Giao dịch chứng khoán sáng 4/4: Nhóm cổ phiếu chứng khoán nổi sóng lớn, họ FLC đồng loạt tăng trần

Giao dịch chứng khoán sáng 4/4: Nhóm cổ phiếu chứng khoán nổi sóng lớn, họ FLC đồng loạt tăng trần

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi dòng bank có phần hạ nhiệt thì nhóm cổ phiếu chứng khoán đồng loạt nổi sóng lớn khi tăng mạnh cả về giá cùng thanh khoản sôi động, tiếp tục dẫn dắt đà tăng mạnh cho thị trường trong phiên sáng 4/4.

Thị trường chứng khoán vừa trải qua tuần giao dịch nhiều cảm xúc. Từ tâm lý lo ngại rủi ro dâng cao khi những thông tin Chủ tịch doanh nghiệp bị bắt giữ hay các lãnh đạo UBCK, Sở GDCK và Trung tâm lưu ký bị xem xét kỷ luật liên tiếp được công bố đến phiên giao dịch bùng nổ trong ngày đầu tiên của tháng 4 như một “lời nói dối ngọt ngào”. Chỉ số VN-Index đã break qua vùng kháng cự suốt 3 tháng qua tại quanh 1.515 điểm, qua đó xác nhận uptrend trở lại trong ngắn hạn.

Bên cạnh tín hiệu tích cực khi dòng tiền sôi động hơn đang chảy khá mạnh vào nhóm cổ phiếu bluechip, những thông tin về kết quả kinh doanh quý I/2022 dần được hé lộ, cùng kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp được công bố trong kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên sẽ là động lực chính tiếp thêm sức mạnh để thị trường tiếp tục tiến bước. Theo đánh giá của giới phân tích, mức độ tích cực của thị trường sẽ tăng dần lên.

Dự báo về xu hướng thị trường, các công ty chứng khoán cho rằng, VN-Index sẽ sớm vượt qua mức đỉnh lịch sử và hướng tới ngưỡng kháng cự cao hơn, mốc 1.565-1.595 điểm trong các tuần tới.

Quay lại diễn biến phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 4/4, nhóm cổ phiếu bluechip vẫn là điểm tựa chính dẫn dắt đà tăng mạnh của thị trường. Chỉ số VN-Index dễ dàng tiếp cận mốc 1.530 điểm ngay khi mở cửa phiên giao dịch khi hầu hết các cổ phiếu trong rổ VN30 đều khởi sắc.

Tuy nhiên, đà tăng nhanh chóng chững lại khi một số mã lớn có dấu hiệu rung lắc và điều chỉnh. Sau khoảng 40 phút giao dịch, TCB và VIC đã đảo chiều giảm nhẹ, bên cạnh mã lớn khác như VHM, SAB chỉ còn nhích nhẹ.

Như thường lệ, khi thị trường vào trend tăng, các công ty chứng khoán luôn là nhóm cổ phiếu có "độ nhạy" nhất, lập tức trở lại dẫn sóng với một loạt mã như VND, CTS... tăng trần. SSI, HCM, AGR, TVB đều có mức tăng rất tốt. Đây cũng là nhóm có tính "chỉ báo" của một con sóng tăng trung hạn, như mới nhất là đợt tăng giá của VN-Index từ tháng 10 tới khi lập đỉnh mọi thời đại tháng 1/2022 ở mức 1.530 điểm.

Trong khi đó, điểm nhấn thị trường thuộc về nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, với tâm điểm là họ FLC. Sau 4 phiên liên tiếp bị bán tháo với khối lượng giao dịch khá thấp khi thiếu vắng lực cầu, trong phiên cuối tuần qua, nhà đầu tư họ FLC như được “giải cơn khát”. Hơn 50-70 triệu cổ phiếu dư bán sàn đã được hấp thụ toàn bộ và đã có thời điểm FLC cùng ROS có được sắc xanh, trong khi các thành viên còn lại là AMD, HAI đều tăng khá tốt.

Và như “chưa hề có cuộc chia ly”, trong phiên giao dịch sáng nay, đồng loạt các cổ phiếu nhà FLC đều tăng kịch trần ngay từ đầu phiên với giao dịch sôi động trở lại với FLC và ROS cùng khớp lệnh trên 10 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản toàn thị trường. Đồng thời, các mã trong nhóm cũng đều trong trạng thái dư mua trần khá lớn, đáng kể FLC dư mua trần gần 5,3 triệu đơn vị, còn ROS dư mua trần gần 1,2 triệu đơn vị.

Hay trên HNX, cặp KLF và ART cũng đều đang khoác áo tím với thanh khoản sôi động. Hiện KLF đang khớp 4,9 triệu đơn vị và dư mua trần 1,4 triệu đơn vị, còn ART khớp 2,3 triệu đơn vị và dư mua trần gần nửa triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu bluechip đuối sức về cuối phiên, đặc biệt là dòng bank trở nên phân hóa hơn khiến thị trường giảm nhiệt.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 261 mã tăng và 166 mã giảm, VN-Index tăng 10,47 điểm (+0,69%), lên 1.526,91 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 488 triệu đơn vị, giá trị 16.460,61 tỷ đồng, đạt xấp xỉ về khối lượng và tăng 11,68% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 1/4. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 19,75 triệu đơn vị, giá trị gần 654 tỷ đồng.

Nhóm VN30 hạ độ cao khi chỉ còn tăng hơn 8, chốt phiên đứng tại mốc 1.551 điểm khi có 6 mã mất điểm gồm FPT, TCB, VCB, VNM, KDH, HDB với mức giảm chỉ trên dưới 0,5%.

Trái lại, số mã tăng vẫn chiếm áp đảo là 23 mã nhưng biên độ tăng đã thu hẹp đáng kể khi phần lớn chỉ tăng trên dưới 1%, trong đó nhiều mã lớn như VHM, BID, GAS, HPG, VIC tăng chưa tới 0,5%.

Cổ phiếu tăng tốt nhất trong nhóm là mã thuộc ngành bất động sản khu công nghiệp – GVR khi chốt phiên tăng 5,2% lên mức 36.350 đồng/CP, đồng thời thanh khoản cũng sôi động với gần 4,8 triệu đơn vị khớp lệnh.

Tuy nhiên, xét về nhóm ngành thì chứng khoán là tâm điểm đáng chú ý của thị trường với giao dịch trong phiên sáng nay. Với diễn biến thị trường tăng mạnh thì nhóm chứng khoán là điểm đến lý tưởng của nhà đầu tư.

Trong phiên sáng nay, bên cạnh FTS tăng kịch trần và dư mua trần gần 0,3 triệu đơn vị, nhiều mã lớn bé cũng tăng tốc mạnh với VND, CTS và VDS cùng tăng 6,8% lên sát trần, VIX có thời điểm chạm trần và chốt phiên tăng 6,1%, AGR tăng 5,3%, các mã lớn như HCM, SSI, VCI cũng đều tăng trên dưới 4,5%...

Đáng chú ý, dù VND để mất sắc tím trong thời gian cuối phiên nhưng vẫn giữ mức tăng mạnh là 6,8% lên sát trần 33.850 đồng/CP với thanh khoản bùng nổ, dẫn đầu thị trường khi đạt hơn 23,6 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trong khi đó, nhóm ngân hàng yếu thế hơn sau những phiên khởi sắc cuối tuần trước. Bên cạnh các mã thu hẹp đà tăng với biên độ chỉ trên dưới 1% với cổ phiếu tăng tốt nhất là OCB tăng 1,95%, nhiều mã đã đảo chiều điều chỉnh như VCB, TCB, SSB, SHB, HDB.

Nhóm bất động sản vẫn phân hóa nhẹ với điểm nhấn là cặp đôi nhà FLC gồm FLC và ROS. Chốt phiên, FLC và ROS vẫn giữ mức giá trần với thanh khoản thuộc top 5 thị trường, lần lượt đạt 13,58 triệu đơn vị và 12,8 triệu đơn vị, cùng lượng dư mua trần lớn, tương ứng hơn 3 triệu đơn vị và 8,89 triệu đơn vị.

Ngoài ra, các mã bất động sản khu công nghiệp cũng có phiên giao dịch khởi sắc với GVR và LHG cùng tăng hơn 5,2%, KBC tăng 3,4% lên 55.500 đồng/CP, ITA tăng 1,2% lên 16.900 đồng/CP, SZC tăng 2,2% lên 78.300 đồng/CP…

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, các mã khác thuộc họ FLC là AMD và HAI cũng chất lượng lớn dư mua trần khi vắng bóng cung và đều chốt phiên tăng kịch trần. Ngoài ra, mã nóng TGG cũng hồi phục thành công và chốt phiên đứng tại mức giá trần 23.500 đồng/CP…

Trên sàn HNX, thị trường vẫn duy trì đà tăng tốt nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu bluechip.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 126 mã tăng và 85 mã giảm, HNX-Index tăng 5,44 điểm (+1,2%) lên 459,54 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 57 triệu đơn vị, giá trị 1.746,72 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn nửa triệu đơn vị, giá trị gần 45 tỷ đồng.

Cũng như sàn HOSE, nhóm chứng khoán trên HNX cũng là tâm điểm đáng chú ý của thị trường. Cặp đôi MBS và SHS dẫn đầu mức tăng trong rổ HNX30 khi lần lượt tăng 6,6% lên 37.300 đồng/CP và tăng 5,1% lên 43.400 đồng/CP; APS tăng 4,9%, BVS tăng 4,6%, VIG tăng 4,4%...

Trong đó, SHS dẫn đầu thanh khoản thị trường với khối lượng khớp lệnh gần 6,42 triệu đơn vị.

Ngoài ra, nhiều mã lớn khác cũng có phiên khởi sắc như NVB tăng 4,2% lên 39.600 đồng/CP, IDC tăng 1,6% lên 81.900 đồng/CP, HUT tăng 5% lên 37.600 đồng/CP, DTD và TVC tăng trên dưới 3,5%...

Trái lại, trong nhóm HNX30 chỉ có 7 mã mất điểm, với LAS giảm sâu nhất là 2%, tiếp theo DXP giảm 1,8%, PVC giảm 1,5%, CEO giảm 1,3%...

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cặp KLF và ART vẫn duy trì sức nóng. Chốt phiên, KLF tăng trần lên mức giá 6.000 đồng/CP và khớp 5,43 triệu đơn vị cùng lượng dư mua trần hơn 1,8 triệu đơn vị; còn ART cũng tăng kịch trần và khớp 2,56 triệu đơn vị, dư mua trần hơn nửa triệu đơn vị…

Trên UPCoM, sau nhịp rung lắc giữa phiên, thị trường đã hồi phục tích cực.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,26 điểm (+0,22%) lên 117,45 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 50,52 triệu đơn vị, giá trị 1.125,83 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,34 triệu đơn vị, giá trị gần 5 tỷ đồng.

Cổ phiếu dược DVN tiếp tục có thêm phiên bùng nổ. Chốt phiên sáng nay, DVN đảo chiều tăng mạnh lên mức 23.600 đồng/CP, tăng 8,3% sau nhịp điều chỉnh giữa phiên, cùng thanh khoản vượt trội, đạt hơn 10,63 triệu đơn vị, bỏ xa vị trí thứ 2 là SBS khớp 4,39 triệu đơn vị.

Không chỉ giao dịch sôi động, cổ phiếu chứng khoán trên UPCoM cũng đóng góp tích cực vào diễn biến chung của toàn ngành. Cụ thể, SBS tăng 4,2% lên 14.900 đồng/CP, TCI tăng 5,2% lên 18.100 đồng/CP, AAS tăng 8,6% lên 32.700 đồng/CP…

Các cổ phiếu ngân hàng với ABB, BVB, VAB, NAB, SGB tăng nhẹ hơn 1%.

Tin bài liên quan