Bệnh viện Bộ Giao thông Vận tải

Bệnh viện Bộ Giao thông Vận tải

Cổ phần hóa bệnh viện: Ðừng để tăng nỗi đau

(ĐTCK) Khó ai có thể ngờ một cơ sở y tế lớn như Bệnh viện Bộ Giao thông Vận tải lại đang khổ sở đến cùng cực vì hết tiền, hết thuốc và hết cả nhân sự giỏi… 

Cuộc họp diễn ra hồi cuối năm 2016 của Bệnh viện đã phơi bày sự thật buồn và cho thấy phần nào sự thất bại của chính sách cổ phần hóa thí điểm của bệnh viện này. Vậy ai có lỗi, ai đau khổ?

Trước hết, những người đau khổ là đội ngũ những y bác sĩ, nhân viên đã gắn bó với Bệnh viện vài chục năm trời. Họ chẳng thể ngờ một ngày nọ, Bệnh viện sa sút đến mức hết cả thuốc để cứu người.

Hầu hết những người có năng lực đã ra đi, vậy là Bệnh viện thiếu người giỏi, chuyên môn kém, năng lực khám chữa bệnh không đảm bảo. Khỏi phải nói, bệnh nhân thiệt thòi đến mức nào.

Còn nhà đầu tư đã bỏ vốn vào Bệnh viện khi cổ phần hóa, sành sỏi trong kinh doanh, họ cũng không ngờ đầu tư vào lĩnh vực y tế lại “đoạn trường” như vậy. Làm gì để thuyết phục được các y bác sĩ, những người luôn giữ cái tôi rất cao trong mình?

Phải bao nhiêu năm mới đào tạo được một người giỏi nghề trong ngành y? Nhà đầu tư biết rõ điều này và họ không thể “thẳng tay” như nhiều ngành nghề khác.

Ðó là chưa kể, khi cổ phần hóa Bệnh viện, mọi sự chưa rõ ràng, nay giá trị Bệnh viện lại tính thêm khoản vốn ODA, khiến tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư từ chi phối rớt xuống chưa đủ cả quyền phủ quyết. Ở thế “cưỡi lưng hổ” tăng không được, thoái không xong, nhà đầu tư quá mệt mỏi.

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan chức năng mới đây, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, trước khi cổ phần hóa các bệnh viện, cần thực hiện qua một bước đệm khác.

Ðó là chuyển các bệnh viện nhà nước từ hình thức đơn vị sự nghiệp công lập sang phương thức doanh nghiệp công ích hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

Các bệnh viện phải công khai tình hình hoạt động, tình hình tài chính như doanh nghiệp niêm yết, phải thực hiện kiểm toán hàng năm, phải có Hội đồng quản trị từ 3 đến 5 thành viên (tùy quy mô bệnh viện ) và có Ban kiểm soát.

Giai đoạn này để các bệnh viện làm quen với cơ chế hạch toán đầy đủ và chi tiết, đẩy mạnh phong trào tự chủ tài chính, giảm dần tình trạng quan liêu, bao cấp trong điều hành bệnh viện. Sau đó, tiến hành cổ phần hóa các bệnh viện mạnh, đầu ngành và các bệnh viện tự nguyện cổ phần hóa.

Ðể cổ phần hóa thành công các bệnh viện thì chính sách cổ phần hóa bệnh viện phải có đặc thù, không giống như chính sách cổ phần hóa các DNNN.

Tạo dựng chính sách đặc thù để đảm bảo hệ thống bệnh viện công lập vẫn là hệ thống y tế của Nhà nước, tức là đảm bảo chính sách an sinh của Nhà nước cho toàn thể người dân, cho 100% đối tượng bảo hiểm y tế, cho người nghèo và cho các nhiệm vụ chính trị cấp bách.

Ðể kiểm soát tuyệt đối các hoạt động của bệnh viện, để đảm bảo chính sách an sinh thì Nhà nước phải nắm cổ phần chi phối trên 65%. Nhà nước cũng cần cho các nhà đầu tư biết, đầu tư vào bệnh viện không phải là lĩnh vực siêu lợi nhuận…

Không thể dùng ý chí để thay đổi, tái cơ cấu một tổ chức như các bệnh viện trong ngày một, ngày hai. Cổ phần hóa các bệnh viện công, chủ trương đúng và có thể là xu thế tất yếu, nhưng triển khai thực tế nếu không suy tính thấu đáo, hệ quả sẽ khôn lường.

Tin bài liên quan