ĐHĐCĐ BIDV (BID): Dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 10.623 tỷ đồng lên mức 61.208 tỷ đồng trong năm 2022

ĐHĐCĐ BIDV (BID): Dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 10.623 tỷ đồng lên mức 61.208 tỷ đồng trong năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) ĐHĐCĐ 2022 đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với mức lợi nhuận trước thuế đạt 20.600 tỷ đồng.

Dư nợ tín dụng tăng trưởng 12,5%, đảm bảo tuân thủ hạn mức tín dụng do NHNN giao. Huy động vốn phù hợp với mức sử dụng vốn và cân đối với tốc độ tăng trưởng tín dụng với dự kiến tăng 13% trong năm nay. BIDV là một trong những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tương đối thấp trong hệ thống, chỉ 0,82%. Trong năm 2022, nhà băng này tiếp tục đặt mục tiêu duy trì tỷ lệ này ở mức thấp dưới 1,6%.

Trước băn khoăn của cổ đông về mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong năm 2022, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV cho biết, trong những năm qua, BIDV luôn duy trì chênh lệch thu chi ở mức cao, nhưng đồng thời ngân hàng cũng trích lập dự phòng để nâng cao chất lượng tín dụng. BIDV là một trong những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp, 0,82% năm 2021. Chính vì vậy, năm 2022, với chất lượng tín dụng được kiểm soát tốt hơn, tỷ lệ trích lập dự phòng tốt hơn, chúng tôi đặt kế hoạch lợi nhuận tốt hơn trong năm nay.

Một yếu tố được lãnh đạo BIDV cho biết là nền tảng để hoàn thành được mục tiêu đặt ra đó là kết quả kinh doanh đến hết quý I/2022. Ông Lê Ngọc Lâm cho biết, dư nợ tín dụng đạt trên 1,4 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 4,7%; Huy động vốn đạt trên 1,5 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 1,4%; Tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11 kiểm soát ở mức 0,77%; Tỷ lệ trang trải nợ xấu đạt trên 286%; Lợi nhuận trước thuế đạt 4.235 tỷ đồng, tăng 36,8%. Tổng tài sản đạt trên 1,8 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 4,9% so với đầu năm.

Liên quan đến câu hỏi của cổ đông về kế hoạch phát hành riêng lẻ thêm 9%, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết, Ngân hàng dự kiến phát hành từ 2 cấu phần từ lợi nhuận trước thuế để lại và phát hành riêng lẻ. Con số 9% là kế hoạch được thực hiện trong 2 năm 2022-2023 và phải thực hiện được. Về mức giá kỳ vọng, BIDV sẽ triển khai theo quyết định của nhà nước và tình hình thị trường. Và đặc biệt phát hành riêng lẻ phải phù hợp tiêu chí của nhà đầu tư và tuân thủ các quy định pháp luật

“Hiện nay, hệ số CAR riêng lẻ của BIDV là 8,6% và hệ số CAR của các ngân hàng nhà nước cũng ở mức thấp hơn nhiều so với các ngân hàng thương mại cổ phần. Do vậy, khối ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước cũng đang đề xuất Chính phủ có nhiều giải pháp để chúng tôi tăng vốn điều lệ để cải thiện hệ số CAR”, ông Tú nói.

Đối với hệ sinh thái của BIDV, ông Lâm cho biết bao gồm bảo hiểm, đầu tư tài chính, chứng khoán. Với mảng bảo hiểm phi nhân thọ, hiện BIDV có Công ty Bảo hiểm BIC, là một trong những công ty được thị trường đánh giá cao. Công ty này BIDV đã có cổ đông chiến lược là tập đoàn bảo hiểm thuộc 1 tập đoàn lớn của Canada hiện đang hoạt động hiệu quả và đóng góp tốt cho mảng bảo hiểm của BIDV.

“Với mảng bảo hiểm nhân thọ, BIDV cũng đang hợp tác với công ty bảo hiểm của Hoa Kỳ. Tới đây, BIDV cũng xem xét bàn lại cấu trúc sở hữu hợp lý với công ty bảo hiểm này, phù hợp với xu hướng của thị trường. BIDV có rất nhiều phương án để có lựa chọn tốt nhất, đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông”, ông Lâm nói.

Ông Tú chia sẻ thêm, tính đến cuối năm 2021, nợ cơ cấu Covid-19 của Ngân hàng khoảng 25.262 tỷ đồng và khả năng phục hồi 95%. Tuy nhiên, số liệu nợ xấu từ năm nay trở về sau, Ngân hàng dự kiến chắc chắn sẽ còn nhiều khó khăn do đó nhiều khả năng nợ xấu sẽ tăng lên nhưng BIDV vẫn đảm bảo nợ xấu dưới thấp bởi ngân hàng có tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro lớn.

Định hướng chiến lược phát triển trong giai đoạn 2022 - 2025, HĐQT BIDV đặt ra một số mục tiêu tăng trưởng trong giai đoạn này như sau: Tổng tài sản tăng trưởng bình quân 8-12%, dư nợ cuối kỳ và huy động vốn tăng trưởng lần lượt 8-12,5% và 8-13%. Lợi nhuận trước thuế được kỳ vọng tăng từ 19-26% mỗi năm. ROE luôn cao hơn 12,5% trong cả giai đoạn, đồng thời duy trì hệ số CAR đảm bảo quy định của NHNN.

Năm 2022, Ngân hàng cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 10.623 tỷ đồng lên mức 61.208 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 21%. BIDV dự định tăng vốn thông qua hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 và phát hành thêm cổ phần bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.

Cụ thể, Ngân hàng sẽ phát hành thêm hơn 607 triệu cổ phiếu (tương đương 12% số cổ phần đang lưu hành) để trả cổ tức năm 2021 từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Theo đó, BIDV có thể huy động 6.070 tỷ đồng theo phương thức này.

Bên cạnh đó, BIDV dự kiến tăng vốn điều lệ thêm hơn 4.552 tỷ đồng thông qua phát hành thêm hơn 455 triệu cổ phần bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.

Ngân hàng cũng bầu thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới 2022 - 2027 với các thành viên gồm:: ông Phan Đức Tú, ông Lê Ngọc Lâm, bà Nguyễn Thị Thu Hương, ông Trần Xuân Hoàng, bà Phan Thị Chinh, ông Ngô Văn Dũng, ông Phạm Quang Tùng, ông Lê Kim Hoà, ông Yoo Je Bong, ông Nguyễn Văn Thạnh.

Tin bài liên quan