Giá Bitcoin hôm nay ngày 13/4: Thị trường "chấp chới" trước cơn bão lạm phát đạt đỉnh

Giá Bitcoin hôm nay ngày 13/4: Thị trường "chấp chới" trước cơn bão lạm phát đạt đỉnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tính đến thời điểm sáng ngày 13/4, thị trường tiền điện tử có 94/100 mã tăng điểm. Đồng tiền đứng đầu thị trường về giá trị vốn hóa - Bitcoin tăng 1,43%, đạt 40.146 USD/BTC.

Sau phiên giao dịch đầy biến động hôm qua, giá của đồng Bitcoin đã tạm thời ổn định hơn và đang phải trầy trật để níu giữ cột mốc 40.000 USD.

Có thể thấy trong năm nay, biến động giá trong phạm vi rộng đã trở thành một điều xảy ra tương đối thường xuyên do bị ảnh hưởng từ nhiều yếu tố như sự không chắc chắn của kinh tế vĩ mô, xung đột địa chính trị, lạm phát, lãi suất tăng. Chính những điều này đã khiến giới đầu tư gặp phải vô cùng nhiều áp lực dẫn đến động thái phải cắt giảm dòng tiền vào các tài sản mang tính rủi ro cao như cổ phiếu hoặc tiền điện tử.

Tâm lý của nhà đầu tư được phản ánh qua bộ chỉ số Tham lam và Sợ hãi (Fear and Greed Index) một lần nữa đã chạm ngưỡng vô cùng sợ hãi (25 điểm).

Trên thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số S&P 500 lùi 0.34% xuống 4,397.45 điểm, và chỉ số Nasdaq Composite mất 0.3% còn 13,371.57 điểm, khi cả 2 chỉ số đều giảm phiên thứ 3 liên tiếp. Chỉ số Dow Jones giảm 87.72 điểm (tương đương 0.26%) xuống 34,220.36 điểm.

Thị trường tiếp tục lo lắng khi con số chính thức của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được Bộ Lao động Mỹ công bố. Theo đó, chỉ số CPI tháng 3/2022 tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức 8,3% mà các nhà kinh tế dự báo. Thống kê dưới đây cho thấy con số 8,5% của tháng 3 là mức lạm phát cao nhất kể từ năm 1981.

Trong khi đó, chỉ số CPI cốt lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, tăng 0.3% trong tháng 3, thấp hơn so với dự báo tăng 0.5% từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones. Chỉ số giá cốt lõi tăng 6.5% so với cùng kỳ năm trước.

Số liệu lạm phát cao khiến giới đầu tư thêm lo ngại chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục bị thắt chặt hơn nữa. Nhưng cũng có không ít các nhà phân tích thị trường cho rằng báo cáo vừa qua có thể đánh dấu đỉnh của chu kỳ lạm phát hiện tại.

Thời gian gần đây, chỉ số Nasdaq và Bitcoin được cho là có sự tương quan rất cao. Trong ngắn hạn sẽ có những thời điểm có sự tương quan cao (tương quan dương). Điều này khiến giá Bitcoin và tiền điện tử cũng đi xuống theo chứng khoán.

Khi thị trường càng lo sợ, các nhà đầu tư lớn (cá voi) càng muốn các nhà đầu tư nhỏ lẻ bán Bitcoin khiến giá xuống và họ thu gom. Trong một tuần trở lại đây, chỉ số Bitcoin Whale Ratio cho thấy cá voi hoạt động nhiều hơn. Đặc biệt ngày 9 tháng 4, có đến 8/10 giao dịch đến từ các ví lớn.

Gần đây, số lượng Bitcoin trên các sàn giao dịch cũng tăng nhẹ. Có thể Bitcoin được đẩy lên sàn nhiều hơn để bán khiến giá giảm.

Mặc dù vậy, chỉ số MPI cho thấy thợ đào không có dấu hiệu bán. Còn các nhà đầu tư nắm giữ Bitcoin từ một năm trở lên di chuyển BTC rất thấp. Các nhà đầu tư dài hạn không có dấu hiệu bán, theo chia sẻ của PlanB.

Chỉ số Short Term Hodler (SOPR) di chuyển chủ yếu dưới mức 1. Có thể thấy các nhà đầu tư ngắn hạn đang lo lắng và di chuyển Bitcoin (có thể bán) dù lỗ.

Trong báo cáo mới được Glassnode công bố, số lượng ví Bitcoin đang sinh lời và phát hiện ra rằng khoảng 70% đến 75% địa chỉ vẫn có lợi nhuận chưa thực hiện, cao hơn nhiều so với mức 45% đến 50% trong thị trường giảm giá dài hạn năm 2018.

Bên cạnh đó, dữ liệu còn tiết lộ thêm rằng những người nắm giữ Bitcoin dài hạn (LTH) ít có khả năng bị thua lỗ nhất, với hơn 67,5% LTH đang ở mức lợi nhuận chưa thực hiện cũng như 13,66% bị lỗ, trong khi các nhà đầu tư ngắn hạn (STH) chỉ ghi nhận tương đối với các chỉ số tương ứng lần lượt là 7,88% và 10,86%.

Tuy nhiên, sau hai tuần thị trường tiền điện tử được cung ứng số vốn lớn, tuần vừa qua đã cho thấy điều ngược lại. Theo thống kê của Coinshare, tuần qua đã có 134 triệu USD rời khỏi thị trường. Các luồng ra được phân bổ rộng khắp các nhà cung cấp ở cả Châu Âu (39%) và Châu Mỹ (61%). Trong đó, dòng tiền rời khỏi Bitcoin và Ethereum lần lượt là 131.8 triệu USD và 15.3 triệu USD.

Thị trường hồi phục nhẹ trong phiên giao dịch ngày 13/4. Nguồn: Coin360.
Thị trường hồi phục nhẹ trong phiên giao dịch ngày 13/4. Nguồn: Coin360.

Cùng với Bitcoin, cả 10/10 đồng tiền điện tử đứng đầu đều tăng giá trong phiên giao dịch ngày hôm nay: Ethereum tăng 2,81% đạt 3.056 USD; Binance Coin tăng 5,89% đạt 419,32 USD; XRP tăng 2,76% đạt 0,71 USD; Solana tăng 5,52% đạt 104,41 USD; LUNA tăng 4,53% đạt 85,47 USD; Cardano tăng 3,85% đạt 0,95 USD; Avanlache tăng 3,55% đạt 77,29 USD; Polkadot tăng 3,51% đạt 17,85 USD; DOGE tăng 3,63% đạt 0,141 USD.

Sau đợt nổi sóng cuối tháng 3, dường như động lực tăng trưởng của đồng Ethereum (ETH) đang dần bị đánh mất. Từ đầu tháng 4 cho đến nay, giá của đồng ETH đã trượt dài từ mức 3.500 và đang phải vô cùng chật vật để giữ cột mốc 3.000 USD.

Tuy nhiên, theo dữ liệu được cung cấp bởi Santiment, việc giá của đồng ETH đi xuống trong thời gian gần đây dường như không hề ảnh hưởng đến quá trình tích lũy của các nhà đầu tư lớn (cá voi). Trong tuần vừa qua, các sàn giao dịch đã chứng kiến dòng tiền trị giá khoảng 261 triệu USD chảy ra ngoài.

Một xu hướng đặc biệt gây tò mò là việc sử dụng gas gần đây của Ethereum. Dữ liệu từ Glassnode tiết lộ rằng, mặc dù việc sử dụng gas tăng lên từ năm 2021, nhưng đã có một sự sụt giảm mạnh vào cuối tháng 2, sau đó đã nhanh chóng phục hồi. Thế nhưng vào thời điểm hiện tại, việc sử dụng gas đang đi ngang.

Vào thời điểm hiện tại, hoạt động phát triển trên mạng lưới Ethereum vẫn đang diễn ra ổn định. Đây là tín hiệu cho thấy các nhà đầu tư vẫn chưa rời bỏ mạng lưới.

Quá trình chuyển đổi sang thuật toán bằng chứng cổ phần Proof-of-Stake (PoS) trên blockchain Ethereum tiếp tục đạt được thêm bước tiến mới. Mới đây, các nhà phát triển Ethereum đã cho ra mắt phiên bản Shadow Fork đầu tiên trên mạng chính.

Mục đích phiên bản Shadow Fork là để kiểm tra các trường hợp giả định hiện có về testnest và mainnet trên Ethereum. Thông qua việc kế thừa trạng thái của testnet hiện có, thời gian đồng bộ hóa và xây dựng block có thể được kiểm tra một cách tỉ mỉ hơn. Shadow fork vẫn được kết nối với mạng khác trên blockchain Ethereum chuẩn, có nghĩa là một số giao dịch sẽ xuất hiện trên cả hai chuỗi.

Về cơ bản, “Shadow fork” là một thuật ngữ đề cập đến việc sao chép dữ liệu từ mạng chính, trong trường hợp này là Ethereum, sang một mạng thử nghiệm, nơi các nhà phát triển có thể kiểm tra các tính năng trước khi triển khai công việc của họ lên mainnet. Khi làm như vậy, các kỹ sư Ethereum đã làm cho môi trường thử nghiệm của họ gần giống với mạng chính để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng.

Theo trang khám phá khối của Marius Van Der Wijden, Merge Shadow Fork mới đã ra mắt trên mainnet Ethereum để thử nghiệm cho Merge thực tế. Merge Shadow Fork đã xử lý 1.558.014 giao dịch, với thời gian khối trung bình là 13,8 giây tại thời điểm hiện tại.

Trên trang chủ của sàn giao dịch Robinhood, thông tin về 4 đồng tiền điện tử mới đã được đăng tải bao gồm: SHIB, SOL, Polygon, COMP. Ngay lập tức, các đồng tiền này đã có sự nhảy vọt về giá SHIB đã tăng khoảng 20,99%, COMP tăng 10,62%, Polygon tăng 5,87% và SOL tăng 4,48% trong 24 giờ qua.

Tổng giá trị vốn hóa thị trường tiền ảo đạt khoảng 1.905 tỷ USD, tăng 48 tỷ USD so với ngày 13/4.

Tin bài liên quan