Giao dịch chứng khoán phiên chiều 15/3: Bluechips hồi phục, VN-Index đảo chiều tăng điểm

Giao dịch chứng khoán phiên chiều 15/3: Bluechips hồi phục, VN-Index đảo chiều tăng điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lực bán tiết giảm giúp nhiều cổ phiếu quay đầu tăng giá, kéo VN-Index đảo chiều tăng sau 3 phiên giảm mạnh liên tiếp. Một lần nữa mốc 1.440 điểm phát huy vai trò là ngưỡng hỗ trợ mạnh của thị trường.

Sau phiên giảm mạnh trước đó, tâm lý thận trọng tiếp tục diễn ra trong phiên giao dịch sáng nay 15/3 khiến sức cầu thị trường suy yếu, trong khi áp lực bán ra xuất hiện ở hầu khắp các nhóm ngành cổ phiếu, do đó VN-Index giao dịch dưới tham chiếu trong phần lớn thời gian của phiên.

Đã 2 lần chỉ số xuyên thủng ngưỡng 1.440 điểm, nhưng ngưỡng này đang chứng tỏ là ngưỡng hỗ trợ mạnh của thị trường, nên VN-Index đều bật trở lại.

Bước vào phiên chiều, dòng tiền hoạt động tích cực hơn, trong khi lực cung được tiết giảm đáng kể giúp nhiều mã quay đầu, trong đó đáng chú ý là nhóm dầu khí, phân bón hồi trở lại bất chấp giá dầu thô liên tục giảm mạnh và xuống dưới ngưỡng 100 USD/thùng.

Ngoài nhóm dầu khí, nhiều mã bluechip khác như MSN, một số mã ngân hàng như BID, VPB, TCB, HDB... cũng góp sức giúp VN-Index đóng cửa ngày với cây nến xanh đầu tiên sau 7 phiên liên tiếp đóng cửa với cây nến đỏ. VN-Index đóng cửa trên ngưỡng 1.450 điểm, mức gần cao nhất trong ngày và chạm đường dưới dải bolliger. Nếu không có sức cản mạnh từ VCB, chỉ số này đã trở lại vào trong dải bollgier band phiên hôm nay.

Đóng cửa, với 272 mã tăng và 166 mã giảm, VN-Index tăng 6,49 điểm (+0,45%) lên 1.441,56 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 675,62 triệu đơn vị, giá trị 21.801 tỷ đồng, giảm 21% về khối lượng và 20% về giá trị so với phiên 14/3. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 34 triệu đơn vị, giá trị xấp xỉ 1.342 tỷ đồng.

Tại rổ VN30, HPG đã quay đầu tăng 0,8% lên 46.200 đồng, nhiều mã bluechips cũng tăng mạnh để nâng đỡ chỉ số như POW +4,8% lên 16.400 đồng, PNJ +4,5% lên 102.900 đồng; MSN +3,7% lên 141.100 đồng, VJC +2,1% lên 148.000 đồng; GAS +1,9% lên 108.000 đồng, GVR +1,5% lên 33.850 đồng…

Tương tự, đa phần các mã ngân hàng cũng giữ được sắc xanh, trong đó tích cực nhất là VPB +2,5% lên 36.900 đồng, BID +1,9% lên 42.100 đồng, TPB +1,8% lên 39.900 đồng…

Ngược lại, VCB vẫn tạo sức cản lớn nhất khi giảm mạnh 3,7% về 81.100 đồng, còn các mã VRE, MBB, FPT, KDH, MWG… giảm dưới 1%.

Về thanh khoản, HPG dẫn đầu rổ cũng như toàn sàn HOSE với 20,86 triệu đơn vị khớp lệnh. POW cũng có thanh khoản mạnh với 13,5 triệu đơn vị.

Nhóm ngân hàng tiếp tục hút mạnh dòng tiền, đáng kể nhất là STB với 17,4 triệu đơn vị, chỉ đứng sau HPG. VPB khớp được hơn 11 triệu đơn vị. TPB, MBB, TCB, CTG, ACB, BID… khớp từ 1-8 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, ba cổ phiếu nhóm ngành xây dựng LCG, CTI và FCN duy trì vững mức giá trần, lần lượt ở mức 20.550 đồng, 24.800 đồng và 26.250 đồng. Trong đó, LCG thanh khoản đột biến với 11,1 triệu đơn vị khớp lệnh, mức cao nhất trong hơn một năm qua. Còn FCN khớp hơn 7 triệu đơn vị, CTI khớp hơn 2,4 triệu đơn vị.

Ngoài ra, nhiều mã xây dựng khác cũng bật tăng mạnh lên mức cao nhất ngày như HBC +6,4% lên 28.200 đồng, HHV +5,1% lên 24.650 đồng, CII +5% lên 30.450 đồng, LIG +5,7% lên 14.900 đồng, VCG +3% lên 43.450 đồng, PHC +2,8% lên 14.740 đồng… Trong đó, HBC khớp lệnh 11,7 triệu đơn vị, các mã khác khớp từ 2-9 triệu đơn vị.

Tương tự, nhiều mã bất động sản cũng tăng tốt như FLC, SCR, DXG, HQC, LDG, KBC, DIG, KHG, NVL, NLG, HAR… đi kèm thanh khoản cao. Trong đó, FLC khớp 18,35 triệu đơn vị, còn các mã khác là từ 1 triệu đến 9 triệu đơn vị.

Đáng chú ý, ITA tăng trần lên 15.800 đồng và khớp tới gần 10,8 triệu đơn vị. Ngược lại, TGG giảm sàn về 24.550 đồng, bên mua trắng lệnh.

Nhóm cổ phiếu phân bón, hóa chất chịu áp lực lớn với TCS, SFG, VAF đều giảm sàn, CSV -5% về 53.000 đồng; DCM -1% xuống 42.800 đồng. Tuy nhiên, DPM đã quay đầu tăng 0,3% lên 62.300 đồng.

Tương tự, nhóm vận tải, logistics cũng giảm sâu với VTO, STG, HAH, VOS, GMD, CLL giảm khoảng 3%.

Ở nhóm sắt thép, đa phần giảm điểm song mức giảm không còn mạnh như phiên sáng: NKG -0,4% xuống 46.500 đồng, thanh khoản đứng thứ 3 trên HOSE với gần 16 triệu đơn vị khớp lệnh; HSG -2,1% xuống 37.200 đồng, khớp lệnh 12,9 triệu đơn vị. Ngoài HPG, POM và TLH cũng đảo chiều tăng điểm.

Trên sàn HNX, trái với diễn biến trồi sụt của VN-Index, chỉ số HNX-Index bật tăng ngay đầu phiên và kết phiên ở mức cao nhất ngày với bệ phóng là sự tích cực của nhóm bluechips.

Đóng cửa, với 129 mã tăng và 112 mã giảm, HNX-Index tăng 6,95 điểm (+1,59%) lên 443,52 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 100,94 triệu đơn vị, giá trị 2.934,15 tỷ đồng, giảm 20% về khối lượng và 16% về giá trị so với phiên 14/3. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,67 triệu đơn vị, giá trị 421,88 tỷ đồng.

Rổ HNX30 chỉ có 4 mã giảm là TVC, LAS, NRC và SLS, trong đó TVC và NRC giảm khoảng 4% và có tới 21 mã tăng, trong đó PVC tăng trần lên 29.300 đồng (+9,7%), các mã HUT +9,7% lên 44.200 đồng, NTP +9,4% lên 65.000 đồng, LHC +3,9% lên 145.500 đồng, IDC +4,1% lên 76.800 đồng…, giúp chỉ số tăng tới 18,43 điểm (+2,33%) để HNX-Index bật tăng mạnh.

Mã dầu khí khác là PVS cũng đảo chiều tăng 1,1% lên 35.200 đồng, khớp lệnh 16,4 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn. HUT và PVC khớp lần lượt 6,61 triệu và 5,96 triệu đơn vị. TVC khớp 2,46 triệu đơn vị.

Cổ phiếu CTC cũng duy trì vững giá trần +9,3% tại 10.600 đồng, khớp 2,18 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng đảo chiều thành công trong phiên chiều và kết phiên ở mức cao nhất ngày, bất chấp đa phần nhóm cổ phiếu thanh khoản cao giao dịch kém cực.

Đóng cửa, với 184mã tăng và 150 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,51 điểm (+0,44%) lên 115,56 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 70,31 triệu đơn vị, giá trị 1.557 tỷ đồng, giảm 21% cả về khối lượng và giá trị so với phiên 14/3. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 1 triệu đơn vị, giá trị gần 29 tỷ đồng.

Trong số 14 mã có thanh khoản từ 1 triệu đơn vị trở lên, chỉ có 4 mã tăng C4G, VHG, G36, SBS, trong đó C4G tăng mạnh nhất 8,4% lên 24.400 đồng và G36 +6,3% lên 20.400 đồng, còn lại là 1 mã đứng giá và 9 mã giảm.

BSR có thanh khoản cao nhất là 12,1 triệu đơn vị, kết phiên giảm 2,3% về 25.700 đồng, tiếp theo là C4G khớp hơn 8 triệu đơn vị và VHG khớp 5,28 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, có 2 hợp đồng tương lai tăng điểm, 1 hợp đồng đứng giá và 1 hợp đồng giảm điểm. Trong đó, hợp đồng đáo hạn gần nhất là VN302203 tăng 1,1 điểm (+0,1%) lên 1.464,5 điểm, khớp lệnh 144.871 đơn vị, khối lượng mở hơn 37.358 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm ưu thế, trong đó mã CHPG2203 khớp lệnh cao nhất, đạt 2.006.800 đơn vị, kết phiên giảm 4,7% xuống 1.620 đồng/CQ. Tiếp theo là CTCB2112 khớp 1.490.800 đơn vị, kết phiên giảm 10% xuống 630 đồng/CQ.

Tin bài liên quan