Dấu ấn những thương vụ M&A tiêu biểu của thập kỷ

Dấu ấn những thương vụ M&A tiêu biểu của thập kỷ

(ĐTCK) “Bứt phá ngoạn mục” là một trong những thông điệp chính mà Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) muốn truyền tải ra công chúng trong ấn phẩm Báo cáo thường niên 2017, xuất bản mới đây. Nhìn lại 1 thập niên hoạt động, bên cạnh việc giữ vững vị thế trong các nghiệp vụ chính của CTCK hàng đầu trên TTCK, sự bứt phá ngoạn mục của BVSC được thể hiện rõ nét trong hoạt động tư vấn, với kết quả gần nhất là tư vấn thành công thương vụ thoái vốn gần 5 tỷ USD tại Việt Nam.

Dấu ấn thập kỷ

Năm 2008, lần đầu tiên tại Việt Nam, sự kiện Diễn đàn M&A được tổ chức trên quy mô toàn quốc bởi Báo Đầu tư và đối tác AVM theo sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ngay trong năm đầu tiên này, BVSC đã ghi danh là Công ty tư vấn tốt nhất Việt Nam 2008, bởi những thành quả và kinh nghiệm tư vấn vượt trội trên thương trường.

Liên tiếp trong các năm sau đó, hoạt động tư vấn, M&A tại Việt Nam lớn mạnh hơn nhiều và thị trường của các nhà tư vấn phải cạnh tranh mạnh mẽ hơn, nhưng BVSC vẫn giữ vững vị trí tiên phong trong nghề. Nhà tư vấn M&A tiêu biểu nhất giai đoạn 2009 - 2014, tổ chức tư vấn cổ phần hóa tiêu biểu nhất 2013 - 2014, Công ty chứng khoán tiêu biểu nhất hạng mục cổ phần hóa – thoái vốn DNNN 2015, công ty chứng khoán tiêu biểu Việt Nam hạng mục tư vấn hợp nhất năm 2016-2017… là những danh vị BVSC được Diễn đàn M&A thường niên ghi nhận, vinh danh trong 1 thập niên qua.

Phía sau những tấm bằng vinh danh là sự nỗ lực và nỗ lực liên tục mới có thể giữ vững vị thế và vượt qua chính mình. Với thế mạnh của doanh nghiệp là tư vấn cổ phần hóa, hợp nhất, sáp nhập, tái cấu trúc doanh nghiệp, năm 2017 BVSC một lần nữa “bứt phá ngoạn mục” khi hoàn thành tư vấn hợp đồng sáp nhập CTCP Đường Biên Hòa (BHS) vào CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT) với giá trị thương vụ 9.874 tỷ đồng, đặc biệt là dự án tư vấn chuyển nhượng vốn Nhà nước tại Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với giá trị chào bán lên tới 109.972 tỷ đồng.

Dấu ấn những thương vụ M&A tiêu biểu của thập kỷ ảnh 1

Đây là thương vụ M&A điển hình không chỉ trong khuôn khổ TTCK Việt Nam và còn ở tầm khu vực, góp phần đáng kể vào sự phát triển của thị trường tài chính Việt Nam, đồng thời nâng tầm uy tín thương hiệu cho BVSC.

Trước đó, BVSC cũng đã thực hiện tư vấn thành công nhiều thương vụ ghi dấu ấn lớn trên thị trường. Năm 2010-2011, BVSC tư vấn thành công dự án sáp nhập CTCP Ki Do và CTCP Thực phẩm Kinh Đô miền Bắc (NKD) vào CTCP Kinh Đô (KDC) với giá trị thương vụ đạt 921,2 tỷ đồng và dự án sáp nhập CTCP Vinpearl Đà Nẵng, CTCP Vinpearl Hội An cùng CTCP Phát triển và Dịch vụ Vincharm vào CTCP Vinpearl (giá trị thương vụ 1.637 tỷ đồng).

Sau đó, năm 2012, BVSC tiếp tục được tín nhiệm tư vấn cho dự án sáp nhập CTCP Vinpearl vào CTCP Vincom (VIC) với tổng giá trị 15.823 tỷ đồng. Đây là thương vụ sáp nhập lớn nhất trong các doanh nghiệp bất động sản và cũng là thương vụ sáp nhập đã hoàn thành lớn nhất trên thị trường chứng khoán vào thời điểm đó.

Thương vụ mua CTCP Nước khoáng Vĩnh Hảo của Masan Consumer năm 2013 và loạt sáp nhập các công ty mía đường trên sàn chứng khoán năm 2015-2016,… cũng là những thương vụ mang dấu ấn của nhà tư vấn đến từ Chứng khoán Bảo Việt.

Trong định hướng phát triển tương lai, BVSC cho biết, Công ty đặt mục tiêu đẩy mạnh dịch vụ tư vấn để giữ vững thương hiệu nhà tư vấn M&A hàng đầu trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Đây là mục tiêu của một mảng nghiệp vụ cụ thể trong 5 nghiệp vụ chính của một CTCK.

Năm 2018, BVSC đặt mục tiêu cho mảng hoạt động tư vấn hướng tới thu phí thành công qua các thương vụ M&A và thu xếp vốn cho doanh nghiệp và dự kiến doanh thu hoạt động này sẽ tăng khoảng 30% so với kết quả năm 2017. Đây là mức tăng trưởng dự kiến cao nhất so với các hoạt động môi giới, tư doanh, lưu ký…

Tăng trưởng vững bền

Trong tầm nhìn của Ban lãnh đạo BVSC, tăng trưởng kết quả kinh doanh của khối các doanh nghiệp trên sàn sẽ tiếp tục là yếu tố hỗ trợ thị trường trong năm 2018. Tuy nhiên, mức tăng trưởng lợi nhuận đột biến như trong năm 2017 (+27,5%) nhiều khả năng sẽ khó lặp lại.

Dựa trên dự báo của Bloomberg và hiệu chỉnh theo dự phóng kết quả 2018 của các doanh nghiệp lớn, BVSC dự báo tăng trưởng EPS của thị trường là +12%. Dự báo này đồng nghĩa với giả định nếu mức định giá P/E của chỉ số VN-Index không đổi, chỉ số VN-Index sẽ tăng trưởng 12% vào thời điểm cuối năm sau.

Định hướng chính sách tiền tệ của Chính phủ về điều hành cung tiền, tăng trưởng tín dụng và mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục là yếu tố có ảnh hưởng tích cực đến biến động mặt bằng giá cổ phiếu trong năm 2018.

Hoạt động thoái vốn doanh nghiệp nhà nước và lộ trình niêm yết của các doanh nghiệp lớn trên sàn sẽ tiếp tục là yếu tố hỗ trợ thị trường. Với xu hướng IPO, lên sàn niêm yết của các doanh nghiệp lớn dự báo vẫn sẽ sôi động trong năm 2018, giúp tăng tính hấp dẫn của TTCK, đặc biệt ở các doanh nghiệp thuộc ngành ngân hàng, bất động sản, tiện ích…

Cùng với đó, triển vọng nâng hạng TTCK Việt Nam lên nhóm các thị trường mới nổi sẽ tạo kỳ vọng cho dòng tiền. Mặc dù quá trình xem xét nâng hạng nhiều khả năng sẽ kéo dài và còn khá nhiều vấn đề cần khắc phục để được MSCI chấp thuận, tuy nhiên triển vọng nâng hạng đối với TTCK Việt Nam là khá rõ nét. Trong 1-2 năm tới, nếu đạt được các bước tiến cụ thể, có thể kỳ vọng MSCI sẽ đưa Việt Nam vào danh sách đánh giá thường niên.

Mặc dù thị trường khá thuận lợi, tuy nhiên quan điểm điều hành doanh nghiệp, ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc BVSC lại hướng nhiều đến sự phát triển bền vững và cân bằng. Sự đảo chiểu của thị trường chứng khoán luôn có tiềm ẩn xảy ra bất cứ lúc nào, do đó, Công ty không thể thành công khi chỉ hướng đến các mục tiêu tăng trưởng kinh doanh ngắn hạn mà bỏ quên những mục tiêu phát triển về con người, môi trường và xã hội.

Từ tầm nhìn này, BVSC tiếp tục nỗ lực thực hiện Báo cáo phát triển bền vững (năm thứ 6) đánh giá các mặt hoạt động của Công ty trong tác động đến kinh tế - xã hội - môi trường. Đây là hành động thực tế để góp phần khẳng định uy tín của BVSC trên thị trường cũng như niềm tin dài hạn đối với các bên liên quan.

BVSC xác định phát triển bền vững không chỉ là một xu thế tất yếu trong thời kỳ hội nhập, mà còn là triết lý kinh doanh và khát vọng của những doanh nghiệp và doanh nhân chân chính. Trong hoạt động tư vấn, ông Hòa cho rằng, sự bền vững thể hiện ở việc phải thấu hiểu đối tác, bên mua, bên bán và nhà tư vấn phải làm cách nào để gắn kết được các bên liên quan trong mục tiêu chung vì sự phát triển dài hạn và cùng thắng.                      

Lắng nghe để thấu hiểu

Ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc BVSC

Để xây dựng một kế hoạch hành động nhằm gắn kết với các bên liên quan, chúng tôi chọn phương pháp “lắng nghe để thấu hiểu”. Trong năm 2017, thông qua các kênh tiếp cận thông tin nhằm thu nhận ý kiến phản hồi từ các bên liên quan, chúng tôi đã có cơ hội tiếp cận sâu hơn với những ý kiến, thấu hiểu hơn mong đợi của các bên đối với hoạt động của Công ty.

Với mỗi bên liên quan, chúng tôi sử dụng kênh tiếp cận thông tin phù hợp nhằm ghi nhận các ý kiến phản hồi và đánh giá tầm quan trọng của các vấn đề. Nắm bắt được thông tin, ghi nhận những phản hồi, thấu hiểu, để từ đó chúng tôi xây dựng kế hoạch đầu tư phân bổ nguồn lực hợp lý nhằm đáp ứng mong đợi của các bên liên quan, cũng như đảm bảo cho sự phát triển bền vững của BVSC. Chúng tôi tin rằng, những thành tựu đạt được đã và sẽ tiếp tục nối dài hành trình phát triển bền vững 19 năm qua của BVSC.