Giao dịch chứng khoán chiều 30/3: Cổ phiếu đầu cơ đồng loạt đổ đèo

Giao dịch chứng khoán chiều 30/3: Cổ phiếu đầu cơ đồng loạt đổ đèo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hàng loạt cổ phiếu có tính đầu cơ đã bị bán mạnh và đồng loạt đóng cửa ở mức sàn trong phiên giao dịch hôm nay (30/3).

Sau nửa phiên giao dịch sáng khá bình yên, lực bán bắt đầu gia tăng ở nhiều mã có tính đầu cơ cao, tăng nóng trong thời gian qua, kéo nhiều mã giảm mạnh trở lại, trong đó có một số mã giảm sàn theo nhóm FLC như OCG, SJF, UDC, MCG.

Sắc đỏ bao trùm bảng điện tử, nhưng VN-Index chỉ giảm nhẹ khi nhận được sự nâng đỡ từ nhóm VN30, đặc biệt là nhóm ngân hàng, vốn đã đi ngang một thời gian dài.

Bước vào phiên chiều, các nhà đầu tư đang nắm “cổ phiếu nóng” dường như đã không còn giữ được sự kiên nhẫn với nỗi lo trâu chậm uống nước đục, chậm chân bị kẹt hàng, nên đồng loạt bán giá thấp, kéo thêm hàng loạt mã quay đầu giảm sàn. Ngoài nhóm FLC, OCG, SJF, UDC, MCG, SII phiên sáng, còn có thêm HQC, LDG, TGG, FTM, HAR, TTB, nhóm phân bón với toàn bộ 4 mã đang niêm yết trên HOSE là DPM, DCM, BFC và SFG đều giảm kịch biên độ.

Không kể nhóm FLC còn dư bán sàn cả chục, thậm chí tới 100 triệu đơn vị như FLC, các mã còn lại đều còn dư bán sàn, với các mã còn dư bán nhiều là SJF, OGC với trên dưới 1,6 triệu đơn vị.

Nhiều mã khác dù thoát mức sàn, nhưng cũng có phiên giảm mạnh như DLG giảm 6,8%, xuống 7.590 đồng; SCR giảm 6,5% xuống 21.500 đồng; DIG giảm 6,4% xuống 95.000 đồng; CII giảm 6,3% xuống 30.250 đồng; LGL giảm 6,2% xuống 10.650 đồng; NBB giảm 6,1% xuống 30.600 đồng.

Với các mã này, nhìn vào đồ thị kỹ thuật hiện nay dường như không còn nhiều ý nghĩa, mà chủ yếu là dựa vào tâm lý nhà đầu tư và độ “chịu chơi” của các tạo lập.

Ngoài ra, các mã khác như FIT, AAA, JVC cũng giảm hơn 4%; các mã ASM, HNG, IJC giảm hơn 2%.

Những nhà đầu ra hàng hôm nay đều thoát hàng khá thành công khi lực cầu vẫn duy trì mức lớn, giúp nhóm này có thanh khoản tốt. Trong đó, HQC khớp tới 47,5 triệu đơn vị, dẫn đầu toàn thị trường. LDG khớp 18,37 triệu đơn vị; 2 mã đầu ngành phân bón là DPM và DCM khớp hơn 15 triệu đơn vị; ITA, CII, SCR, DLG khớp từ hơn 12 triệu đơn vị đến hơn 15,4 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, nhóm này vẫn còn những mã chưa hết nóng, như NVT vẫn đang trên đường tạo đỉnh cây thông với 11 phiên tăng trần trong 12 phiên gần nhất với thanh khoản dưới nửa triệu đơn vị. Hay SJS sau thời gian lình xình, cũng bật tăng mạnh, tạo break trong phiên hôm nay khi thông tin Tổng công ty Sông Đà thoái vốn được công bố trước đó.

HAG cũng có mức tăng tốt và giao dịch sôi động. Đóng cửa tăng 1,9% lên 13.650 đồng, khớp 38,5 triệu đơn vị, đứng sau HQC về thanh khoản. Một mã có tính thị trường khác cũng ngược dòng thành công hôm nay là TSC với mức tăng 1,2% lên 17.450 đồng, khớp 17 triệu đơn vị, thứ 5 về thanh khoản.

Từ nhóm cổ phiếu nóng, lực bán cũng lan dần ra các nhóm khác, trong đó có nhóm bluechip, khiến nhiều mã hạ nhiệt. Lực bán mạnh diễn ra ngay đầu phiên chiều khiến VN-Index lao dốc, xuống dưới mốc 1.485 điểm, ngay 2 đường trung bình MA20 và MA50, trước khi bật trở lại, đóng cửa bằng với mức điểm mở cửa, tạo thành cây nến ngày dạng doji.

Chốt phiên, VN-Index giảm 7,25 điểm (-0,48%), xuống 1.490,51 điểm với 133 mã tăng (chỉ 7 mã trần), trong khi có tới 320 mã giảm (24 mã sàn). Tổng khối giao dịch 901,5 triệu đơn vị, giá trị 28.682,5 tỷ đồng, tăng 22% cả về khối lượng và giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 20,6 triệu đơn vị, giá trị 876,9 tỷ đồng.

Nhóm ngân hàng, VIB thay thế BID trở thành mã tăng mạnh nhất với mức 4,7% lên 47.000 đồng, khớp 3,65 triệu đơn vị. SSB cũng đảo chiều tăng vọt trong phiên chiều, từ mức giảm của phiên sáng, đóng cửa phiên chiều tăng 4,2% lên 38.050 đồng, khớp 2,56 triệu đơn vị. BID tăng 2,7% lên 43.550 đồng, khớp 3,5 triệu đơn vị và vẫn là mã đóng góp lớn nhất cho VN-Index với gần 1,5 điểm, bằng 2 mã đóng góp đứng sau là VIB và SSB cộng lại. HDB vẫn giữ phong độ với mức tăng 2,7% lên 28.300 đồng, khớp 5,84 triệu đơn vị, khối ngoại mua ròng tới hơn 2,2 triệu đơn vị.

MBB cũng tăng tốt 2% lên 32.650 đồng, khớp 30,1 triệu đơn vị, đứng thứ 3 về thanh khoản sau HQC và HAG. VPB cũng tăng 1,1% lên 36.800 đồng, khớp 16,6 triệu đơn vị, đứng sau MBB. Các mã khác tăng giá có ACB, TCB, SHB, MSB, CTG và VCB. Trong khi đó, STB, LPB, TPB đảo chiều giảm, cùng với 2 mã EIB và OCB vẫn giữ sắc đỏ từ phiên sáng.

Nhóm chứng khoán cũng chỉ còn duy nhất VND có sắc xanh nhạt, còn lại đều quay đầu giảm. Nhóm thép cũng chỉ còn VCA, DTL, SMC tăng, trong đó VCA và DTL tăng mạnh hơn 4%, còn SMC có sắc xanh nhạt. Trong khi đó, nhóm dầu khí không còn sắc xanh nào, trong đó các mã lớn đều giảm mạnh như PVD giảm 3,4% xuống 35.300 đồng, GAS giảm 1,6% xuống 110.100 đồng, PLX giảm 2,5% xuống 55.000 đồng.

Nhóm bất động sản lớn, trong khi VIC giữ được sắc xanh nhẹ, thì NVL lại giảm mạnh hơn 3% xuống 80.000 đồng. VHM cũng đóng cửa với mức giảm gần 1% xuống 75.800 đồng.

Trong khi đó, không nhận được sự hỗ trợ của các mã vốn hóa lớn như dòng ngân hàng trên HOSE, sàn HNX tụt dốc mạnh trong phiên chiều, đóng cửa ở mức thấp gần nhất ngày.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 10,05 điểm (-2,18%), xuống 451,19 điểm với chỉ 69 mã tăng (6 mã trần), trong khi có 184 mã giảm (12 mã sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 147,8 triệu đơn vị, giá trị 4.652,3 tỷ đồng, giảm nhẹ về khối lượng, nhưng tăng 16% về giá trị giao dịch so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 16,7 triệu đơn vị, giá trị 844,3 tỷ đồng.

Ngoài ART và KLF, các mã có tính đầu cơ cao trên sàn HNX cũng bị bán mạnh hôm nay. Trong đó, HUT giảm kịch sàn xuống 38.700 đồng, khớp 9,14 triệu đơn vị, cao nhất sàn. Cổ phiếu họ Louis là BII cũng giảm kịch sàn xuống 12.800 đồng, khớp 4,72 triệu đơn vị.

Không giảm sàn, nhưng CEO cũng mất tới 6% giá trị, đóng cửa 65.900 đồng, khớp 6,64 triệu đơn vị. MBG cũng giảm 7,6% xuống 14.500 đồng. PVS cũng giảm 4% xuống 35.700 đồng, khớp 8,43 triệu đơn vị. Thậm chí, NVB từ mức tăng mạnh phiên sáng, cũng đảo chiều giảm 2% khi đóng cửa phiên chiều, xuống 35.800 đồng. SHS cũng giảm 1,7% xuống 40.500 đồng, khớp 3,96 triệu đơn vị.

Trên thị trường UPCoM, chỉ số chính của thị trường này cũng lao mạnh đầu phiên, nhưng sau đó hồi dần, hãm đà giảm cuối phiên.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,49 điểm (-0,41%), xuống 116,88 điểm với 156 mã tăng với 19 mã trần; 201 mã giảm, chỉ có 6 mã sàn. Tổng khối lượng giao dịch đạt 95,3 triệu đơn vị, giá trị 2.068 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp nửa triệu đơn vị, giá trị 15 tỷ đồng.

VHG vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất với 14,72 triệu đơn vị và nới đà giảm thành 7,4%, đóng cửa ở mức 10.000 đồng. Trong khi đó, SBS vẫn đứng ở vị trí thứ 2 về thanh khoản với 7,14 triệu đơn vị và duy trì đà tăng 3,6% lên 14.500 đồng. BSR giảm 1,1% xuống 26.600 đồng, khớp 7,11 triệu đơn vị. VGT giảm 0,4% xuống 26.800 đồng, khớp 5,88 triệu đơn vị. C4G lại tăng 2,4% lên 25.800 đồng, khớp 5,69 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, VN30-Index thiếu chút may mắn nên đóng cửa giảm nhẹ 0,34 điểm (-0,02%), xuống 1.500,23 điểm. Trong các hợp đồng tương lai chỉ số này, chỉ duy nhất hợp đồng đáo hạn tháng 9 tăng nhẹ, còn lại đều giảm với mức giảm không đáng kể. Trong đó, giảm mạnh nhất là hợp đồng đáo hạn tháng 4 với mức giảm 3,6 điểm (-0,24%), xuống 1.489,8 điểm, thanh khoản 164.555 hợp đồng, khối lượng mở 30.478 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm thế áp đảo với mã giảm mạnh nhất là CVIC2110 do MBS phát hành giảm 33,3% xuống 40 đồng, thanh khoản hơn nửa triệu đơn vị. Ở chiều ngược lại, một chứng quyền khác với chứng khoán cơ sở cũng của VIC lại tăng mạnh nhất, đó là CVIC2107 do HSC phát hành tăng 33,3% lên 80 đồng, thanh khoản gần nửa triệu đơn vị. Về thanh khoản, hôm nay chỉ có 2 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị và đều do HSC phát hành, đó là CHPG2203 với hơn 2 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 2,7% xuống 1.460 đồng và CFPT2109 với 1,17 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 7,4% lên 1.300 đồng.

Tin bài liên quan