Giới đầu tư ồ ạt mua bắt đáy, phố Wall "quay xe" ngoạn mục

Giới đầu tư ồ ạt mua bắt đáy, phố Wall "quay xe" ngoạn mục

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chứng khoán Mỹ tăng mạnh trong phiên thứ Năm (13/10), khi nhận được các động thái hỗ trợ kỹ thuật và các nhà đầu tư đặt cược ngắn hạn sau dữ liệu lạm phát được công bố.

Phiên giao dịch đã có thời điểm chứng kiến các chỉ số chính rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2020, sau khi dữ liệu lạm phát được công bố và bất ngờ đảo chiều hồi phục mạnh sau đó.

Trong đó, Dow Jones lấy lại hơn 1.300 điểm, S&P 500 ghi nhận biên độ dao động giá rộng nhất kể từ tháng 3/2020.

Dữ liệu mới cho thấy ,chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng hơn mạnh trong tháng 9, củng cố cho trường hợp Fed tăng lãi suất cơ bản lần thứ tư liên tiếp 0,75% vào tháng tới.

Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 của Mỹ tăng 0,4% so với tháng trước, cao hơn dự báo tăng 0,3%. Xét trên giai đoạn 12 tháng, lạm phát tổng thể tăng 8,2% trong tháng 9, thấp hơn nhiều so với đỉnh 9% hồi tháng 6, nhưng vẫn dao động gần mức đỉnh 40 năm.

Trong khi đó, lạm phát lõi, loại trừ giá thực phẩm và năng lượng, CPI lõi tăng 0,6% so với tháng trước, cao hơn ước tính tăng 0,4% của Dow Jones. So với cùng kỳ, lạm phát lõi tăng 6,6%, mức cao nhất trong 40 năm.

King Lip, Chiến lược gia đầu tư tại Baker Avenue Asset Management ở San Francisco, cho biết: “Mọi người có lẽ đã rất hụt hẫng ngay khi xem báo cáo CPI, và thấy báo cáo là tiêu cực và bắt đầu bán tháo”.

Một số chiến lược gia cũng chỉ ra một số mức hỗ trợ kỹ thuật xung quanh mốc 3.500 điểm cho S&P 500.

“Nhưng đó là các yếu tố kỹ thuật,” Lip nói và nói thêm rằng việc bán tháo cổ phiếu mạnh gần đây có thể có nghĩa là “tin xấu có thể đã được chiết khấu vào giá”.

"Bước vào mùa báo cáo kết quả kinh doanh, tất cả những gì chúng tôi thực sự cần là mọi thứ không quá tệ như nghi ngờ", anh nói.

Các ngân hàng lớn ở Phố Wall bắt đầu mùa báo cáo quý III vào thứ Sáu, với các nhà đầu tư đang chờ xem môi trường lãi suất cao ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ như thế nào.

Cổ phiếu các ngân hàng Goldman Sachs và JPMorgan lần lượt tăng 3,98% và 5,56%.

Kết thúc phiên 13/10, chỉ số Dow Jones tăng 827,87 điểm (+2,83%), lên 30.038,72 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 92,88 điểm (+2,60%), lên 3.669,91 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 232,05 điểm (+2,23%), lên 10.649,15 điểm.

Chứng khoán châu Âu tăng điểm, sau khi dữ liệu lạm phát của Mỹ thúc đẩy việc Fed tiếp tục con đường tăng lãi suất mạnh mẽ.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 0,91% lên 389,40 điểm và chấm dứt chuỗi 6 phiên giảm liên tiếp.

Craig Erlam, Nhà phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, cho biết: “Thực tế là giá cổ phiếu đã tăng mạnh trong phiên, nhưng chúng cho thấy rằng đây là động thái mua kỹ thuật hơn là một động thái cơ bản”.

Các nhà đầu tư hiện đang quan tâm theo dõi các báo cáo kết quả kinh doanh quý III để xem các doanh nghiệp đang đối phó với áp lực chi phí như thế nào.

Phiên này, cổ phiếu tài chính là động lực tăng mạnh nhất cho chỉ số chung khi tăng gần 1,9%. Nhóm cổ phiếu năng lượng và công nghiệp cũng thúc đẩy thêm thị trường.

Các nhà sản xuất chip bao gồm Infineon và ASML đã đảo chiều tăng điểm thành công, trong phiên để tăng từ 0,9% đến 3%.

Nhà sản xuất nhôm Na Uy Norsk Hydro tăng 6,7% sau khi có báo cáo rằng Hoa Kỳ đang cân nhắc hạn chế nhập khẩu nhôm của Nga.

Kết thúc phiên 13/10: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 24,12 điểm (+0,35%), lên 6.850,27 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 183,32 điểm (+1,51%), lên 12.355,58 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 60,72 điểm (+1,04%), lên 5.879,19 điểm.

Giá dầu thô hồi phục sau những phiên giảm gần đây. Cơ quan Năng lượng Quốc tế mới đây đã cho biết, quyết định giảm sản lượng của OPEC+ vào tuần trước đã đẩy giá lên và có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái.

Kết thúc phiên 13/10, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ tăng 1,84 USD/thùng (+2,06%), lên 89,11 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 2,12 USD/thùng (+2,24%), lên 94,57 USD/thùng.

Tin bài liên quan