Đô thị ven sông Hồng: Qua thời dân ngại qua cầu!

Đô thị ven sông Hồng: Qua thời dân ngại qua cầu!

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự thay đổi đáng kể trong vài năm vừa qua là xu hướng di dân sang phía bờ kia sông Hồng khi người dân không còn tâm lý “qua cầu” và khu phía Đông Hà Nội cũng đang có cơ hội để bứt phá trở thành trung tâm của chuỗi cung ứng dịch vụ, thương mại và công nghiệp.

Đó cũng là những chia sẻ của nhiều chuyên gia tại Diễn đàn “Quy hoạch đô thị ven sông Hồng chuyên đề 2: Điểm sáng phía Đông” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức sáng 25/10.

Trao đổi tại Diễn đàn, ông Đỗ Viết Chiến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, câu chuyện khai thác khu vực sông Hồng vào cảnh quan chung của Hà Nội đã được khởi nguồn từ năm 1998 với đồ án 5.

Đến năm 2011, phê duyệt lại Quy hoạch thành phố Hà Nội vẫn khẳng định phải khai thác giá trị cảnh quan sông Hồng thông qua việc phát triển khu vực hai bên sông và cho đến nay, Hà Nội vẫn kiên trì thực hiện theo định hướng Quy hoạch 1259/QĐ-TTg, “Về phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”.

Đánh giá về tiềm năng phát triển, ông Chiến cho biết, khu vực phía bắc và phía đông đang có xung lực phát triển rất mạnh. Với khu vực phía bắc, tầm nhìn của các nhà quy hoạch cho thấy phía bắc thủ đô là sân bay quốc tế và sẽ tiếp tục mở rộng trong tương lai. Đây chính là lực hút lớn cho khu vực này, giúp tốc độ đô thị hóa nhanh so với các khu vực khác.

Cảng biển nước sâu của Hà Nội nằm ở khu vực phía đông. Không phải ngẫu nhiên các hành lang lớn như đường 5 cũ, đường 18… đều nằm ở phía đông. Do đó, khu vực phía đông sẽ là cực đô thị hóa nhanh chóng so với khu vực phía nam và phía tây.

Ông Chiến nhận định, cho đến hiện tại, phía Bắc và phía Đông, khu vực Đông Bắc sẽ là những vùng phát triển rất nhanh trong thời gian tới.

Với quy hoạch sông Hồng, từ những năm 2016-2017 khi Hàn Quốc cùng thành phố Hà Nội được Nhà nước cho phép đã tính khai thác cảnh quan và tạo thành phố hai bên sông. Tuy nhiên để thực hiện được điều này, theo ông Chiến, công tác giải phóng mặt bằng và hạ tầng phải đi trước và đưa an toàn thoát lũ lên hàng đầu.

“Quy hoạch phân khu của sông Hồng là một trong những bước tiến lớn của Hà Nội và phải tổ chức triển khai ngay, nhưng hiện nay mới dừng ở mức quy hoạch. Nếu không triển khai nhanh, quỹ đất ven sông, nguồn lực để nuôi đô thị sẽ bị triệt tiêu. Hiện nay, bãi Tứ Liên đã thành khu đô thị tự phát” – ông Chiến nói và kiến nghị “để quản lý, trên cơ sở phân khu, các hành lang cấm, hạn chế xây dựng bắt buộc lập hồ sơ và cắm mốc ngoài thực địa và giao cho chính quyền địa phương quản lý từng khu vực. Dù còn ít nhưng phải giữ được”.

Bà Nguyễn Lan Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Quy hoạch kiến trúc, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội nhấn mạnh, trước đây các quy hoạch nhỏ lẻ, rời rạc của quá trình quy hoạch chưa tạo được tính thực tiễn và chưa được hiện thực thành công.

Đến ngày 25/3/2022, Hà Nội phê duyệt đề án phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở), với quy mô gần 11.000 ha, thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện.

“Đề án lần này đã thay đổi cách tiếp cận, theo nguyên tắc thuận thiên lấy phòng chống lũ làm hàng đầu, cải tạo khu vực dân cư hiện hữu đảm bảo chất lượng sống cho dân cư hai bên sông, bảo tồn các công trình di tích…, kết hợp khai thác quỹ đất mới để tạo lập diện mạo hai bên sông hồng, tạo không gian hài hòa phát triển”, bà Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh.

Cùng với đó, Đề án đảm bảo các định hướng, tuân thủ Quy hoạch chung tại Quyết định 1259/QĐ-TTg đã được phê duyệt cũng như các quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật và các pháp luật đê điều, nhấn mạnh tính hiện trạng thực tiễn dân cư hiện có.

Theo đó, đại diện Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội nhấn mạnh tới 3 khu vực chính, khu vực dân cư được tồn tại phát triển không gian sinh thái, bảo tồn tính tự nhiên, khu vực được xây dựng mới phần còn lại là khu vực trục không gian xanh bao gồm: sông Hồng, các công viên đô thị, công viên sinh thái ở bãi sông.

“Như vậy, trục không gian cây xanh mặt nước chiếm gần 80% là yếu tố quan trọng quyết định sông Hồng thành không gian cảnh quan, không gian xanh của thủ đô Hà Nội”, bà Lan Hương nhấn mạnh.

Ông Trần Hoàng Linh – Trưởng phòng Quy hoạch Kiến trúc (Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội) cho biết, từ góc độ quản lý quy hoạch, kiến trúc cũng như sản phẩm đề án này đã thể hiện rõ quan điểm của Hà Nội khi tiếp cận, xây dựng đề án theo đánh giá của các cơ quan quản lý có tính “thuận Thiên”, phù hợp với các điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay.

Đến nay, thành phố đã phê duyệt hai phân khu là phân khu sông Hồng và phân khu đô thị sông Đuống. Hai đề án này liên quan đến hai con sông đi qua Hà Nội, việc đồng ý phê duyệt hai đề án chính là công cụ quan trọng để triển khai dự án. Mặc dù sông Đuống có quy mô chỉ khoảng 1.500 ha, nhưng tiềm năng của sông Đuống không kém với tiềm năng của sông Hồng.

"Điển hình, sông Hồng có ba yếu tố là: Khu vực khai thác; Khu vực cộng đồng; và Khu vực bảo tồn; thì sông Đuống cũng có thế mạnh riêng, có điểm liên quan đến logistics, mặc dù phát triển dân cư không nhiều nhưng quỹ đất của sông Đuống cũng tương đối để có thể sử dụng vào các mục đích lớn ngoài phát triển đô thị. Như vậy, chúng ta có thể tham khảo thêm cho việc phát triển, đầu tư bất động sản", ông Linh chia sẻ.

Ông Trần Hoàng Linh khẳng định thêm, về phát triển quy hoạch sông Hồng nói riêng, Sở Kiến trúc đã có tham mưu với UBND thành phố Hà Nội để thực hiện. Sau khi quy hoạch xây dựng, các cấp chính quyền, cũng như các Sở, ngành triển khai phải lập ranh giới giữa các khu dân cư. Trên cơ sở ranh giới đó, chúng ta sẽ triển khai các quy hoạch chi tiết để bảo tồn, tôn tạo các khu dân cư, bổ sung các hạ tầng xã hội, hạ tầng kĩ thuật cho khu này. Đối với các khu trên cơ sở quy hoạch này, Đông Anh đã đề xuất các dự án và làm cơ sở để đấu giá, đấu thầu dự án.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Hoàng Đình Khiêm – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển địa ốc Vietstarland cho rằng, sự phát triển của thành phố mới, những dịch chuyển từ khu phố cổ sang khu phố mới tạo ra thành phố kinh doanh thương mại sầm uất đa chiều. Những nhà kiến tạo như VinGroup, nhà sáng lập Ecopark sẽ tạo đại đô thị, bất động sản “sống” có thể neo đậu trước mọi biến cố thị trường.

Hiện nay, với những biến động của khu vực bên ngoài, diễn biến khó lường của thị trường bất động sản, cùng việc trong vòng 5 năm tới các chuỗi cung ứng từ Trung Quốc có xu hướng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam tại Bắc Giang và Bắc Ninh…, quy hoạch thành phố hai bên bờ sông Hồng, trục tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Móng Cái - Vân Đồn, các đại đô thị tạo mặt tiền mới của thủ đô Hà Nội.

Và trong tương lai, với việc phát triển thực sự về bất động sản, Đồ án quy hoạch sông Hồng sẽ biến Hà Nội thành điểm đến của các du khách quốc tế và các nhà đầu tư. Bất động sản ở đây sẽ chống lại được lạm phát và sự phát triển không ổn định của thị trường.

Tin bài liên quan