Bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19 tạo ra cơ hội để các nhà phát triển bất động sản tích lũy quỹ đất.

Bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19 tạo ra cơ hội để các nhà phát triển bất động sản tích lũy quỹ đất.

Covid-19 kích hoạt hoạt động M&A

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đại dịch Covid-19 đã tạo ra cơ hội để các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mở rộng quy mô hoạt động thông qua mua cổ phần, dự án, hướng tới thâu tóm - sáp nhập (M&A).

Một số thương vụ nổi bật

Giữa tháng 10/2021, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam (C.P Việt Nam) đã mua 5,4 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC) từ PAN Group, nâng sở hữu từ hơn 4,34 triệu cổ phiếu (7,38%) lên 9,74 triệu cổ phiếu (16,56%).

C.P Việt Nam do Charoen Pokphand Foods Public Company Limited thuộc Tập đoàn C.P của Thái Lan sở hữu. Công ty này đang có các trang trại gồm lợn, gà, tôm, cá…, trong đó, khoảng 14 trại nuôi tôm nằm rải rác ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Vũng Tàu, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bạc Liêu, Bình Định, Sóc Trăng, Bến Tre, Kiên Giang. Quyết định gia tăng sở hữu tại FMC của Tập đoàn C.P là nhằm mở rộng chuỗi giá trị ngành chăn nuôi theo chiều dọc và đón đầu cơ hội phục hồi của ngành trong năm sau.

Một cái tên nổi bật trên thị trường M&A là Công ty cổ phần Bamboo Capital (BCG). Doanh nghiệp này liên tục thực hiện các thương vụ M&A để hướng đến một hệ sinh thái đa ngành, hiện có 30 công ty thành viên và liên kết, hàng chục dự án năng lượng, bất động sản.

BCG có 4 mảng kinh doanh chính gồm sản xuất, xây dựng, bất động sản và năng lượng tái tạo. Cuối tháng 9/2021, doanh nghiệp lấn sân sang mảng tài chính khi thông qua chủ trương mua lại 71% cổ phần Công ty cổ phần Bảo hiểm AAA, đồng thời hoàn tất thương vụ mua lại Công ty Chứng khoán Thủ đô (CASC).

Theo ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị BCG, lĩnh vực tài chính, bảo hiểm sẽ đóng vai trò hỗ trợ Công ty trong việc huy động vốn và tài trợ dự án. Ngoài ra, Công ty sẽ tiếp tục tìm kiếm các cơ hội đầu tư kinh doanh mới thông qua M&A, phù hợp với chiến lược phát triển đa ngành.

Tương tự, M&A là một chiến lược quan trọng cho sự phát triển của Công ty Phát triển bất động sản Masterise Homes (Masterise Homes), thành viên của Masterise Group. Theo đó, trong năm 2021, Masterise Homes liên tiếp thực hiện các thương vụ M&A, đáng chú ý là việc nhận chuyển nhượng hai lô đất có tổng diện tích khoảng 7,1 ha tại dự án Vinhomes Grand Park (Quận 9, TP.HCM) từ một công ty con của Công ty cổ phần Vinhomes.

Đại diện Masterise Homes cho hay, bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19 hình thành nên những cơ hội mới, bao gồm cơ hội để các nhà phát triển bất động sản tích lũy quỹ đất, tạo bàn đạp cho việc bứt tốc khi nền kinh tế và thị trường bất động sản trở lại quỹ đạo tăng trưởng.

Tại thị trường phía Bắc, Masterise Homes đã mua lại 6 toà căn hộ trong Vinhomes Ocean Park tại huyện Gia Lâm, Hà Nội và phát triển thành dự án Masteri Waterfront. Hiện doanh nghiệp đang triển khai dự án Masteri West Heights nằm trong đại đô thị Vinhomes Smart City Tây Mỗ (Hà Nội).

Trước đó, ngày 25/5/2021, Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) đã ký kết thỏa thuận với Emart Hàn Quốc về việc Thaco sẽ nhận chuyển nhượng 100% vốn của Emart Việt Nam (đến ngày 27/9, các bên đã hoàn tất giao dịch).

Sau đó vài ngày, Đại hội cổ đông thường niên 2021 của Thaco đã thông qua nghị quyết đổi tên công ty thành Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (Thaco Group) và thành lập Công ty TNHH MTV Thaco Auto, doanh nghiệp sẽ quản lý toàn bộ mảng sản xuất, phân phối và bán xe.

Với chiến lược kinh doanh “tập đoàn trong tập đoàn”, Thaco Group định hướng phát triển lĩnh vực thương mại theo hướng xây dựng hệ thống các trung tâm thương mại kết hợp với showroom ô tô theo mô hình “một điểm dừng - nhiều dịch vụ”, trong đó có showroom ô tô tại tầng trệt, siêu thị và khu ẩm thực, cửa hàng bán lẻ, trung tâm hội nghị và sân vườn.

Trong năm 2021, Thaco Group đã thực hiện tái cấu trúc theo phương án thành lập các tập đoàn con

(Sub-holding) và các tổng công ty thành viên trực thuộc. Sub-holding được nhìn nhận là mô hình phù hợp để hoàn thiện mảnh ghép hệ sinh thái ngày càng mở rộng của Thaco Group với 5 lĩnh vực: logistics, đầu tư - xây dựng, ô tô và cơ khí, nông - lâm nghiệp, thương mại.

Khối ngoại đẩy mạnh đầu tư

Số liệu từ nhóm nghiên cứu Diễn đàn M&A Việt Nam cho thấy, 8 trong số 10 thương vụ mua cổ phần có giá trị lớn nhất trong 3 quý đầu năm 2021 được thực hiện bởi các nhà đầu tư nước ngoài, tập trung vào những lĩnh vực tăng trưởng cao như bán lẻ, công nghệ giáo dục.

Thương vụ có giá trị lớn nhất là Alibaba Group và Baring Private Equity Asia mua lại 5,5% cổ phần The CrownX của Masan Group. Thương vụ trị giá 400 triệu USD này kỳ vọng sẽ giúp xây dựng năng lực kỹ thuật số của công ty bán lẻ, đẩy mạnh chuyển dịch từ offline sang online.

Trong lĩnh vực giáo dục, Công ty đầu tư KKR của Mỹ đã đầu tư 100 triệu USD vào Tập đoàn Giáo dục EQuest.

Một thương vụ lớn khác đang được triển khai là Tổng công ty Chăn nuôi Vilico (Vilico) sẽ sáp nhập Công ty cổ phần GTNFoods, với giá trị 203,5 triệu USD, nhằm mở rộng hoạt động trên thị trường chăn nuôi và chế biến thịt.

Được biết, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19-19 bùng phát, doanh nghiệp nội tham gia thị trường M&A với tư cách là bên mua dần gia tăng. Nếu như năm 2018, doanh nghiệp Việt Nam là bên mua chiếm 18% tổng giá trị giao dịch thì giai đoạn 2019 - 2020 chiếm 30%, giai đoạn 7/2019 - 7/2021 chiếm 49%.

Có những doanh nghiệp lớn ngồi trên “đống tiền” miễn nhiễm với khủng hoảng. Thông qua con đường tích lũy tài sản giá rẻ, họ từng bước trở nên lớn mạnh hơn và giành được lợi thế trước các đối thủ trong ngành. Một số doanh nghiệp chủ trương phát triển đa ngành, xem đó là trụ cột chiến lược để giữ được vị thế cạnh tranh.

Ông Raymond Clement, Giám đốc điều hành Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, đại dịch ảnh hưởng đến sự sự linh hoạt của thị trường và có thể là nguyên nhân dẫn đến một số thương vụ bán và chuyển nhượng ở quy mô lớn.

Dự báo, hoạt động M&A sẽ sôi động hơn kể từ đầu năm 2022 và có thể đạt tốc độ tăng trưởng 100% so với năm 2021.

Chuyên gia này dự báo, trong lĩnh vực bất động sản, dịch Covid-19 nhiều khả năng thúc đẩy những thương vụ M&A bất động sản nghỉ dưỡng nhanh hơn khi các bên mua - bán sẵn sàng đàm phán về mức giá phù hợp hơn trước. Tuy nhiên, phân khúc thu hút các nhà đầu tư nhất trong năm nay là văn phòng và đất dự án triển khai phức hợp căn hộ và thương mại dịch vụ. Riêng dòng sản phẩm khách sạn, trường hợp ở vị trí đắc địa vẫn được quan tâm, nhưng giá trị sẽ bị giảm nếu chào bán trong thời điểm này.

Theo ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam, khi đại dịch được kiểm soát, người dân được tiêm vắc-xin đầy đủ, hoạt động M&A sẽ sôi động hơn kể từ đầu năm 2022 và có thể đạt tốc độ tăng trưởng 100% so với năm 2021.

“Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn sẽ đóng vai trò chính trên thị trường M&A năm 2022. Gần đây, tôi nhận thấy sự quan tâm lớn của họ tới các doanh nghiệp Việt có tiềm năng phát triển. Có 4 nhóm nhà đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan rất quan tâm tới thị trường M&A Việt Nam”, ông Ái chia sẻ.

Diễn đàn M&A lần thứ 13 - năm 2021 có chủ đề “Cơ hội trong thị trường bùng nổ/Time to strike” sẽ thảo luận chuyên sâu các cơ hội khi Việt Nam đứng trước làn sóng M&A sôi động trở lại sau một thời gian dài bị dồn nén và đứt gãy bởi dịch bệnh. Với sự góp mặt của các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp trong nước và quốc tế, Diễn đàn sẽ mang tới một bức tranh toàn cảnh về thị trường M&A cũng như dự báo những xu hướng M&A mới trong thời gian tới.

Diễn đàn năm nay được tổ chức ngày 9/12/2021 bằng hình thức trực tiếp tại Khách sạn Mai House Saigon và trực tuyến qua nền tảng Zoom, đồng thời phát trực tiếp trên Fanpage và hệ thống báo điện tử của Báo Đầu tư.

Tin bài liên quan