Giao dịch chứng khoán phiên chiều 16/9: Diễn biến bất ngờ trong ngày đáo hạn phái sinh

Giao dịch chứng khoán phiên chiều 16/9: Diễn biến bất ngờ trong ngày đáo hạn phái sinh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm nay là ngày đáo hạn phái sinh tháng 9, nhưng bất ngờ là diễn biến thị trường lại khá bình lặng, không có kịch hay trong đợt ATC như thường lệ.

Dao động giằng co trong biên độ hẹp suốt 8 phiên, nhiều nhà đầu tư sốt ruột và không gì tốt hơn chờ đợi, kỳ vọng đột biến trong ngày đáo hạn hợp đồng tương lai như nhiều lần trước đó để thoát khỏi xu thế hiện tại.

Tuy nhiên, điều bất ngờ là kịch hay không diễn ra, khi dòng tiền chậm lại, chỉ số VN-Index chỉ giằng co nhẹ quanh ngưỡng 1.345 điểm trong suốt cả phiên chiều.

Thị trường tỏ ra khá cân bằng, dù số mã tăng có nhỉnh hơn chút ít. Dòng tiền vào các mã tăng cũng chỉ nhỉnh hơn một chút so với dòng tiền chảy vào các mã giảm.

Theo dõi diễn biến thị trường phiên chiều nay thì thấy, cũng có những nỗ lực để kéo VN30-Index về cuối phiên, nhưng không đủ sức khi bên con lại dường như không muốn điều đó diễn ra, nên dùng cặp đôi VIC - VHM làm đối trọng, khiến cả VN30-Index chỉ tăng nhẹ, nhưng cũng mạnh hơn hợp đồng đáo hạn hôm nay, khiến chênh lệch thu hẹp lại đáng kể, chỉ còn chưa tới 1 điểm.

Trong khi đó, VN-Index gần như không đổi khi chốt phiên với thanh khoản giảm phiên thứ 3 liên tiếp.

Đóng cửa, sàn HOSE có 212 mã 187 mã giảm, VN-Index tăng 0,04 điểm (+0,00%), đứng ở mức 1.345,87 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 599,77 triệu đơn vị, giá trị 18.203,2 tỷ đồng, giảm hơn 13% về khối lượng và 5% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 29,2 triệu đơn vị, giá trị 1.437,7 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng tương tự phiên sáng, không có thêm diễn biến đáng kể nào, khi vẫn đồng thuận tăng, nhưng biên độ không quá lớn, cao nhất là VPB +1,7% lên 65.000 đồng, CTG hạ độ cao, chỉ còn +1,6% lên 31.650 đồng, BID +1,5% lên 39.400 đồng, các mã VCB, TPB, MBB, TCB, HDB tăng từ 1% đến 1,4%, còn STB và ACB nhích nhẹ.

Trong khi đó, MSN tiếp tục là điểm sáng khi có thêm phiên tăng mạnh 3,4% lên 149.800 đồng, thiết lập đỉnh lịch sử mới. Đây cũng là mã đóng góp lớn nhất cho VN-Index với 1,51 điểm.

Cùng MSN và nhóm ngân hàng, hai cổ phiếu khác cũng góp thêm phần nâng đỡ thị trường là VRE +5,1% lên 30.000 đồng, KDH +3,6% lên 42.700 đồng.

Trái lại, từ sớm VIC đã chịu áp lực lớn và là gánh nặng lớn nhất đến VN-Index khi lấy đi của VN-Index 3,56 điểm. Đóng cửa giảm 3,8% xuống 87.800 đồng, mức thấp nhất ngày.

Tương tự là người anh em VHM cũng bị kéo giảm 2,2% xuống 80.1000 đồng và lấy đi của VN-Index 2,03 điểm.

Ngoài cặp đôi họ nhà Vingroup, các bluechip khác cũng đã có ngày khá tệ là SAB -3% xuống 161.000 đồng và HVN tiếp tục giảm 4,9% xuống 25.500 đồng. Bên cạnh đó là HPG, MWG, SSI, GVR, trong khi NVL, POW, VJC đứng tham chiếu.

Cũng như cuối phiên sáng, bộ ba cổ phiếu HPG, VIC và VRE tiếp tục dẫn đầu thanh khoản và cũng là lớn nhất toàn sàn HOSE với 17,98 triệu đơn vị, 15,13 triệu đơn vị và 14,83 triệu đơn vị khớp lệnh.

Nhóm cổ phiếu thép ngoài HPG, các mã khác như POM, NKG, SMC cũng đã quay đầu giảm sau phiên bừng cháy hôm qua. Trong khi đó, TLH tiếp tục duy trì đà tăng 2,5% lên 22.600 đồng và HSG tăng nhẹ 0,5% lên 47.000 đồng.

Trên bảng điện tử, áp lực phân hóa mạnh tiếp diễn, một vài cổ phiếu nhóm ngành nổi lên như ở nhóm khai khoáng là YBM, DHM, BMC, nhóm xuất nhập khẩu với QBS, FDC, nhóm dầu khí với PGD, PGC, APS, TDG, nhóm công nghệ-viễn thông ITD, HVH, và nhóm vận tải còn VIP, tất cả đều tăng kịch trần,

Ngoài ra là con sóng TGG chưa có dấu hiệu ngừng tăng, tiếp tục có thêm một ngày tăng hết biên độ +6,9% lên 60.300 đồng.

Cổ phiếu TDH tương tự, +6,9% lên 10.800 đồng, khớp hơn 2,43 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần hơn 18,97 triệu đơn vị.

Trái lại, hàng loạt cổ phiếu tăng nóng gần đây là APG, PTL, AGM, VMD, SPM, LCM đã bị chốt lời mạnh và đều giảm về mức giá sàn, với APG kết thúc chuỗi 8/9 phiên tăng gần nhất đều tăng trần, khớp lệnh phiên này hơn 7,12 triệu đơn vị.

Cũng bị bán chốt lời, may mắn thoát được giá sàn, nhưng vẫn giảm sâu là DGW -6,6% xuống 109.700 đồng, VOS -6,5% xuống 23.100 đồng. FTM -6,1% xuống 3.530 đồng, HID -5,1% xuống 6.720 đồng, TCH -3,9% xuống 17.100 đồng…

Trên sàn HNX, mặc dù lực bán chốt lời ở nhiều nơi dâng cao đã khiến HNX-Index hạ thấp độ cao.

Đóng cửa, sàn HNX có 84 mã tăng và 92 mã giảm, HNX-Index tăng 2,5 điểm (+0,71%), lên 353,24 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 157,9 triệu đơn vị, giá trị 3.120,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 8,5 triệu đơn vị, giá trị 239,6 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ bị bán mạnh với KVC, PVL và BII giảm sàn, trong đó, BII còn có thời điểm tăng lên mức giá trần, khớp hơn 8,86 triệu đơn vị.

Giảm sâu khác là KLF -4,5%, ACM -7,1%, DST -7,4%, TTH -6,7%, PV2 -6,8%, ITQ -3,7%...

Tuy nhiên, nhiều mã khác vẫn giữ được sắc tím là APS, TC6, TVD, FID, THT, API, MAC, BTS, ONE, với APS giao dịch sôi động với hơn 6,1 triệu đơn vị.

Các trụ cột trong phiên này là SHB +2% lên 26.100 đồng, IDC +3,6% lên 45.800 đồng, TNG +5,4% lên 33.000 đồng, IDJ +9,5% lên 26.600 đồng, TAR +5,5% lên 22.900 đồng, PLC +3% lên 41.900 đồng, CEO +1,9% lên 10.700 đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index tăng dần lên trong phiên chiều, mặc dù cũng xuất hiện áp lực bán mạnh, nhưng về cuối phiên đã bật trở lại, đóng cửa ở gần mức cao nhất ngày.

Hai mã nhỏ KHB và KSH nếu trong phiên sáng đều tăng mạnh, thì đến cuối ngày chỉ còn KHB giữ được mức tăng 7,3% lên 8.800 đồng, còn KSH giảm 2,3% xuống 4.200 đồng. Thanh khoản hai mã này cao nhất UpCoM với hơn 10,69 triệu và 7,83 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu quen thuộc khác như BSR, VGT, TVN, QNS, PAS, OIL đóng cửa tăng điểm, còn DDV, C4G, QTP chìm trong sắc đỏ.

Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,44 điểm (+0,46%), lên 96,25 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 104,9 triệu đơn vị, giá trị 1.843,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 8,33 triệu đơn vị, giá trị 198 tỷ đồng.

Trên thị trường phái sinh, phiên đáo hạn của VN30F2109, và đóng cửa tăng nhẹ 2,3 điểm (+0,16%), lên 1.449,8 điểm, cao hơn 0,82 điểm so với VN30-Index, khối lượng khớp lệnh đạt hơn 105.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 27.000 đơn vị.

Trên thị chứng quyền, phiên này CVIC2015 hút giao dịch nhất với hơn 2,16 triệu đơn vị khớp lệnh, nhưng giảm 1,9% xuống 1.580 đồng/cq.

Trong khi đó, tăng tốt nhất là CVRE2101, +25% lên 100 đồng/cq, CVNM2015 +20% lên 120 đồng/cq.

Tin bài liên quan