Giao dịch chứng khoán sáng 17/6: Thị trường lại chìm trong "biển lửa", VN-Index bốc hơi hơn 32 điểm

Giao dịch chứng khoán sáng 17/6: Thị trường lại chìm trong "biển lửa", VN-Index bốc hơi hơn 32 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán không nằm ngoài xu hướng chung trên thế giới khi chìm trong "biển lửa" ngày cuối tuần 17/6 sau phiên hồi phục mạnh hôm qua. 

Thị trường đã hồi phục tích cực trong phiên đáo hạn phái sinh ngày 16/6. Về góc nhìn kỹ thuật, chỉ số VN-Index sau khi chạm hỗ trợ mạnh đã có nhịp bật hồi quay trở lại, các chỉ báo như MACD, ADX, RSI cũng dần đi ngang và có xu hướng nhích dần lên cho thấy đà giảm đã chững lại.

Tuy nhiên, phiên giao dịch hôm qua chưa đủ thuyết phục khi chưa có được sự đồng thuận của dòng tiền. Thanh khoản trong phiên sụt giảm khá mạnh và áp lực bán vào đợt khớp lệnh ATC cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn rất dễ dao động khi thị trường biến động mạnh.

Ở chứng khoán quốc tế, ngay sau phiên tăng điểm khi Fed thông báo sẽ tăng lãi suất thêm 0,75%, thị trường đã quay đầu giảm mạnh trong phiên ngày thứ Năm (16/6). Phố Wall đã lao dốc bởi một đợt bán tháo trên diện rộng do lo ngại suy thoái kinh tế gia tăng sau các động thái tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu nhằm dập tắt lạm phát.

Bên cạnh đó, chứng khoán châu Âu cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 16 tháng, sau khi chính sách thắt chặt ở Anh và Thụy Sĩ làm dấy lên những lo lắng mới về tác động của lạm phát đối với nền kinh tế toàn cầu.

Diễn biến trên đã khiến giới đầu tư phần nào hình dung được thị trường sẽ tiếp tục có thêm phiên đổ máu ngày cuối tuần 17/6.

Không nằm ngoài lo ngại trên, áp lực bán mạnh diễn ra trên diện rộng ngay khi mở cửa phiên giao dịch khiến thị trường chìm trong sắc đỏ. Bên cạnh toàn bộ 30 mã bluechip đều mất điểm, số mã giao dịch dưới mốc tham chiếu trên thị trường cũng gấp trên dưới 10 lần số mã tăng, đã đẩy VN-Index về sát ngưỡng 1.207 điểm.

Đà giảm tiếp tục được nới rộng hơn khi sang đợt khớp lệnh liên tục khiến VN-Index bị đẩy về mốc 1.200 điểm. Tại đây, lực cầu bắt đáy đã được kích hoạt giúp thị trường bật ngược đi lên.

Trong khi các nhóm cổ phiếu trụ cột như ngân hàng, chứng khoán, thép vẫn chìm trong biển lửa thì các nhóm cổ phiếu được mệnh danh là phòng thủ như điện vẫn giữ được đà tăng khá tốt như GEG, VSH đều tăng hơn 3,7%, POW tăng 3,2%, PC1, NT2 đều tăng hơn 1. Trong đó, POW đang là một trong 2 mã có thanh khoản tốt nhất thị trường, đạt gần 11,5 triệu đơn vị khớp lệnh.

Đáng chú ý, với diễn biến tiêu cực từ thị trường chung, nhóm cổ phiếu chứng khoán tiếp tục rớt dài và danh sách tỷ USD vốn hóa đã không còn bóng dáng của công ty chứng khoán nào. Trong đó, VND đã có thời điểm bị đạp về giá sàn và nhờ lực cầu bắt đáy tăng mạnh, cổ phiếu này đã thu hẹp đà giảm. Sau khoảng 1 giờ giao dịch, cổ phiếu VND giảm 5,8% xuống mức 17.100 đồng/CP và khớp lệnh gần 13,5 triệu đơn vị.

Ngưỡng 1.200 điểm đã được bảo vệ khá thành công trong phiên sáng nay. Mặc dù có thời điểm chỉ số VN-Index lùi sâu dưới vùng giá này nhưng lực cầu gia tăng mạnh mỗi nhịp giật lùi đã giúp thị trường bật ngược đi lên.

Tuy vậy, dòng tiền chưa đủ để giúp thị trường vơi bớt niềm đau khi áp lực bán lớn trên diện rộng vẫn luôn thường trực khiến VN-Index khó tránh khỏi phiên giảm mạnh. Chỉ số này tạm dừng phiên sáng bốc hơi hơn 32 điểm về mốc 1.204 điểm.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE chỉ còn 57 mã tăng và có tới 418 mã giảm (51 mã giảm sàn, VN-Index giảm 32,58 điểm (-2,63%) xuống 1.204,05 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 406,53 triệu đơn vị, giá trị 9.265,25 tỷ đồng, tăng 47,45% về khối lượng và 24,7% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 15,58 triệu đơn vị, giá trị 547,84 tỷ đồng.

Nhóm VN30 hầu hết đều giảm trên 1%, ngoại trừ bộ đôi POW và GAS giữ được sắc xanh nhưng biên độ tăng khá hạn chế. Chốt phiên, POW tăng 1% lên 15.550 đồng/CP, còn GAS tăng 0,8% lên 129.000 đồng/CP.

Đáng chú ý, các mã nằm trong top giảm mạnh nhất của nhóm này tập trung chính là dòng bank và chứng khoán, điển hình như MBB và SSI cùng giảm 6,8%, TPB và VPB cùng giảm 5,2%...

Xét về nhóm ngành, cặp ngân hàng và chứng khoán cũng là 2 nhóm tiêu cực nhất của thị trường.

Bên cạnh SSI giảm sát sàn, hàng loạt mã chứng khoán khác như VND, FTS, CTS, BSI, AGR, APG đều chốt phiên giảm hết biên độ xuống mức giá sàn; các mã khác cũng giảm mạnh như VCI giảm 5,5%; HCM giảm 3,8%, TVS giảm 5,5%, VDS giảm 5,3%... Trong đó, cổ phiếu VND có thanh khoản tốt nhất thị trường với khối lượng khớp lệnh đạt gần 20,4 triệu đơn vị.

Ở nhóm ngân hàng, cổ phiếu EIB là điểm sáng khi đi ngược xu hướng chung thành công. Với thông tin Ngân hàng thông qua kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20%, EIB là mã duy nhất trong dòng bank có được sắc xanh khi chốt phiên tăng 1,8%.

Trong khi đó, MBB giảm sàn, OCB giảm hơn 6,2%; SHB, VPB, VIB, MSB, TPB cùng giảm hơn 5%; TCB, CTG, STB đều giảm hơn 4%...

Nhóm cổ phiếu thép cũng đồng loạt giảm mạnh, trong đó NKG và TLH nằm sàn, HSG và SMC cùng giảm 6,5%, cổ phiếu HPG tiếp tục để mất 4,1% xuống mức 22.500 đồng/CP và vẫn là mã giao dịch sôi động nhất trong ngành, đạt hơn 17,28 triệu đơn vị khớp lệnh.

Ở nhóm bất động sản cũng chìm trong sắc đỏ, đáng kể nhiều mã vừa và nhỏ như TCH, ITA, DXS, HDC, HQC, LDG, TCD… đều chốt phiên giảm sàn.

Trên sàn HNX, đà bán mạnh cũng diễn ra trên diện rộng cùng gánh nặng từ nhóm cổ phiếu bluechip khiến HNX-Index khó thoát đà giảm sâu.

Chốt phiên, sàn HNX có tới 196 mã giảm (37 mã giảm sàn), gấp hơn 10 lần số mã tăng (18 mã), HNX-Index giảm 6,87 điểm (-2,39%) xuống 280,9 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 45,49 triệu đơn vị, giá trị 891,97 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,93 triệu đơn vị, giá trị hơn 52 tỷ đồng.

Cổ phiếu THD vẫn duy trì sức nóng sau thông tin người sáng lập – bầu Thụy (Nguyễn Đức Thụy) muốn thoái toàn bộ hơn 87,4 triệu cổ phiếu THD. Đây là phiên tăng mạnh thứ 4 liên tiếp của THD, chốt phiên sáng nay, cổ phiếu này tăng 9,88% lên mức giá trần 55.600 đồng/CP.

Ngoại trừ điểm sáng THD, còn các các cổ phiếu khác trong nhóm HNX30 đồng loạt mất điểm, đã đẩy HNX30 về sát mốc 500 điểm khi để mất gần 13 điểm.

Đáng kể một số mã như CEO giảm gần 7% xuống mức 29.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt gần 3,19 triệu đơn vị; PVS giảm 3,27% xuống mức 29.600 đồng/CP và là mã có thanh khoản tốt nhất thị trường, đạt 6,78 triệu đơn vị; SHS giảm 4,14% xuống 13.900 đồng/CP và khớp gần 4,5 triệu đơn vị…

Ngoài SHS, các cổ phiếu khác trong nhóm chứng khoán trên HNX cũng giảm mạnh như APS giảm 8,28%, HBS giảm 7,35%, MBS giảm 9,44%, ORS giảm gần 5%, PSI giảm sàn, VIG giảm 7,58%...

Cổ phiếu HUT sau phiên nổi sóng hôm qua cũng đã nhanh chóng quay đầu do áp lực bán tăng mạnh, thậm chí có thời điểm giảm về sát mức giá sàn. Chốt phiên sáng nay, HUT giảm 5,43% xuống 24.400 đồng/CP và khớp gần 1,8 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường cũng tạm dừng phiên sáng tại mức giá thấp nhất khi sắc đỏ phủ trên diện rộng bảng điện tử.

Chốt phiên sáng, UPCoM-Index giảm 2,79 điểm (-3,12%) xuống 86,47 điểm với 73 mã tăng và 279 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 43 triệu đơn vị, giá trị 650,77 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,1 triệu đơn vị, giá trị 74,13 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR cũng quay đầu giảm 1,86% và chốt phiên đứng tại mức giá 31.700 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu khi khớp hơn 10,84 triệu đơn vị.

Đứng ở vị trí tiếp theo là cặp đôi nhỏ PVX và HVG khớp trên dưới 2,5 triệu đơn vị và đều chốt phiên giảm mạnh sát sàn hoặc nằm sàn.

Tin bài liên quan