Vừa qua, VCI đã huy động được thêm khoản vay hợp vốn 100 triệu USD từ các các ngân hàng nước ngoài được thu xếp bởi Mega International Commercial Bank (Megabank). Đây là thương vụ huy động vốn nước ngoài lớn nhất về giá trị tài trợ dành cho một công ty chứng khoán Việt Nam từ đầu năm 2022 đến nay, qua đó, nâng tổng nguồn vốn huy động từ các tổ chức tín dụng nước ngoài của VCI trong 24 tháng qua lên con số ấn tượng 240 triệu USD.

Nguồn vốn này sẽ được bổ sung cho hoạt động kinh doanh, ưu tiên cho hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ (margin) cũng như triển khai những mục tiêu chiến lược dài hạn của VCI.

Những biến động không thuận lợi của thị trường gần đây có ảnh hưởng tới kế hoạch sử dụng nguồn vốn vay lớn này, chẳng hạn như cho vay margin?

Kế hoạch sử dụng lượng vốn này của VCI không bị ảnh hưởng bởi biến động của thị trường. Chúng tôi đã chuẩn bị đủ nguồn vốn dành cho hoạt động margin và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng hiện hữu cũng như khách hàng mới. Đồng thời, chúng tôi cũng thiết lập những hàng rào phòng ngừa rủi ro để bảo vệ tài sản của khách hàng; ví dụ như việc chúng tôi chưa bao giờ cho vay margin đối với cổ phiếu FLC.

Nhiều ý kiến cho rằng chu kỳ tiền rẻ đang kết thúc, vậy liệu lợi thế chi phí vốn thấp của kênh vốn nước ngoài có được duy trì, thưa ông?

Mặc dù thế giới đang chứng kiến xu hướng lãi suất tăng lên, vốn nước ngoài vẫn đang có chi phí rẻ hơn so với vốn trong nước. Chừng nào tương quan chi phí vốn này vẫn được duy trì thì vốn nước ngoài vẫn là một trong những sự lựa chọn về kênh nguồn vốn của VCI.

Bên cạnh đó, chi phí vốn còn phụ thuộc vào nội lực của doanh nghiệp – doanh nghiệp càng có năng lực quản trị, tài chính và kinh doanh tốt thì hạn mức và chi phí vốn vay càng cạnh tranh. Với nội lực mạnh mẽ, VCI tin tưởng chúng tôi sẽ tiếp tục huy động thành công vốn nước ngoài với chi phí cạnh tranh nếu chúng tôi có nhu cầu.

Với tiềm lực vốn lớn như hiện nay, Công ty ưu tiên hoạt động cốt lõi nào trong năm 2022?

Sau khi đã thiết lập vị thế dẫn đầu trong mảng môi giới khách hàng tổ chức, chúng tôi sẽ tập trung nhiều hơn vào mảng môi giới khách hàng cá nhân. Cụ thể, chúng tôi sẽ xây dựng mô hình kinh doanh đặt khách hàng làm trọng tâm. Chúng tôi cho rằng đây là hướng đi sẽ tạo ra nhiều giá trị cho khách hàng cũng như cổ đông của VCI.

VCI muốn xây dựng một thương hiệu được tin tưởng nhất trong ngành chứng khoán Việt Nam. Chúng tôi sẽ phát triển một hệ sinh thái các sản phẩm tài chính để đáp ứng đầy đủ nhu cầu đầu tư và quản trị gia sản của khách hàng. Đồng thời, để tối ưu hóa trải nghiệm của khách hàng, chúng tôi sẽ đầu tư vào những sản phẩm công nghệ mới và tốt hơn cũng như tận dụng phân tích dữ liệu lớn để đưa ra những quyết định kinh doanh phù hợp với kỳ vọng của khách hàng. Khi có được sự hài lòng từ khách hàng, chúng tôi tin rằng khách hàng sẽ đồng hành cùng chúng tôi trong một thời gian dài.

Quay trở lại với vấn đề margin, hiện nay, có còn tạo áp lực lên thị trường hay không, thưa ông?

Áp lực từ margin lên thị trường đã giảm đáng kể sau giai đoạn thị trường điều chỉnh vừa qua. Chỉ số VN-Index đã giảm khoảng 20% kể từ đầu năm đến nay, trong khi dư nợ margin cũng đã giảm khoảng 25%. Đến nay, thị trường đã ổn định trở lại và chúng tôi tin áp lực từ margin không còn quá lo ngại nữa.

Nói về định giá thị trường, chỉ số P/E dự báo 12 tháng (12-month forward P/E) của VN-Index hiện tại là khoảng 10,5 lần, rẻ hơn tới 27% so với mức trung bình của 5 năm qua là 14,3 lần. Mức P/E forward 10,5 lần chỉ xuất hiện vào giai đoạn dịch Covid-19 mới bùng phát (tháng 3/2020) cũng như giai đoạn thị trường trầm lắng 2010-2013 sau khủng hoảng. Sau mỗi giai đoạn như vậy, định giá của chỉ số VN-Index đều cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ.

Với định giá hấp dẫn của thị trường hiện nay, tôi cho rằng thanh khoản thị trường sẽ dần cải thiện trong thời gian tới nhờ vào cả khối nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài.

VCI ghi nhận dòng vốn nước ngoài từ các thị trường nào đang quan tâm tới Việt Nam?

Với vị thế số 1 trong mảng môi giới khách hàng nước ngoài, VCI nhìn được rõ bức tranh về dòng vốn nước ngoài đối với cổ phiếu Việt Nam.

Đài Loan và Thái Lan là 2 thị trường mà nhà đầu tư quan tâm và có hoạt động đầu tư sôi động nhất vào cổ phiếu Việt Nam trong thời gian gần đây. Ngoài Đài Loan và Thái Lan, chúng tôi cũng ghi nhận sự quan tâm ngày càng tăng từ các thị trường khác trong Châu Á.

Đối với nhà đầu tư từ Mỹ và Châu Âu, trong khoảng 4 năm qua, rất nhiều tiền từ các khu vực này đã rút khỏi Việt Nam. Lý do chính là rổ thị trường cận biên (Frontier Market - FM) không được các nhà đầu tư toàn cầu ưa thích nên họ đã rút tiền khỏi nhóm thị trường này, trong đó có Việt Nam.

Mặc dù vậy, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư từ Mỹ và Châu Âu sẽ sớm quay trở lại Việt Nam, dựa trên một số quan sát như sau. Thứ nhất, sau khi hết giãn cách, mở cửa biên giới, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã qua thăm Việt Nam để tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới. Thứ hai, chúng tôi đang nhận thấy xu hướng các tổ chức nước ngoài thành lập quỹ đầu tư tập trung riêng biệt vào Việt Nam. Thứ ba, mặc dù hiện nay Việt Nam vẫn được xếp là thị trường cận biên, trong mắt nhiều nhà đầu tư, Việt Nam xứng đáng được công nhận là thị trường mới nổi (Emerging Market - EM). Chính vì góc nhìn này, một số quỹ đầu tư EM vẫn đầu tư vào Việt Nam.

Tính riêng trong quý 2/2022 đến thời điểm này, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng khoảng 250 triệu USD cổ phiếu Việt Nam, cho thấy sự hấp dẫn của thị trường đã bắt đầu thu hút nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại sau thời gian dài họ bán ròng. Tôi dự báo nhà đầu tư nước ngoài sẽ mua ròng tính chung cho cả năm 2022.

Định giá thấp, khối ngoại quan tâm, nhưng vì sao thanh khoản trên thị trường Việt Nam hiện vẫn chưa cải thiện, các nhà đầu tư họ còn chần chừ gì?

Trong ngắn hạn, thị trường biến động theo tâm lý của nhà đầu tư nhưng về dài hạn, thị trường sẽ phản ánh những yếu tố cơ bản. Hiện nay, tâm lý nhà đầu tư ngắn hạn đang bi quan nên họ sẽ không quan tâm đến góc nhìn cơ bản. Nhà đầu tư rồi sẽ quay lại thị trường thôi, một khi tâm lý của họ được giải tỏa.

Cần nhìn thị trường dài hạn hơn. Lúc tôi mới tới Việt Nam, chỉ số VN-Index chỉ mới 420 điểm, bây giờ là quanh 1200 điểm. Như vậy, xu hướng dài hạn vẫn là xu hướng tăng bất chấp những giai đoạn thị trường biến động mạnh. Cá nhân tôi cũng đã từng trải qua nhiều chu kỳ giảm đòn bẩy (deleveraging cycle) nên tôi thấy diễn biến thị trường vừa qua là bình thường.

Góc nhìn dài hạn của tôi cũng đơn giản thôi. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nhanh, với GDP tăng trưởng khoảng 7%/năm và quy mô dân số lớn 100 triệu người. Điều này có nghĩa tích luỹ tài sản của người dân Việt Nam đang tăng nhanh. Trong khi đó, họ chỉ có một vài sự lựa chọn kênh đầu tư truyền thống như cổ phiếu, trái phiếu, USD, vàng, và bất động sản. Hiện USD không hấp dẫn lắm, vàng thì vẫn được ưa thích nhưng không nhiều như xưa. Vì vậy, tôi tin rằng cổ phiếu vẫn sẽ là một trong những sự lựa chọn đầu tư hàng đầu của người dân trong tương lai.

VCI mong muốn giúp người dân Việt Nam gia tăng giá trị tài sản và đạt được tự do tài chính trong giai đoạn kinh tế thăng hoa của Việt Nam. VCI đã sẵn sàng để cùng đồng hành với khách hàng trên con đường thịnh vượng này.