Giá Bitcoin hôm nay ngày 23/2: Bất chấp căng thẳng chính trị gia tăng, số lượng Bitcoin được nắm giữ đạt mức đỉnh kỷ lục mới

Giá Bitcoin hôm nay ngày 23/2: Bất chấp căng thẳng chính trị gia tăng, số lượng Bitcoin được nắm giữ đạt mức đỉnh kỷ lục mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tính đến thời điểm sáng ngày 23/2, thị trường tiền điện tử chỉ có 98/100 mã tăng điểm. Đồng tiền đứng đầu thị trường về giá trị vốn hóa - Bitcoin tăng 3,24%, còn 37.749 USD/BTC.

Những bất ổn về chính trị và kinh tế vĩ mô quốc tế tiếp tục là nguyên nhân khiến thị trường tiền điện tử chao đảo trong thời gian này.

Giá của đồng Bitcoin trong hai phiên giao dịch gần đây có thời điểm đã có lúc lao dốc xuống tận vùng đáy 36.000 USD trước khi hồi phục lên gần 38.000 USD tại thời điểm hiện tại.

Mối quan tâm lớn nhất của giới đầu tư lúc này đó là tình hình chính trị giữa Nga - Ukraine, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất và biểu tình ở Canada.

Để đáp trả lại việc Tổng thống Vladimir Putin phê duyệt sắc lệnh công nhận độc lập hai vùng ly khai ở miền Đông Ukraine là Donetsk và Lugansk, nhiều quốc gia phương Tây đã áp lệnh trừng phạt đối với Nga.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh cấm vận đối với hai ngân hàng của Nga (VEB và PSB), nợ chính phủ của Nga cũng như một số cá nhân và gia đình giàu có. Các ngân hàng của Nga bị Mỹ cấm vận sẽ không thể sử dụng USD cho hoạt động thanh toán quốc tế.

Anh cũng áp lệnh trừng phạt kinh tế đối với 5 ngân hàng và 3 cá nhân giàu có của Nga.

Thủ tướng Australia Scott Morrison hôm 22/2 cho biết, lệnh trừng phạt của nước này sẽ bao gồm lệnh cấm đi lại nhắm mục tiêu cụ thể và trừng phạt tài chính đối với thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nga. Ông chỉ trích động thái của Nga là "phi lý, không có cơ sở, vô cớ và không thể chấp nhận".

Tại Canada, Thủ tướng Justin Trudeau gọi việc Nga công nhận khu vực ly khai Ukraine là "vi phạm các nghĩa vụ" của nước này theo luật pháp quốc tế và hiến chương Liên Hợp Quốc. Theo ông Trudeau, toàn bộ người dân Canada sẽ bị cấm tham gia "các giao dịch tài chính đối với cái gọi là các nhà nước độc lập Lugansk và Donetsk". Người Canada cũng bị cấm mua trái phiếu chính phủ Nga.

Canada còn nhắm mục tiêu vào các thành viên quốc hội Nga, những người đã bỏ phiếu công nhận Lugansk và Donetsk, cũng như hai ngân hàng nhà nước Nga.

Fed vẫn chưa có lộ trình tăng lãi suất chính xác nhưng do nợ công của Mỹ đã ở mức rất cao, nếu Fed tăng lãi suất cao đột ngột có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp, từ đó ảnh hưởng đến nguồn thu thuế quốc gia để chi trả nợ và hoạt động công. Vì vậy, các nhà đầu tư vẫn cho rằng Fed sẽ tăng lãi suất từ từ.

Việc Fed nới lỏng hay siết chặt lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát nhưng xu hướng trước nay vẫn cho thấy Fed vẫn tiếp tục in tiền. Fed in tiền sẽ càng ngày càng nhiều là xu hướng chính khiến đồng USD ngày càng mất giá. Vì vậy, các nhà đầu tư vẫn luôn tìm kiếm và đầu tư vào các tài sản lưu trữ giá trị chống lại lạm phát giống như Bitcoin.

Cuộc biểu tình lịch sử kéo dài trong nhiều ngày qua ở Canada nhằm gây áp lực để dỡ bỏ hoàn toàn những hạn chế phòng chống dịch bệnh Covid-19 ở quốc gia này cũng là vấn đề được giới đầu tư chú ý.

Kể từ khi nền tảng gọi vốn cộng đồng GoFundMe đóng băng 10 triệu đô la Canada đã được phong trào "Đoàn xe tự" do huy động, những người đứng đầu phong trào đã tìm những cách thức mới để tiếp tục gây quỹ, trong đó đã kêu gọi được hơn 20 Bitcoin (BTC) qua nền tảng Tallycoin. Chủ đề được nhắc đến nhiều nhờ sự kiện này là vai trò của Bitcoin trong sự kiện và rộng ra là trong tài chính và tiền tệ. Trong tuần tới, tổng thống Biden dự kiến sẽ đưa ra một sắc lệnh liên quan đến Bitcoin. Các nhà đầu tư cũng đang chờ đợi thông tin này.

Với việc giá Bitcoin liên tục "đỏ màu", dữ liệu mới nhất từ Glassnode chỉ ra blockchain Bitcoin chỉ còn khoảng 275.000 địa chỉ hoạt động giao dịch, thấp hơn con số 400.000 địa chỉ vào tháng 11 năm 2021.

Cùng với đó, nguồn cung Bitcoin được nắm giữ gần như thậm chí có sự chia rẽ giữa nhà đầu tư dài hạn (LTH) và ngắn hạn (STH). Nguồn cung STH bị lỗ hiện bằng 15,6% tổng nguồn cung Bitcoin (2,56 triệu BTC). Trong khi đó, mức lỗ của nguồn cung LTH là 13,1% (2,14 triệu BTC).

Tuy nhiên, dòng tiền đầu tư chảy vào thị trường tiền điện tử lại cho thấy dấu hiệu tích cực. Trong tuần qua đã có khoảng 109 triệu USD mới thêm vào thị trường bất chấp những bất ổn. Trong đó, Bitcoin chiếm nhiều nhất với 89 triệu USD tiền đầu tư, theo sau là Ethereum, các sản phẩm đầu tư đa tài sản và các đồng tiền khác.

Không chỉ thế, theo Glassnode, nguồn cung Bitcoin được nắm giữ trong hơn nữa năm qua không di chuyển đã đạt mức kỷ lục mới, khoảng 76,5%. Nguồn cung Bitcoin hiện tại được nắm giữ trong hơn 10 năm là khoảng 12,6%; khoảng 2,39 triệu BTC.

Thị trường hồi phục nhẹ trong phiên giao dịch ngày 23/2. Nguồn: Coin360.
Thị trường hồi phục nhẹ trong phiên giao dịch ngày 23/2. Nguồn: Coin360.

Cùng với Bitcoin, cả 10/10 đồng tiền điện tử đứng đầu tăng giá trong phiên giao dịch ngày hôm nay: Ethereum tăng 3,61% đạt 2.619 USD; Binance Coin tăng 5,85% đạt 372,58 USD; XRP tăng 4,81% đạt 0,711 USD; Cardano tăng 8,59% đạt 0,89 USD; Solana tăng 6,94% đạt 87,18 USD; LUNA tăng 14,01% đạt 55,48 USD; Avanlache tăng 11,35% còn 75,41 USD; Polkadot tăng 1,84% đạt 16,21 USD; DOGE tăng 3,56% đạt 0,131 USD.

Đợt điều chỉnh của thị trường có vẻ tạm thời đã qua đi khi sắc xanh trở lại trong phiên giao dịch ngày hôm nay. Trải qua cơn sóng gió, đồng tiền dẫn đầu các altcoin - Ethereum (ETH) vẫn giữ vững được ngưỡng hỗ trợ quan trọng 2.500 USD để tạo tiền đề cho sự hồi phục tiếp theo. Có thể thấy, sau chuỗi sáu phiên giao dịch chìm trong sắc đỏ, đồng ETH trong phiên giao dịch ngày hôm nay đã leo lên trên 2.600 USD để hướng đến hai vùng kháng cự quan trọng ở 2.800 USD và 3.000 USD.

Nhìn qua về dữ liệu on-chain, có thể thấy trong những ngày qua, ETH gần đây có lượng nạp trên sàn nhiều hơn so với lượng rút khiến số lượng ETH trên các sàn tăng nhẹ nhưng không đáng kể.

Khối lượng giao dịch trên các sàn giao dịch vẫn đang ở mức thấp, chưa đủ để tạo ra sự đột biến trong ngắn hạn. Ở thời điểm hiện tại, đồng ETH vẫn chưa có xu hướng tăng/giảm rõ rệt, tuy nhiên mốc hỗ trợ quan trọng 2.500 USD đã được kiểm định thành công và có thể sẽ bật tăng ngược từ mức đáy này.

Trong top 10 đồng tiền điện tử có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường, đồng Terra (LUNA) có mức tăng trưởng ấn tượng nhất với hơn 14%. Nguyên nhân thúc đẩy giá của đồng LUNA tăng mạnh là do thông báo từ Luna Foundation Guard (LFG) về việc huy động được 1 tỷ USD thông qua việc bán trực tiếp token gốc của blockchain Terra.

Số vốn thu được sẽ được sử dụng để xây dựng quỹ dự trữ dưới dạng bằng Bitcoin cho UST, đồng stablecoin lớn nhất của hệ sinh thái Terra với tỷ giá duy trì ở tỷ lệ 1: 1 giữa stablecoin và đô la Mỹ

Terra USD là một stablecoin thuật toán phi tập trung, không giống như Tether (USDT) và các stablecoin tập trung khác. Thay vào đó, TerraUSD là một stablecoin thuật toán có giá trị dựa trên chênh lệch giá.

UST hiện có vốn hóa thị trường hơn 12 tỷ đô la, đã tăng hơn gấp ba lần kể từ tháng 11 năm ngoái.

Đây là một trong những thương vụ lớn nhất của ngành công nghiệp tiền điện tử, được dẫn đầu bởi Jump Crypto và Three Arrows Capital, cùng với Republic Capital, GSR, Tribe Capital, DeFiance Capital và các nhà đầu tư giấu tên khác.

Tổng giá trị vốn hóa thị trường tiền ảo đạt khoảng 1.745 tỷ USD, giảm 65 tỷ USD so với ngày 21/2.

Tin bài liên quan