Gần 13 triệu lao động và 386.000 doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Lê Hùng Sơn, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thông tin về việc sử dụng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người lao động và đơn vị sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19 triển khai từ ngày 1/10/2021 này.
Ông Lê Hùng Sơn, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam

Ông Lê Hùng Sơn, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam

Ngày 24/9/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam là một trong những đơn vị phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội đề xuất trình Chính phủ ban hành Nghị quyết và trực tiếp tổ chức thực hiện. Vấn đề rất được quan tâm là đối tượng thụ hưởng của gói hỗ trợ lần này là ai, thưa ông?

Đối với người lao động, đối tượng thụ hưởng là những lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30/9/2021 (trừ các đơn vị thuộc cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và các đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên) và người lao động đã bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ 1/1/2020 tới hết 30/9/2021 - thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Đối với người sử dụng lao động là các doanh nghiệp đang tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Hiện có khoảng gần 15 triệu người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp, trừ đi khoảng gần 2 triệu người lao động thuộc các đối tượng không được nhận chính sách hỗ trợ như tôi đã nói ở trên, sẽ có khoảng gần 13 triệu lao động và khoảng 386.000 đơn vị sử dụng lao động được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ.

Đối với những người lao động đang tạm hoãn hợp đồng lao động thì sao?

Người lao động đang tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc ngừng việc trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2020 đến ngày 30/9/2021 vẫn được hưởng chính sách này.

Ông có thể cho biết, thủ tục hưởng gói hỗ trợ này như thế nào?

Với quan điểm chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và các bộ có liên quan, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã dự kiến các quy trình, thủ tục để triển khai gói hỗ trợ trên tinh thần quán triệt quan điểm “đảm bảo triển khai các bước hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp một cách đơn giản, thuận lợi, nhanh nhất và chính xác nhất”.

Đối với 386.000 đơn vị sử dụng lao động được giảm đóng từ 1% xuống 0% vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian 12 tháng (từ 1/10/21 đến 30/9/2022) sẽ không phát sinh thủ tục hành chính. Cơ quan Bảo hiểm Xã hội căn cứ vào dữ liệu trên phần mềm Quản lý thu Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, hàng tháng sẽ in ra bảng đối chiếu thanh toán số phải thu nộp. Trên bảng thanh toán đó, chúng tôi sẽ loại trừ khoản đóng 1% vào quỹ Bảo hiểm thất nghiệp của doanh nghiệp.

Đối với 13 triệu lao động, cơ quan Bảo hiểm Xã hội sẽ dựa trên nền tảng dữ liệu công nghệ thông tin hiện có để xác định người hưởng gói hỗ trợ bằng mã số định danh tham gia bảo hiểm thất nghiệp và xác định thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Tất cả các thông tin này đã sẵn sàng trong hệ thống dữ liệu công nghệ thông tin của ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.

Người lao động sẽ được chi hỗ trợ từ quỹ này theo cách nào, thưa ông?

Đối với người lao động hiện đang tham gia bảo hiểm thất nghiêp tại doanh nghiệp, chúng tôi sẽ chi trả qua tài khoản cá nhân. Theo đó, nhóm này chỉ cần cung cấp cho doanh nghiệp số tài khoản cá nhân; còn với những thông tin liên quan đến nhân thân cá nhân như số chứng minh nhân dân/căn cước công dân và thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động, cơ quan Bảo hiểm Xã hội sẽ in sẵn ra để người lao động đối soát.

Một số trường hợp đặc biệt khi người lao động không thể mở được tài khoản cá nhân, cơ quan Bảo hiểm Xã hội sẽ chi trả qua doanh nghiệp. Tuy nhiên, để đảm bảo sự kịp thời và minh bạch, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam khuyến nghị người lao động nên nhanh chóng mở tài khoản cá nhân qua hệ thống các ngân hàng để có thể nhận được nhanh nhất và chính xác nhất.

Đối với người lao động bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ 1/1/2020 đến nay, những người lao động đã ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động không ở doanh nghiệp, đã về các địa phương sẽ được cơ quan Bảo hiểm Xã hội tỉnh/huyện tiếp nhận đề nghị hưởng chính sách hỗ trợ, không phụ thuộc vào địa giới hành chính.

Số lượng lao động tạm dừng, tạm hoãn hợp đồng lao động đang bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp là khoảng bao nhiêu người, thưa ông?

Số này hiện là khoảng 2,5 triệu người.

Với các doanh nghiệp được giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống 0% sẽ giúp họ tiết kiệm được bao nhiêu chi phí?

Với 386.000 doanh nghiệp được giảm mức đóng từ 1% xuống 0% vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong 12 tháng thì số tiền dự kiến sẽ là trên 8.000 tỷ đồng. Với số tiền giảm đóng này, doanh nghiệp sẽ có thêm chi phí sử dụng cho công tác phòng chống dịch, đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, góp phần tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.

Chúng tôi luôn quan niệm doanh nghiệp giống như một cây xanh, khi được chăm sóc tốt sẽ tạo ra quả ngọt để cả doanh nghiệp và người lao động cùng được hưởng.

Thưa ông, hiện kết dư của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là hơn 90.000 tỷ đồng, khi trích ra 38.000 tỷ đồng để triển khai gói hỗ trợ này, liệu có ảnh hưởng tới tính an toàn và hoạt động lâu dài của Quỹ hay không?

Trước khi quyết định mức hỗ trợ gắn với chính sách bảo hiểm thất nghiệp, Quốc hội và Chính phủ cũng đã xem xét rất kỹ đến khả năng cân đối Quỹ trong dài hạn. Với đánh giá tác động và dự báo tình hình, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp sẽ đảm bảo cân đối trong dài hạn và đủ để chi trả trong điều kiện diễn biến tình hình như hiện nay, đặc biệt là dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước về công tác phòng, chống dịch bệnh.

Nhiều người lao động cho rằng để việc giải ngân được minh bạch, rất cần sự giám sát của một tổ chức, cơ quan chức năng khác. Quan điểm của ông về ý kiến này?

Tại Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ, trong phần tổ chức thực hiện đều quán triệt về việc phải có sự giám sát công tác tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ của cấp uỷ chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các đơn vị đại diện cho người lao động, người sử dụng lao động và đông đảo nhân dân.

Nghị quyết 116 của Chính phủ yêu cầu triển khai thực hiện gói hỗ trợ này trong 3 tháng (từ 01/10/2021 đến 31/12/2021). Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội đặt ra quyết tâm hoàn thành việc triển khai gói hỗ trợ trong 1,5 tháng. Vậy ý kiến của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thì sao?

Ngay sau khi Nghị quyết số 116 của Chính phủ được ban hành, với nền tảng công nghệ thông tin của ngành, Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, cũng như Bảo hiểm Xã hội các địa phương sẵn sàng về nguồn dữ liệu để xác định các đối tượng cũng như mức hưởng; về lực lượng, con người, nguồn kinh phí để phục vụ việc triển khai, chi trả các chính sách hỗ trợ.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, tôi cho rằng, dự kiến tiến độ triển khai các chính sách hỗ trợ của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội là khả thi.

Thậm chí, về phía ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chỉ đạo sẽ cố gắng hoàn thành sớm hơn nếu như doanh nghiệp và người lao động tích cực phối hợp với cơ quan Bảo hiểm Xã hội.

Tuy nhiên, có khó khăn nhất định ở chỗ khoảng 2,5 triệu lao động đang bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp hiện nay đang tản mát về các địa phương. Chính vì thế, sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông, cấp uỷ các chính quyền địa phương để tuyên truyền, phổ biến cho người lao động thuộc đối tượng hưởng hỗ trợ chủ động đến với cơ quan Bảo hiểm Xã hội cấp tỉnh, huyện là rất quan trọng.

Tin bài liên quan