Giao dịch chứng khoán sáng 23/5: VN-Index mất hơn 10 điểm, nhóm thủy sản lại dậy sóng

Giao dịch chứng khoán sáng 23/5: VN-Index mất hơn 10 điểm, nhóm thủy sản lại dậy sóng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán gia tăng và lan rộng hơn trong nửa cuối phiên sáng khiến chỉ số VN-Index mất hơn 10 điểm và rơi xuống dưới ngưỡng 1.230 điểm. Trong khi đó, nhóm thủy sản đi ngược xu hướng chung và dậy sóng.

Sau 6 tuần căng thẳng với đà giảm mạnh liên tiếp của thị trường, nhà đầu tư đã phần nào thoải mái hơn khi VN-Index hồi phục trong tuần qua và vượt xa ngưỡng 1.200 điểm. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức thấp, cho thấy nhà đầu tư vẫn còn dè dặt trong việc tham gia trở lại thị trường.

Trong phiên giao dịch cuối tuần qua (ngày 20/5), thị trường đã mở cửa khá thuận lợi nhưng càng về cuối phiên, diễn biến phân hóa mạnh khi nhiều mã lớn bé đuối sức và quay đầu điều chỉnh đã khiến VN-Index hạ độ cao và kết phiên giảm nhẹ.

Theo BSC, thị trường gặp lại cây nến Doji, cho thấy sự lưỡng lự của thị trường khá lớn quanh ngưỡng 1.240 điểm. Trong những phiên tiếp theo, thị trường có thể sẽ tích lũy thêm tại vùng 1.240 điểm này.

Quay trở lại phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 23/5, thị trường nhanh chóng lấy lại sắc xanh sau phiên điều chỉnh cuối tuần trước. Tuy nhiên, tâm lý thận trọng dâng cao khiến thị trường vẫn giao dịch trong trạng thái thăm dò.

Với lực cầu khá yếu, thị trường nhanh chóng giật lùi. Chỉ sau khoảng hơn 20 phút giao dịch, chỉ số VN-Index dần hạ độ cao và bắt đầu trở lại trạng thái giằng co và điều chỉnh nhẹ. Tuy nhiên, ngưỡng 1.240 điểm đang đóng vai trò hỗ trợ khá tốt. Ngay khi VN-Index về dưới vùng giá này, lực cầu được kích hoạt giúp thị trường bật ngược đi lên.

Mặc dù sắc xanh chiếm ưu thế trên thị trường với số mã tăng điểm gần gấp đôi số mã giảm, nhưng biên độ tăng của các mã không quá lớn, trong khi đó, nhóm bluechip có diễn biến phân hóa mạnh với số mã tăng giảm khá cân bằng, nên chỉ số VN-Index khó tiến xa.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, sau nhịp điều chỉnh nhẹ vào cuối tuần trước do đón nhận những thông tin tiêu cực, cổ phiếu HAG đã nhanh chóng lấy lại sắc xanh xong phiên sáng nay. Hiện HAG đang tăng trên 3% và là mã giao dịch sôi động của thị trường với 2,7 triệu đơn vị đã khớp lệnh. Trong khi đó, HQC tăng trên 5% và khớp lệnh lớn nhất, đạt gần 3 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, sau khoảng gần 1 giờ giao dịch, áp lực bán đang có dấu hiệu gia tăng ở nhóm cổ phiếu bluechip khiến thị trường có phần tiêu cực hơn. Chỉ số VN-Index dần rời xa ngưỡng 1.240 điểm khi nhóm VN30 gia tăng sức ép lên thị trường, với các mã như MSN giảm gần 3%, VIC, SSI, NVL... đang giảm hơn 1%...

Diễn biến không mấy tích cực của nhóm bluechip đã lan rộng ra thị trường khiến sắc đỏ đang dần lan rộng hơn trên bảng điện tử.

Nhóm cổ phiếu bluechip tiếp tục diễn biến tiêu cực hơn khiến thị trường nới rộng đà giảm điểm và chỉ số VN-Index tạm dừng phiên sáng tại vùng giá thấp nhất trong phiên khi thủng mốc 1.230 điểm.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 153 mã tăng và 259 mã giảm, VN-Index giảm 10,77 điểm (-0,87%) xuống 1.229,94 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 288,56 triệu đơn vị, giá trị 6.992,87 tỷ đồng, giảm 9,88% về khối lượng và 10,74% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 20/5. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 20,6 triệu đơn vị, giá trị 444,42 tỷ đồng.

Nhóm VN30 chỉ còn 6 mã tăng, trong khi có tới 24 mã giảm điểm và chỉ số VN30 giảm hơn 15 điểm, xuống dưới ngưỡng 1.270 điểm.

Trong đó, các mã tăng có biên độ khá hẹp, lớn nhất là BVH tăng 1,4%, tiếp theo là POW tăng 1,2%, còn lại GVR, TPB, FPT, GAS tăng chưa tới 0,5%.

Trái lại, cổ phiếu lớn nhóm chứng khoán là SSI sau nhịp hồi đầu phiên đã đảo chiều và nới rộng đà giảm mạnh về cuối phiên. Chốt phiên, SSI giảm 4,7% xuống mức 12,66 triệu đơn vị. Các mã giảm mạnh khác trong rổ này là STB giảm 3,5%, PDR giảm 2,4%, VPB giảm 2,3%, BID giảm 2,2%, các mã VIC, MSN, VNM, VHM đều giảm hơn 1%...

Trong đó, cặp STB và SSI dẫn đầu thanh khoản thị trường, với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt 18,53 triệu đơn vị và 12,66 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, điểm sáng là HQC có thời điểm tăng kịch trần nhưng đã không giữ được phong độ trong bối cảnh chung của thị trường và đã thu hẹp biên độ khi chốt phiên tăng 4,5%, đứng tại mức 5.600 đồng/CP cùng thanh khoản tăng vọt, vượt xa cả phiên giao dịch so với những ngày gần đây, đạt 11,22 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, CII khá ấn tượng khi có thời điểm cũng được kéo lên mức giá trần và chốt phiên tăng khá tốt 4,8% lên mức 21.800 đồng/CP, cùng thanh khoản đạt hơn 6 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, dòng bank là nhân tố chính tác động tới chỉ số chung của thị trường khi sắc đỏ chiếm ưu thế gần hết toàn ngành. Trong nhóm chỉ còn SHB và STB tăng nhẹ, LPB và MSB đứng giá tham chiếu, còn lại đều mất điểm. Cổ phiếu giảm mạnh nhất là STB giảm 3,5%, tiếp theo là BID, VPB giảm hơn 2%; VCB, CTG, TCB, MBB, VIB, OCB giảm hơn 1%...

Tương tự, ở nhóm chứng khoán chỉ còn TVS nhích nhẹ 1 bước giá, còn lại đều mất điểm. Ngoài SSI giảm mạnh, các mã khác cũng giảm sâu như VCI giảm 4%, HCM giảm 2,8%, VND giảm 2,6%, FTS giảm 3%...

Nhóm bất động sản cũng không mấy khả quan khi sắc đỏ chiếm áp đảo toàn ngành, từ các mã lớn như VIC, VHM, NVL giảm hơn 1%, BCM giảm 3,1%, đến các mã khác như DIG giảm 3,4%, DXG, PDR giảm hơn 2%, VGC giảm 3,5%... Điểm sáng ngành là NBB tăng kịch trần, chốt phiên tại mức giá 19.400 đồng/CP với khối lượng khớp hơn 1 triệu đơn vị và dư mua trần 36.500 đơn vị.

Điểm sáng ngành là nhóm cổ phiếu thủy sản đi ngược xu hướng chung và nổi sóng. Trong đó, IDI tăng kịch trần và dư mua trần hơn nửa triệu đơn vị, ANV tăng 5,5%, ACL tăng 5%, ASM tăng 4,9%, ABT tăng 4,7%, VHC tăng 3,7%.

Trên sàn HNX, lực bán gia tăng cuối phiên cũng khiến thị trường quay đầu điều chỉnh giảm.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 53 mã tăng và 111 mã giảm, HNX-Index giảm 0,89 điểm (-0,29%) xuống 306,13 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 33 triệu đơn vị, giá trị 747,54 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 1,87 triệu đơn vị, giá trị 76,84 tỷ đồng.

Cổ phiếu HUT tiếp tục có thêm phiên giao dịch bùng nổ. Mặc dù không giữ được mức giá trần nhưng HUT là mã tăng tốt nhất trong rổ HNX30 khi chốt phiên tăng 8,1% lên mức 28.000 đồng/CP cùng việc giữ nhiệt sôi động với khối lượng khớp lệnh hơn 3,47 triệu đơn vị.

Các mã tăng khác trong nhóm HNX30 như TNG tăng 2,6%, LHC tăng 2%, NVB tăng 1,4%, THD tăng 1,3%...

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu đại diện nhóm chứng khoán là SHS ghi nhận mức giảm sâu nhất khi để mất 4% về sát ngưỡng thấp nhất trong phiên, đứng tại 16.700 đồng/CP.

Các mã giảm mạnh khác như SLS giảm 3,3%, BVS giảm 3,2%, MBS giảm 3%, CEO giảm 2,3%... Trong đó, SHS là mã giao dịch sôi động nhất sàn HNX, với xấp xỉ 5 triệu đơn vị khớp lệnh.

Đứng ở vị trí tiếp theo về thanh khoản là PVS khớp 4,54 triệu đơn vị và HUT khớp 3,47 triệu đơn vị.

Trên UPCOM, thị trường may mắn giữ được sắc xanh nhưng biên độ tăng thu hẹp về cuối phiên.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,12 điểm (+0,13%) lên 94,23 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 15,56 triệu đơn vị, giá trị 288,43 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 8,84 triệu đơn vị, giá trị 172,34 tỷ đồng. Trong đó, VCP thỏa thuận 8 triệu đơn vị, giá trị đạt 163,2 tỷ đồng.

Cổ phiếu dầu khí BSR dù có chút rung lắc đầu phiên nhưng đã nhanh chóng lấy lại sắc xanh và chốt phiên tăng 1,7% lên 23.900 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt hơn 4,15 triệu đơn vị. Trong khi đó, OIL nhích nhẹ 0,7% lên 13.900 đồng/CP và khớp gần nửa triệu đơn vị.

Cổ phiếu C4G nhích nhẹ 1 bước giá lên mức 14.100 đồng/CP và thanh khoản đứng sau BSR khi khớp hơn 2,3 triệu dơn vị.

Đứng ở vị trí thứ 3 về thanh khoản là LMH khớp 1,42 triệu đơn vị và chốt phiên giảm 10,4% xuống mức 6.900 đồng/CP.

Các mã lớn như VGT, VTP, VGI, SSH… quay đầu điều chỉnh giảm là những tác nhân khiến thị trường hạ độ cao.

Tin bài liên quan