Ông Nguyễn Đình Trạc, tân Tổng giám đốc Tập đoàn DL1

Ông Nguyễn Đình Trạc, tân Tổng giám đốc Tập đoàn DL1

DL1: Thay đổi để lớn mạnh!

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với những thay đổi khá rõ nét như tái định hướng ngành nghề đầu tư kinh doanh, kiện toàn nhận sự cao cấp, chuyển trụ sở, đổi tên công ...mã chứng khoán DL1 của Công ty Cổ phần tập đoàn Năng lượng Tái tạo Việt Nam đang chuyển mình cho một chặng đường mới. Đầu tư Chứng khoán có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Đình Trạc, tân Tổng giám đốc Tập đoàn bên thềm đại hội cổ đông 2021.

Trước hết xin chúc mừng Ông vừa được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc của Công ty Cổ phần tập đoàn Năng lượng Tái tạo Việt Nam (Mã chứng khoán: DL1). Xin ông chia sẻ một số thông tin liên quan đến những thay đổi đang diễn ra với Công ty trong thời gian gần đây?

Xin cảm ơn!Trước hết phải nói đến là những thay đổi từ bên trong đã được xẩy ra từ lâu khi chúng tôi tiến hành sáp nhập các dự án bất động sản cũng như đầu tư và sáp nhập mảng năng lượng mặt trời. Để hoàn thiện và gia cố cho một chiến lược tăng trưởng dài hạn chúng tôi đã chọn ba ngành nghề như là ba mũi nhọn chiến lược để tạo nền tảng vững chắc cho bước đường phát triển sắp tới.

Cụ thể, ba ngành nghề chính đã hình thành và đang được củng cố gồm i) ngành năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời áp mái, trang trại và điện gió; ii) các dự án bất động sản căn hộ và đất nền khu dân cư; iii) sản xuất thiết bị điện tử, điện gia dụng để xuất khẩu và cung cấp cho thị trường trong nước, cũng như tiến tới cung cấp bán thành phẩm làm đầu vào cho các tập đoàn nước ngoài tại Việt Nam.

Việc kiện toàn bộ máy lãnh đạo, cụ thể là nhân sự hội đồng quản trị và ban điều hành, nhằm phục vụ cho tham vọng chiến lược nói trên, thưa ông?

Đúng vậy, chúng tôi cho rằng yếu tố con người là quyết định. Chúng tôi đang từng bước kiện toàn bộ máy lãnh đạo và điều hành tạo tiền đề cho chiến lược dài hạn. Chúng tôi đang triển khai nhiều dự án lớn như điện gió Ia Boòng – Chư Prông, dự án có công suất 50MW, với tổng mức đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng, dự án đã được UBND tỉnh Gia Lai vừa chấp thuận cho nhà đầu tư là CTCP Năng lượng tái tạo Chư Prông làm chủ đầu tư ngày 16/11/2020; dự án bất động sản Golden Land 900 căn hộ nằm trên trên khu đất có diện tích 11.623m2, đường Huỳnh Tấn Phát, phường Tân Thuận Tây, quận 7, Tp.HCM,… việc mời gọi một số nhân sự quốc tế tham gia ban lãnh đạo nhằm huy động đa dạng nguồn lực cho các dự án đó và những dự án sẽ triển khai săp tới.

Việc chọn ngành chiến lược hiện là những ngành “hot”như NLMT và đang gặp khó khăn sau thời gian phát triển ồ ạt, ông nghĩ như thế nào?

Trong cuộc sống tôi thì tin nhiều vào chữ “duyên”, nhưng việc chọn ngành nghề chiến lược thì chúng tôi có tầm nhìn xa về vấn đề đó.

Cụ thể, trước hết nói về ngành năng lượng tái tạo, xuất phát từ nhu cầu điện trong dài hạn cho một đất nước có gần 100 triệu dân và nhu cầu điện cho sản xuất đang tăng lên nhanh chóng, bên cạnh đó, Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 11/02/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đánh giá việc phát triển ngành năng lượng nói chung và phân ngành điện nói riêng đã thể hiện ý chí chính trị về việc đánh giá tầm quan trọng và đẩy mạnh phát triển ngành năng lượng thì đây là cơ hội rất tiềm năng cho các nhà đầu tư. Mặc dù, trước mắt một số dự án năng lượng tái tạo đang gặp một vài khó khăn như giải phóng công suất, chi phí lãi vay, chờ đợi chính sách giá mới (FIT3),... tuy nhiên, với những dự án có vị trí tốt và có nguồn vốn rẻ vẫn là cơ hội rất hấp dẫn.

Về ngành bất động sản: các dự án chúng tôi tham gia đang gặp khó khăn do một vài yếu tố thủ tục pháp lý, cũng là tình trạng chung như nhiều dự án trên địa bàn Tp. HCM, tuy nhiên, với sự ra đời của Nghị định 148/2020/NĐ-CP cùng với Luật Đầu tư 2020, Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020,… đã giúp các dự án của chúng tôi từng bước được tháo gỡ và đang được triển khai thực hiện.

Đối với ngành sản xuất thiết bị điện, điện gia dụng và điện tử xuất khẩu, hiện chúng tôi đã có thị trường quốc tế rất lớn và ổn định với hạ tầng sản xuất hiện đại đồng bộ tại Khu công nghệ cao Tp. Thủ Đức và sắp tới chúng tôi sẽ mở rộng nhà máy sản xuất tại Bình Dương và Đà Nẵng.

Tình hình dịch bệnh Covid-19 tác động như thế nào đến hoạt động kinh doanh của công ty, thưa ông?

Không ngoại lệ, dịch Covid-19 đã tác động rõ rệt đến hoạt động kinh doanh của chúng tôi. Đó cũng là lý do mà chúng tôi đặt kế hoạch kinh doanh năm 2021 khá khiêm tốn. Covid-19 đã tác động tiêu cực manh mẽ đến mọi ngõ ngách của toàn cầu từ việc thiếu hụt cầu rồi đến đứt gẫy về cung, ách tắc sản xuất, lưu thông,...

Đối với dịch vụ vận tải và bến xe bãi đỗ của công ty đang bị tác động rõ rệt, đối với mảng sản xuất xuất khẩu của chúng tôi, về mặt cầu tiêu thụ không giảm đáng kể nhưng chi phí tăng lên do giá nguyên liệu đầu vào và cước vận chuyển tăng lên. Tuy nhiên, người xưa có câu “trong nguy có cơ”, trong lúc này chúng tôi nhìn thấy những mảng trống của thị trường trong và sau đại dịch, hiện chúng tôi đang tiến hành nghiên cứu sản xuất một số sản phẩm mới như băng dán diệt khuẩn, máy khai báo y tế tự động,...và nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường sau dịch.

Thế giới sẽ thay đổi manh mẽ sau đại dịch Covid-19, cái gọi là “bình thường mới” tất sẽ tốt hơn cái “bình thường”, (cười!).Hiện tại, các thị trường mục tiêu của chúng tôi đang ổn định trở lại và với chiến dịch tiêm chủng toàn dân trong nước được thực hiện nhanh chóng, thời gian tới hoạt động kinh doanh sẽ trở lại bình thường.

Hiện tại, giá cổ phiếu DL1 giao dịch quanh khoảng 10.000đ/cp và hầu như thanh khoản rất thấp, ông có ký kiến gì về vấn đề này?

Giá và thanh khoản của cổ phiếu trên thị trường là cung cầu quyết định. Tôi cho rằng đối với DL1, hiện tại đang là giai đoạn “trồng” chưa phải giai đoạn “gặt” và với tiềm năng trong trung và dài hạn như nói trên tôi tin chắc là giá cổ phiếu sẽ phản ánh được giá trị thực của công ty và sẽ được công chúng đầu tư đón nhận.

Tin bài liên quan