Giao dịch chứng khoán chiều 6/7: Chứng khoán lao dốc, thủng đáy 16 tháng

Giao dịch chứng khoán chiều 6/7: Chứng khoán lao dốc, thủng đáy 16 tháng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Không thể tạo mẫu hình 2 đáy, VN-Index có phiên lao dốc về lại mốc điểm số có được cách đây 16 tháng

Tháng 3/2021, cách đây 16 tháng, nhà đầu tư hồi hộp chờ đợi mốc kỷ lục thị trường 1.200 điểm của VN-Index sẽ được phá vỡ sau hơn 2 tháng giằng co. Ngày cuối tháng 31/3/2021, thị trường bứt phá theo mẫu hình kinh điển là giá tăng và khối lượng tăng mở ra một chuỗi tăng điểm thăng hoa của thị trường sau đó, kéo dài đúng 1 năm, VN-Index vượt thêm gần 30% lên mốc 1.530 điểm với hàng loạt kỷ lục kèm theo được thiết lập từ thanh khoản tới số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường.

Hệ thống công nghệ của HOSE đã “không chịu nổi” sự tham gia nhiệt tình của nhà đầu tư, để rồi có chiến dịch 100 ngày đêm giải cứu hệ thống công nghệ…

Tất cả những ngày “mua là thắng” đó rất gần thôi nhưng cũng rất xa xôi, hôm nay, ngày 5/7, VN-Index tiếp tục phá đáy xuống một mức giá thấp hơn, giảm hơn 31 điểm về mức 1.149 điểm, quá xa đỉnh cũ mọi thời đại 1.530 điểm vừa đề cập mới có 3 tháng, để trở về mốc điểm số có được cách đây…16 tháng.

Khi thị trường tăng điểm, không có gì cản được, và khi thị trường giảm điểm cũng không có ai… ngăn được. Cú lao dốc quá nhanh trong vòng 3 tháng với 30% điểm số của VN-Index và có thể bằng lần với nhiều cổ phiếu đã khiến giấc mộng “làm giàu” từ chứng khoán vẫn còn đong đầy mới đây thôi… biến mất.

Thị trường tài chính được coi là hàn thử biểu của nền kinh tế đã phát ra các tín hiệu từ đầu quý II, trên toàn cầu chứ không chỉ dành cho Việt Nam. Thời điểm đó, nhiều nhà đầu tư vẫn chưa tin vào các tín hiệu tiêu cực, nhưng rất nhanh hàng loạt thị trường chịu tác động khi lạm phát tăng. Tiền điện tử, giá vàng, mới đây nhất (hôm qua thôi) là giá dầu lao dốc sau khi chỉ số USD-Index tăng vọt do chính sách thắt chặt tiền tệ từ Fed.

Những rủi ro dù với nhiều nền kinh tế, trong đó có Việt Nam dù chỉ mới tiềm tàng, nhưng theo tính chất khó lường trước hậu quả sẽ phản ánh ngay vào thị trường chứng khoán. Đa số nhà đầu tư sẽ phải bán tháo để giảm tỷ lệ vay hoặc tạm thời đứng ngoài thị trường, dù ai cũng biết rằng giá nhiều cổ phiếu đang về mức rất rẻ nếu cách đây 16 tháng khi VN-Index đang ở ngưỡng tương đường.

Không nhiều nhà đầu tư có đủ độ kiên nhẫn và khả năng phân tích hay nhạy cảm thị trường như Warren Buffett với châm ngôn đầu tư nổi tiếng “Hãy sợ hãi khi người khác tham lam và tham lam khi người khác sợ hãi”, nhiều khi lý do chỉ bởi thấy cơ hội thì tiền cũng… hết!

Một thị trường đang lao dốc, đó là hệ quả của một chuỗi tác động, đa số nhà đầu tư sẽ nhìn nhận rõ quá trình này sau một thời gian tới, nhưng chắc chắn rằng đây là cơ hội mua vào. Nếu bạn còn tiền, đừng ngại ngân hành động, bất chấp rằng giá có thể rẻ hơn nhưng khi đó liệu ta có lãng phí cơ hội đó!

Chốt phiên, VN-Index giảm 31,68 điểm (-2,68%), xuống 1.149,61 điểm với 73 mã tăng, trong khi có tới 395 mã giảm, trong đó chỉ có duy nhất DBC bất ngờ nổi sóng có sắc tím, trong khi có tới 34 mã giảm sàn. Tổng khối lượng giao dịch đạt 611,6 triệu đơn vị, giá trị 13.773,4 tỷ đồng, tăng 40% về khối lượng và 39% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 44,7 triệu đơn vị, giá trị 1.476,2 tỷ đồng.

Nhóm VN30 có 2 mã giảm kịch sàn là GAS về 95.800 đồng và VRE về 26.000 đồng. Một “anh đại” khác là VIC cũng giảm gần kịch sàn khi đóng cửa giảm 6,6% xuống 67.500 đồng.

Các mã giảm mạnh khác có PNJ giảm 5,6% xuống 112.000 đồng, PLX giảm 4,9% xuống 38.200 đồng, CTG giảm 4,3% xuống 25.850 đồng, HDB giảm 3,6% xuống 23.850 đồng, SSI giảm 3,6% xuống 19.000 đồng. GVR cũng không còn giữ được phong độ khi quay đầu giảm 3,5% xuống 20.850 đồng.

MSN từ mức tăng hơn 3% trong phiên sáng, cũng đảo chiều đóng cửa giảm 2% xuống mức thấp nhất ngày 100.000 đồng. Mức giá này chủ yếu bị “đánh up” trong đợt ATC khi tương quan cung cầu trước đó cho thấy MSN vẫn giữ được mức giá trên tham chiếu.

Trong nhóm VN30 chỉ còn 3 sắc xanh tại SAB, VJC và BVH, trong khi VNM và PDR về tham chiếu. Trong đó, SAB tăng 1,2% lên 152.600 đồng, VJC tăng 1% lên 127.100 đồng và BVH chỉ còn tăng 0,4% lên 53.000 đồng.

Nhóm này có thanh khoản khá tốt với 27 mã khớp trên 1 triệu đơn vị, trong đó có 4 mã khớp trên 15 triệu đơn vị là POW khớp 15 triệu đơn vị, giảm giá 1,5% xuống 12.800 đồng; SSI khớp 15,2 triệu đơn vị; STB khớp 17,7 triệu đơn vị, giảm giá 2,4% xuống 22.500 đồng; HPG khớp 18,2 triệu đơn vị, giá giảm 2,1% xuống 21.450 đồng.

Về các nhóm ngành, nhóm ngân hàng chỉ còn duy nhất VIB giữ được mức tham chiếu, còn lại đều chìm trong sắc đỏ, trong đó CTG là mã giảm mạnh nhất nhóm, còn “anh cả” của nhóm là VCB giảm 1,6% xuống 72.800 đồng.

Nhóm chứng khoán toàn bộ chìm trong sắc đỏ, trong đó có tới 10 mã giảm trên 3%, hơn một nửa giảm trên 5%, trong đó FTS là mã giảm mạnh nhất khi mất 6,6% xuống 35.500 đồng. BSI giảm 6% xuống 22.550 đồng, VND giảm 5,4% xuống 17.600 đồng.

Nhóm đông quân số nhất là bất động sản, xây dựng, số mã tăng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay như tại SZL, NBB, SCR, FIR, CTD, VPH, nhưng mức tăng rất khiêm tốn. Trong số giảm, có nhiều mã giảm sâu trên 3%, riêng VGC giảm sàn.

Nhóm thép cũng chỉ còn DTL và TNA giữ tham chiếu, còn lại đều giảm. Ngoài HPG đã đề cập, HSG từ mức tăng tốt sáng nay cũng quay đầu giảm phiên chiều, dù mức giảm chỉ khiêm tốn.

Trong các mã giảm mạnh phải kể đến nhóm dầu khí, ngoại trừ GAS giảm sàn, còn có PVD, PET, PVT, cũng giảm kịch biên độ.

Nhóm phân bón DCM cũng giảm kịch biên độ, DPM giảm 6,8% xuống 43.200 đồng, BFC giảm 6,6% xuống 21.300 đồng.

Nhóm logistic cũng chìm trong sắc đỏ, trong đó VOS, HAH, VSC giảm sàn, GMD giảm 6,3% xuống 46.050 đồng.

Các nhóm nhỏ, HAG vẫn giữ được đà tăng tốt 2,4% lên 9.650 đồng, thậm chí có lúc lên trần 10.050 đồng, thanh khoản đạt 29,1 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản sau VND với 29,4 triệu đơn vị. Trong khi đó, HNG vẫn giảm 4,9% xuống 5.040 đồng, khớp 16,6 triệu đơn vị.

Nhóm FLC, Louis cũng đều chìm trong sắc đỏ với mức giảm đều hơn 3%, trong đó KLF và VKC trên sàn HNX giảm sàn.

Sàn HNX cũng bị bán mạnh trong phiên chiều và đóng cửa ở mức thấp nhất ngày giống sàn HOSE với sắc đỏ bao trùm bảng điện tử.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 6,02 điểm (-2,17%), xuống 271,92 điểm với 44 mã tăng, trong khi có tới 150 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 65,5 triệu đơn vị, giá trị 1.227,8 tỷ đồng, giảm 13% về khối lượng và 8% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 3 triệu đơn vị, giá trị 79 tỷ đồng.

PVS nới đà giảm khi đóng cửa giảm 7,1% xuống 22.300 đồng, khớp 12,3 triệu đơn vị, PVC giảm 8,3% xuống 15.400 đồng, khớp 1,7 triệu đơn vị.

Các mã đáng chú ý khác, sắc xanh tại CEO và TNG ở phiên sáng cũng đã biến mất trong phiên chiều, thậm chí TNG còn giảm mạnh 8,7% xuống 25.100 đồng, CEO giảm 0,8% xuống 26.000 đồng. Còn SHS giảm 4,1% xuống 13.900 đồng, khớp 7,5 triệu đơn vị. HUT giảm 8,3% xuống 24.400 đồng…

UPCoM cũng bị đẩy mạnh xuống trong phiên chiều, nhưng khác với 2 sàn niêm yết là thoát được mức thấp nhất ngày.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,96 điểm (-1,11%), xuống 86,22 điểm với 107 mã tăng và 163 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 63,8 triệu đơn vị, giá trị 1.293,1 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 7,6 triệu đơn vị, giá trị 147 tỷ đồng.

BSR nới đà giảm khi đóng cửa mất 14,6% giá trị, xuống 22.900 đồng, khớp gần 34 triệu đơn vị. OIL giảm 6,3% xuống 11.900 đồng, khớp 1 triệu đơn vị.

Các mã có thanh khoản cao khác cũng giảm mạnh như VHG giảm 5,4% xuống 3.500 đồng, khớp 2,5 triệu đơn vị. SBS giảm 4,5% xuống 8.500 đồng, khớp 1,8 triệu đơn vị. VGT giảm 4,5%, xuống 16.800 đồng, khớp 1,4 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm, nhưng mức giảm đều nhỏ hơn một nửa so với VN30. Cụ thể, VN30-Index giảm 30,11 điểm (-2,42%), xuống 1.211,94 điểm, còn hợp đồng đáo hạn tháng 7 giảm 16,9 điểm (-1,37%), xuống 1.218 điểm với 399.286 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 39.757 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng lấn át, trong đó 2 mã giảm mạnh nhất là chứng quyền của VRE và đều do KIS phát hành là CVRE2203 giảm 40% xuống 90 đồng và CVRE2205 giảm 36,7% xuống 190 đồng. Ba mã giảm mạnh tiếp theo cũng đều do KIS phát hành với mức giảm trên 32%.

Trong khi CSTB2209 do MBS phát tăng mạnh nhất tới 75% lên 430 đồng, nhưng thanh khoản chỉ 53.700 đơn vị.

Về thanh khoản, có 5 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó CHPG2212 do KIS phát hành có thanh khoản nhất với 1,56 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 9,4% xuống 290 đồng.

Tin bài liên quan