ĐHCĐ VIB: Tăng vốn lên trên 11.00 tỷ đồng và niêm yết sàn HOSE cuối năm 2020

ĐHCĐ VIB: Tăng vốn lên trên 11.00 tỷ đồng và niêm yết sàn HOSE cuối năm 2020

(ĐTCK) Sáng ngày 30/06/2020, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (UPCoM: VIB) đã tổ chức đại hội cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2020 thông qua kế hoạch kinh doanh 2020 và kế hoạch tăng vốn điều lệ.

Tăng vốn và niêm yết sàn HOSE

Tại ĐHCĐ, trả lời cổ đông về việc niêm yết cổ phiếu VIB trên sàn HOSE, Chủ tịch HĐQT VIB ông Đặng Khách Vỹ cho hay, VIB dự kiến niêm yết trên HOSE vào tháng 11/2020. 

Đồng thời, Ngân hàng trình phương án tăng vốn điều lệ bằng phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 20%, từ 9.245 tỷ đồng đồng lên 11.094 tỷ đồng.

Sau khi được ĐHCĐ thông qua, VIB sẽ tiến hành song song, một mặt phát hành cổ phiếu thưởng, và khoảng tháng 11 sẽ niêm yết trên HOSE. 

Với nguồn vốn tăng thêm, VIB dự kiến sẽ dành phần lớn 1.349 tỷ đồng để tăng cường cấp tín dụng; 300 tỷ đồng cho đầu tư tài sản thanh khoản; 100 tỷ đồng để nâng cấp mạng lưới chi nhánh và 100 tỷ đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, sản phẩm và năng lực quản trị rủi ro. Việc tăng vốn được dự kiến thực hiện trước ngày 31/12/2020.

Sau khi tăng vốn điều lệ thành công, danh sách cổ đông lớn sở hữu cổ phần VIB vẫn không thay đổi: Commonwealth Bank of Australia (CBA) vẫn là cổ đông sở hữu 20% vốn VIB. Tổng số cổ phần sở hữu của cổ đông nước ngoài vẫn là 20,24%, trong đó 0,06% là nhà đầu tư cá nhân và 20,18% là nhà đầu tư tổ chức.

ĐHCĐ VIB: Tăng vốn lên trên 11.00 tỷ đồng và niêm yết sàn HOSE cuối năm 2020 ảnh 1

CBA đã thông báo cách đây hơn 1 năm, quyết định thay đổi chiến lược, bán đi tài sản của CBA tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Cách đây hơn một năm rưỡi, CBA cũng đã đóng chi nhánh CBA tại Việt Nam. Hiện nay, CAB và VIB không có bất kỳ vấn đề gì về hợp tác, lý do là CBA thay đổi chiến lược đầu tư. VIB mong CBA sẽ giữ lại sự hợp tác với VIB tại Việt Nam.

ĐHCĐ VIB cũng trình cổ đông thông qua việc miễn nhiệm 2 thành viên HĐQT đã có đơn xin từ nhiệm từ tháng 7/2019 là ông Michael John Murphy và ông Timothy lan Oldham. Hai ông này xin từ nhiệm ngày 16/7 và cùng ngày HĐQT đã ban hành nghị quyết chấp thuận đơn từ nhiệm.

Từ 16/7/2019, hai ông Michael John Murphy và Timothy lan Oldham đã dừng toàn bộ hoạt động, nghĩa vụ, trách nhiệm đối với tư cách thành viên HĐQT của ngân hàng. Cơ cấu HĐQT VIB nhiệm kỳ hiện tại (2019 - 2023) còn lại 5 thành viên, trong đó có 4 thành viên thông thường và 1 thành viên độc lập.

Mục tiêu lợi nhuận 4.500 tỷ đồng, 6 tháng hoàn thành 52%

 Báo cáo tại đại hội, VIB cho biết, năm 2019, các chỉ tiêu tài chính của ngân hàng đều tăng trưởng mạnh và hầu hết đạt, vượt kế hoạch. Trong đó, lợi nhuận trước thuế ở mức 4.082 tỷ đồng, tăng gần gấp rưỡi so với năm 2018 và vượt 20% kế hoạch; tổng tài sản tăng 33% đạt trên 184 nghìn tỷ đồng, vượt 1% kế hoạch, huy động vốn (gồm cả huy động vốn khách hàng và phát hành giấy tờ có giá) tăng 47% và vượt 10% kế hoạch.

Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn bình quân (ROEA) đạt 27,1% - thuộc nhóm cao nhất toàn ngành. Tỷ lệ nợ nợ xấu kiểm soát ở mức 1,68% trên tổng dư nợ, giảm 23% so với năm trước đồng thời ngân hàng cũng không còn nợ xấu tại VAMC. Ngân hàng tiếp tục dẫn đầu trong các mảng kinh doanh cốt lõi.

VIB là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng bán lẻ cao và chất lượng hàng đầu thị trường. Kết thúc năm 2019, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ tăng trưởng 46% và chiếm 82% tổng dư nợ toàn ngân hàng. VIB là một trong những ngân hàng đầu tiên áp dụng Basel II và là ngân hàng đầu tiên hoàn thành cả 3 trụ cột của Basel II.

Hệ số an toàn vốn CAR theo Basel II đạt 9,7% - cao hơn nhiều mức 8% quy định. Song song đó ngân hàng cũng kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng với tỷ lệ nợ xấu thấp.

Năm 2019, VIB được Moody's nâng xếp hạng tín nhiệm cơ sở lên B1, chỉ số đánh giá rủi ro đối tác lên mức Ba3 và xếp hạng tiền gửi dài hạn nội tệ, ngoại tệ ở mức B1 - thuộc nhóm có xếp hạng cao nhất tại Việt Nam.

Về kế hoạch 2020, phát biểu tại ĐHCĐ, ông Đặng Khắc Vỹ cho biết, VIB trả cổ phiếu thưởng tỷ lệ 20% và lợi nhuận năm nay ít nhất 4.500 tỷ đồng.

Cụ thể, năm 2020, VIB đặt kế hoạch lại trước thuế đạt 4,500 tỷ đồng, tăng 10% so với kết quả năm 2019. Tổng tài sản dự kiến đến cuối năm 2020 đạt 222,000 tỷ đồng, tăng trưởng 20% so với đầu năm.

Chỉ tiêu dư nợ tín dụng tăng 24% so với đầu năm, dự kiến đạt 164,408 tỷ đồng. Trong đó, bao gồm cho vay khách hàng, trái phiếu doanh nghiệp và mua nợ. Mức tăng trưởng tín dụng tối đa không vượt hạn mức mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.

Chỉ tiêu huy động vốn tăng 19%, dự kiến đạt 166,120 tỷ đồng, bao gồm cả tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá.

Nếu kế hoạch tăng vốn thành công, VIB sẽ kiểm soát tỷ lệ huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn dưới 37%, hệ số CAR theo Basel II trên 8%.

Đồng thời, VIB cũng dự kiến tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản bình quân (ROA) là 1.8% và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) là 25%. Tỷ lệ LDR dưới 85%.

Trả lời cổ đông về kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm nay, lãnh đạo VIB cho biết, lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2020 của VIB dự kiến đạt khoảng 52% kế hoạch cả năm, do đó kế hoạch lợi nhuận 2020 trình ĐHĐCĐ như trên là khả thi với niềm tin Việt Nam sẽ dần hồi phục kinh tế sau dịch Covid-19.

Theo VIB cho biết, để hỗ trợ khách hàng ảnh hưởng bởi dịch covid-19, ngân hàng chủ động hỗ trợ giảm lãi suất từ 0.5% - 2% cho các khách hàng có nợ trung dài hạn có nguy cơ ảnh hưởng bởi dịch Covid với dư nợ được hỗ trợ lãi suất lên đến hơn 8,700 tỷ đồng.

Cũng theo HĐQT VIB, trong 3 năm trở lại đây không có nợ xấu lớn phát sinh, khẩu vị rủi ro đã thay đổi linh hoạt, trung bình khoảng 3 tháng, còn chỉnh khẩu vị rủi ro 1 lần, hiện nay VIB không có doanh nghiệp có nợ xấu lớn. 97% khách hàng có tài sản bảo đảm.

Với việc hoàn tất 52% chỉ tiêu lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm nay được xem là cơ sở để VIB hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm 2020. Tuy nhiên, HĐQT VIB cũng cho biết, nếu diễn biến thị trường phức tạp cũng sẽ xem xét để điều chỉnh, nhất là ảnh hưởng dịch covid-19 vẫn còn. 

Tin bài liên quan