Giao dịch chứng khoán phiên sáng 9/2: Cổ phiếu thép được nung nóng

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 9/2: Cổ phiếu thép được nung nóng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đà tăng của nhóm cổ phiếu thép kể từ ngày đầu năm mới Nhâm Dần chưa có dấu hiệu dừng lại, thậm chí còn được nung nóng hơn.

Sau gần 2 năm tăng ấn tượng, nhóm cổ phiếu thép đã bước vào giai đoạn giảm giá kể từ giữa quý IV/2021 cho tới ngày cuối cùng của phiên giao dịch năm Tân Sửu (28/1/2022). Giai đoạn giảm giá này đã lấy đi của nhóm cổ phiếu thép trên dưới 30%, thậm chí có mã giảm trên dưới 40% như NKG, HSG, SMC. Tuy nhiên, ngay khi bước vào năm mới Nhâm Dần 2022, nhóm cổ phiếu thép đã đã quay đầu để trở về bờ.

Không kể phiên đầu tuần, khi tâm lý mua may, bán đắt đầu năm giúp đa số các nhóm ngành đều tăng giá (ngoại trừ một vài mã đơn lẻ), kéo VN-Index bay cao và tạo một gap khá lớn, trong phiên thứ 2 của năm mới Nhâm Dần (8/2), diễn biến thị trường đã trở lại thực chất hơn khi có sự phân hóa. Nhiều nhóm ngành chịu sức ép lớn, khiến VN-Index có nhiều thời điểm rung lắc và tưởng chừng đã điều chỉnh để lấp gap đã tạo ra trong phiên trước đó. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu thép vẫn duy trì sức nóng, trong đó HPG là mã đóng góp lớn nhất cho VN-Index trong phiên này.

Dựa trên các thông tin và phân tích với 2 ví dụ được đưa ra là 2 cổ phiếu thép đầu ngành HPG và HSG, TS. Trần Xuân Nam (Oxford DBA), CEO SaoNam Consulting Corp cho rằng, nhóm cổ phiếu thép đang bị định giá thấp. Theo ông Nam, mặc dù giá HPG và HSG 3 tháng gần đầy đã giảm 27 - 40%, nhưng HPG và HSG vẫn có CAGR vượt trội 42,9% và 35,8%/năm cao hơn nhiều so với trung bình của VN-Index 14,8% và so với 8 cổ phiếu đầu các ngành tiềm năng 25,9%. Các chỉ số khác của 2 doanh nghiệp này như EPS, P/E… cũng rất tốt.

Trong khi đó, thị trường thép trong nước, cũng như quốc tế vẫn được đánh giá triển vọng tốt, dù không được như năm ngoái.

“Năm 2022 vẫn sẽ là năm thành công của ngành thép, mặc dù có thể không được như năm 2021. Ba tháng vừa qua, các mã cổ phiếu thép đang bị quá bán do sợ giá thép giảm. Từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường giá thép đang tăng rất rõ ràng và dự báo giá vẫn tốt trong năm 2022. Do vậy, giá cổ phiếu thép đặc biệt là các cổ phiếu đầu ngành sẽ được định giá về giá trị thực, P/E như trung bình của 3-4 năm gần nhất”, TS. Nam đánh giá.

Ông Nam cho rằng, rủi ro lớn nhất khi đầu tư vào các cổ phiếu ngành thép là sự biến động giá nguyên liệu và giá thép các loại khó đoán định. Để hạn chế rủi ro, nhà đầu tư nên đầu tư vào các cổ phiếu dẫn đầu ngành và đang được định giá thấp.

Trở lại với thị trường sáng nay, ngay khi mở cửa, đồng loạt cổ phiếu thép đã tăng mạnh, trong đó HSG, NKG, SMC tăng kịch trần, POM, VIS cũng tăng hơn 6%, trong khi mã đầu ngày HPG cũng tăng tới hơn 5%, tiếp tục là mã đóng góp điểm số lớn nhất cho VN-Index sáng nay.

Ngoài nhóm cổ phiếu thép, nhóm ngân hàng cũng đang bắt đầu tìm lại ánh hào quang xưa khi sắc xanh phủ gần kín nhóm này, chỉ còn vào sắc đỏ nhạt tại BID, VCB, EIB, SSB.

Trong nhóm này, tăng mạnh nhất đang là HDB với 2,6% lên 32.300 đồng, đang trên đường trở lại đỉnh cũ 33.950 đồng. TCB cũng đã xác lập xu thế tăng từ phiên 20/1 và đang duy trì đà đi lên vững chắc và đang vào vùng kháng cự gần nhất 56.000 đồng.

Trong khi đó, cổ phiếu EIB giảm mạnh nhất nhóm hơn 1,5% sau thông tin chia tay SMBC sau 14 năm gắn bó.

Nhóm chứng khoán dù không quá khởi sắc, nhưng sắc xanh cũng chiếm thế áp đảo. Trong khi đó, các nhóm ngành khác đều đang có sự phân hóa, nhưng với sự trợ giúp của 3 nhóm này, VN-Index tiếp tục bay cao vượt qua ngưỡng 1.510 điểm để hướng tới chinh phục đỉnh lịch sử 1.530 điểm.

Các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ sau phiên thăng hoa đầu năm mới đều đã quay đầu giảm, trong đó TGG đang giảm sàn.

Cổ phiếu làm chỉ số hôm nay biến động mạnh nhất vẫn là VIC, nếu như mở cửa phiên sáng ở mức giá xanh, đóng góp tích cực vào đà tăng chỉ số thì dần về cuối phiên đã tiếp tục "đổ đèo", cùng với GAS và VCB là các nhân tố chính kéo đà tăng của VN-Index chậm lại.

Ở vùng 1.510 điểm, áp lực bán gia tăng khiến nhiều mã quay đầu điều giảm, một số mã nới đà giảm, trong đó đáng chú ý là nhóm ngân hàng khi sắc xanh ít dần và nhạt hơn nhiều so với đầu phiên, trong đó “anh cả” nhóm ngân hàng VCB giảm mạnh nhất khi mất 1,4% xuống 90.700 đồng. Ngoài ra, EIB giảm 1,4% xuống 35.200 đồng, BID giảm 0,74% xuống 47.000 đồng. Thêm sắc đó còn có TPB, SSB, ACB, LPB, MBB.

Các mã này, cùng với VIC (dù đã hãm đà giảm so với 2 phiên đầu năm, nhưng cũng giảm hơn 1% xuống 86.400 đồng), GAS (-2% xuống 111.700 đồng), lấy đi nhiều điểm số nhất của VN-Index sáng nay.

Trong khi ở chiều tăng, chỉ còn 7 mã tăng, trong đó 2 mã tăng mạnh nhất HDB và VIB chỉ còn tăng hơn 1%. Điểm tích cực là thanh khoản nhóm này khá tốt với STB khớp gần 13,9 triệu đơn vị, MBB, TCB, VPB khớp trên dưới 10 triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhóm thép có thêm POM gia nhập sắc tím, nhưng mã đầu ngành HPG lại thu hẹp đà tăng, chỉ còn gần 4,3% lên 47.500 đồng, so với mức tăng hơn 5% đầu phiên, khiến đà tăng của VN-Index bị thu hẹp đi đáng kể, lùi về sát mốc tham chiếu trước khi bước vào giờ nghỉ trưa. HPG cũng là mã có thanh khoản tốt nhất sàn với 31,69 triệu đơn vị.

Chốt phiên sáng, VN-Index tăng nhẹ 2,49 điểm (+0,17%), lên 1.503,48 điểm với 244 mã tăng, trong đó có 7 mã trần (ngoài 5 mã thép còn có thêm PXI và DXV); 181 mã giảm, trong đó có 3 mã sàn (ngoài TGG còn có thêm TTE và EMC) và 56 mã tham chiếu. Tổng khối lượng giao dịch đạt 479,2 triệu đơn vị, giá trị 15.611,9 tỷ đồng, tăng nhẹ 4,6% về khối lượng và 11,5% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 27,5 triệu đơn vị, giá trị 1.073,5 tỷ đồng.

Ngoài nhóm thép, nhóm chứng khoán cũng giữ được khá trọn vẹn sắc xanh, ngoại trừ FTS giảm nhẹ và TVS đứng giá. Tuy nhiên, mức tăng cũng không quá lớn khi mã tăng mạnh nhất là CTS chỉ 3,1% lên 37.700 đồng. Trong các mã lớn, tích cực nhất là VND tăng 2,3% lên 71.600 đồng, VCI tăng 1,9% lên 60.600 đồng.

Trong các mã thị trường, một số mã đã đảo chiều trở lại, nhưng một số mã vẫn duy trì sắc đỏ, trong đó FLC giảm 1,7% xuống 11.800 đồng, khớp 17,66 triệu đơn vị. CII giảm 1,7% xuống 26.800 đồng, khớp 12,33 triệu đơn vị, nhưng vẫn tích cực hơn nhiều so với mức sàn 25.350 đồng nửa đầu phiên.

Ngoài ra, ROS cũng giảm 2,2% xuống 7.620 đồng, khớp 9,36 triệu đơn vị. Trong khi HQC tăng nhẹ 0,6% lên 7.140 đồng, khớp 7,68 triệu đơn vị. ITA tăng 1% lên 15.650 đồng, khớp 5,77 triệu đơn vị…

DIG sau chuỗi ngày giảm sàn cũng đã đảo chiều tăng 2,7% lên 65.500 đồng, khớp 8,94 triệu đơn vị.

Trên HNX, sau nửa đầu phiên giao dịch yếu trong sắc đỏ, nhưng với sự trợ giúp sau đó của các mã lớn dù không nhiều, chỉ số chính của sàn này cũng đảo chiều đi lên và đóng cửa phiên sáng với sắc xanh.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 3,35 điểm (+0,8%), lên 421,24 điểm với 104 mã tăng (7 mã trần), 93 mã giảm (4 mã sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 40,8 triệu đơn vị, giá trị 1.224 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,1 triệu đơn vị, giá trị 31,8 tỷ đồng.

Trong các mã vốn hóa lớn, chỉ có KSF và PVS giảm nhẹ, NVB đứng giá, còn lại đều có sắc xanh nhạt, ngoại trừ CEO tăng tốt 3,6% lên 52.100 đồng, khớp 7,5 triệu đơn vị và SHS tăng 1,9% lên 42.300 đồng, khớp 2,76 triệu đơn vị.

Ngoài ra, PVS cũng là mã có thanh khoản tốt với 4,07 triệu đơn vị, KLF khớp 2,09 triệu đơn vị. Đây cũng là các mã có thanh khoản tốt nhất trên sàn HNX.

UPCoM giao dịch giằng co nhưng cũng có được sắc xanh nhạt khi bước vào giờ nghỉ trưa.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,21 điểm (+0,19%), lên 111,73 điểm với 151 mã tăng (7 mã trần), 113 mã giảm (2 mã sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 35,5 triệu đơn vị, giá trị 756 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuân đóng góp không đáng kể.

Các mã đáng chú ý trên UPCoM có sự phân hóa, trong đó BSR giảm 0,4% xuống 26.600 đồng, khớp lớn nhất 5,31 triệu đơn vị. C4G tăng 2,6% lên 20.100 đồng, khớp 4 triệu đơn vị. VHG giảm 1,1% xuống 8.800 đồng, khớp 2,94 triệu đơn vị. Hai mã ngân hàng là ABB và BVB đứng giá tham chiếu 23.100 và 21.200 đồng, khớp 2,84 triệu đơn vị và 1,8 triệu đơn vị. Một mã dầu khí khác cũng giảm là OIL giảm 1,1% xuống 17.900 đồng, khớp 1,67 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan