Năm 2020 là năm rất khó khăn đối với không chỉ Việt Nam mà nền kinh tế toàn cầu. Việt Nam dù tăng trưởng 2,91%, cao nhất trong khu vực và là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới, nhưng chúng ta đều cảm nhận được khó khăn, đặc biệt là một số ngành như du lịch nghỉ dưỡng, hàng không, vận tải. Điều này tạo ra sức ép lớn, làm giảm tốc tăng trưởng và nếu không được khắc phục sớm sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều năm sau. Giống như một cỗ máy, nếu bị dừng đột ngột sẽ mất thời gian và nguyên liệu để khởi động lại cho tới khi đạt được tốc độ ban đầu. Chúng ta nằm chung trong luồng vận hành của kinh tế toàn cầu, rất khó để dự báo riêng về kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, dưới góc độ của ngành tài chính, thị trường đang vận hành theo chiều ngược lại. Năm nay có vẻ là năm thành công của các định chế tài chính và cung cấp dịch vụ tài chính như bảo hiểm, chứng khoán, công ty quản lý quỹ, không chỉ ở Việt Nam mà cả quốc tế. Thị trường chứng khoán Việt Nam và các nước chứng kiến tốc độ tăng trưởng đồng điệu và ngoạn mục. Cụ thể, tại thời điểm 31/12/2020, chỉ số VN-Index đạt 1.103,87 điểm, tăng 14,9% so với cùng thời điểm năm 2019. Tương tự, thị trường chứng khoán tại các nước châu Á cũng bật tăng trở lại mức tăng trưởng thời kỳ trước dịch, mà động lực chủ yếu được dẫn dắt bởi các công ty công nghệ, theo Nikkei Asian Review ngày 30/12/2020.

Chỉ số chứng khoán được coi là “phong vũ biểu” của nền kinh tế, nhưng có vẻ năm nay không còn đúng nữa. Hầu hết các nền kinh tế chứng kiến tốc độ tăng trưởng âm, nhưng thị trường chứng khoán lại đi theo chiều ngược lại. Điều này đâu đó phản ánh thực tế, với sự phát triển của công nghệ, dòng vốn được khơi thông và vận động nhanh hơn, tạo ra sự dư thừa về tiền.

Đại dịch đang đẩy nhanh tốc độ ứng dụng quản trị thông tin và công nghệ trên mọi lĩnh vực, thậm chí trong cả giáo dục, y tế, lĩnh vực vẫn chậm “số hóa” hơn so với các ngành kinh tế khác. Công nghệ được áp dụng trên phạm vi gần như toàn bộ nền kinh tế, giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vận động một cách hiệu quả hơn, làm tăng vòng quay dòng tiền. Tôi xin lấy ví dụ đơn giản như sau: bằng việc áp dụng công nghệ, một doanh nghiệp chế biến gạo xuất khẩu có thể kiểm soát được chuỗi cung ứng, nhu cầu khách hàng, hàng tồn kho và do đó tối ưu hóa dòng tiền.

Phải chăng công nghệ là một trong những nguyên nhân khiến nhiều thị trường, trong đó có Việt Nam, có hiện tượng dư tiền? Thanh khoản tốt, dòng tiền dồi dào đẩy hầu hết tài sản tăng giá, đặc biệt là các tài sản tài chính như cổ phiếu, bitcoin, vàng. Bên cạnh đó, tài sản cố định như bất động sản có vẻ cũng đang đi theo xu thế này.

Đây là vấn đề mới và chắc tới đây, cơ quan quản lý, nhà hoạch định kinh tế vĩ mô, cơ quan quản lý tiền tệ sẽ có nghiên cứu để thay đổi trong chiến lược của mình.

Đây là năm đầu tiên có câu chuyện như vậy, đặc biệt là lần đầu tiên có nhận định các chỉ số chứng khoán có lẽ không còn là phong vũ biểu, thước đo sức khỏe của nền kinh tế. Rõ ràng, có một cái gì đó đã đi “hơi lệch” so với quy luật.

Dưới góc độ đánh giá cá nhân, tôi cho rằng, công nghệ đã làm dòng tiền quay vòng nhanh hơn, nhưng thực tế chưa có nghiên cứu nào khẳng định đây là xu hướng trong tương lai. Nhiều nhận định cho rằng, tài sản tài chính tăng giá là do các nước đồng loạt tung các gói cứu trợ chưa từng có tiền lệ, nhưng theo tôi, công nghệ là yếu tố không thể bỏ qua.

Đúng là với thị trường tài chính Việt Nam, yếu tố công nghệ ảnh hưởng chưa lớn, nhưng có. Nhiều khi chỉ là ảnh hưởng nhỏ thôi cũng làm cho vòng quay tiền tăng lên. Mặt khác, Việt Nam cũng đang thặng dư xuất khẩu, gần chạm mốc 20 tỷ USD trong năm 2020, mức xuất siêu kỷ lục, theo số liệu của Tổng cục Hải quan.

Để đối ứng với dòng ngoại tệ dương, Việt Nam phải đưa nội tệ ra thị trường. Điều này cũng có thể là một nguyên nhân cộng thêm. Tôi muốn nhấn mạnh là có xu thế tăng đồng điệu trên phạm vi toàn cầu của thị trường tài chính nói riêng và các loại tài sản nói chung, và Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó.

Điều này tùy thuộc vào từng ngân hàng, khẩu vị rủi ro, danh mục đầu tư và đối tượng khách hàng mà họ đang có. Nhìn chung, các ngân hàng có báo cáo kinh doanh tốt, dự phòng nợ xấu cao. Tức các ngân hàng đã chuẩn bị tâm thế cho nợ xấu tăng và chuẩn bị cho những rủi ro có thể đến trong tương lai.

Do đó, tôi vẫn tin rằng, kết quả ngân hàng báo cáo hiện nay, nhìn chung vẫn phản ánh đúng diễn biến trên thị trường, sức khỏe khách hàng của họ và của chính họ.

Dòng tiền không đứng một chỗ mà liên tục chảy với nguyên tắc kênh đầu tư tạo lợi nhuận tốt sẽ là chỗ dòng tiền tập trung và khu trú trong thời gian nhất định. Tất nhiên, cái gì quá cũng dẫn tới bong bóng, nhưng với thị trường chứng khoán hiện nay chẳng hạn, liệu đã tăng nóng chưa? Giá nhiều cổ phiếu đã tăng, nhưng chỉ số P/E ở thị trường chứng khoán Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá chưa cao so với phần lớn thị trường chứng khoán khu vực và vẫn nằm ở ngưỡng hợp lý.

Chúng ta đang nói trong bối cảnh hiện nay, còn trong tương lai, nếu như các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả khác đi, kênh đầu tư phong phú hơn, chính sách về tài chính, tiền tệ thay đổi thì mọi thứ sẽ thay đổi theo. Chắc chắn rằng, sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với thị trường chứng khoán sẽ giúp cho các công ty niêm yết chủ động huy động và sử dụng nguồn vốn kinh tế hiệu quả hơn.

Rõ ràng Việt Nam đã ứng phó rất tốt với đại dịch, đặc biệt từ phía Chính phủ. Nếu chúng ta không kiểm soát được đại dịch ở tầm quốc gia, không thể có chuyện các doanh nghiệp tự xoay xở và vận hành khá hiệu quả như bây giờ. Có rất nhiều khó khăn, nhưng phải khẳng định, các doanh nghiệp Việt Nam xoay xở rất tài tình.

Có lẽ đây là một trong những tố chất đặc biệt của các doanh nhân Việt. Những khó khăn, thách thức như chiến tranh, thời kỳ hậu chiến, thiên tai bão lũ đã tôi luyện doanh nhân nói riêng và người Việt Nam nói chung, giống như trong người chúng ta đã có sẵn “DNA” để vượt qua nghịch cảnh. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng mạnh dạn thay đổi, nhanh chóng đưa ra quyết định chiến lược.

Có những doanh nghiệp ở quy mô lớn đã “spin-off”, tức bán hẳn mảng kinh doanh không thiết yếu. EY Việt Nam chứng kiến nhiều hoạt động như vậy trong năm 2020. Đây là những quyết sách, theo tôi, rất kịp thời, đúng đắn, để tập trung vào thế mạnh và chiến lược cốt lõi, để tồn tại và tiếp tục đi sâu, nghiên cứu và phát triển mạnh mẽ hơn.

Tại EY Việt Nam, chúng tôi cũng rất ngạc nhiên khi các dịch vụ liên quan tới tư vấn quản trị doanh nghiệp nở rộ thời gian qua. Ngạc nhiên là bởi, đáng lẽ trong lúc khó khăn, doanh nghiệp thường có xu hướng hạn chế chi tiêu ở những dịch vụ hoặc những việc chưa phải thiết yếu. Thực tế đang đi ngược lại khi có nhiều doanh nghiệp tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh đổi mới mô hình kinh doanh, quy trình hoạt động và hệ thống công nghệ, tranh thủ thời gian “yên lặng” để chuẩn bị nền tảng cho bước phát triển mạnh mẽ tiếp theo.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng rất quyết liệt trong việc quản trị chi phí để tăng hiệu quả hoạt động. Việc này không chỉ đem lại hiệu quả tài chính trước mắt, mà còn tạo nền tảng cho quá trình phục hồi, khi doanh thu có thể tăng trưởng trở lại. Theo tôi, đây là việc làm rất lành mạnh cho doanh nghiệp và nền kinh tế trong tương lai.

Đây là lúc doanh nghiệp phải nhìn lại mình một cách tổng thể, phải đánh giá lại chiến lược phát triển, xem có gì phải thay đổi hay không? Kể cả những doanh nghiệp vẫn kiên định với chiến lược đã đề ra, cũng nên đánh giá lại mô hình hoạt động của mình. Hiện thị trường đang thay đổi, người tiêu dùng thay đổi, cách tiêu dùng, giao tiếp cũng thay đổi theo. Doanh nghiệp cần phải xem xét mô hình nào phù hợp, công nghệ nào phù hợp cho hướng phát triển chiến lược của mình.

Theo quan sát của chúng tôi, những doanh nghiệp hiện đang thành công trên thị trường là những doanh nghiệp quyết liệt chuyển đổi. Những tên tuổi lớn đều sở hữu hệ thống quản trị thông tin và công nghệ dẫn đầu thị trường. Vì vậy, khi khó khăn, các doanh nghiệp này vẫn trụ lại, phát triển và tiếp tục dẫn đầu. Việc ứng dụng công nghệ, quản trị thông tin kết hợp tính đúng đắn của chiến lược kinh doanh sẽ phát huy hiệu quả, ngay cả trong giai đoạn thị trường đi xuống.

Một tín hiệu đáng mừng, không chỉ doanh nghiệp lớn, nhiều doanh nghiệp nhỏ cũng quan tâm tới quá trình số hóa. Khách hàng của chúng tôi, có những đơn vị, làm việc với nông dân sản xuất chế biến sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu, đã mạnh dạn đẩy mạnh quá trình số hóa. Tôi lấy ví dụ này vì số hóa trong nông nghiệp là cái gì đó tưởng còn khá xa tại Việt Nam. Thực sự, tôi thấy tầm nhìn của họ rất đúng đắn. Nếu tiếp tục đi con đường đó chắc chắn các doanh nghiệp này sẽ trở thành thế lực rất lớn trong ngành nông nghiệp Việt Nam và trên thế giới. Tất nhiên, đây là chặng đường rất gian nan.

Đầu tiên phải là chiến lược. Khi xác định được chiến lược rồi mới xem hệ thống quản trị thông tin và công nghệ nào phù hợp với chiến lược mà lãnh đạo đề ra. Công nghệ chỉ là công cụ để thực hiện chiến lược, chứ không phải yếu tố quyết định đến sự thành bại của doanh nghiệp, hoặc không phải là mục đích duy nhất. Mục đích của doanh nghiệp phải là chiến lược, khách hàng, thị trường. Những yếu tố khác chỉ là phương tiện để làm tốt hơn mục tiêu đó. Vì vậy, sẽ không có một mô hình và một công nghệ thông tin duy nhất. Để thành công trên thị trường, mỗi doanh nghiệp cần chiến lược riêng, nếu ai cũng giống ai thì rất khó để có sự khác biệt, lợi thế cạnh tranh riêng. Cái chính là chiến lược của mình phải khác biệt, mô hình phải phù hợp, lúc đó mới có công nghệ đi theo.

Ở đây có sự mâu thuẫn. Có nhiều nhà hoạch định chiến lược giỏi nhưng không quá thân thiện với công nghệ và quản trị thông tin, còn những người trẻ được trang bị kiến thức tốt về công nghệ lại không phải là chiến lược gia về kinh doanh và chưa biết phải làm gì với lượng thông tin khổng lồ mà công nghệ đem lại. Làm thế nào để hài hòa được sự phối hợp đó, theo tôi, khi chúng ta biết là chúng ta cần gì, muốn làm gì, thì chúng ta phải chủ động, cởi mở trong việc quản trị thông tin và ứng dụng công nghệ.

Cái này nói thì đơn giản, nhưng thực hiện rất khó. Tôi xin kể một câu chuyện. Một doanh nhân thành đạt, khách hàng của chúng tôi, rất lo ngại áp dụng công nghệ vì cho rằng công nghệ càng hiện đại, rủi ro càng lớn liên quan tới rò rỉ thông tin, bảo mật dữ liệu. Doanh nhân này cho rằng, khi làm phần lớn mọi thứ bằng tay thì rủi ro thất thoát là có, nhưng không mang tính hàng loạt. Khi xảy ra tấn công mạng, doanh nghiệp vẫn có thể giữ được những bí quyết kinh doanh chính. Đây là nhìn nhận bình thường, không phải vì doanh nhân đó lạc hậu hay cổ hủ.

Khi chúng tôi cố thuyết phục bằng cách đưa ra câu hỏi khác, ví dụ như với hệ thống như thế, anh cần bao nhiêu ngày để có một báo cáo? Câu trả lời là nếu làm bằng sức người, có thể ít nhất một tháng sau mới có. Nhưng doanh nghiệp sẽ quyết định kinh doanh như thế nào trên một báo cáo đã lạc hậu một tháng trong bối cảnh cả hoạt động của doanh nghiệp và thị trường đều thay đổi rất nhanh và liên tục? Đấy là chưa tính đến mức độ chi tiết và chính xác của thông tin tập hợp!

Doanh nhân đó giờ đang sở hữu một hệ thống quản trị thông tin và công nghệ hiện đại với chi phí đầu tư rất lớn. Từ việc hoài nghi với công nghệ, doanh nhân đó đang sở hữu một tập đoàn đa ngành, có thể nói là hàng đầu về quản trị thông tin và công nghệ ở Việt Nam và khu vực.

Tôi muốn khẳng định, làm gì cũng có rủi ro, đầu tư vào hệ thống quản trị thông tin và công nghệ cũng có rủi ro nhưng rủi ro này là có thể kiểm soát được. Nếu đã có tầm nhìn lớn thì phải xây dựng được hệ thống quản trị thông tin và công nghệ tiên tiến. Hầu hết các công ty có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển trong mỗi ngành kinh tế đều là những công ty phải có chất “digital”.

Trước tiên là mặt thể chế. Doanh nghiệp cần được tự do hoạt động kinh doanh, trong khuôn khổ pháp luật, đặc biệt với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với độ mở của nền kinh tế lớn, tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do, Việt Nam đã tiếp cận với 55 thị trường, kết nối 2/3 GDP toàn cầu, 3/4 dân số thế giới. Bằng việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại tự do với Vương quốc Anh trong năm 2020, Việt Nam đang nổi lên là một điểm sáng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Sức hấp dẫn của Việt Nam với thị trường quốc tế là đương nhiên và chắc chắn đây là cơ hội thịnh vượng không thể bỏ lỡ. Nhưng để doanh nghiệp FDI đến và yên tâm hoạt động lâu dài thì phải là thể chế, tự do bình đẳng trong kinh doanh chứ không chỉ những ưu đãi trước mắt.

Tuy nhiên, điều này cũng tạo nhiều áp lực cho doanh nghiệp Việt Nam khi phải cạnh tranh sòng phẳng hơn. Tôi tin rằng các doanh nghiệp Việt Nam, với bản lĩnh được trau dồi trong quá trình sinh ra và trưởng thành, có thể thích nghi được với những thách thức và mức độ cạnh tranh rất cao hiện nay.

Về phía doanh nghiệp, đây là lúc các doanh nghiệp cần xây được chiến lược dài hạn, không chỉ giúp tổ chức vượt qua khó khăn hiện nay, mà còn phát triển, cạnh tranh và trưởng thành trong tương lai. Muốn đi xa phải đi cùng nhau! Các doanh nghiệp Việt cần hợp tác, đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển. Chúng ta vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp đạt quy mô vượt khỏi tầm quốc gia. Câu hỏi là làm sao để có được nhiều doanh nghiệp như vậy? Chúng ta muốn chỉ hoạt động ở Việt Nam hay vươn ra khu vực? Tôi cho rằng đây là lúc chúng ta có nhiều cơ hội nhất.

Tôi may mắn được chứng kiến một vài tập đoàn như vậy. Ví dụ, một khách hàng của chúng tôi đã rất thành công trong lĩnh vực sản xuất. Đến lúc họ phải đưa ra một quyết định tiếp tục đầu tư hay dừng lại. Có hai luồng tranh luận ngay trong đội ngũ lãnh đạo cấp cao của tập đoàn này. Thứ nhất là dừng lại bởi ngành kinh doanh của họ rất khó khăn, rủi ro về cạnh tranh quốc tế không nhỏ, ngay cả cạnh tranh trong thị trường nội địa cũng rất lớn. Nhưng có một luồng ý kiến khác, nếu dừng lại thì không bao giờ tập đoàn lọt vào danh sách 50 công ty lớn nhất thế giới trong ngành, mãi mãi đứng ngoài. "Chúng ta sẽ để lại cho đất nước một dấu chấm nhỏ hay chúng ta muốn khi nhắc tới tên công ty thì đó phải là niềm tự hào của Việt Nam?". Lãnh đạo tập đoàn này đã tự đặt câu hỏi và cuối cùng quyết định làm dự án tiếp theo rất rất lớn và giờ thì đặc biệt thành công.

Chúng ta phải có khát vọng và biết cách hiện thực hóa khát vọng đó. Chúng ta phải rất cởi mở trong việc học hỏi công nghệ quản trị của quốc tế và ứng dụng công nghệ trong hoàn cảnh hiện nay. Cách đây 20 năm, Bill Gates đã nói ai làm chủ công nghệ thì sẽ là người thống trị thế giới trong các thập niên tới. Thực tế, khi nhìn những công ty như Facebook, Twitter, Google, họ được xem là những người thống trị thế giới hiện nay, bởi họ nắm giữ khách hàng, dữ liệu và công nghệ. Ai làm chủ công nghệ thì tốc độ phát triển sẽ nhanh hơn và mạnh mẽ hơn. Tôi cho rằng, không thể tách rời quản trị thông tin và công nghệ trong chiến lược kinh doanh hiện nay và giai đoạn tới.

Để làm điều này, người làm kinh doanh phải cởi mở và thay đổi cùng với công nghệ. Một người không giỏi được tất cả, nhưng có thể tìm người khác giúp đỡ. Doanh nghiệp có thể phối hợp với các công ty tư vấn, công ty công nghệ, startup, thậm chí sử dụng nhiều công ty tư vấn cùng lúc để có nhiều giải pháp lựa chọn. Nếu các doanh nhân cởi mở, phối hợp và sử dụng tốt các nhà cung cấp dịch vụ và nguồn lực công nghệ khác nhau trên thị trường thì chắc chắn sẽ thực hiện thành công mục đích và chiến lược kinh doanh của mình.

Năm nay, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng của toàn nền kinh tế, theo tôi là rất thách thức. Để đạt mục tiêu 6% hay 6,5% là bước nhảy rất lớn vì kinh tế Việt Nam đã giảm tốc, để tăng tốc trở lại không dễ, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang tiếp tục hoành hành tại nhiều quốc gia. Tôi nghĩ, bên cạnh kiểm soát tốt dịch bệnh như năm 2020, chúng ta cần phải linh hoạt và chủ động hơn để tận dụng được cơ hội đặc biệt này để tăng tốc phát triển.

Ví dụ, chúng ta nên có chính sách uyển chuyển, để làm sao các chuyên gia và dòng tiền tới Việt Nam nhanh nhất. Chính phủ có thể nghiên cứu xem xét cách mở cửa cho các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp đã tiêm vắc xin đến Việt Nam. Có thể kết hợp đưa ra các quy định về hộ chiếu/chứng chỉ tiêm chủng với xét nghiệm nhanh tại cửa khẩu một cách khoa học và an toàn, để cho phép nhập cảnh chọn lọc và trật tự, thay vì cách ly 14 ngày.

Việt Nam đã rất quyết liệt, linh hoạt và uyển chuyển trong phát triển kinh tế và chiến đấu với đại dịch năm qua và thành công đó được cả thế giới ghi nhận. Tuy nhiên, nếu chỉ vận dụng nội lực thì mục tiêu tăng trưởng năm 2021 sẽ gặp nhiều khó khăn. Cần có thêm xung lực mới, tạo ra những hứng khởi, dòng vốn mới, sự tự tin và nhịp độ cạnh tranh cao hơn để đạt được mục tiêu tăng trưởng mà Quốc hội và Chính phủ đề ra.