Giao dịch chứng khoán sáng 13/7: Dòng bank tiếp sức thị trường

Giao dịch chứng khoán sáng 13/7: Dòng bank tiếp sức thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù thị trường rung lắc và liên tục lên xuống quanh mốc tham chiếu trong suốt cả phiên sáng, nhưng diễn biến tích cực của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã giúp VN-Index hồi phục sắc xanh.

Trái với diễn biến không mấy tích cực từ chứng khoán châu Á và Mỹ, thị trường trong nước đã có phiên giao dịch ngày 12/7 khởi sắc. Bất chấp sự cản đường của một số mã lớn, dòng tiền cải thiện đã giúp nhiều nhóm ngành hồi phục, ấn tượng là nhóm chứng khoán, bất động sản, ngân hàng, xây dựng…, đã tạo đà giúp VN-Index tăng tốt, lấp gap được tạo ra ở phiên trước đó.

Tuy VN-Index đảo chiều thành công và một lần nữa đối diện vùng cản 1.175 – 1.180 điểm, nhưng với thanh khoản còn thấp vẫn là rủi ro khiến cho phiên “xác nhận đáy” chưa được thuyết phục.

Theo KBSV, dù xu hướng giảm điểm vẫn đóng vai trò chủ đạo, VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục mở rộng xu hướng hồi phục và hướng lên vùng kháng cự kế tiếp tại 1.19x điểm trước khi gặp áp lực rung lắc rõ nét hơn.

Quay lại với phiên giao dịch sáng ngày 13/7, sau khi mở cửa le lói sắc xanh, thị trường đã quay trở lại trạng thái điều chỉnh nhẹ do áp lực gia tăng ở nhóm cổ phiếu bluechip, đặc biệt là bộ ba GAS, VHM và VIC.

Sau khoảng 1 giờ giao dịch, trong khi nhóm cổ phiếu bluechip giao dịch phân hóa với số mã tăng giảm khá cân đối, chỉ số VN-Index nhích nhẹ nhờ diễn biến tích cực ở nhóm ngành tài chính.

Trong đó, nhóm cổ phiếu bảo hiểm với đầu tàu BVH là mã tăng tốt nhất trong rổ VN30 khi ghi nhận mức tăng hơn 4%, dao động quanh mức giá 58.300 – 58.400 đồng/CP, BMI tăng 2,5%, MIG tăng 3,7%, BIC tăng 1,1%.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng đều giao dịch trong sắc xanh dù chưa có sự bứt tốc. Trong đó, cặp đôi VND và SSI vẫn là các mã giao dịch sôi động của thị trường khi thuộc top 5 thanh khoản cao nhất, đạt trên 6 triệu đơn vị, hiện cả 2 đều tăng nhẹ.

Ngoài chứng khoán, bảo hiểm, nhóm cổ phiếu khác trong ngành tài chính là ngân hàng cũng tăng nhẹ, đáng kể nhất là SHB tăng 3,3%, CTG tăng 2,33%.

Tuy nhiên, cặp đôi nhà Hoàng Anh Gia Lai HAG – HNG vẫn là tâm điểm đáng chú ý của thị trường. Trong khi HNG nhanh chóng tăng trần ngay đầu phiên với lượng dư mua trần tiếp tục chất đống 6-7 triệu đơn vị, thì HAG cũng có thời điểm khoe sắc tím và hiện đang tăng trên dưới 5% với thanh khoản dẫn đầu thị trường khi HAG đạt hơn 11,5 triệu đơn vị, còn HNG đạt 8,85 triệu đơn vị.

Bên cạnh cặp đôi HAG-HNG, các mã vốn hóa nhỏ và các cổ phiếu thị trường tiếp tục hút được dòng tiền như IDI, SJF, DLG, ITA, HHV... hầu hết vẫn đang tiếp tục đà tăng điểm.

Thị trường giao dịch rung lắc và liên tục đổi sắc trong suốt cả phiên sáng, nhưng chỉ số VN-Index đã tạm dừng chân trên mốc tham chiếu nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 246 mã tăng và 187 mã giảm, VN-Index tăng 3,28 điểm (+0,28%), lên 1.178,1 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 347,55 triệu đơn vị, giá trị 7.008,39 tỷ đồng, tăng 25% về khối lượng và 31,5% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 31,36 triệu đơn vị, giá trị 702,54 tỷ đồng.

Nhóm VN30 vẫn cân đối với 14 mã tăng và 13 mã giảm, trong đó, cổ phiếu tăng mạnh nhất vẫn là đại diện nhóm bảo hiểm – BVH tăng 3,9% lên mức 58.100 đồng/CP.

Tiếp theo đó là cặp đôi ngân hàng, với CTG tăng 3,7% lên mức giá cao nhất trong phiên 26.650 đồng/CP và STB tăng 2,9% lên 23.250 đồng/CP.

Ngoài CTG và STB, nhiều mã khác trong nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng đua nhau khởi sắc, đã hỗ trợ tốt giúp thị trường khởi sắc trở lại như MBB tăng 2%, TPB tăng 1,9%, OCB tăng 3%, VIB tăng hơn 2%, MSB tăng 3%, LPB tăng 3,7%... đặc biệt là cú tăng tốc của SHB.

Lực cầu tăng mạnh mẽ đã giúp SHB kéo trần thành công. Chốt phiên, SHB tăng 6,96% lên mức giá trần 14.600 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh vượt trội, đạt hơn 25,58 triệu đơn vị.

Dòng bank chỉ còn VCB, ACB, SSB, EIB giao dịch dưới mốc tham chiếu với biên độ giảm hẹp, chỉ trên dưới 0,5%.

Trái lại, trong nhóm VN30, cổ phiếu GAS vẫn tác động tiêu cực lên thị trường khi tiếp tục nới rộng biên độ giảm. Chốt phiên, GAS giảm 3,2% xuống mức 95.800 đồng/CP. Trong khi đó, cặp đôi lớn VIC và VHM bớt tiêu cực khi chỉ còn giảm nhẹ hơn 0,5% và đều tìm về vùng giá cao nhất của phiên sáng.

Xét về nhóm ngành, ngoài dòng bank, nhóm cổ phiếu bảo hiểm cũng ghi nhận phiên giao dịch khởi sắc dù có chút hạ độ cao so với đầu phiên. Ngoài BVH, các mã khác như MIG tăng 2,2%, BMI tăng 1,6%.

Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, trong khi các mã lớn như VHM, VIC, NVL, BCM giảm nhẹ, thì ở top vừa và nhỏ vẫn có phần tích cực hơn như CKG, TDC, HHV tăng trần, MCG tăng 5,6%, KHG tăng 4,9%, HAR và HQC tăng 3,5%...

Trong khi đó, cổ phiếu HNG vẫn khan hàng khi vắng bóng lực cung. Chốt phiên sáng nay, HNG tăng 7% lên mức giá trần 5.990 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 9,25 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 6,45 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, thị trường cũng có được sắc xanh khi tạm dừng phiên giao dịch sáng.

Chốt phiên, sàn HNX có 88 mã tăng và 68 mã giảm, HNX-Index tăng 0,92 điểm (+0,33%), lên 282,91 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 35,54 triệu đơn vị, giá trị hơn 668 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,5 triệu đơn vị, giá trị 9,28 tỷ đồng.

Trong khi nhóm cổ phiếu chứng khoán trên sàn HOSE biến động lình xình nhẹ quanh mốc tham chiếu thì SHS vẫn giao dịch khởi sắc trên sàn HNX. Chốt phiên, SHS tăng 4,2% lên mức 14.900 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu thị trường, đạt hơn 8,7 triệu đơn vị.

Một số mã khác trong nhóm HNX30 tăng tốt, hỗ trợ cho xu hướng thị trường như PLX tăng 3,4%, VCS tăng 2%, NTP tăng 1,7%, LAS tăng 1,6%...

Trong khi đó, sau 4 phiên tăng khá mạnh liên tiếp, cổ phiếu HUT đã gặp áp lực chốt lời và trở nên rung lắc trong phiên sáng nay. Tạm chốt phiên sáng, HUT giảm nhẹ 0,36% xuống 27.300 đồng/CP, cùng thanh khoản sụt giảm, chỉ đạt 1,36 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, cũng trong xu hướng điều chỉnh của nhóm cổ phiếu dầu khí, cặp PVC và PVS tiếp tục mất hơn 2%, lần lượt chốt phiên tại mức giá 16.200 đồng/CP và 23.700 đồng/CP.

Cổ phiếu CEO cũng đảo chiều giảm 2% và chốt phiên đứng tại mức 29.400 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 3,2 triệu đơn vị, đứng thứ 3 về thanh khoản trên thị trường.

Trên UPCoM, thị trường cũng không nằm ngoài xu hướng chung là rung lắc trong biên độ hẹp.

Chốt phiên sáng,UpCoM-Index giảm 0,04 điểm (-0,05%) lên 86,74 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 24,74 triệu đơn vị, giá trị 367,82 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,68 triệu đơn vị, giá trị 101,45 tỷ đồng.

Cổ phiếu dầu khí BSR chốt phiên giảm 3% xuống mức 22.400 đồng/CP, nhưng vẫn có thanh khoản tốt nhất thị trường, đạt hơn 6 triệu đơn vị. Trong khi “người anh em” OIL cũng giảm 0,8% xuống 12.200 đồng/CP và khớp gần nửa triệu đơn vị.

Đáng chú ý, cổ phiếu SBS có phiên giao dịch khởi sắc và có thời điểm áp sát mức giá trần. Chốt phiên, SBS tăng 9,2% lên 9.500 đồng/CP và khớp xấp xỉ 5,1 triệu đơn vị.

Một số mã đáng chú ý khác như C4G tăng 7,8% lên 11.100 đồng/CP, ABB tăng 5% lên 10.600 đồng/CP, VHG tăng 2,7% lên 3.800 đồng/CP, VGI tăng 5% lên 31.300 đồng/CP, đều có khối lượng giao dịch hơn 1 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan