Bị cáo Sơn tại Tòa

Bị cáo Sơn tại Tòa

Cựu giám đốc “ôm” 3,6 tỷ đồng trốn sang Séc lĩnh án 14 năm tù

(ĐTCK) Quá trình sinh sống ở Cộng hòa Séc, Sơn từng 2 lần bị cảnh sát Séc bắt giữ và đưa ra xét xử tại Tòa án Cộng hòa Séc đều về hành vi “cư trú bất hợp pháp”.

TAND TP Hà Nội vừa xử phạt đối với bị cáo Phùng Hữu Sơn (SN 1958, ở huyện Từ Liêm) mức án 14 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo cáo trạng, năm 1999, Sơn thành lập Công ty TNHH Minh Quang đăng ký kinh doanh mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm, ký gửi hàng hóa... Thời gian đầu, Công ty Minh Quang có hoạt động mua bán đồ gốm sứ với một số công ty của Đài Loan, Hàn Quốc.

Trong quá trình quan hệ kinh doanh, Sơn được các đối tác cho biết, có thể làm thư mời để Công ty Minh Quang cử nhân viên đi tu nghiệp sinh tại Đài Loan, Hàn Quốc.

Sơn đã chủ động bàn bạc với Nguyễn Thị Xuân Hòa (phó giám đốc, kiêm kế toán trưởng) lấy danh nghĩa công ty đứng ra thu hồ sơ và tiền, hứa hẹn làm thủ tục cho người đi lao động tại Đài Loan, Hàn Quốc với mục đích chiếm đoạt tiền của họ.

Để thực hiện ý đồ, Sơn đã bổ sung đăng ký kinh doanh ngành nghề "dịch vụ lao động, giới thiệu việc làm" nhằm đánh lừa người lao động. Thực chất công ty không có chức năng, nhiệm vụ tuyển dụng và đào tạo để đưa người lao động đi nước ngoài.

Khoảng tháng 6/1999, Sơn và Hòa đã liên hệ với một số người đứng ra làm đầu mối nhận hồ sơ và tiền của người lao động. Các bên thỏa thuận chi phí đi Hàn Quốc từ 2.500 USD-3.500 USD; đi Đài Loan từ 2.000 USD – 2.500 USD. Nếu trót lọt, các đầu mối được nhận hoa hồng từ 100 – 200 USD/hồ sơ.

Cơ quan điều tra xác định, Sơn đã chiếm đoạt của 107 người có nhu cầu đi lao động nước ngoài số tiền hơn 3,6 tỷ đồng.

Khoảng tháng 10/2000, khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án, Phùng Hữu Sơn bỏ trốn sang Cộng hòa Séc. Năm 2003, các đồng phạm của Sơn trong đó có Nguyễn Thị Xuân Hòa bị xử phạt tù từ 16 tháng 2 ngày tù đến 12 năm tù.

Đến tháng 10/2016, tức sau 13 năm, Sơn bị Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an bắt theo quyết định truy nã quốc tế.

Quá trình sinh sống ở Cộng hòa Séc, Sơn từng 2 lần bị cảnh sát Séc bắt giữ và đưa ra xét xử tại Tòa án Cộng hòa Séc đều về hành vi “cư trú bất hợp pháp”.

Trong vụ án này, Sơn được xác định với vai trò chủ mưu, cầm đầu. Toàn bộ số tiền người lao động nộp đều chuyển lại hết cho Sơn. Bị cáo cũng thừa nhận sử dụng số tiền trên vào mục đích cá nhân.

Về trách nhiệm dân sự, do bản án trước có hiệu lực pháp luật, các đồng phạm của Sơn đã khắc phục hậu quả thiệt hại. Do đó, những người này yêu cầu Sơn phải có nghĩa vụ hoàn trả lại cho họ. 

Tin bài liên quan