Giao dịch chứng khoán sáng 24/10: Nhiều cổ phiếu vẫn rơi, VN-Index thủng mốc 1.000 điểm

Giao dịch chứng khoán sáng 24/10: Nhiều cổ phiếu vẫn rơi, VN-Index thủng mốc 1.000 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường vẫn diễn biến trong trạng thái tiêu cực khi áp lực bán mạnh trên diện rộng tiếp tục khiến bảng điện tử chìm trong sắc đỏ và chỉ số VN-Index có thêm phiên giảm sâu, chính thức thủng đáy ngắn hạn 1.000 điểm.

Thị trường vừa trải qua tuần giao dịch tiêu cực với những phiên giảm điểm khá mạnh, đặc biệt là phiên lao dốc ngày cuối tuần 21/10 do áp lực bán tháo đã diễn ra khiến thị trường bất ngờ chuyển sang trạng thái hoảng loạn trở lại khi người cầm cổ phiếu chấp nhận bán bằng mọi giá.

Kết thúc tuần, chỉ số VN-Index đã để mất gần 4% về dưới mốc 1.020 điểm với thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp. Về góc nhìn kỹ thuật khung đồ thị trường, một trong những chỉ báo quan trọng là MACD đã hướng xuống tiêu cực dưới đáy cũ, xóa đi cơ hội tạo phân kỳ dương đảo chiều, cho thấy VN-Index hoàn toàn có thể tiếp tục giảm điểm mạnh trong trung hạn.

Và với diễn biến tiêu cực từ phiên cuối tuần, VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục quán tính giảm điểm trong phiên tiếp theo và test lại vùng đáy cũ quanh mốc 1.000 điểm.

Quay trở lại phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 24/10, thị trường hồi phục nhẹ ngay khi mở cửa nhờ sự hỗ trợ tốt của một số mã bluechip. Tuy nhiên, sự đơn lẻ và khá yếu khiến chỉ số VN-Index nhanh chóng quay đầu ngay khi bước sang đợt khớp lệnh liên tục.

Đà giảm ngày càng nới rộng hơn khi lực bán dâng cao khiến thị trường chìm trong sắc đỏ. Sau khoảng hơn 1 giờ giao dịch, hầu hết các nhóm cổ phiếu đều trong trạng thái mất điểm, với sự cầm đầu của nhóm cổ phiếu chứng khoán, đã khiến VN-Index thủng mốc 1.000 điểm.

Ngay khi thủng vùng giá này, lực cầu gia tăng đã giúp thị trường bật hồi nhẹ. Tuy nhiên, trong bối cảnh dòng tiền tham gia vẫn khá yếu, trong khi lực bán chiếm áp đảo khiến ngưỡng được đánh giá là tâm lý mạnh này trở nên khá mong manh.

Trong nhóm cổ phiếu chứng khoán, bên cạnh VND trong trạng thái dư bán sàn chất đống lên tới 14 triệu cổ phiếu, một số mã như FTS, PHS, APG, CTS cũng tìm tới sắc xanh mắt mèo.

Hay nhóm lớn khác như ngân hàng chỉ còn duy nhất SHB ngược dòng thành công với mức tăng chưa tới 0,5%, trong khi VCB và BID tăng hơn 1,5%, TCB tăng 4,37%...

Nhóm bất động sản với cặp đôi lớn VHM và VIC tiếp tục giảm mạnh trên dưới 5%, ngoài ra một số mã như KBC, HDC, TDC, NTL… đang tạm đứng tại mức giá sàn.

Diễn biến càng tiêu cực hơn về cuối phiên khi tâm lý nhà đầu tư trở nên bi quan về xu hướng thị trường khi chỉ số VN-Index khá mong manh trước vùng được đánh giá là ngưỡng cản tâm lý mạnh 1.000 điểm.

Lực bán tiếp tục gia tăng mạnh trên diện rộng khiến số mã giảm điểm chiếm áp đảo, gấp hơn 7 lần số mã tăng, trong đó, có tới 60 mã giảm, vượt con số 52 mã tăng trên toàn sàn HOSE, đã đẩy VN-Index về mức thấp nhất khi tạm dừng phiên giao dịch sáng, chính thức phá đáy ngắn hạn 998 điểm (được xác lập trong phiên giao dịch ngày 11/10 vừa qua).

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 52 mã tăng và có tới 382 mã giảm (60 mã giảm sàn), VN-Index giảm 23,37 điểm (-2,29%), xuống 996,45 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 283,45 triệu đơn vị, giá trị 4.797,22 tỷ đồng, giảm 17,34% về khối lượng và 30,37% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 21/10. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 28,95 triệu đơn vị, giá trị 704,8 tỷ đồng.

Nhóm VN30 sau khi thủng mốc 1.000 điểm đã tiếp tục lùi sâu và chốt phiên giao dịch sáng tại mốc 983 điểm, giảm tới hơn 27 điểm khi xác nhận 28 mã giảm và chỉ còn 2 mã giữ được sắc xanh.

Trong đó, cổ phiếu SAB tiếp tục ngược dòng thành công và xác nhận phiên tăng thứ 5 liên tiếp, được đánh giá là một trong những mã hiếm hoi tránh được “cơn bão” của thị trường.

Tạm chốt phiên sáng nay, cổ phiếu SAB tăng 3,7% lên mức 199.500 đồng/CP, thậm chí có thời điểm tăng lên hơn 5%. Thanh khoản của SAB cũng tích cực với khối lượng khớp lệnh trong phiên sáng nay đạt hơn 0,1 triệu đơn vị, gần bằng thanh khoản trung bình 10 phiên giao dịch gần đây của cổ phiếu này.

Bên cạnh SAB, cổ phiếu GAS cũng chốt phiên trong sắc xanh nhưng biên độ tăng khá hẹp, chỉ 0,6% lên mức 107.800 đồng/CP.

Ở chiều ngược lại, dù các mã đều không phải khoác áo xanh lam, nhưng có tới hơn 1/2 số mã này có mức giảm hơn 3%, trong đó các mã VRE, STB, GVR dẫn đầu với mức giảm hơn 6%.

Xét về nhóm ngành, màn bật hồi khá tích cực của cặp VHM và VIC không đủ giúp nhóm bất động sản trở nên bớt xám xịt hơn, bởi hàng loạt mã đua nhau nằm sàn như KBC, DPG, BCG, ITC, TDC, SZC, VPH, DXS, DXG, HBC, HDC, LDG, SCR…

Trong khi đó, nhóm chứng khoán vẫn là nhóm mất nhiều nhất. Bên cạnh các mã APG, CTS, VIX, FTS, VND chốt phiên giảm sàn, các mã khác cũng có mức giảm khá sâu như SSI giảm 4%, VCI giảm 5,2%, HCM giảm 2,7%, TVB giảm 6,5%...

Đáng chú ý, cổ phiếu VND tiếp tục bị xả bán ồ ạt với lượng dư bán sàn lên tới hơn 15,96 triệu đơn vị, dù lực cầu hấp thụ khá mạnh giúp mã này thanh khoản vẫn tốt, đạt 10,79 triệu đơn vị. Ngoài ra, các mã thanh khoản tốt trong ngành, thuộc top 10 trên thị trường, có SSI khớp 8,34 triệu đơn vị và VIX khớp 6,13 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn trên thị trường là ngân hàng cũng không có nổi mã nào ngược dòng thành công. Sắc đỏ phủ kín toàn ngành, ngoại trừ SHB giữ được mốc tham chiếu.

Trong đó, một số mã giảm sâu như TCB, VIB giảm hơn 5%, EIB giảm 6,79%, BID, HDB và OCB cùng giảm hơn 3%...

Về thanh khoản thị trường, ngoài VND, 2 mã khác có khối lượng giao dịch trên 10 triệu đơn vị là HPG và STB. Trong đó, đáng chú ý là cổ phiếu HPG khớp 10,86 triệu đơn vị và tiếp tục giảm sâu xuống đáy 2 năm, tạm chốt phiên giảm 2,1% xuống 16.550 đồng/CP.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, tâm điểm đáng chú ý là HAG ngược dòng thành công khi hồi phục sắc xanh sau 3 phiên giảm điểm liên tiếp cuối tuần trước. Chốt phiên, HAG tăng 1,3% lên 8.610 đồng/CP, với khối lượng khớp lệnh hơn 8,55 triệu đơn vị, đứng ở vị trí thứ 4 về thanh khoản trên thị trường.

Trên sàn HNX, sau diễn biến giằng co nhẹ quanh mốc tham chiếu vào đầu phiên, thị trường cũng nhận tín hiệu “đỏ” và quay đầu giảm khá mạnh.

Chốt phiên, sàn HNX chỉ có 36 mã tăng và 146 mã giảm (25 mã giảm sàn), HNX-Index giảm 4,72 điểm (-2,17%), xuống 212,69 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 26,11 triệu đơn vị, giá trị 380,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể chỉ 9,22 tỷ đồng.

Tương tự VN30, nhóm HNX30 cũng cắm đầu đi xuống khi giảm tới hơn 10 điểm xuống mốc 350 điểm với 25 mã giảm, 2 mã tăng và 3 mã đứng giá.

Trong đó, LHC vẫn là mã tăng mạnh 9,1% lên mức 59.000 đồng/CP dù thanh khoản nhỏ giọt chỉ 100 đơn vị và NTP tăng nhẹ 0,6%; cùng DDG, THD, TNG đứng giá tham chiếu.

Ở chiều ngược lại, cặp Licogi vẫn đi đầu với L18 và L14 giảm 9,5-9,9%. Một số mã đáng chú ý như HUT, CEO cũng giảm mạnh, ngấp nghé nằm sàn. Cụ thể, HUT giảm 9,4% xuống mức 16.300 đồng/CP và khớp 0,82 triệu đơn vị; còn CEO giảm 8,2% xuống 13.500 đồng/CP và khớp hơn 2 triệu đơn vị.

Trong nhóm cổ phiếu chứng khoán, SHS giảm 7,9% xuống gần giá sàn 7.000 đồng/CP và dẫn đầu thanh khoản thị trường với hơn 5 triệu đơn vị khớp lệnh; MBS giảm 6,7%, BVS giảm 3,7%, APS giảm sàn…

Trên UPCoM, thị trường cũng nới rộng đà giảm về cuối phiên.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 1,09 điểm (-1,39%), xuống 77,48 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 11,96 triệu đơn vị, giá trị 172,36 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể.

Thanh khoản giảm mạnh khi chỉ còn duy nhất BSR khớp lệnh triệu đơn vị. Cụ thể, BSR chốt phiên giảm 6,1% xuống mức 18.400 đồng/CP, khớp hơn 3,2 triệu đơn vị.

Đứng ở vị trí thứ 2 về thanh khoản là ABB khớp 0,96 triệu đơn vị, chốt phiên giảm 7,1% xuống mức thấp nhất trong phiên 7.900 đồng/CP.

Các mã đáng chú ý khác cũng trong xu hướng giảm sâu như VHG giảm 8,7%, SBS giảm 11,3%, PAS giảm 6,5%, C4G giảm 5,2%...

Tin bài liên quan