Giao dịch chứng khoán phiên chiều 31/5: Nhóm dầu khí "bùng cháy"

Giao dịch chứng khoán phiên chiều 31/5: Nhóm dầu khí "bùng cháy"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lực bán gia tăng ở nhiều mã, nhất là nhóm VN30 gây sức ép lên thị trường. Tuy nhiên, nhờ sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu dầu khí, VN-Index đóng cửa với mức giảm không đáng kể, dù VN30 mất hơn 10 điểm.

Sau 2 tuần hồi phục hơn 100 điểm và 5 phiên tăng liên tiếp gần nhất, áp lực chốt lời ngắn hạn đã diễn ra ở nhiều nhóm ngành khi bước vào phiên giao dịch hôm nay, khiến VN-Index gặp áp lực lớn, nhất là mỗi khi chỉ số này lên test vùng 1.300 điểm.

Sau khi "đào thoát" thành công trong phiên sáng từ mức giảm hơn 13 điểm, lên đóng cửa với sắc xanh nhạt, thị trường lại chịu sức ép khi bước vào phiên chiều.

Lực bán diễn ra ở nhiều mã, nhất là nhóm tài chính, ngân hàng, trong đó có nhiều mã trong rổ VN30 khiến chỉ số VN30-Index giảm mạnh, gây áp lực lên VN-Index, đẩy chỉ số này về lại ngưỡng 1.285 điểm. Tuy nhiên, sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu dầu khí, dẫn đầu là đại gia GAS đã kéo VN-Index trở lại, dù không lấy lại sắc xanh, nhưng cũng chỉ đóng cửa với mức giảm không đáng kể, bất chấp VN30-Index mất hơn 10 điểm.

Ngày mai, giá xăng trong nước có thể tiếp tục tăng để thiết lập đỉnh mới ở mức trên 31.000 đồng/lít khi giá dầu thô thế giới tiếp tục ở mức cao, hiện đang ở ngưỡng 120 USD/thùng.

Trong khi người tiêu dùng đang lo hầu bao của mình khi giá xăng liên tục tăng, thì nhiều cổ đông dầu khí lại nở nụ cười tươi khi tài khoản tăng lên mạnh. Trong phiên hôm nay, nhóm dầu khí đồng loạt khởi sắc, trong đó trên HOSE đáng chú ý là đại gia đầu ngành GAS tăng kịch biên độ lên 117.700 đồng. PVD cũng tăng hơn 3%, khiêm tốn hơn nhưng PLX cũng tăng 1,4%.

Kể từ ngày 13/5 tới nay, nhóm này có mức tăng từ 18 - 40%, trong đó GAS, PLX tăng trên dưới 18%, PVD tăng hơn 38%...

Đóng cửa, với 147 mã tăng và 298 mã giảm, VN-Index giảm 1,24 điểm (-0,1%) về 1.292,68 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 591,08 triệu đơn vị, giá trị 16.108,4 tỷ đồng, nhích nhẹ gần 1% về khối lượng, nhưng giảm hơn 2% về giá trị so với phiên 30/5. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 47,49 triệu đơn vị, giá trị gần 1.821 tỷ đồng.

Sức ép gia tăng khiến nhiều mã trong rổ VN30 giảm điểm, trong đó PNJ -4,6% về 114.900 đồng, các mã HPG, STB, TPB giảm từ 2% trở lên. Các mã ngân hàng trong rổ cũng hầu hết giảm điểm.

Trong khi đó, sắc xanh cũng suy yếu, MSN và CTG tăng hơn 2%, các mã VHM, HDB, PLX, VCB tăng hơn 1%, còn VRE, VIC, POW tăng dưới 1%.

Tuy nhiên, GAS vẫn vững vàng với sắc tím ở mức giá trần 117.700 đồng (+7%), thanh khoản cao với 2,35 triệu đơn vị và còn dư mua trần, trở thành cổ phiếu đóng góp lớn nhất cho VN-Index.

HPG và SSI là 2 mã thanh khoản tốt nhất rổ khi cùng khớp hơn 18 triệu đơn vị, kết phiên HPG -2,1% về 34.700 đồng, SSI -0,8% về 29.650 đồng. VPB -1,9% về 31.000 đồng và khớp hơn 10 triệu đơn vị.

POW cũng nằm trong nhóm thanh khoản cao với 11,4 triệu đơn vị, kết phiên tăng 0,7% lên 13.550 đồng.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, sắc đỏ được mở rộng hơn khi đa phần cổ phiếu thị trường giảm điểm như HAG, DIG, DXG, APH, HNG, BGC, LDG, SCR, ASM…

Nhóm cổ phiếu họ FLC vốn tăng khá tốt trong phiên sáng cũng quay đầu giảm điểm như FLC -4,2% về 6.110 đồng, ROS -1,4% về 4.110 đồng, AMD -2,3% về 3.840 đồng…

Trong đó, thanh khoản cao chủ yếu tập trung ở một số mã như FLC khớp 10,6 triệu đơn vị, HAG khớp 9,3 triệu đơn vị, các DIG, DXG, ROS khớp khoảng 7 triệu đơn vị…

Trong bối cảnh thị trường không mấy tích cực, nhóm cổ phiếu phân bón giao dịch nổi bật khi DCM tăng kịch biên độ 7% lên 37.3250 đồng, khớp lệnh tới hơn 9 triệu đơn vị và còn dư mua trần.

Các mã DPM, BFC dù không còn giữ được sắc tím nhưng vẫn tăng khá mạnh. DPM +5,5% lên 59.600 đồng và khớp 8,18 triệu đơn vị. BFC + 4,2% lên 31.000 đồng, khớp lệnh 1,25 triệu đơn vị.

Ngoài ra, nhiều mã được đà tăng và thanh khoản tốt như HQC, PVD, VND, ITA, LCG, HBC, CII…, trong đó HQC +2,3% lên 6.210 đồng và khớp 26,11 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn HOSE.

Đáng chú ý, một số mã bất ngờ tăng trần như KDC lên 62.400 đồng, CTD lên 54.400, YEG lên 18.500, TMT lên 24.400 đồng…, trong đó KDC khớp 1,9 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, diễn biến trái ngược với HOSE khi sắc xanh được duy trì vững trong suốt phiên giao dịch, thậm chí còn kết phiên ở mức cao nhất ngày nhờ nhiều mã lớn giao dịch tích cực.

Đóng cửa, với 85 mã tăng và 125 mã giảm, HNX-Index tăng 2,99 điểm (+0,96%) lên 315,76 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 84,48 triệu đơn vị, giá trị 2.045,8 tỷ đồng, tăng 4% về khối lượng và 14% về giá trị so với phiên 30/5. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 2,1 triệu đơn vị, giá trị gần 186 tỷ đồng.

Nhiều mã bluechips duy trì đà tăng để hỗ chợ chỉ số HNX-Index như PVS, PVC, LAS, NVB, IDC, DDG, L14, L18…

Trong đó, L14 tăng trần 10% lên 188.700 đồng, NVB tăng 8,8% lên 37.000 đồng, LAS +5,8% lên 16.300 đồng, PVS +5,9% lên 30.700 đồng, PVC +4,5% lên 25.300 đồng…

Về thanh khoản, PVS dẫn đầu sàn với 16,8 triệu đơn vị, cách biệt so với các mã đứng sau như SHS với 8,4 triệu đơn vị (+1,1% lên 18.200 đồng), CEO với 6,1 triệu đơn vị (+0,2% lên 44.200 đồng).

Ở chiều ngược lại, các mã HUT, KLF, IDJ, ART, APS, AMV… giảm điểm, khớp lệnh từ 1-4 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, sắc xanh đầu phiên không giữ được lâu trước áp lực chốt lời ngày càng tăng và đà giảm của UPCoM-Index chỉ giảm bớt vào cuối phiên khi giao dịch cải thiện hơn.

Đóng cửa, với 143 mã tăng và 134 mã giảm, UPCoM-Index giảm 0,26 điểm (-0,28%) xuống 95,45 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 58,95 triệu đơn vị, giá trị 1.289,92 tỷ đồng, tăng 31% về khối lượng và 65% về giá trị so với phiên 30/5. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,2 triệu đơn vị, giá trị hơn 158 tỷ đồng.

BSR vẫn là mã giao dịch nổi bật nhất sàn với 22,26 triệu đơn vị, tăng 6,4% lên 26.600 đồng. Ngoài ra, có thêm một số mã giao dịch tích cực như OIL +3,5% lên 15.300 đồng và khớp 2,68 triệu đơn vị; DDV +6,1% lên 22.500 đồng, khớp 2,05 triệu đơn vị; C4G +1,4% lên 15.000 đồng, khớp 4,87 triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhiều mã lớn giảm điểm như VGI, BVB, ABB, SSH, TVN, VTP…, qua đó gây sức ép lên chỉ số. Trong đó, VGI và ABB cùng giảm gần 2% và khớp hơn 1 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm điểm, trong đó VN30F2206 đáo hạn gần nhất giảm 5,1 điểm (-0,4%) về 1.325,5 điểm, khớp lệnh 224.978 đơn vị, khối lượng mở 29.781 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ có phần chiếm ưu thế chủ đạo, trong đó CPOW2202 dẫn đầu thanh khoản với hơn 1.620.400 đơn vị, đóng cửa giảm 2,3% về 430 đồng/CQ.

Tin bài liên quan