Giao dịch chứng khoán sáng 24/11: Tiền ồ ạt chảy vào cổ phiếu ngân hàng, VN-Index bay cao

Giao dịch chứng khoán sáng 24/11: Tiền ồ ạt chảy vào cổ phiếu ngân hàng, VN-Index bay cao

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau đà phục hồi hôm qua, thị trường tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên sáng nay để hướng tới đỉnh lịch sử với tâm điểm là nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Trong phiên hôm qua (23/11), thị trường đã có phiên hồi phục rất đẹp về mặt điểm số với việc VN-Index tăng gần 16,4 điểm, trở lại trên đường trung bình MA20. Chỉ số VN30-Index cũng lần đầu trở lại trên đường MA20 sau 3 phiên đóng cửa dưới ngưỡng này, tạm thời tránh cho thị trường thoát khỏi xu hướng giảm giá.

Dù số mã tăng chiếm ưu thế, nhưng phiên tăng điểm này nhờ lực đỡ chính từ nhóm cổ phiếu chứng khoán khi đồng loạt khởi sắc. Dù thị trường có những nhịp rung lắc mạnh trước đó trước áp lực chốt lời diễn ra ồ ạt, nhưng nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn được đánh giá cao khi thanh khoản thị trường duy trì ở mức rất cao, kỳ vọng đem lại kết quả kinh doanh khả quan cho nhóm này trong quý IV/2021 và cả năm nay.

Tuy nhiên, điểm trừ trong phiên tăng điểm hôm qua chính là thanh khoản. Trong thời gian từ 9/11 tới nay, dù liên tiếp thiết lập đỉnh lịch sử mới, nhưng trên đồ thị kỹ thuật của VN-Index, số phiên đóng cửa ngày với cây nến đỏ nhiều hơn hẳn số cây nến xanh, đặc biệt những phiên giảm thường có thanh khoản cao hơn nhiều, trong các phiên tăng thanh khoản lại thấp. Điều này cho thấy lực bán vẫn rất lớn và các phiên tăng chủ yếu do tiết cung, nên chưa mang lại nhiều sự tin cậy cho nhà đầu tư.

Dù phiên tăng hôm qua không mang lại độ tin cậy quá lớn, nhưng với việc các chỉ số chính đóng cửa trên đường MA20, nhất là dải bollinger band của VN30 đang mở rộng trở lại cũng phần nào mạng lại sự tự tin nhất định cho nhà đầu tư khi bước vào phiên giao dịch sáng nay (24/11).

Trong đó, con sóng của nhóm chứng khoán tiếp tục được duy trì với sắc xanh xuất hiện ở tất cả các mã, dù chưa có mã nào chạm sắc tím. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng trở lại, với sự dẫn dắt của “anh cả” VCB, là tác nhân chính kéo VN-Index tăng mạnh khi đóng góp tới hơn 2 điểm cho chỉ số chung.

Ngoài nhóm tài chính, nhóm bất động sản cũng gây ấn tượng khi sau áp lực chốt lời các phiên trước đó, nhiều mã vừa và nhỏ trong nhóm này đã nổi sóng trở lại, từ phiên hôm qua và sáng nay, sắc tím xuất hiện dày hơn ở nhóm địa ốc, trong khi số mã còn lại giảm thì mức giảm cũng rất khiêm tốn, chỉ cần một lực cầu vừa phải có thể kéo tăng trở lại.

Yếu nhất trong các nhóm dẫn dắt là nhóm cổ phiếu thép. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng vào sự trở lại của nhóm cổ phiếu này sau 2 tuần giảm mạnh, nhưng phiên tăng của HPG hay HSG trước đó chỉ là các phiên hồi kỹ thuật khi các mã này nhanh chóng giảm trở lại. HPG sau 2 phiên hồi, đang gặp vùng kháng cự đầu tiên là 50 và đã điều chỉnh trở lại trong phiên sáng nay. Điều khá tiêu cực với mã này là đường MA20 đang giảm và dải bollinger band đang mở rộng xuống phía dưới.

Sau nhịp rung lắc khi về vùng 1.475 điểm, nhận thấy nhóm ngân hàng và chứng khoán tăng vững chắc, dòng tiền đã được kích hoạt, tự tin nhập cuộc và lan tỏa ra khắp bảng điện tử, giúp VN-Index lấy lại đà tăng mạnh sau đó tiến về vùng đỉnh lịch sử.

Chốt phiên sáng, VN-Index tăng 14,61 điểm (+1,00%), lên 1.478,24 điểm với 280 mã tăng, trong khi chỉ có 177 mã giảm, trong đó có 13 mã tăng trần, trong khi số mã giảm sàn chỉ là 3 mã và đều là các mã không đáng chú ý khi chỉ có một số lệnh khớp tối thiểu. Tổng khối lượng giao dịch đạt 659,3 triệu đơn vị, giá trị 20.502,7 tỷ đồng, tăng 19,6% về khối lượng và 34,6% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 18,6 triệu đơn vị, giá trị 625,7 tỷ đồng.

Dòng tiền chảy mạnh vào nhóm ngân hàng giúp nhóm này khởi sắc cả điểm số và thanh khoản khi tất cả các mã đều tăng và trong Top 10 mã thanh khoản lớn nhất sàn, có tới 7 mã ngân hàng. Trong đó, OCB đóng cửa ở mức trần 29.950 đồng, khớp gần 16,6 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần. Trong 10 mã đóng góp điểm số lớn nhất cho VN-Index sáng nay đều là các mã ngân hàng, với tổng số điểm hơn 10,8 điểm.

Cụ thể, VCB tăng 2,62% lên 101.700 đồng, khớp 0,9 triệu đơn vị, đóng góp 2,5 điểm cho VN-Index. TCB tăng 2,47% lên 53.900 đồng, khớp 27,2 triệu đơn vị, đóng góp 1,2 điểm cho VN-Index. VIB tăng 6,68% lên 44.700 đồng, khớp 5,6 triệu đơn vị, có lúc đã chạm trần 44.800 đồng, đóng góp hơn 1,18 điểm cho VN-Index. MBB tăng 3,98% lên 30.050 đồng, khớp 23,4 triệu đơn vị, cũng đóng góp hơn 1,15 điểm cho VN-Index. VPB tăng 2,34% lên 37.100 đồng, khớp 15,6 triệu đơn vị, đóng góp gần 1 điểm. CTG tăng 1,91% lên 34.750 đồng, đóng góp hơn 0,8 điểm. STB tăng 5,61% lên 30.100 đồng, khớp 41,7 triệu đơn vị, cao nhất sàn HOSE, đóng góp hơn 0,8 điểm. HDB tăng 4,56% lên 33.250 đồng, đóng góp 0,77 điểm. OCB đóng góp 0,72 điểm và BID tăng 1,45% lên 45.350 đồng, đóng góp 0,67 điểm.

Ngoài ra, các mã khác cũng tăng tốt như SSB tăng 2,84% lên 38.000 đồng, khớp gần 1 triệu đơn vị. ACB tăng 2,56% lên 34.850 đồng, SHB tăng 2,52% lên 24.400 đồng, EIB tăng 3,64% lên 28.500 đồng, LPB tăng 3,9% lên 23.950 đồng.

Trong nhóm chứng khoán, ngoại trừ CTS đảo chiều giảm nhẹ, còn lại đều giữ được đà tăng, nhưng không mạnh như nhóm ngân hàng. Mã tăng mạnh nhất là VCI với 3,19% lên 77.600 đồng sau thông tin ký hợp đồng tín dụng 100 triệu USD để phục vụ kinh doanh. Mã đầu ngành là SSI tăng 2,69% lên 53.400 đồng, khớp 16,6 triệu đơn vị. VND tăng 0,62% lên 81.200 đồng, khớp 3,5 triệu đơn vị. HCM tăng 1,94% lên 47.400 đồng…

Nhóm bất động sản và xây dựng chỉ còn HTN và HBC giữ sắc tím, các mã khác tuy duy trì được đà tăng, nhưng thanh khoản không lớn.

Trong khi đó, nhóm thép vẫn yếu thế khi HPG đóng cửa giảm 1,21% xuống 48.950 đồng, khớp 16 triệu đơn vị. HSG giảm 1,92% xuống 38.350 đồng. TLH giảm 1,73% xuống 19.850 đồng. NKG thậm chí giảm 3,17% xuống 41.550 đồng.

Các mã cổ phiếu thị trường có sự phân hóa và không nhận được sự quan tâm quá lớn của dòng tiền khi sức hút đang hướng vào nhóm ngân hàng.

Trên sàn HNX, đà tăng cũng được duy trì, nhưng không thể lấy lại được mức đỉnh của phiên có được lúc mở cửa.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 4,38 điểm (+0,98%), lên 452,98 điểm với 132 mã tăng và 100 mã giảm, trong đó có 11 mã tăng trần và 4 mã giảm sàn. Tổng khối lượng giao dịch đạt 86,7 triệu đơn vị, giá trị 2.575 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 16,4 triệu đơn vị, giá trị 466 tỷ đồng.

Trong nhóm vốn hóa lớn trên sàn, chỉ có IDC giảm 4,81% xuống 83.100 đồng, khớp 2,57 triệu đơn vị, còn lại đều tăng. Trong đó, THD tăng 1,74% lên 239.300 đồng, mức cao nhất ngày. Các mã ngân hàng và chứng khoán đều tăng tốt, như BAB tăng 1,63% lên 24.900 đồng, NVB tăng 2,35% lên 30.500 đồng; MBS tăng 2,05% lên 44.700 đồng, khớp 1,38 triệu đơn vị, SHS tăng 1,92% lên 53.000 đồng, khớp 7,3 triệu đơn vị.

Các mã khác tăng như PVS tăng 1,55% lên 26.200 đồng, khớp 3,83 triệu đơn vị, PVI tăng hơn 1%, lên 48.100 đồng…

Thị trường cũng giao dịch tích cực sáng nay, dù để mất mức đỉnh của phiên khi tạm nghỉ trưa.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,79 điểm (+0,7%), lên 113,82 điểm với 237 mã tăng, trong khi chỉ có 86 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 64,5 triệu đơn vị, giá trị 1.431,9 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 6 triệu đơn vị, giá trị 124,9 tỷ đồng.

Cũng như 2 sàn niêm yết, nhóm ngân hàng, chứng khoán trên UPCoM đều tăng mạnh. Trong đó, BVB tăng 4% lên 25.700 đồng, khớp 5 triệu đơn vị; ABB tăng 3,1% lên 23.100 đồng, khớp 4,93 triệu đơn vị; VAB tăng 2,1% lên 19.200 đồng, khớp 1,26 triệu đơn vị. SBS tăng 5,6% lên 20.700 đồng, khớp 4,58 triệu đơn vị…

Trong khi đó, BSR, HHV, VHG và VGT vẫn là những cái tên quen thuộc trong top cổ phiếu thanh khoản trên UPCoM và đều đóng góp tăng giá. Trong đó, BSR tăng 2,3% lên 21.800 đồng, khớp 6,5 triệu đơn vị, đứng đầu thị trường; HHV tăng 1,3% lên 22.700 đồng, khớp 3,8 triệu đơn vị; VHG tăng 8,2% lên 6.600 đồng, khớp 2,64 triệu đơn vị, VGT tăng 1,6% lên 25.300 đồng, khớp hơn 2 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan