Giao dịch chứng khoán phiên chiều 4/10: Kịch bản cũ lặp lại, lực bán xả mạnh lúc 14h, VN-Index tiếp tục giảm sâu

Giao dịch chứng khoán phiên chiều 4/10: Kịch bản cũ lặp lại, lực bán xả mạnh lúc 14h, VN-Index tiếp tục giảm sâu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong bối cảnh muốn nhanh chóng thu tiền về, ngay sau mỗi nhịp hồi là lực bán lập tức được tung vào, khiến VN-Index có thêm phiên giảm điểm, lùi xa ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.100 điểm.

Phiên tăng ngoại mục của thị trường chứng khoán Mỹ đêm qua đã giúp cho phiên mở cửa sáng nay (4/10) thị trường có được màu xanh sau phiên lao dốc cực mạnh ngày hôm qua.

Mặc dù vậy, lực cầu quá yếu khiến VN-Index vừa chớm hồi về gần mốc 1.100 điểm đã nhanh chóng bị đẩy trở lại xuống dưới tham chiếu do lực bán vẫn lớn, đặc biệt là thời điểm từ 10h.

Diễn biến này một lần nữa được lặp lại trong phiên chiều, khi thị trường được kéo xanh ngay đầu phiên, nhưng từ 14h, lực bán ồ ạt tung vào, đẩy VN-Index giảm sâu về vùng 1.070 điểm với hàng chục mã giảm sàn.

Theo quan sát của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, kể từ phiên thứ Năm tuần trước (29/9), các khung giờ 10h-11h và 14h thường xuất hiện lệnh bán rất mạnh, đẩy hàng loạt mã giảm sàn. Theo tìm hiểu, đây là khung force sell tự động của hệ thống (có công ty chứng khoán xử lý call margin ngay từ phiên ATO). Tín hiệu để nhận ra thị trường đang bị force sell là hiện tượng sàn la liệt, lệnh bán như đang xả hàng.

Diễn biến này tiếp tục lặp lại trong phiên hôm nay khi thị trường có 2 nhịp giảm mạnh đúng khung thời gian trên. Trong phiên sáng là lúc 10h lực bán mạnh khiến VN-Index có nhịp giảm sâu và đến phiên chiều, đúng là lúc 14h, thêm nhịp hàng được tung mạnh vào đẩy VN-Index có nhịp giảm sau khi hồi đầu phiên, thậm chí nhịp giảm mạnh còn mạnh hơn phiên sáng, có thời điểm VN-Index giảm hơn 15 điểm về vùng 1.070 điểm với hàng chục mã giảm sàn, trước khi thu hẹp bớt lúc cuối phiên.

Mặc dù tiếp tục có phiên giảm điểm nhưng điểm tích cực ngày hôm nay là lực bán đã yếu đi, thể hiện ở giá trị giao dịch giảm nhưng số điểm mất đi của VN-Index không lớn, đặc biệt số mã tăng giá đã cải thiện so với phiên hôm qua với 144 mã đóng cửa trong sắc xanh trên sàn HOSE. Hy vọng rằng một nhịp hồi phục tốt sẽ sớm xảy ra ở quanh đây!

Đóng cửa, với 144 mã tăng và 312 mã giảm, VN-Index giảm 8,03 điểm (-0,76%) xuống 1.078,14 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 582,81 triệu đơn vị, giá trị 12.048,37 tỷ đồng, giảm 20% về khối lượng và 30% về giá trị so với phiên 3/10. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 68,95 triệu đơn vị, giá trị 1.742,7 tỷ đồng.

Rổ VN30 phân hóa rõ nét với 15 mã tăng và 14 mã giảm, song mức giảm đã gia tăng khá mạnh ở nhiều mã như HPG -4,6% về 18.850 đồng, GVR -6,2% về 18.250 đồng, MSN -3,7% về 90.500 đồng, các mã SSI, CTG, BVH cũng giảm từ 3,2-3,7%.

Trong khi đó, nhiều mã không còn giữ được đà tăng tốt, chỉ SAB +3,2% hay VRE, VIC, VJC, MWG tăng hơn 2%, còn lại đều nhích nhẹ.

HPG khớp lệnh 30,5 triệu đơn vị, cao nhất rổ. Các mã VPB, STB khớp lệnh 15-17 triệu đơn vị.

Áp lực bán gia tăng mạnh ở các nhóm cổ phiếu, trong đó nhóm công ty chứng khoán chịu áp lực lớn nhất khi nhiều mã giảm sâu như BSI và ORS giảm sàn về 25.950 đồng và 10.350 đồng, HCM -6,6% về 21.300 đồng, VCI -6,4% về 25.600 đồng, các mã VND, VIX, SHS, TVC, APS, CTS, AGR giảm từ 4-5,5%.

VND khớp lệnh hơn 20 triệu đơn vị. SSI khớp 15,6 triệu đơn vị.

Tương tự là nhóm bất động sản, xây dựng với DHA, ITA, DHC, IJC, EVG, CRE, DRH, NHA, HDG, CTD, NVT, TNT giảm từ 3% đến 6,4%. Các cổ phiếu khác như HHV, SCR, LDG, BCG, HBC, KBC, DXG, DIG cũng chìm trong sắc đỏ. Thậm chí VCG và IDI còn giảm sàn và 18.550 đồng và 12.600 đồng.

Thanh khoản phiên này HAG dẫn đầu thị trường với hơn 33,6 triệu đơn vị khớp lệnh, giảm -4,5% xuống 11.800 đồng. DXG và DIG cùng khớp hơn 13,4 triệu đơn vị. VCG khớp 7,88 triệu đơn vị.

Nhóm giao dịch nổi bật nhất phiên là vận tải, logistics cũng không còn giữ được phong độ, trong đó HAH đã mất sắc tím, còn tăng 6,4% lên 41.500 đồng và khớp 4,3 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX cũng có diễn biến tương tự, khi chỉ số nhích lên từ sớm rồi cũng rung lắc mạnh trong phiên chiều, trước khi giảm điểm vào cuối phiên.

Đóng cửa, với 77 mã tăng và 125 mã giảm, HNX-Index giảm 2,5 điểm (-1,07%) xuống 235,61 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 57,64 triệu đơn vị, giá trị hơn 997 tỷ đồng, giảm 4% về khối lượng và 6% về giá trị so với phiên 3/10. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 3 triệu đơn vị, giá trị gần 259 tỷ đồng.

Rổ HNX30 chỉ có 6 mã tăng, trong đó tăng tốt nhất là BVS +2,9% lên 17.500 đồng và PVS +2,3% lên 21.900 đồng.

Trong khi đó, có tới 18 mã giảm, trong đó L14 giảm sàn (-10%) về 58.600 đồng, CEO về gần mức sàn (-9,2%) 17.800 đồng, TNG -8,6% về 16.000 đồng, SHS -4,2% về 9.100 đồng…

SHS khớp lệnh 8,86 triệu đơn vị, dẫn đầu HNX, tiếp sau là PVS với 6,35 triệu đơn vị và CEO với 5,69 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, chỉ số UPCoM-Index cũng chìm trong sắc đỏ trong gần hết phiên giao dịch, song thanh khoản cải thiện so với phiên trước.

Đóng cửa, với 119 mã tăng và 172 mã giảm, UPCoM-Index giảm 0,39 điểm (-0,47%) xuống 82,38 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 30,82 triệu đơn vị, giá trị 478 tỷ đồng, tăng khoảng 16% cả về khối lượng và giá trị so với phiên 3/10. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 3 triệu đơn vị, giá trị gần 74 tỷ đồng.

Khoảng 20 mã khớp lệnh cao nhất UPCoM đều giảm điểm. Trong đó, LMH giảm sàn (-14,5%) về 7.100 đồng. CEN -12,3% về 5.700 đồng.

Mã BSR thanh khoản cao nhất đạt 6,89 triệu đơn vị khớp lệnh, giảm 1,5% về 19.300 đồng. CEN khớp hơn 1 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, có 1 hợp đồng tương lai tăng điểm, còn lại đều giảm, trong đó hợp đồng VN30F2210 giảm 0,6 điểm (-0,1%) xuống 1.102 điểm, khớp lệnh hơn 412.066 đơn vị, khối lượng mở hơn 50.244 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm ưu thế. Trong đó, CCTB2206 dẫn đầu thanh khoản với hơn 3,5 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 100% lên 20 đồng/CQ.

Tiếp theo là CVPB2206 khớp hơn 3,1 triệu đơn vị, đóng cửa giảm sàn 50% xuống 10 đồng/CQ và 50% xuống 10 đồng/CQ.

Tin bài liên quan