Giao dịch chứng khoán phiên chiều 4/8: Cổ phiếu VCB giúp VN-Index duy trì mạch tăng

Giao dịch chứng khoán phiên chiều 4/8: Cổ phiếu VCB giúp VN-Index duy trì mạch tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự khởi sắc đầy bất ngờ của cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường là VCB đã tạo lực đẩy tốt nhất cho VN-Index và giúp chỉ số này có phiên tăng thứ tư liên tiếp.

Thị trường phần lớn thời gian của phiên chiều giằng co quanh tham chiếu trong biên độ hẹp do sự phân hóa cao trên bảng điện tử, nhưng điểm tích cực là giao dịch vẫn tương đối sôi động, khi thanh khoản giảm không đáng kể và chỉ số chính VN-Index có nhịp bật lên ở những phút cuối nhờ “hơi thở” của cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường là VCB.

Cổ phiếu VCB đã có chuỗi hồi phục ấn tượng kể từ ngày 22/7 đến nay với mức tăng hơn 14,5%, hỗ trợ rất đặc lực cho VN-Index không giảm sâu trước áp lực từ các nhóm khác cuối tháng 7 và bật tăng mạnh trong 4 phiên đầu tháng 8.

Thông thường, những giai đoạn thị trường được hỗ trợ bởi nhóm ngân hàng, VN-Index thường duy trì đà tăng tốt trong thời gian dài và đã có không ít lần trong quá khứ lên đỉnh cao lịch sử mới. Hy vọng lần này, từ sự dẫn dắt của VCB, nhóm cổ phiếu vua sẽ lần lượt trở lại, giúp VN-Index trở lại đỉnh lịch sử cũ, mà trước mắt là các ngưỡng 1.300 - 1.310 điểm.

Đóng cửa, sàn HOSE có 231 mã tăng và 213 mã giảm, VN-Index tăng 4,39 điểm (+0,35%), lên 1.254,15 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 724,7 triệu đơn vị, giá trị 17.006,8 tỷ đồng, giảm 8% về khối lượng và 3% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 68,8 triệu đơn vị, giá trị 1.882,9 tỷ đồng.

Cung cấp lực đẩy chính cho là cổ phiếu VCB, khi đóng góp hơn 3,5 điểm tích cực cho VN-Index, với mức tăng 3,8% lên 82.500 đồng, khớp lệnh đạt hơn 2,26 triệu đơn vị.

Hỗ trợ thêm còn đến từ một số bluechip như NVL +3% lên 78.500 đồng, PLX +2,9% lên 42.100 đồng, TPB +2,9% lên 28.800 đồng, VHM +1,8% lên 63.000 đồng.

Trái lại, hai cổ phiếu GAS và SAB là lực kéo lùi lớn nhất, dù chỉ giảm 2,7% và 2,6% xuống 109.000 đồng và 185.000 đồng.

Ở những bluechip khác, biến động giá phần lớn chỉ ở mức thấp, như VRE, VIB, HPG, GVR, POW, CTG giảm từ 0,2% đến 0,9% và ngược lại là MBB, HDB, PDR, VIC, TCB, VPB, MWG, FPT, VJC với mức tăng nhẹ từ 0,2% đến 1,7%.

Giao dịch vẫn tập trung tại HPG, khi cổ phiếu này thanh khoản cao nhất với hơn 30 triệu đơn vị khớp lệnh, SSI khớp hơn 20,9 triệu đơn vị, nhóm ngân hàng TCB, TPB, MBB, STB, VPB khớp từ 4,6 triệu đến 18,1 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, diễn biến không khác nhiều so với cuối phiên sáng, khi chỉ một số ít nổi bật là DC4, DQC, NHA, PTL, TGG vẫn giữ được sắc tím.

Các cổ phiếu AAT +5,9% lên 13.400 đồng, CRE +5,9% lên 27.700 đồng, SKG +5,1% lên 19.700 đồng, POM +4,7% lên 7.640 đồng, DBC +4,5% lên 26.650 đồng, BKG +4,4% 6.700 đồng, LGL +4,3% lên 5.850 đồng. Các cổ phiếu TVB, TCO, DGW, DPG, TLD, VPH, TEG tăng từ 3% đến 4%.

Còn lại chỉ nhích nhẹ, như ở nhóm thanh khoản cao nhất có HAG, HSG, HCM, VIX, TCH, DIG, APG, DLG, DGC, HHV…khớp từ 2,1 triệu đến 16,2 triệu đơn vị.

Trái lại, sắc đỏ phủ rộng nhưng đa số cũng không mất điểm sâu, ngoại trừ một vài cổ phiếu như VGC -4,9% xuống 58.100 đồng, HDG -3,4% xuống 51.200 đồng, LHG -3,2% xuống 35.800 đồng, QCG -3,1% xuống 8.820 đồng. Nhóm ASM, ADG, GMD, CMX, ITA, TTB, PVD, HTN, GEX giảm từ 2,2% đến 2,7%.

Đáng kể khác là ROS, khi khớp lệnh hơn 18 triệu đơn vị và có thời điểm đã lùi về mức giá sàn, trước khi -3,4% xuống 2.850 đồng. Các cổ phiếu liên quan là FLC -1,3%, AMD -1,6%, HAI -2,2%...

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index gần như chỉ rung lắc ngay sát dưới mốc tham chiếu trong suốt cả phiên chiều và đóng cửa chỉ giảm nhẹ.

Chốt phiên, sàn HNX có 108 mã tăng và 92 mã giảm, HNX-Index giảm 0,38 điểm (-0,13%), xuống 297,73 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 91,57 triệu đơn vị, giá trị 1.711,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,58 triệu đơn vị, giá trị 170,2 tỷ đồng.

Cũng như cuối phiên sáng, các mã nhỏ ART, BII, DL1, HDA nhích trên dưới 4%, VHE +7,5% cùng VC3 tăng trần +9,8% lên 42.600 đồng là những cổ phiếu vượt trội hơn, trong khi đó, APS, IDC, TVC, PVC, NDN là những cổ phiếu còn tăng điểm khác.

Trái lại, ở nhóm giảm điểm, không có nhiều mã giảm sâu, với HUT, MBS, TNG, BCC, LAS, TAR và CEO chỉ giảm trên dưới 1,5%, còn PVS -2,9% xuống 23.600 đồng, KLF -3% xuống 3.200 đồng, MBG -3,4% xuống 8.400 đồng.

Trong khi đó, SHS, IDJ, AMV, VIG, SRA là những mã đứng tham chiếu, với SHS phiên này thanh khoản cao nhất sàn khi khớp hơn 18,22 triệu đơn vị, bỏ xa vị trí thứ hai là PVS với chỉ hơn 7,4 triệu đơn vị…

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index từ dưới tham chiếu đã bò dần và nhích từng bước để kết phiên ở mức cao nhất ngày nhờ sắc xanh được mở rộng.

Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,55 điểm (+0,61%), lên 90,86 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 42,2 triệu đơn vị, giá trị 747,55 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,63 triệu đơn vị, giá trị 100,8 tỷ đồng.

Phiên này, BSR vẫn là cổ phiếu hút thanh khoản nhất với gần 10 triệu đơn vị khớp lệnh, giá cổ phiếu giảm nhẹ 1,6% xuống 24.300 đồng.

Ở các mã khác, C4G, OIL, VGT, VGI giảm điểm nhẹ, và sắc xanh có nhiều hơn tại SBS, ABB, BVB, TCI, VTP, LMH, FTM, SSH, LTG, CLX, TVN…

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều đóng cửa tăng điểm, với VN30F2208 tăng 7,5 điểm (+0,6%), lên 1.257,5 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 194.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 48.100 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sự phân hóa cũng diễn ra mạnh mẽ, với phiên này CHPG2215 khớp lệnh tốt nhất với 2,24 triệu đơn vị và giảm 1,4% xuống 710 đồng/cq, theo sau là CNVL2202 với 2,22 triệu đơn vị, giá tăng 16% lên 290 đồng/cq.

Tin bài liên quan