Giao dịch chứng khoán chiều 14/5: Giao dịch bùng nổ tại MSN, thị trường điều chỉnh nhẹ

Giao dịch chứng khoán chiều 14/5: Giao dịch bùng nổ tại MSN, thị trường điều chỉnh nhẹ

(ĐTCK) Dù chỉ mua thỏa thuận, nhưng khối lượng mua khủng của nhà đầu tư nước ngoài hiện trên bảng điện tử đã tạo cú huých cho MSN tăng vọt trong phiên chiều. Tuy nhiên, VN-Index vẫn không thể thoát khỏi phiên giảm nhẹ thứ 2 liên tiếp khi chịu sức ép từ các mã lớn khác.

Sau phiên sáng giảm nhẹ, thị trường bước vào phiên chiều tích cực hơn với việc VN-Index trồi lên tham chiếu sau gần 1 giờ giao dịch, nhưng do chủ yếu đến từ MSN bốc đầu tăng nhanh, trong khi phần còn lại của thị trường vẫn còn khá thận trọng, VN-Index theo đó chịu áp lực bán và thêm một lần bị đẩy xuống tham chiếu, nhưng bên nắm giữ cổ phiếu chỉ bán nhỏ giọt thăm dò, qua đó, chỉ số cũng chỉ mất điểm nhẹ khi đóng cửa.

Chốt phiên, sàn HOSE có 161 mã tăng và 206 mã giảm, VN-Index giảm 1,81 điểm (-0,22%), xuống 832,4 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 341,1 triệu đơn vị, giá trị 7.542,94 tỷ đồng, giảm 9% về khối lượng nhưng tăng 12% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 67,1 triệu đơn vị, giá trị 3.035,6 tỷ đồng, với phần lớn thuộc về MSN.

Giao dịch phiên hôm nay đáng kể nhất là MSN. Sau khi lình xình dưới tham chiếu trong phiên sáng đã được kéo mạnh lên trong phiên chiều, đóng cửa +3,32% lên 63.900 đồng, khớp hơn 2,57 triệu đơn vị.

Có lẽ dữ liệu về khối ngoại bất ngờ mua ròng gần 39 triệu cổ phiếu, với giá trị 2.335 tỷ đồng đã thúc đẩy cổ phiếu này.

Masan cũng vừa có thông báo niêm yết 20 triệu trái phiếu trên HOSE, mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, với ngày giao dịch đầu tiên vào 18/5 tới đây.

Ngoài MSN, một số bluechip khác cũng đã góp phần giúp chỉ số không rơi sâu hơn có VIC, khi +1,1% lên 96.000 đồng; SSI +1,4% lên 14.250 đồng; VCB +0,5%, BID, NVL, SAB, EIB, STB nhích nhẹ.

Gây sức ép có HDB -3% xuống 23.000 đồng; CTD -2,3% xuống 69.000 đồng; PNJ -2% xuống 63.600 đồng; VRE -1,8% xuống 24.050 đồng. Còn lại giảm hơn 1% như VHM -1,1%; CTG -1,4%; VPB -1,1%; MBB -1,1%; BVH -1,6%; FPT -1,3%...

Thanh khoản STB duy trì dẫn đầu nhóm là STB với hơn 12,57 triệu đơn vị. MBB có hơn 7,3 triệu đơn vị; HPG có hơn 6,5 triệu đơn vị. Nhóm VPB, CTG, SSI, ROS có từ 5 đến 5,8 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu thị trường đóng cửa giữ sắc tím có TTF, JVC, TLH, HDG, DIC, HAR, LMH, TGG, DHM, VRC…trong đó, TTF khớp hơn 4,85 triệu đơn vị.

Đáng chú ý, cổ phiếu GEX cũng tăng kịch trần +6,8% lên 16.400 đồng, khớp lênh đột biến với hơn 6,04 triệu đơn vị, cao nhất trong gần 2 năm rưỡi qua, phiên gần nhất GEX khớp lệnh cao hơn là phiên 21/12/2018 với 10,16 triệu đơn vị.

Thông tin đẩy mạnh cổ phiếu này có lẽ đến từ việc thông báo, thoái vốn khỏi mảng logistics thông qua hình thức bán toàn bộ phần vốn góp tại Công ty TNHH MTV Gelex Logistics trong khoảng quý II-III/2020.

Gelex hiện nắm cổ phần chi phối tại nhiều công ty logistics lớn như: Sotrans (54,8%), Sotrans Logistics (100%), Sowatco (84,4%), Vietranstimex (84%). Bên cạnh đó, Gelex Logistics cũng có hai trung tâm logistics tại Hà Nội (30 ha) và Long Bình - TP.HCM (50 ha).

Trái lại, đại điện giảm điểm đáng kể có DRH, khi lùi về mức giá sàn 6.050 đồng, khớp hơn 1,54 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, diễn biến tương tự, khi HNX-Index tìm lại được sắc xanh khi giao dịch trở lại trong phiên chiều, nhưng áp lực về cuối phiên đã đẩy ngược chỉ số xuống dưới tham chiếu.

Nhóm cổ phiếu lớn đa số giảm như ACB -1,4% xuống 21.400 đồng; SHB -0,6% xuống 17.200 đồng; VCG -0,4% xuống 25.200 đồng; VCS -2,1% xuống 66.100 đồng; PVS -1,5% xuống 12.800 đồng; CEO -2,6% xuống 7.500 đồng; MBS -1% xuống 9.600 đồng; TAR -3,9% xuống 32.000 đồng.

Nhích lên có PVI tăng trần +9,9% lên 33.400 đồng; DGC +4,9% lên 31.900 đồng; SHS +1,1% lên 9.300 đồng; TNG +0,7% lên 13.700 đồng.

Đáng kể là sắc tím tại các mã nhỏ KLF, ART, HUT, MST, AAV, SPI, HKB, DST với thanh khoản cao.

Mặc dù vậy, thanh khoản cao nhất là PVX, một mã nhỏ khác lớn nhất sàn, có 9,75 triệu đơn vị khớp lệnh lại giảm sàn xuống 800 đồng/cổ phiếu.

KLF, ART lần lượt chiếm vị trí thứ 2 và 3 với 8,63 triệu và 5,57 triệu đơn vị khớp lệnh.

Tiếp theo có PVS với 4 triệu đơn vị; ACB có 3,82 triệu đơn vị; HUT có 3,81 triệu đơn vị; SHB có 2,67 triệu đơn vị…

Chốt phiên, sàn HNX có 38 mã tăng và 48 mã giảm, HNX-Index giảm 0,52 điểm (-0,46%), xuống 111,34 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 59,37 triệu đơn vị, giá trị 449,58 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,44 triệu đơn vị, giá trị 25,82 tỷ đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng hướng lên, nhưng khi vừa chạm gần tham chiếu đã bị đẩy mạnh xuống, đóng cửa ở mức thấp nhất ngày.

Các mã được giao dịch nhiều nhất lác đác sắc xanh như BSR, C4G, DRI, QNS, CTR và các mã nhỏ tăng trần SSN, VCR, VNH, SBS, BVG, còn lại đều giảm.

Giao dịch đáng kể vẫn thuộc về VLC, khi tăng hết biên độ +15% lên 27.600 đồng, khớp hơn 428.000 đơn vị.

Cổ phiếu thanh khoản cao nhất là BSR +3,2% lên 6.500 đồng, khớp hơn 6,66 triệu đơn vị.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,24 điểm (-0,45%), xuống 53,48 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 21,58 triệu đơn vị, giá trị 247,33 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể.

Trên thị trường phái sinh, duy nhất VN30F2009 đứng tham chiếu, còn lại 3 hợp đồng tương lai còn lại đều giảm, trong đó, VNF30F2005 mất 0,3% xuống 768 điểm, với khối lượng khớp lệnh hơn 220.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 24.300 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, số mã giảm lấn át với khoảng hơn 30 mã, trong khi tăng điểm chỉ khoảng 17 mã. Giao dịch sôi động nhất tại CROS2001 với hơn 1,1 triệu đơn vị khớp lệnh, nhưng mã này chỉ dừng lại ở tham chiếu 300 đồng/cq.

Tin bài liên quan