Doanh nhân Lý Thái Hưng

Doanh nhân Lý Thái Hưng

Doanh nhân Lý Thái Hưng, CEO Hưng Cúc:Tôi yêu những cánh đồng bát ngát

Phía trước bàn làm việc của doanh nhân Lý Thái Hưng - Giám đốc Công ty Hưng Cúc là bức tranh một con thuyền giữa biển cả đầy sóng gió và sau lưng là bức tranh cánh đồng lúa chín vàng. Ông Hưng bảo, con thuyền là ngày đầu khởi nghiệp và cánh đồng vàng là hiện tại và tương lai của doanh nghiệp.

Tiếng là con giám đốc (cha là cán bộ tập kết ra Bắc, năm 1974, làm Giám đốc Xí nghiệp Chế biến nông sản Thái Bình), nhưng nhà ông vẫn nghèo. Ông nhớ suốt đời một buổi sáng mùa đông giá rét, đói quắt ruột, nhìn bạn con nhà khá giả có bánh mì ăn, thèm khủng khiếp nhưng không dám xin. Lúc đó, ông đã nhói trong đầu: “Sau này làm sao có nhiều tiền để không đói và không để con cái đói khổ như mình”.

“Năm 1983, một sĩ quan trẻ như tôi chuyển ngành, khởi nghiệp bằng “dự án” đi buôn rau muống, chắc cũng không nhiều”, ông Hưng tiếp tục câu chuyện. Sáng dậy sớm đạp xe mấy chục cây số về huyện Tiền Hải mua rau muống mang về Thị xã bán. Tháng sau, chuyển sang buôn ngô, buôn mít, ngồi giữa chợ Bo bán chẳng ngại ngần. Rồi “lóc cóc” đạp xe ra Hải Phòng, Quảng Ninh buôn “lậu” sắt, mảnh kính vỡ. 

Khởi nghiệp liên tiếp thất bại       

Ông bảo, cái số ông gắn với thóc gạo nên trước ngày mở cửa hiệu chữa xe đạp, ông được gọi vào ngành lương thực và nhanh chóng trở thành cán bộ kinh doanh giỏi. Ông bảo gặp may, vào ngành lương thực đúng thời cơ chế mới, phù hợp với tạng người quyết liệt, dám làm, dám chịu. Ông cũng là người đầu tiên dám thuê ô tô chở gạo lên các tỉnh miền núi bán.

Lần đầu, ông chở 6 tấn gạo vào tận bản Thín, huyện Lộc Bình, Lạng Sơn. Bán xong lại mua đồng hồ, bia, quạt, bật lửa… đem về xuôi. Nhẩm thấy lãi to, nhưng rốt cuộc vẫn “tính cua trong lỗ”, vì nhiều chỗ không thu được tiền, riêng mấy ngàn chai bia, chỉ  mấy ông chủ nhiệm HTX và bạn bè giải khát sạch.

Ông lại lao vào làm trả nợ đậy và nung nấu tìm đường buôn bán với nước ngoài. Đầu năm 1989, ông Hưng quyết định “chẳng thể liều hơn”. Không có tiền, ông ứng tiền Công ty, mua gạo và thuê 2 tàu chở gạo và thóc sang Trung Quốc bán, mua kính đem về Việt Nam. Theo tính toán, 2 tàu sẽ vượt cửa biển Ba Lạt (Thái Bình) vào lúc 7h tối, đi thẳng 3 tiếng để rẽ trái sang Trung Quốc. Nhưng một tai nạn ập đến bất ngờ, hơn cả phim phiêu lưu mạo hiểm. Tàu đi trước vượt ngon lành, đè sóng thẳng tiến. Tàu sau do ông chỉ huy vừa ra đến cửa biển thì bị mất lái. Thuyền trưởng vội vàng thả neo, nhưng rồi neo cũng mất. Thế là tàu rơi vào trạng thái trôi tự do. Đúng 7 ngày 7 đêm lênh đênh trên biển, lúc đó lại chưa có điện thoại di động hay các thiết bị thông tin khác, nên hoàn toàn mất liên lạc, không biết mình trôi dạt đến đâu. 

Đến đêm thứ 7, đài báo có gió mùa Đông bắc, tới cấp 7. Thuyền trưởng nghe xong khiếp quá, họp toàn bộ tàu và hỏi Giám đốc Hưng: “Anh có muốn sống không”, “Ai chả muốn sống”, “Vậy thì vứt vợi thóc gạo đi”. “Bây giờ vứt thóc gạo đi, tao có sống thì về cũng chết”… Thế rồi họ lôi lợn ra giết, mang rượu ra uống say lúy túy và kêu gào bố mẹ thảm thiết.

“Nghe thủy thủ la ó, kêu gào, chưa bao giờ tôi có cảm giác buồn chán và thất vọng đến thế. Nằm tầng trên, gió nổi, gió rít, sóng như ngôi nhà rầm rầm đổ xuống như nuốt chửng con tàu. Tất cả chui vào chăn mặc con tàu vật lộn. Chưa bao giờ thấy cận kề cái chết đến vậy”, ông Hưng hồi tưởng.

Khoảng 3h đêm, bỗng nhiên thấy tiếng “kịch kịch” rất mạnh. “Chắc va vào đá ngầm”. Thủy thủ say không biết gì, tôi cầm sào phóng thấy đất. Biển lúc này không nổi sóng. Sáng ra tàu nằm chênh trên cạn, lúc đầu tôi nghĩ chắc tàu dạt vào một đất nước, châu lục nào. Nhưng, thật bất ngờ, như chuyện hoang tưởng, tàu lại dạt lên chính Cồn Vành, ngay cửa biển Ba Lạt (Thái Bình).

Ngay lập tức, ông Hưng lao về thị xã. Vợ con tưởng chết đã thắp hương khóc lóc. Hỏi ra: “Tàu số 1 sang đến nơi, thông tin về Việt Nam, không thấy tàu của ông Hưng đâu, họ đoán chắc là đắm rồi”. Không một ngày nghỉ ngơi, ông Hưng quyết định thuê tàu khác xuống bốc mạn, tiếp tục vượt biển… Rồi tàu cũng sang đến nơi. Bán hàng xong, nằm đợi hàng tháng trời mới lấy được kính mang về. Ngày đi ngô mới gieo, ngày về đôi bờ bắp đã vàng hoe.

Nhưng kính Trung Quốc về nhiều quá không bán được. Ông Hưng lại thuê tàu chở vào miền Nam bán. Thật là họa vô đơn chí, “vận đen” liên tiếp. Tàu chở kính vượt biển vào cảng Vĩnh Long. Đêm đó không hiểu thế nào mà một  chiếc láp chở sắt đứt dây đâm vào, biến tàu thành hình chữ V. Đối tác mua kính thấy vậy liền cho ngay một xe Ka - mát mới mua chưa kịp đăng ký ra chở kính. Vì lái xe chưa có kinh nghiệm, xếp nhiều quá lộn xe, không những hỏng xe mà còn vỡ mấy chục kiện kính. Đối tác thiệt hại kêu trời, nhưng vẫn chia sẻ và thực hiện phương thức đổi gạo.

Hết đen lại đến xui, gạo miền Bắc lúc này cung vượt quá cầu. Vừa về đến Thái Bình, ông Hưng lại phải thuê 2 tàu chở gạo ra Quảng Ninh bán. Tàu tới Quảng Ninh trót lọt. Chiều cửa biển đẹp, một thủy thủ xếp mấy viên gạch đứng tắm. Đêm nước xuống, tàu đè lên gạch, vỡ tàu, nước ào vào ướt gạo. Gạo đã ngấm nước mặn chỉ có đổ đi nên phải bán tống, bán tháo. Chủ tàu đề nghị phải có hàng về để vớt vát. Ông lại tặc lưỡi chấp nhận lấy 2 tàu than. Về đến Thái Bình, thả neo ở cảng. Đêm đến lại đứt neo, cả hai tàu trôi dọc sông. May có người cứu được.

Khó mà hình dung nổi, chỉ trong hơn nửa năm trời, ông Hưng đã trải qua hành trình: mang gạo thóc sang Trung Quốc bán - mua kính về Thái Bình - đem kính vào Nam bán - chở gạo về Thái Bình -  chở gạo ra Quảng Ninh - chở than về Thái Bình. Chừng ấy thời gian mà bao nhiêu tai ương, vận rủi, ông Hưng lỗ mấy chục triệu đồng, lúc ấy tương đương gần 100 cây vàng. 

Trăn trở với thương hiệu Gạo Việt

Khởi đầu chật vật, nhưng chỉ 4 năm sau, ông đã trả hết nợ và đứng lên với sự ra đời của Công ty TNHH Hưng Cúc, chuyên chế biến, kinh doanh xuất khẩu lương thực với một nhà máy công suất 16 tấn gạo/giờ.

Cách đây 4 năm, ông xây dựng Nhà máy thứ 2 với cơ sở vật chất, máy móc hiện đại, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Công ty đã hợp tác với các đối tác nước ngoài, mỗi năm xuất khẩu hàng nghìn tấn gạo. Năm 2015, Công ty xuất khẩu được trên 24.000 tấn gạo, doanh thu đạt trên 12 triệu USD. Công ty đang là nhà cung cấp gạo cho các đơn vị trong Quân đội, các tập đoàn lớn như Samsung…

Theo Giám đốc Lý Thái Hưng, gạo Việt Nam, nhất là gạo miền Bắc chất lượng ngon, hình thức đẹp, thuộc hàng gạo ngon của châu Á. Nhưng để có gạo ngon để xuất khẩu, sánh ngang giá trị với gạo một số nước thì vẫn còn những điều cần phải thay đổi, như giống lúa, thời gian sinh trưởng, công nghệ sản xuất lúa sạch…      

Chính từ những trăn trở đó, ông Hưng đã ký hợp đồng nhượng quyền tác giả với Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm giống lúa thuần T10 có chất lượng, hương vị đặc trưng và đưa về đồng đất Thái Bình. Đến nay, lúa T10 đang phủ sóng rộng từ Thái Bình sang các tỉnh Nam Định, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Điện Biên, Phú Thọ…, cung cấp lượng lương thực lớn cho nội địa và xuất khẩu. Riêng Công ty Hưng Cúc mỗi năm đã ký hợp đồng thu mua khoảng 500  - 600 tấn và xây dựng thương hiệu “Gạo Hưng Cúc”.

Năm 2013, 2014, ông Hưng liên kết với Viện Di truyền nông nghiệp chuyển giao và cung ứng giống lúa cao sản ĐS1, DT68, Sơn Lâm và hỗ trợ giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn tại 28 xã, xây dựng vùng nguyên liệu, đồng thời hợp đồng bao tiêu sản phẩm, mỗi năm thu mua hàng chục ngàn tấn lúa.

Về chiến lược phát triển, Giám đốc Hưng chia sẻ, Công ty đã và đang tích cực triển khai “Dự án tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa thương phẩm chất lượng cao tại Thái Bình”, nhằm thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từng bước chuyển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hiện đại. Mở đầu cho dự án sản xuất mới này, Công ty thuê 100 ha ruộng của bà con nông dân xã nông thôn mới Thanh Tân, huyện Kiến Xương để đưa khoa học công nghệ, máy móc vào cấy lúa sạch, tạo ra gạo sạch, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, cũng như đón đầu các hiệp định thương mại như TPP và Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

 “Vẫn biết đầu tư vào nông nghiệp còn nhiều rủi ro, mạo  hiểm, nhất là trong điều kiện cơ chế chính sách chưa theo kịp, nhưng từ lâu, tôi đã yêu những cánh đồng bát ngát. Với chiến lược đầu tư - phát triển bền vững, Hưng Cúc quyết tâm trở thành doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam và khu vực trong lĩnh vực nông sản, tạo thương hiệu Gạo Việt, thể hiện tầm vóc trí tuệ và niềm tự hào của người Việt Nam trên trường quốc tế”, Giám đốc Lý Thái Hưng bày tỏ quyết tâm và khát vọng.

Tin bài liên quan