Đề xuất thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay 1.000 đồng mỗi lít

0:00 / 0:00
0:00
Do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc đề xuất mức giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay còn 1.000 đồng/lít, áp dụng cho năm 2022.
Các máy bay đỗ ở Sân bay Nội Bài. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN).

Các máy bay đỗ ở Sân bay Nội Bài. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN).

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa phản hồi đề nghị của Bộ Tài chính về việc góp ý hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay.

Trên cơ sở phân tích và phản ánh từ các doanh nghiệp, hiệp hội, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc với đề xuất mức giảm thuế môi trường với nhiên liệu bay còn 1.000 đồng/lít, áp dụng trong năm 2022.

Theo VCCI, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trong năm 2021 đã làm ảnh hưởng rất tiêu cực đến ngành hàng không, nên đề xuất giảm mức thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay là rất cần thiết, nhằm hỗ trợ kịp thời cho ngành hàng không trong quá trình phục hồi sau đại dịch.

Hiện, dự thảo đang đề xuất mức thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay là 1.500 đồng/lít (giảm 50% so với mức 3.000 đồng/lít tại Nghị quyết 57/2018/UBTVQH14).

Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, hiệp hội, việc hỗ trợ cho ngành hàng không cần mạnh mẽ hơn nữa. Cụ thể, điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay xuống còn 1.000 đồng/lít (áp dụng trong năm 2022).

Lý do đưa ra là ngành hàng không đã trải qua 2 năm bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh COVID-19, năm sau nặng hơn năm trước.

Theo số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, doanh thu năm 2021 của các hãng tiếp tục giảm nặng nề so với năm 2020 và có thể sụt giảm đến hơn 65% doanh thu so với năm 2019.

Mặt khác, dòng tiền hoạt động của các hãng hàng không bị thiếu hụt nghiêm trọng, nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của các hãng lên tới 50.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, việc phục hồi nền kinh tế và việc đi lại bằng đường hàng không còn nhiều bất định do sự xuất hiện của các biến chủng mới. Khi đó, chính sách hỗ trợ mạnh mẽ ở mức cao sẽ là “liều thuốc” giúp doanh nghiệp và ngành hàng không tiếp tục gắng gượng và tạo đà để hồi phục.

Từ phân tích này, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc đề xuất mức giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay còn 1.000 đồng/lít, áp dụng cho năm 2022.

Tin bài liên quan