Giao dịch chứng khoán chiều 15/7: Nhóm thép trở lại mạnh mẽ, VN-Index vẫn mất điểm

Giao dịch chứng khoán chiều 15/7: Nhóm thép trở lại mạnh mẽ, VN-Index vẫn mất điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù thanh khoản cải thiện tích cực nhưng áp lực bán gia tăng cuối phiên, với sự yếu đà của nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán, đã khiến VN-Index mất mốc 1.180 điểm. Điểm sáng thị trường thuộc về nhóm cổ phiếu thép.

Thời gian gần đây, khá nhiều chuyên gia phân tích đã đánh giá triển vọng thị trường chứng khoán Việt sẽ tích cực hơn trong nửa cuối năm với điểm nhấn là sự trở lại của nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Điển hình như tại Talkshow Chọn danh mục kỳ 12 với chủ đề “Khơi dòng vốn sản xuất kinh doanh” do Báo Đầu tư tổ chức hôm qua (ngày 14/7), ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm khách hàng cá nhân CTCK Yuanta Việt Nam kỳ vọng nhóm cổ phiếu ngân hàng có thể dẫn dắt thị trường trong 6 tháng cuối năm.

Cơ sở để đưa ra nhận định trên, theo ông Minh là định giá dự phóng P/B là 1,2 lần, thấp hơn nhiều so với mức định giá chuẩn là 2, cho thấy mức định giá hấp dẫn; thêm vào đó, thời gian qua, room tín dụng bị ảnh hưởng, trong kịch bản tích cực room tín dụng dự kiến được nới trong quý III.

Những tưởng thời cơ đã đến trong phiên giao dịch sáng khi thị trường đi được hơn 1/2 phiên, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã đồng loạt khởi sắc và nới rộng biên độ tăng, giúp VN-Index áp sát ngưỡng 1.190 điểm, nhưng phong độ vẫn chưa ổn định của nhóm cổ phiếu vua khiến thị trường dần thu hẹp đà tăng.

Bước sang phiên chiều, nhóm cổ phiếu này trở lại trạng thái lình xình khiến VN-Index giật lùi, dao động giằng co trong bối cảnh thị trường phân hóa mạnh.

Mặc dù thanh khoản thị trường cải thiện khá tích cực nhưng áp lực bán gia tăng vào cuối phiên với sức ép chính đến từ nhóm cổ phiếu bluechip đã đẩy VN-Index lùi về dưới mốc 1.180 điểm.

Chốt phiên, sàn HOSE có 215 mã tăng và 233 mã giảm, VN-Index giảm 2,92 điểm (-0,25%) xuống 1.179,25 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 604 triệu đơn vị, giá trị 13.116,4 tỷ đồng, tăng 12,96% về khối lượng và 19,59% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 60,16 triệu đơn vị, giá trị 1.737,3 tỷ đồng.

Nhóm VN30 là một trong những nhân tố chính khiến thị trường mất điểm khi kết phiên có tới 22 mã giảm điểm và chỉ còn 6 mã tăng. Trong đó, cổ phiếu HPG đã có phiên giao dịch bùng nổ khi đóng cửa tăng 4,5% lên mức 23.200 đồng/CP cùng thanh khoản tăng vọt, đạt xấp xỉ 47,7 triệu đơn vị khớp lệnh.

Ngoài ra, các mã khác trong rổ bluechip như TPB, VPB, VRE, TCB, VIC cũng có được sắc xanh nhưng với mức tăng nhẹ chỉ trên dưới 0,5%.

Dù số mã giảm điểm chiếm ưu thế nhưng mức giảm không quá lớn, chủ yếu trên dưới 1%. Trong đó, giảm sâu nhất là BVH khi mất 2,4% và đóng cửa tại mức giá thấp nhất ngày 56.500 đồng/CP; SSI giảm 1,9% xuống 21.100 đồng/Cp, MWG giảm 1,8% xuống 61.500 đồng/CP…, các mã lớn VNM, MSN cũng giảm hơn 1%.

Xét về nhóm ngành, cùng sự tỏa sáng của HPG, nhóm cổ phiếu thép chính là tâm điểm của thị trường. Trong đó, HSG tăng 1,11% lên 18.200 đồng/CP, NKG tăng hơn 2% lên 19.900 đồng/CP, TLH tăng hơn 3% lên 9.510 đồng/CP, VGS tăng 3,91% lên 18.600 đồng/CP, DTL tăng 1,15% lên 26.300 đồng/CP.

Bên cạnh đà tăng mạnh về giá, đây cũng là nhóm cổ phiếu sôi động của thị trường. Ngoài giao dịch bùng nổ của HPG, cổ phiếu NKG đứng ở vị trí thứ 6 về thanh khoản với hơn 13,35 triệu đơn vị, HSG khớp lệnh hơn 9,4 triệu đơn vị…

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng trở nên phân hóa sau tín hiệu tích cực ở phiên sáng với VCB, BID, MBB, HDB, STB, SSB, VIB, ACB, OCB điều chỉnh nhẹ, trong khi TCB, VPB, TPB, SHB, EIB, MSB, LPB tăng trên dưới 0,5%.

Nhóm chứng khoán cũng kém tích cực với các mã lớn đầu ngành như SSI, HCM, VND, VCI đều nới rộng đà giảm về vùng giá thấp nhất ngày. Trong đó, VND và SSI giảm trên dưới 2%, với thanh khoản thuộc top 5, lần lượt đạt 22,7 triệu đơn vị và 16,58 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, áp lực bán gia tăng cuối phiên cũng khiến thị trường mất sắc xanh.

Chốt phiên, sàn HNX có 89 mã tăng và 99 mã giảm, HNX-Index giảm 0,36 điểm (-0,13%) xuống 284,4 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 64,23 triệu đơn vị, giá trị 1.265,66 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 11,8 triệu đơn vị, giá trị 158,57 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán trên sàn HNX cũng đồng loạt nới rộng đà giảm, trong đó, MBS giảm 3% xuống mức giá thấp nhất ngày 19.400 đồng/CP, BVS và SHS cũng đều tìm về vùng giá thấp nhất trong ngày khi cùng để mất 2,5%... Trong đó, SHS vẫn là mã giao dịch sôi động nhất trong ngành khi khớp 9,17 triệu đơn vị.

Một số mã lớn khác cũng giao dịch thiếu tích cực và đều đóng cửa tại vùng giá thấp như IDC giảm 2,6% xuống 56.700 đồng/CP, HUT giảm 2,1% xuống 28.000 đồng/CP, PVS giảm 2,1% xuống 23.200 đồng/CP, TAR, NTP, NVB đều giảm hơn 1%.

Trong khi đó, cổ phiếu SLS tiếp tục tăng tốc và đóng cửa tại mức giá trần 146.900 đồng/CP. Cổ phiếu tăng tốt khác trong nhóm HNX30 có CEO và L14 cùng tăng 3,8%, NDN tăng 3,6%, PLC tăng 2,9%... Trong đó, CEO dẫn đầu thanh khoản thị trường với xấp xỉ 9,8 triệu đơn vị khớp lệnh.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cặp PVL và OCH đóng cửa trong sắc tím và đều trong trạng thái dư mua trần.

Trên UPCoM, dù có chút rung lắc nhưng UPCoM-Index đã may mắn thoát hiểm cuối phiên.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,13 điểm (+0,15%), lên 87,32 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 58,8 triệu đơn vị, giá trị 593,74 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,37 triệu đơn vị, giá trị hơn 94,78 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR đóng cửa giảm 1,3% xuống mức 22.800 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất thị trường, đạt hơn 8 triệu đơn vị.

Đứng ở vị trí tiếp theo về thanh khoản là cặp đôi nhỏ VHG và PVX lần lượt khớp 5,7 triệu đơn vị và hơn 4 triệu đơn vị, đóng cửa lần lượt tăng 5,3% lên 4.000 đồng/CP và tăng 9,1% lên sát trần 3.600 đồng/CP.

Ngoài ra, các cổ phiếu nhỏ KSH, DPS, GTT, PPI tăng kịch trần với khối lượng khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, có 3 hợp đồng tương lai giảm và 1 hợp đồng tăng, với VN30F2207 giảm 5,6 điểm (-0,5%) xuống 1.210,1 điểm, khớp lệnh hơn 220.850 đơn vị, khối lượng mở hơn 43.500 vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm áp đảo, nhưng dẫn đầu thanh khoản lại là những mã khởi sắc. Cụ thể, CHPG2212 tăng 33,3% lên 400 đồng/CQ và khớp 2,85 triệu đơn vị và CHPG2213 tăng 13% lên 1.650 đồng/CQ và khớp 2,44 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan