Giao dịch chứng khoán chiều 30/6: Phiên điều chỉnh cần thiết

Giao dịch chứng khoán chiều 30/6: Phiên điều chỉnh cần thiết

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau 3 phiên tăng liên tiếp, thị trường đã có phiên điều chỉnh nhẹ cuối tháng 6 với thanh khoản thấp không đáng ngại, thậm chí là cần thiết trước khi bước vào cuộc đua tiếp theo.

Tiếp nối 3 phiên tăng điểm trước đó và nhờ sự hỗ trợ đắc lực của các mã trụ, VN-Index đã hướng tới chinh phục ngưỡng kháng cự 1.415 - 1.420 điểm. Tuy nhiên, với nhiều lý do, dòng tiền bị kìm hãm lại trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6, thời điểm chốt NAV và nhiều chỉ tiêu quan trọng cho báo cáo bán niên của các quỹ, công ty chứng khoán, cũng như margin tại nhiều công ty chứng khoán tới hạn nhiều khiến VN-Index bị chặn lại ở ngưỡng 1.420 điểm.

Theo thông tin mà ông Tô Giang Nam, Giám đốc đầu tư Vietinbank Capital cung cấp tại buổi talkshow “Thị trường chứng khoán và dự báo” do Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức, lượng tiền sẵn sàng giao dịch của nhà đầu tư F0 (mở mới trong 1 năm qua) tính đến cuối quý I/2021 vào khoảng 85.000 tỷ đồng, chỉ tăng khoảng 4,2% so với cuối năm 2020. Vì vậy, dòng tiền chính thúc đẩy thị trường thời gian qua đến từ hoạt động margin.

Ông Nam cho biết, dư nợ margin của các công ty chứng khoán hết quý I/2021 đạt khoảng 101.000 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ và tăng 25% quý liền kề. Nguồn tiền này phần lớn đến từ các hoạt động tín dụng (công ty chứng khoán vay ngân hàng), bên cạnh tăng thêm vốn chủ sở hữu và một phần từ huy động trái phiếu.

Về phía đơn vị quản lý, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBCK cho biết, dư nợ margin của các công ty chứng khoán đang gần hết hạn mức. Một số đơn vị tăng vốn để đáp ứng nhu cầu cho vay margin. UBCK đã có văn bản gửi các công ty chứng khoán yêu cầu thực hiện tuân thủ quy định.

Ông Sơn nhấn mạnh, 6 tháng tới, UBCK sẽ thực hiện quyết liệt việc kiểm tra các công ty chứng khoán để đảm bảo cung cấp dịch vụ theo đúng quy định pháp luật.

Trong một diễn biến khác, MSCI thông báo tham vấn ý kiến của các bên liên quan đến chỉ số MSCI Pakistan Index về việc hạ xếp hạng thị trường chứng khoán Pakistan từ thị trường mới nổi về thị trường cận biên.

Nếu điều này xảy ra, sẽ có 4 cổ phiếu Pakistan được thêm vào rổ chỉ số MSCI Frontier Markets Index với tổng tỷ trọng dự kiến là 2,3% và tỷ trọng của cổ phiếu Việt Nam trong rổ dự kiến sẽ giảm nhẹ từ 31% xuống 30,3%, đồng thời sẽ có 13 cổ phiếu Pakistan được thêm vào rổ chỉ số MSCI Frontier Markets 100 Index với tổng tỷ trọng dự kiến là 5,8% và tỷ trọng của cổ phiếu Việt Nam trong rổ chỉ số này dự kiến sẽ tăng nhẹ từ 31% lên 31,4%.

Với các thông tin trên, cùng với việc VN-Index đang ở vùng kháng cự mạnh, lực bán đã gia tăng trong nửa cuối phiên chiều nay, đẩy VN-Index xuống thẳng dưới tham chiếu.

Chốt phiên, VN-Index giảm 1,49 điểm (-0,11%), xuống 1.408,55 điểm với 139 mã tăng, trong khi có tới 233 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 595 triệu đơn vị, giá trị 21.055,9 tỷ đồng, giảm 8% về khối lượng, nhưng chỉ giảm nhẹ 1,3% về giá trị so với phiên hôm qua. Tuy nhiên, giá trị giao dịch giảm nhẹ hơn so với khối lượng do đóng góp từ giao dịch thỏa thuận, chủ yếu đến từ NVL trong phiên sáng. Cụ thể, giao dịch thỏa thuận đóng góp 63 triệu đơn vị, giá trị 3.320,6 tỷ đồng, tăng 67% về khối lượng và 75% về giá trị so với phiên hôm qua.

Phiên giảm điểm với thanh khoản thấp cho thấy đây chỉ là nhịp điều chỉnh trong con sóng lên chứ không phải là phiên phân phối. Tuy nhiên, việc xuất hiện tình trạng kéo những mã lớn như họ nhà VHM, VIC, VCB, MSN… khiến thị trường tăng, nhưng tài khoản nhiều nhà đầu tư giảm, gây sự khó chịu cho nhiều nhà đầu tư và có thể dẫn tới sự mất kiên nhẫn.

Trong các mã trụ, nhóm cổ phiếu họ nhà Vingroup đã hạ nhiệt, thậm chí VHM quay đầu điều chỉnh nhẹ 0,5% xuống 118.000 đồng, còn VIC chỉ còn tăng 0,8% lên 119.000 đồng, VRE tăng 0,2% lên 31.750 đồng, mức thấp nhất ngày.

Dù vậy, thị trường vẫn nhận được sự hỗ trợ của các mã trụ khác như VCB với mức tăng 2,1% lên 116.400 đồng, đóng góp 2,36 điểm cho VN-Index, tiếp đến là MSN tăng 2,7% lên 111.400 đồng, đóng góp 0,91 điểm cho VN-Index.

Ở chiều ngược lại, CTG giảm 2,2% xuống 52.700 đồng, tác động tới VN-Index -1,19 điểm. TCB giảm 1,5% xuống 52.700 đồng, tác động tới index -0,75 điểm…

Lực bán mạnh không chỉ khiến CTG nới rộng đà giảm, mà còn giúp mã này có thanh khoản tốt nhất thị trường, vượt qua MBB của phiên sáng với 31,4 triệu đơn vị. MBB đứng sau với gần 26 triệu đơn vị và cũng đóng cửa giảm 0,23% xuống 43.350 đồng.

Trong nhóm cổ phiếu thị trường, SCR vẫn yên vị ở mức trần 11.900 đồng với thanh khoản vọt lên 21,4 triệu đơn vị và trắng bên bán. Ngoài ra, cũng chi có thêm LDG tăng 1,7% lên 7.340 đồng, khớp 5,9 triệu đơn vị, còn lại đều chìm trong sắc đỏ. Trong đó, DLG là mã giảm mạnh nhất với 5% xuống 3.410 đồng, khớp 8,9 triệu đơn vị. FLC giảm 2,6% xuống 13.300 đồng, khớp 20,1 triệu đơn vị…

Điểm đáng chú ý là cả nhà đầu tư nước ngoài và tự doanh công ty chứng khoán đều mua ròng mạnh trong phiên hôm nay với tổng giá trị mua ròng lần lượt là 1.755 tỷ đồng và gần 142 tỷ đồng. Nếu khối ngoại mua ròng là do mua thỏa thuận 1.500 tỷ NVL, thì khối tự doanh lại mua ròng mạnh VCB, VPB, VNM, NKG, trong khi bán ròng mạnh HPG.

Trên sàn HNX, chỉ số chính của sàn này bị đẩy mạnh ngay khi bước vào phiên chiều, sau đó giằng co quanh 322,5 điểm trước khi bị đẩy mạnh xuống mức đáy của ngày 321,8 điểm. Từ mức đáy của ngày, HNX-Index bật lên khá mạnh lên trên mức đóng cửa của phiên sáng nhờ SHB đảo chiều tăng trở lại.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,47 điểm (-0,15%), xuống 323,32 điểm với 86 mã tăng trong khi có tới 125 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 103,1 triệu đơn vị, giá trị 2.404 tỷ đồng, giảm 22,4% về khối lượng và 25,7% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,3 triệu đơn vị, giá trị 103,4 tỷ đồng.

SHB đảo chiều tăng 0,7% lên 28.700 đồng, khớp 17,6 triệu đơn vị, trong khi PVS nới đà giảm tới 3,4% xuống 28.800 đồng, khớp 11,7 triệu đơn vị. Các mã NVB, NVD, CEO giảm từ 1 – 2%, thanh khoản trên dưới 5 triệu đơn vị.

Trong khi đó, SHS trở lại tham chiếu 44.000 đồng, còn MBS duy trì đà tăng 1,3% lên 31.400 đồng. Mã có vốn hóa lớn nhất sàn là THD vẫn duy trì tăng 1,4% lên 207.100 đồng, với 0,68 triệu đơn vị được khớp.

Trên thị trường UPCoM, chỉ số chính của thị trường cũng bị đẩy mạnh xác lập đáy trong ngày vào giữa phiên chiều trước khi hồi trở lại, đóng cửa gần như không đổi.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,05 điểm (-0,06%), xuống 90,25 điểm với 139 mã tăng và 126 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 60,3 triệu đơn vị, giá trị 1.171 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 6,6 triệu đơn vị, giá trị 156,7 tỷ đồng.

Trên thị trường này, BSR vẫn giữ ngôi vua về thanh khoản với 13,85 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa giảm 0,9% xuống 21.000 đồng. Trong khi đó, VGT vượt qua DDV trở thành mã có thanh khoản lớn thứ 2 với 2,58 triệu đơn vị so với 2,56 triệu đơn vị. Tuy nhiên, đóng cửa VGT giảm 2,5% xuống 19.400 đồng, còn DDV vẫn duy trì mức tăng 2,7% về giá, lên 15.400 đồng.

Các mã còn lại có thanh khoản trên 2 triệu đơn vị có VHG, ABB, SBS, trong đó chỉ có VHG đứng giá tham chiếu, còn lại đều giảm.

Trên thị trường phái sinh, chỉ có 1 hợp đồng tương lai của chỉ số VN30 đáo hạn tháng 9 đứng giá tham chiếu, còn lại đều giảm, trong đó giảm mạnh nhất và mạnh hơn mức giảm của thị trường cơ sở là hợp đồng đáo hạn tháng 7. Cụ thể, VN30-Index giảm 0,06% xuống 1.529 điểm, còn hợp đồng đáo hạn tháng 7 VN30F2107 giảm 0,31% xuống 1.529,2 điểm với 166.084 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở đạt 27.611 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, cũng giống thị trường cơ sở, số mã giảm chiếm áp đảo so với số mã tăng. Trong đó, giảm mạnh nhất là CVNM2102 do VND phát hành với mức giảm 40% xuống 90 đồng/chứng quyền, thanh khoản đạt 456.300 đơn vị. 5 mã giảm mạnh tiếp theo với mức giảm từ gần 19% đến hơn 35% đều do MBS phát hành, thanh khoản chỉ trên dưới 100.000 đơn vị.

Ở chiều ngược lại, CMWG2103 cũng do MBS phát hành với mức tăng 14,1% lên 2.020 đồng/chứng quyền, thanh khoản đạt 383.400 đơn vị. Tiếp đến là CMWG2102 do VCSC phát hành với mức 12,3%, thanh khoản 142.300 đơn vị.

Về thanh khoản, CVHM2102 do VND phát hành là mã có thanh khoản tốt nhất, nhưng cũng chỉ hơn nửa triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,7% lên 2.950 đồng/chứng quyền.

Tin bài liên quan