Có thể thu hút 25,82 tỷ USD vốn ODA trong giai đoạn 2021-2025

0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2021-2025”.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, quy mô vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài có thể cung cấp cho Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 25,82 tỷ USD (tức khoảng 5,13 tỷ USD/năm).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, quy mô vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài có thể cung cấp cho Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 25,82 tỷ USD (tức khoảng 5,13 tỷ USD/năm).

Đây vẫn là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh nguồn lực trong nước có hạn.

Đã “tốt nghiệp” nhưng ODA vẫn là nguồn lực quan trọng

Đề án “Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2021-2025” vừa được Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt.

Theo Đề án, được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, trong giai đoạn 2016-2020, vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài huy động thấp hơn so với giai đoạn 2011 - 2015. Cụ thể, vốn ký kết giai đoạn 2016 - 2020 là 12,99 tỷ USD, giảm tới 51% so với giai đoạn 2011 - 2015.

Trong khi đó, tổng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước nước ngoài giải ngân trong giai đoạn này ước đạt 13,6 tỷ USD, giảm khoảng 41% so với giai đoạn 2011 - 2015, bình quân mỗi năm giảm 16%.

Có sự sụt giảm trong việc huy động và giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài thời gian qua chủ yếu là do sau khi Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình, các nhà tài trợ có sự điều chỉnh chính sách cung cấp vốn, đặc biệt là vốn vay ODA và viện trợ không hoàn lại.

Tuy vậy, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dù xu hướng ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trong giai đoạn 2016 - 2020 là giảm, nguồn vốn này vẫn đóng góp tích cực vào tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế.

Cụ thể, vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài vẫn đóng góp quan trọng trong vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách. Giải ngân luồng vốn này vẫn chiếm 3,33% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội (trung bình trong cả giai đoạn 2016 - 2019) và chiếm 18,08% tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài vẫn giữ vai trò đáng kể trong đầu tư từ ngân sách nhà nước, đóng vai trò chất xúc tác cho phát triển, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam và các quốc gia, tổ chức trên thế giới và khu vực.

“Mặc dù Việt Nam đã ‘tốt nghiệp’ sử dụng vốn vay ODA với lãi suất ưu đãi của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), trong thời gian tới, nguồn vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài vẫn là một trong những nguồn lực quan trọng để đầu tư cho những công trình cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm, có tính lan tỏa cao và quan trọng”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ quan điểm

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2021 - 2025, Việt Nam sẽ đặt trọng tâm vào việc phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, tập trung nhiều hơn vào tái cơ cấu, đổi mới mô hình và chất lượng tăng trưởng theo hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh khoa học - công nghệ, và đổi mới sáng tạo, công nghệ số, kinh tế số, phát triển cơ sở hạ tầng có tính kết nối cao, cải cách công tác quản lý nhà nước, dịch vụ công..., do đó, đòi hỏi nhu cầu vốn đầu tư rất lớn.

Bên cạnh đó, nhu cầu cải thiện đô thị do tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, dẫn đến sự gia tăng và quá tải hệ thống giao thông đô thị, môi trường, dịch vụ công cộng như y tế, giáo dục.

Chưa kể, còn các vấn đề như bất bình đẳng theo vùng miền, nhu cầu tái đào tạo phần lớn lực lượng lao động nhằm thích ứng với tốc độ phát triển của khoa học công nghệ, tái cơ cấu kinh tế, đặc biệt cách mạng công nghiệp 4.0… cũng đòi hỏi một nguồn vốn không nhỏ.

Tương tự, Việt Nam cũng đang đứng trước rất nhiều thách thức với các vấn đề mới nảy sinh mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đòi hỏi phải huy động một lượng vốn lớn để giải quyết.

“Vốn vay là cần thiết trong bối cảnh ngân sách nhà nước chưa đáp ứng được”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thì mặc dù Chính phủ đang tái cơ cấu nợ theo hướng tăng dần vay trong nước, nhưng quy mô và mức độ phát triển của thị trường trái phiếu trong nước còn khiêm tốn.

Trong khi đó, vay từ các ngân hàng thương mại thiếu khả thi do thiếu vắng cơ sở pháp lý. Các nguồn vay khác đều có những hạn chế nhất định về phạm vi và mục đích vay.

“Đối với ngân sách địa phương, vay lại vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài là nguồn vốn phù hợp nhất để tăng chi đầu tư phát triển. So với vốn vay trong nước, vốn vay nước ngoài có tính chắc chắn hơn, ít bị tác động của thị trường vốn ngắn hạn trong và ngoài nước, đảm bảo chủ động về vốn trong thời gian thực hiện”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Ưu tiên dành vốn ODA cho các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội

Tổng hợp thông tin từ các nhà tài trợ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, quy mô vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài có thể cung cấp cho Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 25,82 tỷ USD (tức khoảng 5,13 tỷ USD/năm).

Trong đó, vốn vay ODA chiếm khoảng 30,9%, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài chiếm khoảng 64,8%, ODA viện trợ không hoàn lại chiếm khoảng 4,3%. Nếu tính thêm lượng vốn chuyển tiếp từ giai đoạn trước, khả năng nguồn vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài dành cho Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ cao hơn.

“Tính toán cho thấy, nhu cầu vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài theo các kịch bản phát triển cũng như tổng hợp từ nhu cầu của địa phương và các bộ ngành đều không ảnh hưởng tới các chỉ số an toàn nợ công với các ngưỡng an toàn nợ công như quy định được đặt ra trong Kế hoạch nợ công 2021 - 2025 (theo đó, trần nợ công không vượt quá 60% GDP; nợ Chính phủ không quá 50% GDP)”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Theo khẳng định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với mức huy động tương đối thấp so với vay trong nước, ảnh hưởng của vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài tới nợ công trong giai đoạn tới là không đáng kể.

Hơn nữa, điều quan trọng, trong giai đoạn 2021-2025, vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài sẽ được dành cho một số lĩnh vực ưu tiên.

Cụ thể, vốn ODA không hoàn lại được ưu tiên sử dụng để thực hiện chương trình, dự án phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; tăng cường năng lực; hỗ trợ xây dựng chính sách, thể chế và cải cách; phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; an sinh xã hội; chuẩn bị các dự án đầu tư hoặc đồng tài trợ cho dự án sử dụng vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài nhằm làm tăng thành tố ưu đãi của khoản vay.

Vốn vay ODA được ưu tiên sử dụng cho các chương trình, dự án trong lĩnh vực y tế, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, hạ tầng kinh tế thiết yếu không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp.

Trong khi đó, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài được ưu tiên sử dụng cho chương trình, dự án vay về để cho vay lại theo quy định pháp luật về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi của Chính phủ; chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước trong lĩnh vực phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội.

Đồng thời, căn cứ nhu cầu thực tế, bổ sung lĩnh vực thảm họa, dịch bệnh, tăng trưởng xanh và đổi mới sáng tạo ưu tiên sử dụng vốn ODA không hoàn lại trong giai đoạn này.

Tin bài liên quan