đã xây dựng được vị thế riêng tại thị trường trong nước và khu vực, mà minh chứng chính là việc được các doanh nghiệp lớn quốc tế lựa chọn.

Đối với doanh nghiệp Việt Nam, có 2 vấn đề còn thiếu và yếu khi hợp tác quốc tế, đó là nguồn lực tài chính và nhân lực. Năng lực tài chính không mạnh thì khó có thể theo đuổi dự án lớn. Do đó, giải pháp của chúng tôi là phải chủ động trong việc sử dụng các kênh huy động vốn, tiếp cận và có chiến lược thu hút nguồn lực tại các thị trường tài chính nước ngoài.

Về nhân lực, một trong những yếu tố rất quan trọng để có thể thực hiện mục tiêu, đạt được những khát vọng chính là bộ não để hoạch định chiến lược và triển khai thực hiện. Chúng tôi đã bổ sung đội ngũ nhân sự một cách kịp thời, quy tụ và gắn kết nhiều thành viên có năng lực, trình độ cao và cùng chí hướng.

Nếu giai đoạn 2018-2019, TTVN thuộc Top 3 nhà phát triển năng lượng tái tạo lớn nhất thị trường thì hiện tại, vị trí của Tập đoàn như thế nào?

TTVN có khát vọng trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng, nhưng tới thời điểm này, chúng tôi không còn để tâm tới các bảng xếp hạng. Nếu đã xây dựng được vị thế chắc chắn trong ngành, thì đó chính là thứ bậc khó có thể thay đổi.

Từ khi thị trường năng lượng tái tạo Việt Nam chưa thành hình, TTVN đã bắt tay cùng các doanh nghiệp hàng đầu nghiên cứu phát triển dự án. Khi mọi người bắt đầu say mê điện mặt trời, chúng tôi đã tìm tới điện gió, điện gió ngoài khơi, khai phá tiềm năng của nguồn năng lượng sạch này.

Hay hiện tại, Việt Nam đang có bao nhiêu dự án LNG (khí thiên nhiên hoá lỏng) - loại năng lượng chuyển tiếp trong quá trình chuyển dịch cơ cấu năng lượng xanh, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược an ninh năng lượng của mọi quốc gia trên toàn cầu? Có bao nhiêu doanh nghiệp đang tiến hành dự án LNG? Trong khi đó, TTVN đang cùng với các đối tác Tokyo Gas và KIC là những doanh nghiệp hàng đầu lĩnh vực năng lượng tại Nhật Bản, đầu tư dự án nhà máy Điện khí LNG Thái Bình quy mô 2 tỷ USD.

Một câu chuyện khác là có bao nhiêu đơn vị đã phát triển điện gió ngoài khơi và việc nghiên cứu, đánh giá đã được thực hiện như thế nào? Tập đoàn Trường Thành Việt Nam đề xuất và theo đuổi 2 dự án điện gió ngoài khơi, trong đó chúng tôi đã bắt tay với 3 tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản bao gồm INPEX – công ty số 1 về dầu khí, Công ty Điện lực Kansai – doanh nghiệp điện lực lớn thứ hai của Nhật và Kumagai Gumi – nhà thầu xây dựng Top 5 tại Nhật Bản. Chúng tôi đã ký kết thoả thuận hợp tác chiến lược và hình thành Tổ hợp nhà đầu tư phát triển dự án điện gió V-4 ngoài khơi tỉnh Trà Vinh. Dự án này đã được Bộ Kinh tế – Thương mại – Công nghiệp của Nhật Bản (METI) tài trợ để lập báo cáo tiền khả thi và đánh giá khả năng giải toả công suất cho dự án.

Việc ký kết với các tập đoàn lớn, cả trong và ngoài nước, và việc nghiêm túc trong nghiên cứu, đánh giá dự án, cùng quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng nhiều năm qua đã thể hiện sự chuẩn bị tốt nhất của Trường Thành Việt Nam, cũng như vị thế của Tập đoàn trên thị trường năng lượng tái tạo hiện nay.

Cũng chính nhờ việc hợp tác với nhiều doanh nghiệp lớn trong thời gian qua mà TTVN hiểu rõ ngành năng lượng đang biến chuyển như thế nào và hiểu sâu sắc hơn thị trường hiện tại và tương lai. Đây là lý do chúng tôi xác định chiến lược mới cho TEG với việc dốc sức vào năng lượng và dần rút khỏi mảng bất động sản.

Tại sao TEG lựa chọn rút khỏi mảng bất động sản và chỉ còn tập trung vào năng lượng trong thời điểm này?

Hiện nay, TEG đang có 2 mảng chủ đạo là năng lượng và bất động sản. Tuy nhiên, để huy động được nguồn lực đủ mạnh và hiệu quả, khai thác được các lợi thế từ công ty mẹ là Tập đoàn Trường Thành Việt Nam, TEG sẽ phải là công ty tập trung vào năng lượng, không còn dính dáng tới bất động sản. Đây là yêu cầu bức thiết đặt ra phải thay đổi.

Tất nhiên, việc tách mảng bất động sản ra khỏi hoạt động của TEG cần có lộ trình, bởi doanh nghiệp gắn liền với các dự án cụ thể và việc thoái vốn sẽ được tiến hành một cách hiệu quả, bài bản.

Ông có thể chia sẻ rõ hơn chiến lược tập trung vào năng lượng của TEG?

TEG sẽ là công ty thuần về năng lượng dựa trên 3 trụ cột chính. Thứ nhất, đầu tư năng lượng. Với việc phát triển dự án thì đầu tư là hoạt động cần thiết. Trước đây Công ty Năng lượng Trường Thành (Trường Thành Power – TTP) trực thuộc Tập đoàn, nhưng chúng tôi đã tái cấu trúc để TTP trở thành công ty con của TEG.

Thứ hai, trong thực tế triển khai dự án về năng lượng, các tập đoàn lớn luôn phải phát triển trụ cột xây dựng và vận hành. Bởi nếu thiếu cấu phần này, việc điều hành dự án bị lệ thuộc vào bên khác. Chưa kể, công tác vận hành hàng năm đều cần bỏ ra nhiều chi phí.

Theo đó, TEG sẽ xây dựng bộ máy đủ khả năng xây dựng, vận hành dự án năng lượng, vừa đảm bảo chủ động trong hoạt động, vừa tiết giảm chi phí. Đồng thời, quá trình vận hành cũng giúp Công ty hiểu biết sâu sắc hơn vòng đời dự án, có thêm kinh nghiệm để đàm phán dự án mới.

Thứ ba là công nghiệp phụ trợ cho lĩnh vực năng lượng. Trong quá trình làm việc với nhiều đối tác lớn, chúng tôi nhận thấy sự cần thiết phải có công nghiệp phụ trợ cho lĩnh vực năng lượng. Chẳng hạn, để sản xuất một turbine gió cần vài trăm thiết bị và tương ứng là số nhà cung cấp sản phẩm. Có nhiều cơ hội để nội địa hoá hoạt động sản xuất các thiết bị này và nội địa hoá sẽ giúp giảm chi phí.

Trường Thành Việt Nam và TEG đã có bước chuẩn bị như thế nào cho cú chuyển mình này?

TEG có một lợi thế rất lớn là sự “hậu thuẫn" của cổ đông lớn nhất là Tập đoàn Trường Thành Việt Nam.

Khi đàm phán hợp tác phát triển các dự án năng lượng, trong điều khoản ký kết thường có nội dung TTVN và các công ty thành viên sẽ nhận được ưu tiên thực hiện các hạng mục công việc trong nước. Tập đoàn có định hướng sẽ giao lại các phần việc này cho TEG, từ đó đảm bảo khối lượng công việc, cũng như “đơn hàng" cho Công ty.

Chẳng hạn, với dự án điện khí LNG Thái Bình quy mô 2 tỷ USD, tính toán sơ bộ các hạng mục xây dựng hạ tầng phù hợp với năng lực của các nhà thầu trong nước lên tới hàng trăm triệu USD. Theo thoả thuận, TTVN và các công ty thành viên có thể nhận được những phần công việc này.

Tất nhiên sẽ có những công việc mà Trường Thành Việt Nam hoặc các công ty con của Tập đoàn không thể thực hiện vì chưa đủ năng lực, buộc phải liên doanh – liên kết với các đối tác khác. Theo đó, TEG sẽ là đơn vị tiến hành hợp tác với các đối tác có năng lực, kinh nghiệm, qua đó vừa giúp hiện thực hoá câu chuyện tham gia xây dựng và vận hành dự án, vừa có thể tìm thấy những cơ hội để khai thác giá trị gia tăng từ hoạt động này.

Để nâng cao năng lực thực hiện dự án, TTVN và TEG cũng đang chủ động kết nối với các đối tác trong và ngoài nước. Mới đây nhất, TTVN và Vietsopetro đã ký thoả thuận hợp tác tăng cường phối hợp trong nghiên cứu và phát triển các dự án năng lượng, trong đó tập trung vào các dự án do TTVN là nhà đầu tư, bao gồm: Dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Thái Bình và các dự án điện gió gần bờ, ngoài khơi; nghiên cứu phát triển các dự án năng lượng mới, sản xuất, lưu trữ, vận chuyển Hydrogen phù hợp với định hướng của Chính phủ Việt Nam; nghiên cứu sản xuất ngành công nghiệp phụ trợ, gia tăng nội địa hoá cho ngành sản xuất tuabin gió.

Cũng ngay trong tháng 4 vừa qua, TTVN đã ký hợp tác với 2 doanh nghiệp của CHLB Đức có thế mạnh trong nghiên cứu phát triển các công nghệ mới liên quan đến lĩnh vực năng lượng. Theo đó, TEG được chỉ định làm đầu mối để thực hiện việc hợp tác trong quá trình các doanh nghiệp trên dịch chuyển sản xuất các thiết bị sang Việt Nam.

Với tầm nhìn và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chúng tôi có cơ sở để tin tưởng vào hướng đi mới của Trường Thành Việt Nam và TEG, cũng như việc tạo ra chuỗi giá trị trong ngành năng lượng Việt Nam.

Việc thoái vốn tại một số dự án năng lượng vừa qua liệu có đi ngược lại chủ trương tập trung vào lĩnh vực năng lượng của TEG?

TEG đã thoái vốn tại 2 dự án điện mặt trời Phú Yên và Quảng Ngãi trong 2 năm gần đây nhưng diễn biến này không đi ngược chiến lược của Công ty.

Cả 2 dự án này TEG đều không nắm vốn chi phối. Thay vì chờ đợi chia cổ tức, chúng tôi có thể thoái vốn khi được giá, sử dụng nguồn tiền thu về để tích tụ tài chính, đầu tư vào dự án tiềm năng hơn và nắm chi phối tới 51%.

Cần nhấn mạnh rằng TEG đang “sạch bóng” nợ vay. Năm 2024, chúng tôi sẽ tập trung vào việc đấu thầu dự án và tìm kiếm cơ hội mới. Điều này đòi hỏi phải có nguồn lực tài chính, có số dư khả dụng, nếu không thoái vốn thì không đủ nguồn lực để sẵn sàng triển khai.

Có thể nói, 2024 chính là năm lùi để lấy đà, điều này được thể hiện ngay ở việc đặt kế hoạch kinh doanh chỉ tương đương với năm 2023. Theo tôi, chậm một nhịp để tiến xa hơn nữa cũng là hành động cần thiết để công ty có sự chuẩn bị tốt nhất.

Vậy trong năm 2024, đâu là nhiệm vụ trọng tâm của TEG?

Trong năm nay, chúng tôi sẽ tập trung vào 3 dự án năng lượng hiện đã nằm trong quy hoạch phát triển của tỉnh và trong kế hoạch phát triển điện lực quốc gia, bao gồm 2 dự án điện gió gần bờ tại Trà Vinh và một dự án tại Bắc Kạn. Trường Thành Việt Nam là đơn vị đề xuất dự án và đang theo đuổi, kết quả sẽ còn phụ thuộc vào đấu thầu.

Chúng tôi đánh giá bối cảnh kinh doanh năm 2024 sẽ còn nhiều khó khăn với cả 2 mảng cốt lõi là năng lượng và bất động sản. Tuy nhiên, việc chuẩn bị kỹ càng hôm nay sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho sự phát triển trong thời gian tới.