EU lo ngại luật giảm lạm phát của Mỹ liên quan đến trợ cấp ôtô điện

0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Công thương Cộng hòa Séc hy vọng Mỹ và EU có thể tìm được một giải pháp trước khi các quan chức hàng đầu của hai bên gặp nhau vào ngày 5/12 tới.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Volvo Car)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Volvo Car)

Ngày 25/11, các bộ trưởng Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo không còn nhiều thời gian để giải quyết những lo ngại về Luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ liên quan đến vấn đề trợ cấp ôtô điện.

Phát biểu với báo giới, ông Josef Sikela - Bộ trưởng Công thương Cộng hòa Séc - nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU, cho biết tất cả 27 quốc gia thành viên EU đều lo ngại về IRA. Ông nhấn mạnh "thời gian sắp hết," đồng thời bày tỏ hy vọng Mỹ và EU có thể tìm được một giải pháp trước khi các quan chức hàng đầu của hai bên gặp nhau vào ngày 5/12 tới.

Phát biểu của Bộ trưởng Công thương Cộng hòa Séc được đưa ra trước thềm hội nghị bộ trưởng thương mại EU dự kiến diễn ra cùng ngày. Tại hội nghị, các bộ trưởng sẽ lắng nghe báo cáo về tiến độ công việc của lực lượng đặc nhiệm Mỹ-EU, lực lượng được thành lập vào đầu tháng 11 này để giải quyết lo ngại của EU về IRA liên quan vấn đề trợ cấp ôtô điện.

Bộ trưởng Thương mại Hà Lan Liesje Schreinemacher cho rằng việc Mỹ loại trừ các loại ôtô điện được lắp ráp bên ngoài khu vực Bắc Mỹ khỏi danh sách ưu đãi thuế là "rất đáng lo ngại." Bà kêu gọi lực lượng đặc nhiệm Mỹ-EU hành động và tạo ra kết quả càng sớm càng tốt. Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Thụy Điển Johan Forssell nhận định thời gian rất hạn hẹp, do đó các bên cần sớm đưa ra quyết định.

Theo kế hoạch, EU và Mỹ sẽ tổ chức cuộc họp tiếp theo của Hội đồng Thương mại và Công nghệ Âu-Mỹ vào ngày 5/12 tới. Phó Thủ tướng Cộng hòa Ireland Leo Varadkar cho biết hai bên có thể sẽ đi đến một thỏa thuận tại cuộc họp này. Nếu cuộc họp kết thúc mà không đạt được kết quả, EU có thể sẽ phải đưa ra động thái phản ứng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành IRA vào tháng 8 năm nay, theo đó quy định Mỹ sẽ cung cấp một khoản tín dụng thuế của chính phủ lên tới 7.500 USD cho mỗi người dân Mỹ mua xe điện lắp ráp tại khu vực Bắc Mỹ. Đây là một lợi thế đối với các công ty công nghệ sạch, cũng như các nhà sản xuất ôtô của Mỹ, nhưng đồng thời, các khoản trợ cấp lớn của Washington có thể khiến các doanh nghiệp châu Âu khó cạnh tranh hơn.

Tin bài liên quan