Giá vàng hôm nay ngày 7/6: Vàng có động lực được đẩy giá lên 3.000 USD/ounce

Giá vàng hôm nay ngày 7/6: Vàng có động lực được đẩy giá lên 3.000 USD/ounce

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù vàng vẫn đang trong xu hướng điều chỉnh giảm nhẹ, nhưng nhu cầu ngày càng tăng của ngân hàng trung ương có thể là động lực quan trọng trong việc đẩy giá vàng lên 3.000 USD/ounce.

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi giảm 150.000 đồng/lượng trong ngày hôm qua, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn mở cửa sáng nay ngày 7/6 tại Hà Nội tiếp tục giảm nhẹ 50.000 đồng/lượng, hiện niêm yết lần lượt ở mức 68,55 – 69,47 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Tại thị trường TP.HCM, giá vàng SJC niêm yết ở mức 68,55 – 69,45 triệu đồng/lượng.

Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tính đến đầu giờ sáng nay giảm 130.000 đồng/lượng so với hôm qua, hiện đứng ở mức 53,89 – 54,59 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 9,9 USD xuống mức 1.841,4 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng gần như đi ngang, đứng mức 1.841,2 USD/ounce.

Giá vàng tương lai giao tháng 8/2022 trên sàn Comex New York giảm 6,5 USD xuống mức 1.843,7 USD/ounce.

Giá vàng giảm nhẹ khi chỉ số đô la Mỹ tăng lên mức cao, trong khi lợi suất kho bạc Hoa Kỳ tiếp tục đà tăng. Lợi tức trên trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ kỳ hạn 10 năm hiện đang đạt mức 3,02%.

Hai điểm dữ liệu quan trọng trong tuần là cuộc họp chính sách tiền tệ thường kỳ của Ngân hàng Trung ương Châu Âu vào thứ Năm, tại đó ngân hàng trung ương dự kiến ​​sẽ đưa ra các kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ của mình. Vào thứ Sáu, báo cáo chỉ số giá tiêu dùng của Hoa Kỳ cho tháng Năm sẽ được phát hành. Chỉ số CPI dự kiến ​​sẽ tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 8,3% vào tháng Tư.

Trong khi đó, WGC cho biết, các ngân hàng trung ương đã mua ròng trở lại kim loại quý này với dự trữ toàn cầu tăng 19,4 tấn trong tháng Tư. Nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương đã thu hút sự chú ý mới trong năm nay do xung đột kéo dài tại Ukraine.

Moe Zulfiqar, nhà phân tích nghiên cứu tại Lombardi Financial, cho rằng nhu cầu ngày càng tăng của ngân hàng trung ương có thể là động lực quan trọng trong việc đẩy giá vàng lên 3.000 USD/ounce.

"Các ngân hàng trung ương cần vàng khi thế giới trở nên phân cực hơn và tiền tệ bị đặt dấu hỏi. Kim loại quý màu vàng có lịch sử bảo quản của cải trong thời kỳ mất giá và khủng hoảng tiền tệ. Các ngân hàng trung ương biết rõ điều này. Họ nắm giữ rất nhiều tiền trong kho dự trữ và Zulfiqar cho biết sẽ cần rất nhiều vàng để chống lại sự biến động".

Với mức giá khoảng 1.841,2 USD/ounce ở thời điểm hiện tại, thì giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) đang ở mức 52,36 triệu đồng/lượng, như vậy, chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới rơi vào khoảng 17,11 triệu đồng/lượng.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) mở cửa sáng nay đứng ở mức 102,49 điểm.

Tỷ giá trung tâm ngày hôm nay ngày 7/6 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.057 đồng/USD, giảm 5 đồng so với hôm qua. Với biên độ +/-3% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 22.365 - 23.749 đồng/USD.

Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước sáng nay niêm yết ở mức 22.550 – 23.250 đồng/USD.

Tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại lớn như VCB, BIDV, VietinBank, Techcombank, ACB… hiện giao dịch quanh mức 23.015 – 23.333 đồng/USD.

Sáng nay tại thị trường Hà Nội, giá USD tự do mua vào khoảng 23.780 đồng/USD và bán ra là 23.880 đồng/USD.

Tin bài liên quan