Giao dịch chứng khoán chiều 22/7: Bluechip cản bước, thị trường quay đầu

Giao dịch chứng khoán chiều 22/7: Bluechip cản bước, thị trường quay đầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán gia tăng về cuối phiên, với sức ép chính đến từ nhóm cổ phiếu bluechip, trong khi dòng tiền dè dặt khiến thị trường quay đầu điều chỉnh sau 3 phiên tăng liên tiếp.

Thị trường vẫn chưa có tín hiệu khả quan và tiếp tục lỗi hẹn với mốc 1.200 điểm trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 22/7 dù có phần lớn thời gian giao dịch trên ngưỡng kháng cự này. Tuy nhiên, diễn biến có phần tiêu cực hơn trong đợt khớp lệnh ATC khi áp lực bán gia tăng đã khiến thị trường lùi sâu hơn về dưới mốc tham chiếu.

Chỉ số VN-Index đã tạm chia tay sắc xanh sau 3 phiên tăng liên tiếp và kết thúc tuần bằng phiên giảm nhẹ dù đây là vùng giá thấp nhất trong ngày, cùng thanh khoản ở mức thấp, cho thấy tâm lý thận trọng của dòng tiền. Do đó, để có triển vọng tăng trưởng tích cực trong thời gian tới và thu hút được dòng tiền, chỉ số VN-Index cần chinh phục hoàn toàn vùng kháng cự 1.200 - 1.230 điểm.

Đóng cửa, sàn HOSE có 182 mã tăng và 279 mã giảm, VN-Index giảm 3,71 điểm (-0,31%), xuống 1.194,76 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 477,95 triệu đơn vị, giá trị gần 10.869 tỷ đồng, giảm 9,87% về khối lượng và 10,32% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 29,52 triệu đơn vị, giá trị 1.083,3 tỷ đồng.

Nhóm VN30 cùng pha thị trường khi để mất hơn 6,4 điểm, về vùng giá thấp nhất trong phiên 1.228 điểm. Trong đó, cổ phiếu lớn VIC là tác nhân chính khi nới rộng biên độ giảm và kết phiên đứng tại mức giá thấp nhất ngày 66.500 đồng/CP, giảm 2,9%.

Một số mã lớn cũng giảm sâu hơn như BID giảm 2,7% xuống 35.500 đồng/CP, CTG và HPG cùng giảm 2,2% xuống mức giá 26.900 đồng/CP và 22.200 đồng/CP, SSI giảm 1,9% xuống 20.900 đồng/CP, VNM giảm 1,6% xuống 72.000 đồng/CP…

Ở chiều ngược lại, cặp đôi GAS và MSN lội ngược dòng thành công nhưng không đủ sức để cân lại đà giảm của các mã lớn trên. Cụ thể, GAS đóng cửa tăng 3,6% lên mức 107.800 đồng/CP và MSN tăng 2,8% lên 108.500 đồng/CP; còn TCB, MWG, SAB, PNJ, FPT tăng nhẹ trên dưới 0,5%.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, một số mã như DAH, HTN, TNT, VRC kết phiên tăng kịch trần. Cổ phiếu AAA có phần hạ nhiệt trong phiên chiều khi kết phiên chỉ còn tăng 3,7% lên 12.500 đồng/CP và thanh khoản rơi khỏi top 5 khi khớp lệnh 11,84 triệu đơn vị.

Điểm nhấn là ST8. Sau thông tin ngày 28/7 tới đây chốt danh sách cổ đông chia cổ tức khủng bằng tiền mặt với tỷ lệ 85%, cổ phiếu ST8 tiếp tục tăng tốc, xác nhận phiên tăng điểm thứ 5 liên tiếp, tổng cộng tăng tới 25% trong tuần qua, chốt phiên hôm nay đứng tại mức giá trần 23.500 đồng/CP.

Trong khi đó, HQC sau phiên điều chỉnh hôm qua đã nhanh chóng lấy hồi phục sắc xanh trong phiên cuối tuần, thậm chí có thời điểm tiệm cận mức giá trần với thanh khoản tăng vọt. Kết phiên, HQC tăng 2,4% lên 5.050 đồng/CP với thanh khoản đứng ở vị trí thứ 5 trên thị trường, đạt hơn 11,92 triệu đơn vị khớp lệnh.

Cặp đôi HAG và HNG dù có thời điểm hồi phục sắc xanh nhưng kết phiên vẫn điều chỉnh nhẹ. Trong đó, HNG giảm 0,8% xuống 6.410 đồng/CP và khớp xấp xỉ 10 triệu đơn vị; còn HAG giảm 2,3% xuống 10.850 đồng/CP và khớp 9,52 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán tạo sức ép khá lớn trên thị trường sau diễn biến phân hóa và tăng nhẹ ở phiên sáng.

Cụ thể, ở nhóm chứng khoán, nhiều mã lớn tìm về mức giá thấp nhất trong ngày khi đà giảm nới rộng hơn trong phiên chiều như SSI giảm 1,9% xuống 20.900 đồng/CP và dẫn đầu thanh khoản với hơn 17,9 triệu đơn vị khớp lệnh; VND giảm 1% xuống 18.950 đồng/CP; HCM giảm 2,6% xuống 24.650 đồng/CP, VIX giảm 1,8% xuống 10.750 đồng/CP, VCI giảm 2,2% xuống 38.000 đồng/CP…

Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, sắc đỏ chiếm áp đảo, trong đó BID, SHB và CTG đều giảm hơn 2%; ACB, HDB, LPB giảm hơn 1%... Cổ phiếu VIB vẫn là mã tăng tốt nhất ngành khi kết phiên tăng gần 4,4% lên 26.200 đồng/CP.

Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, trái ngược diễn biến của các mã lớn, cổ phiếu BCM tiếp tục nới rộng biên độ tăng và kết phiên tăng kịch trần lên mức 66.500 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh gần nửa triệu đơn vị. Ngoài ra, các mã khác trong nhóm bất động sản khu công nghiệp như SZC tăng 1,62%, TIP tăng 2,54%.

Trên sàn HNX, áp lực bán gia tăng cũng khiến thị trường giật lùi, tuy nhiên HNX-Index vẫn giữ được nhịp tăng nhẹ nhờ sự hỗ trợ của một số mã lớn.

Đóng cửa, sàn HNX có 81 mã tăng và 105 mã giảm, HNX-Index tăng 0,74 điểm (+0,26%), lên 288,83 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 60,1 triệu đơn vị, giá trị 1.161,75 tỷ đồng.

Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp IDC là mã tăng tốt nhất trong nhóm HNX30 khi kết phiên tăng 3,9% lên mức 61.000 đồng/CP.

Một số mã lớn tăng tốt khác như VCS tăng 3,3% lên 75.500 đồng/CP, NVB và NTP cùng tăng 1,7%, NVB tăng 1,6%...

Trong khi đó, CEO tiếp tục lùi sâu hơn khi giảm 3,2% về vùng giá thấp nhất trong ngày 30.700 đồng/CP, HUT cũng tìm về mức giá thấp nhất khi giảm 1,4% xuống 28.500 đồng/CP. Tuy nhiên, NDN là cổ phiếu giảm mạnh nhất trong rổ HNX30 khi mất 6,1% xuống mức 10.700 đồng/CP; L14 thoát giá sàn và kết phiên giảm 4,9% xuống 102.000 đồng/CP.

Cũng như sàn HOSE, hầu hết các cổ phiếu chứng khoán trên HNX cũng có diễn biến thiếu tích cực như MBS, BVS, ART, APS… đều đảo chiều giảm điểm. Tuy nhiên, SHS vẫn lội ngược dòng thành công khi kết phiên tăng 2,4% lên mức 12.600 đồng/CP và là mã có thanh khoản tốt nhất thị trường, đạt hơn 13 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trên UPCoM, thị trường giao dịch dưới mốc tham chiếu trong suốt cả phiên chiều.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,28 điểm (-0,31%) xuống 88,84 điểm khi có 196 mã tăng và 145 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 59,23 triệu đơn vị, giá trị 768,27 tỷ đồng.

Cũng như GAS, cổ phiếu BSR tiếp tục nới rộng đà tăng trong phiên chiều. Kết phiên, BSR tăng 2% lên mức 25.000 đồng/CP với khối lượng giao dịch vượt trội, đạt 14,89 triệu đơn vị.

Trong khi đó, ACM vẫn giữ mức giá 1.600 đồng/CP, tăng 23,1% và đứng thứ 2 về thanh khoản khi khớp 3,88 triệu đơn vị.

Ngoài ra, các mã nhỏ khác như KSH, DPS, GTT, PPI đều đóng cửa trong trạng thái dư mua trần khá lớn, trong đó KSH dư mua trần 1,2 triệu đơn vị; đồng thời thanh khoản cũng đều đạt hơn 1 triệu đơn vị.

Một số mã đáng chú ý khác trên thị trường như PAS giảm 3,3%, PVX giảm 2,8%, C4G giảm 2,6% đều có thanh khoản hơn 1-2 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều biến động nhẹ quanh mốc tham chiếu, trong đó VN30F2208 đáo hạn gần nhất ngày 18/8 giảm 0,8 điểm (-0,1%) xuống 1.225,6 điểm, tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 206.220 đơn vị, khối lượng mở gần 25.840 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, phiên này, CHPG2212 và CHPG2213 tiếp tục khớp lệnh cao nhất với 2,61 triệu và 2,36 triệu đơn vị và cả hai cùng giảm, với CHPG2212 -8,6% xuống 320 đồng/cq, CHPG2213 -2,3% lên 1.280 đồng/cq.

Tin bài liên quan