Giao dịch chứng khoán phiên chiều 1/3: Lỗi hẹn

Giao dịch chứng khoán phiên chiều 1/3: Lỗi hẹn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù nhận được sự hỗ trợ đắc lức của VIC và một số mã lớn khác, nhưng VN-Index một lần nữa lỗi hẹn với mốc 1.500 điểm khi đóng cửa phiên hôm nay (1/3).

Trong phiên sáng, sau ít phút rung lắc nhẹ, VN-Index đã bật lại mạnh mẽ khi về vùng hỗ trợ đường MA50 với sự trợ giúp VIC để chinh phục lại ngưỡng 1.500 điểm trong những phút cuối. Tuy nhiên, dòng tiền lớn chưa nhập cuộc khiến VN-Index gặp thất bại.

Bước vào phiên chiều, dòng tiền hoạt động có vẻ tích cực hơn, nhất là ngay đầu phiên, giúp VN-Index nới rộng đà tăng và một lần nữa lên test lại ngưỡng 1.500 điểm. Trợ thủ đắc lực nhất vẫn là VIC và GVR, nhưng cũng giống như phiên sáng, đây dường như đang là ngưỡng kháng cự tâm lý khá khó nhằn với chỉ số này.

Ngoài dòng tiền lớn chưa mạnh dạn nhập cuộc, việc các nhóm và mã lớn chưa có được sự đồng thuận cũng là lý do VN-Index lỗi hẹn với ngưỡng 1.500 điểm hôm nay.

Các nhóm dẫn dắt đầu có sự phân hoá chứ không đồng lòng như trước. Nhóm ngân hàng trong khi VCB, BID và SSB tích cực, thì MBB, VPB và HDB lại gây lực cản. Nhóm bất động sản với sự khởi sắc của DIG, trở lại mạnh mẽ của VIC thì cũng gặp lực cản từ BCM, trong khi nhóm dầu khí, phân bón đều bị chốt lời nên quay đầu giảm.

Đóng cửa, với 247 mã tăng và 204 mã giảm, VN-Index tăng 8,65 điểm (+0,58%) lên 1.498,78 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 842 triệu đơn vị, giá trị 26.229,52 tỷ đồng, tăng 10% về khối lượng và 2% về giá trị so với phiên 28/2. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 45,8 triệu đơn vị, giá trị gần 1.456 tỷ đồng.

Trong nửa cuối phiên chiều, áp lực chốt lời gia tăng mạnh tại nhóm cổ phiếu bluechips khiến nhiều mã quay đầu giảm điểm, bao gồm đa phần mã ngân hàng như VPB, STB, MBB, HDB, TCB, ACB, LPB, SHB, MSB, OCB, song mức giảm không quá mạnh. Ngoại trừ MBB -1,2% về 34.000 đồng và LPB -1,8% về 22.250 đồng, các mã khác đều giảm dưới 1%.

Một số mã như CTG, TPB, BID, VCB, SSB, VIB còn giữ được sắc xanh, nhưng chỉ SSB là tích cực nhất với mức tăng 4,2% lên 36.900 đồng.

Mặc dù suy yếu, nhưng thanh khoản của nhóm ngân hàng vẫn tích cực. Các mã STB, VPB và MBB khớp từ 16-17 triệu đơn vị. LPB và TPB khớp 13 triệu và 11 triệu đơn vị. SHB, CTG, TCB, HDB, MSB, ACB khớp từ 5-9 triệu đơn vị. SSB khớp 2,36 triệu đơn vị.

Tương tự, nhóm cổ phiếu thép cũng bị bán mạnh cuối phiên khiến đà tăng suy giảm đáng kể. HPG quay đầu giảm 0,6% về 46.900 đồng, HSG và NKG cũng không còn giữ được mức tăng cao đầu phiên. HSG chỉ còn tăng 1,7% lên 39.000 đồng, NKG tăng 2,5% lên 45.250 đồng, có thời điểm mã này còn tăng trần. Thanh khoản cũng rất cao, HPG và HSG khớp lần lượt 23,3 triệu và 22,3 triệu đơn vị, đứng thứ 2 và thứ 3 sàn HOSE, còn NKG khớp 15,7 triệu đơn vị.

Dẫn đầu thanh khoản sàn HOSE là POW với 26,54 triệu đơn vị khớp lệnh, tăng 0,6% lên 17.450 đồng. Một số mã lớn tăng tốt khác như VIC +2,9% lên 79.200 đồng, PNJ +1,9% lên 105.000 đồng, KDH +2,3% lên 54.100 đồng, BVH +1,2% lên 59.800 đồng…

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, dòng tiền tiếp tục chảy mạnh giúp đa phần duy trì sự tích cực để kéo chỉ số, trong bối cảnh nhóm cổ phiếu lớn suy yếu dần. Nhiều mã vừa và nhỏ giữ vững sắc tím như HAG, TSC, IDI, JVC, VOS, QBS…

HAG tiếp tục “nóng” trong phiên chiều với lượng khớp 16,65 triệu đơn vị và dư mua giá trần 10.950 đồng hơn 4,3 triệu đơn vị. Trong khi đó, HNG đã giảm nhiệt khi chỉ còn tăng 1% lên 9.000 đồng và khớp 14.600 triệu đơn vị.

HQC bứt phá với 18,9 triệu đơn vị và tăng trần lên 7.700 đồng. Nhiều mã bất động sản – xây dựng khác cũng được giao dịch mạnh ở phiên này như DIG với 7,73 triệu đơn vị và tăng trần lên 92.000 đồng, FLC +3,2% lên 12.900 đồng; ROS +2% lên 8.360 đồng, SCR +5,2% lên 22.400 đồng, LDG +6,3% lên 21.250 đồng; NLG +4,2% lên 20.000 đồng, DXG +2,1% lên 42.400 đồng…, khớp lệnh từ 10-20 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, nhóm xăng – dầu – khí – phân bón (PLX, PVD, GAS, DCM, DPM…) cũng hầu hết giảm điểm ở phiên này.

Trên sàn HNX cũng chịu áp lực đáng kể ở cuối phiên, nhưng sự ổn định của nhiều mã lớn cũng như sức cầu tốt giúp chỉ số HNX-Index giữ vững sắc xanh.

Đóng cửa, với 131 mã tăng và 101 mã giảm, HNX-Index tăng 3,14 điểm (+0,71%) lên 442,8 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 121,19 triệu đơn vị, giá trị 3.597,56 tỷ đồng, tăng 23% về khối lượng và 30% về giá trị so với phiên 28/2. Giao dịch thỏa thuận có thêm 8,1 triệu đơn vị, giá trị 505,6 tỷ đồng.

Nâng đỡ chỉ số chủ yếu đến từ một số mã như CEO +9,3% lên 71.800 đồng, IDC +4,2% lên 74.400 đồng, L14 +3,7% lên 389.000 đồng, IDV +4,1% lên 78.000 đồng…

Các cổ phiếu vừa và nhỏ có mức mạnh như MBG tăng trần 9,4% lên 15.100 đồng, DST +9,6% lên giá trần 14.800 đồng…

Trái lại, giảm khá sâu có HUT -8,7% xuống 28.500 đồng, LAS -8,7% xuống 21.000 đồng…

Về thanh khoản, PVS khớp lệnh cao nhất sàn với 11,53 triệu đơn vị, kết phiên tăng 0,3% lên 35.000 đồng; CEO khớp 4,45 triệu đơn vị, HUT khớp 4,36 triệu đơn vị, PVC khớp 3,7 triệu đơn vị, IDC khớp hơn 3,4 triệu đơn vị…

Trên UPCoM, khác với 2 sàn niêm yết, sàn này bất ngờ bật mạnh cuối phiên để tăng lên mức cao nhất ngày, sau nhiều nhịp rung lắc trước đó.

Đóng cửa, với 203 mã tăng và 134 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,18 điểm (+0,16%) lên 112,38 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 72,06 triệu đơn vị, giá trị 1.534 tỷ đồng, tăng 7% về khối lượng và 3% về giá trị so với phiên 28/2. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 1 triệu đơn vị, giá trị hơn 30 tỷ đồng.

Trong số 14 mã có thanh khoản tốt nhất sàn với lượng khớp từ 1 triệu đơn vị trở lên, có 4 mã giảm nhưng đều là những mã lớn gồm OIL, VGT, BVB và QTP, song mức giảm không quá mạnh, còn lại đều tăng điểm.

Mã thanh khoản cao nhất với 1,8 triệu đơn vị khớp lệnh là BSR đứng giá 27.900 đồng. VHG khớp thứ 2 với 6,79 triệu đơn vị tăng 5,6% lên 9.500 đồng. OIL khớp lệnh thứ 3 với 3,47 triệu đơn vị, giảm 1% về 20.000 đồng.

Trên thị trường phái sinh, có 3 hợp đồng tương lai tăng điểm và 1 hợp đồng giảm điểm, trong đó hợp đồng VN30F2203 đáo hạn gần nhất tăng 4,4 điểm (+0,3%) lên 1.515,6 điểm, khớp lệnh hơn 104.548 đơn vị, khối lượng mở gần 26.849 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, số mã giảm chiếm áp đảo, trong đó dẫn đầu thanh khoản thị trường này là CTCB21109 đạt hơn 1.949.000 đơn vị, kết phiên giảm 72,9% xuống mức 130 đồng/CQ.

Đứng ở vị trí tiếp theo là CHPG2204 khớp 1.767.300 đơn vị và kết phiên giảm 3,8% về 2.000 đồng/CQ.

Tin bài liên quan