Giữ được CPI 5 tháng tăng 2,25% là khá thành công

0:00 / 0:00
0:00
TS. Nguyễn Bích Lâm đánh giá, trong bối cảnh lạm phát phi mã, việc giữ được Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) ở mức 2,25% trong 5 tháng đầu năm là khá thành công.

Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với ổn định vĩ mô, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

CPI bình quân 5 tháng đầu năm nay tăng 2,25% so với cùng kỳ năm 2021. Với con số này, liệu có thể nói Việt Nam đã kiểm soát thành công lạm phát, thưa ông?

TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

So với mức tăng 1,29% của cùng kỳ năm 2021, thì trong 5 tháng đầu năm nay, CPI tăng 2,25% có thể coi là khá thành công trong kiểm soát lạm phát.

Trong bối cảnh sản xuất trong nước phụ thuộc khá nhiều vào nguyên, nhiên, vật liệu từ bên ngoài; giá nguyên, nhiên, vật liệu thế giới tăng cao; các nền kinh tế lớn trên thế giới và các nước trong khu vực ASEAN đang phải đối mặt với lạm phát phi mã, cao nhất trong vòng 4 thập kỷ gần đây, mới thấy thành công trong việc kiểm soát lạm phát của Việt Nam có ý nghĩa lớn thế nào.

Hiện tại, các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, EU, Anh... đã thoát khỏi suy thoái, kinh tế phục hồi và đạt mức tăng trưởng cao sau khi đã thực hiện hàng loạt gói tài khóa và tiền tệ mở rộng nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đối với Việt Nam, do đại dịch đến muộn hơn, nên bây giờ chúng ta vừa phải thực hiện 2 nhiệm vụ là phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với gói tài khóa, tiền tệ theo Nghị quyết số 43/2022/QH15; vừa phải kiểm soát lạm phát trong bối cảnh giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, đặc biệt là xăng dầu tăng cao kỷ lục. Đặt trong mối tương quan này, có thể thấy, giữ được lạm phát ở mức 2,25% trong 5 tháng đầu năm, CPI tháng 5/2022 chỉ tăng 2,48% so với tháng 12/2021 và tăng 2,86% so với cùng kỳ năm 2021 có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giữ ổn định vĩ mô, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo ông, lạm phát có thể leo thang trong những tháng còn lại của năm 2022?

Lạm phát mấy năm vừa qua ở mức thấp, chưa năm nào tiệm cận 4% như mức trần được Quốc hội thông qua, nên cũng có ý kiến cho rằng, năm nay không quá lo ngại về lạm phát. Tôi không nghĩ như vậy, nguy cơ lạm phát vượt 4% là có căn cứ và hiện hữu.

Năm 2021, CPI chỉ tăng 1,84%, chủ yếu do tổng cầu suy giảm mạnh (giảm 3,8%). Đây là nguyên nhân cơ bản, chủ yếu nhất khiến CPI năm 2021 tăng thấp.

Năm 2022, kinh tế phục hồi, nên tổng cầu không còn suy giảm. 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2021, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 6,3%. Tổng cầu sẽ tiếp tục tăng khi một loạt gói hỗ trợ lớn đang được triển khai, chưa kể độ trễ của những gói hỗ trợ năm 2021 bây giờ mới tác động lên lạm phát.

Năm 2021, Covid-19 diễn biến phức tạp, Chính phủ đã triển khai các gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn (giảm giá điện, nước sinh hoạt, cước viễn thông; miễn, giảm học phí), vì thế đã kiềm chế tốc độ tăng CPI. Năm 2022, các chính sách này không còn tiếp tục. Nhiều địa phương đã có phương án điều chỉnh tăng học phí, giá sách giáo khoa. Giá lương thực, thực phẩm được dự báo tăng cao trong thời gian tới khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, nhu cầu sử dụng lương thực, thực phẩm tăng mạnh trong những tháng cuối năm…

Đặc biệt, trong 5 tháng đầu năm nay, giá xăng dầu được điều chỉnh 13 đợt, tăng 49,95% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,8 điểm phần trăm, cộng với việc giá gas tăng 26,67%, kéo CPI tăng 0,39 điểm phần trăm. Như vậy, chỉ riêng xăng dầu tăng giá đã khiến CPI tăng 2,19% trong tổng mức tăng 2,25%.

Năm 2021, kinh tế thế giới phục hồi rất mạnh, đặc biệt là các nền kinh tế lớn, làm cho giá đầu vào của sản xuất tăng mạnh, song tại Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp đã chuẩn bị khá tốt nguyên liệu, vật tư cho sản xuất trước khi giá cả thế giới leo thang; chủ động cắt giảm tối đa chi phí, chấp nhận giảm bớt lợi nhuận, cố gắng không tăng giá bán để duy trì thị trường.

Nhưng, sức chịu đựng của doanh nghiệp có hạn và chỉ có thể chịu đựng được trong thời gian nhất định, khi giá xăng dầu, giá nguyên vật liệu liên tục tăng cao, sẽ đến lúc doanh nghiệp không thể cầm cự được, buộc phải tăng giá bán sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.

Nhưng doanh nghiệp đã được hưởng chính sách hỗ trợ nhằm giảm chi phí đầu vào như gia hạn, miễn giảm tiền thuế, tiền thuê đất, hỗ trợ 2% lãi suất vay vốn ngân hàng, giảm thuế giá trị gia tăng..., nên có thể vẫn chưa tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ?

Những chính sách này đúng là đã hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí, nhưng so với tổng chi phí của doanh nghiệp, đặc biệt là giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào của sản xuất đã tăng quá mạnh, thì mức hỗ trợ nói trên là không đáng kể.

Giá xăng dầu tác động rất mạnh tới tăng trưởng và lạm phát. Khi giá xăng dầu tăng 10%, sẽ làm tăng trưởng GDP giảm 0,5 điểm phần trăm và lạm phát tăng 0,36 điểm phần trăm. Giá nguyên vật liệu tăng 1% làm cho Chỉ số Giá sản xuất tăng 2,06 điểm phần trăm. Chi phí tiền lương cũng có xu hướng tăng, do doanh nghiệp thiếu lao động, khi tuyển dụng lao động phải mất chi phí phí đào tạo, đào tạo lại...

Tất cả các chi phí này sẽ đổ vào giá sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.

Vậy ông dự báo thế nào về lạm phát trong năm nay?

Gần đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế dự báo lạm phát năm 2022 của Việt Nam tăng 3,9%; Ngân hàng Standard Chartered dự báo con số này sẽ vượt 4% và có thể lên 5,5% trong năm 2023.

Gần đây, các nước xuất khẩu dầu mỏ vùng Vịnh dự báo giá dầu thô thế giới bình quân năm 2022 tăng khoảng 55% so với năm 2021 và đứng ở mức 107 USD/thùng.

Căn cứ các yếu tố tác động từ lạm phát chuỗi cung ứng, thiếu hụt nguồn cung, tổng cầu tăng đột biến; thiếu hụt lao động, dự kiến tăng lương tối thiểu vùng; giá xăng dầu, giá điện dự báo tăng; giá lương thực, thực phẩm tăng và nhu cầu tiêu dùng cuối năm tăng, tôi cho rằng, nếu Chính phủ có những giải pháp hiệu quả nhằm kiểm soát giá xăng dầu không vượt ngưỡng cao, đồng thời đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm trong thời gian tới, lạm phát của Việt Nam năm 2022 nằm trong khoảng 4 - 4,5%.

Tin bài liên quan