Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ.

Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ.

Đề xuất hạ giá trần vận chuyển hành khách nội địa đi/đến sân bay Cần Thơ

0:00 / 0:00
0:00
Đây là một trong những giải pháp vừa được Cục Hàng không Việt Nam đề xuất nhằm tăng cường khai thác đi/đến sân bay Cần Thơ và các sân bay khác thuộc Đồng bằng sông Cửu Long.

Cục Hàng không Việt Nam vừa đề xuất Bộ GTVT một loạt giải pháp nhằm mở rộng kết nối mạng đường bay quốc tế nhằm sớm đưa Cần Thơ trở thành một trung tâm vận chuyển hàng không quan trọng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của cả khu vực.

Theo đó, cơ quan quản lý Nhà nước về hàng không đề xuất Bộ GTVT áp dụng mức giá dịch vụ hàng không do Nhà nước quy định đối với toàn bộ các chuyến bay quốc tế, nội địa đi/đến Cần Thơ (thường lệ, không thường lệ) đến hết năm 2025 bằng 30% khung giá và từ 2026 - hết 2030 bằng 70% khung giá; đồng thời điều chỉnh giá trần vận chuyển hành khách nội địa thường lệ trên các đường bay nội địa đi/đến Cần Thơ bằng 80% so với khung độ dài đường bay hiện tại thí điểm từ nay đến hết năm 2022.

Cục Hàng không Việt Nam cũng kiến nghị Bộ GTVT nâng cao năng lực phục vụ tại sân bay Phú Quốc (bổ sung quầy làm thủ tục, nhân lực phục vụ…), sớm đưa sân bay Cần Thơ đảm bảo khai thác 24/7 để có thể tiếp nhận các chuyến bay quốc tế trong khung giờ tối và sớm có kế hoạch nâng cấp, cải tạo và mở rộng các cảng hàng không Cà Mau, Rạch Giá có khả năng tiếp nhận tàu bay A320/321 nhằm đẩy mạnh tiềm năng du lịch, kết nối giao thương trong nước và khu vực.

Bên cạnh việc miễn thị thực cho hành khách người nước ngoài trên các chuyến bay quốc tế trực tiếp đến sân bay quốc tế Phú Quốc, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất áp dụng tương tự như đối với khách nước ngoài trên các chuyến bay quốc tế trực tiếp đến sân bay Cần Thơ và có kế hoạch lưu trú tại TP. Cần Thơ tối thiểu 2 đêm.

Cục Hàng không Việt Nam đề nghị tăng cường xây dựng các chương trình du lịch có trọng tâm, trọng điểm đối với các đối tượng khách du lịch quốc tế và nội địa đến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để phát huy thế mạnh vùng, kết nối sản phẩm du lịch vùng với các địa phương khác để cung cấp cho khách du lịch các sản phẩm đa đạng, đồng bộ.

Theo lịch bay mùa Hè 2022, các hãng hàng không Việt Nam đang khai thác các đường bay từ Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Vinh, Thanh Hóa, Nha Trang và Huế đi/đến các cảng hàng không thuộc Đồng bằng sông Cửu Long (bao gồm: Cần Thơ, Phú Quốc và Cảng hàng không Cà Mau, Rạch Giá) với tổng tần suất khai thác 657 chuyến bay khứ hồi/tuần, tăng 351 chuyến bay khứ hồi/tuần so với lịch bay mùa Đông năm 2019, thời điểm trước dịch Covid-19.

Đối với hoạt động bay quốc tế, các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài như China Southern Airlines (Trung Quốc), Asiana Airlines, Jeju Air, Jin Air (Hàn Quốc) và Vietnam Airlines, Vietjet Air có kế hoạch khai thác các đường bay quốc tế từ Quảng Châu, Incheon, Singapore đi/đến Phú Quốc từ tháng 5 và 6 năm 2022 với tổng tần suất khai thác 45 chuyến bay khứ hồi/tuần.

Theo đánh giá của Cục Hàng không Việt Nam, ngoại trừ đường bay đến Phú Quốc đang được các hãng hàng không Việt Nam khai thác tương đối hiệu quả (chủ yếu là từ nguồn khách du lịch) thì các đường bay đi đến các cảng hàng không khác thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như Cần Thơ, Rạch Giá, Cà Mau (chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại nội tại của bà con nhân dân khu vực này, chưa có nhiều khách du lịch) chưa thực sự mang lại hiệu quả cho hoạt động khai thác của các hãng hàng không.

Các đường bay quốc tế vừa mới trong giai đoạn phát động thị trường 2019-2020 đã vướng đại dịch nên hiện tại bây giờ phải triển khai lại từ đầu.

Bên cạnh đó, mức giá vé của các hãng hàng không trên các đường bay đi/đến các cảng hàng không thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nằm trong khung giá theo quy định và các hãng đều có chính sách, chương trình ưu tạo điều kiện cho người dân có cơ hội tiếp cận dịch vụ hàng không.

Sản phẩm du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhìn chung chưa có tính liên kết vùng, hợp nhất thành sản phẩm chung (sản phẩm du lịch trọn gói, kết nối đồng thời nhiều tỉnh) mà chủ yếu từng địa phương quảng bá riêng rẽ, thậm chí tương đồng nhau mà đồng thời nhiều địa phương cùng phát triển, quảng bá như du lịch miệt vườn (thăm vườn trái cây, nghe đờn ca tài tử...), du lịch sông nước (thăm chợ nổi trên sông, đi ghe thuyền trong các kênh rạch...), thăm các cơ sở tôn giáo thờ tự... nên chưa tạo thành một xu thế thích “du lịch Đồng bằng sông Cửu Long” của khách du lịch; các nhóm khách thời gian trước dịch cho đến nay vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, kết hợp công tác là chính.

Tin bài liên quan