Đã cắt giảm được 3/4 số thủ tục hành chính trong BHXH, BHYT

Đã cắt giảm được 3/4 số thủ tục hành chính trong BHXH, BHYT

(ĐTCK) Trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, BHXH Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể, từng bước khẳng định chính sách BHXH, BHYT là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cụ thể, số người tham gia BHXH không ngừng tăng lên. Đến hết năm 2019, có khoảng 15,77 triệu người tham gia BHXH (chiếm khoảng 32,3% lực lượng lao động trong độ tuổi), tăng 12,9 triệu người so với năm 1995.

Trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện đã có sự tăng trưởng vượt bậc, đến hết năm 2019 là 574 nghìn người; riêng trong năm 2019 đã phát triển mới trên 300 nghìn người, bằng 10 năm thực hiện chính sách BHXH tự nguyện từ kể từ năm 2008-2018.

Số người tham gia BH thất nghiệp là 13,429 triệu người (chiếm khoảng 27,5% lực lượng lao động trong độ tuổi). Đặc biệt, số người tham gia BHYT là 85,945 triệu người (đạt tỷ lệ bao phủ 90% dân số), cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 21-NQ/TW.

Đi đôi với sự gia tăng của đối tượng tham gia, số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cũng liên tục tăng theo thời gian.

Cuối năm 2019, tổng số thu BHXH bắt buộc toàn Ngành đạt 242.982 tỷ đồng (tăng gần 312 lần so với năm 1995); thu BHXH tự nguyện đạt 2.379 tỷ đồng (tăng 216 lần so với năm 2008); thu BHTN đạt 17.405 tỷ đồng vào cuối năm 2019 (tăng 4,95 lần so với năm 2009); thu BHYT đạt 104.807 tỷ đồng (tăng 49,6 lần so với năm 2004).

Mặt khác, ngành BHXH cũng luôn chủ động đẩy mạnh thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và kiên quyết xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. Năm 2019, nợ BHXH còn khoảng 6.000 tỷ đồng (bằng 1,6% tổng số phải thu), mức thấp nhất trong lịch sử 25 năm phát triển Ngành.

Cũng theo thống kê trong 25 năm qua, toàn Ngành đã giải quyết cho trên 120 triệu lượt người hưởng trợ cấp một lần và các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe (bình quân mỗi năm trên 4,8 triệu lượt người). Trong đó, từ năm 2010 đến hết năm 2019 giải quyết cho gần 6,9 triệu người hưởng chế độ BH thất nghiệp. Đến cuối năm 2019, tổng số người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khoảng 3,2 triệu người (tăng 174% so với năm 1995).

Từ năm 2003 đến 2019, toàn Ngành đã phối hợp với các cơ sở y tế đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh (KCB) BHYT cho trên 1.924 triệu lượt người.

Số lượt người được KCB theo chế độ BHYT tăng nhanh qua từng năm: Nếu như năm 2000 mới chỉ có 28,1 triệu lượt người KCB BHYT, thì đến năm 2019 đã là trên 186 triệu lượt người. Giai đoạn 2010-2015, tốc độ tăng số lượt KCB BHYT khoảng 28%, thì đến giai đoạn 2015-2019, đã đạt 43%.

Đáng chú ý, thủ tục hành chính trong việc tham gia và giải quyết các quyền lợi về BHXH, BHYT ngày càng được cải tiến, rút gọn (từ 263 thủ tục hành chính năm 2012 xuống còn 27 năm 2019, tức đã cắt giảm được 3/4 thủ tục hành chính).

Trên 90% đơn vị, doanh nghiệp thực hiện kê khai đóng BHXH qua mạng Internet; thời gian thực hiện thủ tục hành chính trong giao dịch với các doanh nghiệp, cá nhân về kê khai tham gia BHXH, BHYT được rút ngắn từ 335 giờ/năm xuống còn 147 giờ/năm (số thời gian đi lại, chờ đợi tiết kiệm được lên tới hơn 3 triệu giờ/năm).

Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới tại Báo cáo môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2018 (Doing Business 2018) công bố tháng 10/2017, mức độ thuận lợi về môi trường kinh doanh của Việt Nam xếp thứ 68/190 quốc gia và vùng lãnh thổ (tăng 14 bậc so với Báo cáo 2017).

Trong đó, chỉ số nộp thuế, BHXH xếp thứ 86/190 (tăng 81 bậc so với Báo cáo 2017); nếu so với các nước Asean 4 và Asean 6, Việt Nam đứng thứ 4, sau Singapore (thứ 7/190), Thái Lan (thứ 67/190), Malaysia (thứ 73/190).

Về ứng dụng công nghệ thông tin của Ngành đã đạt được các kết quả ấn tượng như: xây dựng được một hệ thống chính phủ điện tử thông suốt trong toàn Ngành; hoàn thành việc cấp mã số định danh BHXH cho 97 triệu người dân, trong đó có gần 86 triệu người tham gia BHYT; đã cung cấp 18 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; Hệ thống tổng hợp và phân tích dữ liệu tập trung ngành BHXH, là nền tảng hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; Hệ thống thông tin giám định BHYT kết nối, liên thông giữa cơ quan BHXH với gần 100% cơ sở KCB BHYT trên phạm vi toàn quốc…

Đặc biệt, trong năm 2019, ngành BHXH đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp chính thức khai trương Cơ sở dữ liệu chuyên ngành BHXH và kết nối hệ thống thông tin quản lý hộ tịch qua Trục dữ liệu quốc gia (NGSP) phục vụ liên thông khai sinh, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Việc triển khai đồng bộ công tác ứng dụng CNTT trong các mảng hoạt động nghiệp vụ thời gian qua của Ngành đã làm thay đổi nhận thức, chuyển biến cơ bản cách thức quản lý, làm việc, giao dịch của lãnh đạo và cán bộ BHXH với người dân và doanh nghiệp.

Trong 03 năm liên tiếp (2017, 2018, 2019), tại “Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông (ICT-index) Việt Nam”, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đánh giá BHXH Việt Nam là cơ quan triển khai hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, dịch vụ công trực tuyến và được xếp hạng 2 trong Bảng xếp hạng chung khối Bộ, ngành có dịch vụ công.

Tin bài liên quan