Gói tín dụng 300.000 tỷ đồng: Nhà băng phủ nhận chuyện “cố tình làm khó”

Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại khẳng định, không có chuyện ngân hàng gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận gói tín dụng hỗ trợ 300.000 tỷ đồng, song họ cũng đang bị quá tải bởi số lượng hồ sơ xin cơ cấu nợ, giãn nợ lên tới cả ngàn bộ mỗi ngày.
Sau 1 tháng triển khai Thông tư 01/2020/TT-NHNN, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 52.000 khách hàng, với số tiền gần 18.000 tỷ đồng. Ảnh: Đức Thanh

Sau 1 tháng triển khai Thông tư 01/2020/TT-NHNN, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 52.000 khách hàng, với số tiền gần 18.000 tỷ đồng. Ảnh: Đức Thanh

Ngân hàng quá tải hồ sơ cơ cấu nợ

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Văn Cường, chủ chuỗi nhà hàng C-brewmaster cho hay, hiện doanh thu hệ thống nhà hàng này giảm về 0, khoản vay tại VietinBank vì vậy thuộc đối tượng được ngân hàng hỗ trợ. “Phía ngân hàng cho biết, đang làm thủ tục để cơ cấu nợ cho khoản vay của chúng tôi. Việc cơ cấu nợ diễn ra hơi chậm, song tôi biết, phía ngân hàng cũng phải làm theo quy trình, không thể nhanh được”, ông Cường nói.

Cũng như C-brewmaster, nhiều doanh nghiệp khác đang sốt ruột chờ ngân hàng cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ. Phản ánh với báo chí, nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc hỗ trợ doanh nghiệp được các ngân hàng tiến hành khá chậm, thủ tục rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các ngân hàng cho biết, không phải do ngân hàng gây khó khăn, mà lượng hồ sơ đề nghị cơ cấu nợ quá lớn, tăng với cấp số nhân, khiến ngân hàng tăng hết tốc lực cũng khó có thể giải quyết ngay trong ngày một, ngày hai.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB cho biết, với các ngân hàng bán lẻ, lượng khách hàng rất lớn, đồng nghĩa với hồ sơ xin cơ cấu lại nợ rất nhiều. Để hoàn tất thủ tục cơ cấu 1.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng, có khi ngân hàng phải xử lý 2.000 - 3.000 hồ sơ của khách hàng, vì có khách hàng vay 1-2 tỷ đồng, song cũng có khách hàng chỉ vay 200-300 triệu đồng. Số lượng hồ sơ lớn, trong khi theo quy định, chỉ có Ủy ban Cơ cấu nợ của ngân hàng mới được phép phê duyệt hồ sơ được cơ cấu nợ, dẫn tới tình trạng quá tải, hồ sơ ùn ứ.

Việc đẩy nhanh tiếp cận gói tín dụng 300.000 tỷ đồng đòi hỏi thiện chí của cả người dân và doanh nghiệp. Tôi đồng ý là từng ngân hàng, ngoài việc giảm lãi suất (đã thực hiện), cần có hướng dẫn cụ thể hơn để doanh nghiệp nhìn vào là có thể hiểu ngay mình có thuộc đối tượng được hỗ trợ hay không. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp cũng phải có thiện chí hợp tác với ngân hàng, chứng minh thiệt hại của mình để ngân hàng có căn cứ hỗ trợ. Các nước trên thế giới đều như vậy, không riêng Việt Nam. Chưa kể, gói hỗ trợ này là tiền túi của ngân hàng, chứ không phải là tiền ngân sách.

- TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng

“Chúng tôi rất thiện chí, hầu hết hồ sơ vay vốn bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đều được cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ, giảm lãi tối đa cho khách hàng. Trung bình mỗi ngày, Ủy ban Cơ cấu nợ giải quyết đến 400-500 hồ sơ mà vẫn không xuể. Chúng tôi đang tính tới việc chuyển sang phê duyệt hồ sơ cơ cấu nợ tự động để người ra quyết định cơ cấu nợ có thể phê duyệt cùng lúc cho hàng trăm trường hợp”, ông Tùng cho biết.

Trước đó, ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc HDBank cũng cho biết, lượng khách hàng gửi đơn xin cơ cấu nợ tại Ngân hàng tăng chóng mặt khiến các bộ phận liên quan phải chạy hết tốc lực.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo một ngân hàng TMCP bức xúc: “Có khách hàng hàng gọi điện yêu cầu ngân hàng gia hạn nợ, giảm lãi cho khoản vay của mình, song khi ngân hàng đề nghị cung cấp hồ sơ chứng minh thiệt hại thì doanh nghiệp lại không hợp tác, mà chỉ kêu ca ngân hàng gây khó. Nếu ngân hàng gia hạn bừa bãi, sau này thanh, kiểm tra bị quy là cơ cấu nợ không đúng đối tượng thì ai chịu trách nhiệm”.

Một số ngân hàng cũng phản ánh thực trạng, có trường hợp doanh nghiệp không giảm hoặc chỉ giảm nhẹ doanh thu, song cũng đề nghị được ngân hàng giãn, hoãn nợ, giảm lãi.

Muốn nhanh nhưng không thể vội

Liên quan đến vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do Covid-19 mới được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành 1 tháng, còn rất nhiều thủ tục pháp lý cần được triển khai, nhưng đã triển khai thực hiện cơ cấu nợ, giãn nợ, cho vay mới hàng trăm ngàn khách hàng, con số tương đối lớn.

“Theo quan điểm của tôi, việc nhiều doanh nghiệp kêu chậm được ngân hàng cơ cấu nợ, chậm tiếp cận gói 300.000 tỷ đồng có lẽ là tương đối nóng vội. Rõ ràng, vấn đề này đòi hỏi cả hai bên cần nỗ lực nhiều hơn để tìm tiếng nói chung tốt hơn. Ví dụ, để hưởng ưu đãi giãn nợ, giảm lãi vay 1-2%, doanh nghiệp nên thiện chí chứng minh sự thiệt hại bởi Covid-19, chứ không nên coi đó là điều kiện, là thủ tục ngân hàng đưa ra để làm khó”, TS. Lực nói.

Theo vị chuyên gia này, ngân hàng chấp nhận giảm lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp, họ phải hỗ trợ đúng đối tượng. Nếu không, sau này, ngân hàng sẽ bị quy trách nhiệm khi thanh, kiểm tra. Chưa kể, ngân hàng huy động tiền gửi của người dân, nên cho vay cũng phải thận trọng để bảo toàn vốn. 

Số liệu của NHNN cho thấy, mới sau 1 tháng triển khai Thông tư 01/2020/TT-NHNN (NHNN là đơn vị đầu tiên ban hành Thông tư hỗ trợ doanh nghiệp), đến nay, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 52.000 khách hàng, với số tiền gần 18.000 tỷ đồng; đã thực hiện miễn, giảm lãi cho gần 6.500 khách hàng với dư nợ gần 126.000 tỷ đồng; đã cho vay mới 65.208 tỷ đồng với  354.286 khách hàng. Có nghĩa, đã có hơn 400.000 khách hàng được ngân hàng hỗ trợ cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, cho vay mới trong thời gian qua.   

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) khẳng định: “Việc hỗ trợ doanh nghiệp là trách nhiệm của các ngân hàng. Thống đốc NHNN đã chỉ đạo rất quyết liệt, ngân hàng nào cũng phải thực hiện nghiêm Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Tất cả dư nợ hiện hữu bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đều được cơ cấu nợ, doanh nghiệp nào không được ngân hàng cơ cấu nợ, thì cứ liên hệ với NHNN, chúng tôi sẽ lập tức xử lý và thông báo trên toàn quốc để làm gương”.

Tuần qua, NHNN cũng đã yêu cầu NHNN chi nhanh các địa phương thành lập đường dây nóng, tiếp nhận ý kiến, vướng mắc của doanh nghiệp để xử lý. Ông Hùng cho rằng, doanh nghiệp cũng không nên quá nóng vội. Thông tư 01/2020/TT-NHNN mới được ban hành một tháng, rất nhiều thủ tục pháp lý phải triển khai, các ngân hàng thương mại đang hết sức nỗ lực chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp.  

Thực tế, nhiều doanh nghiệp cũng thừa nhận, những doanh nghiệp khó tiếp cận gói hỗ trợ 300.000 tỷ đồng đa phần là những doanh nghiệp nhỏ, hồ sơ chứng minh thiệt hại không rõ ràng do sổ sách kế toán thiếu minh bạch. Vì vậy, dịch bệnh cũng là dịp để các doanh nghiệp này chuyên nghiệp hơn trong hoạt động của mình.

Riêng với các khoản vay mới, đại diện nhiều hiệp hội doanh nghiệp cho rằng, sự thận trọng của ngân hàng là dễ hiểu, vì dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, thị trường diễn biến khó lường. Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa khuyến nghị, các doanh nghiệp không nên thấy lãi suất rẻ mà vội vàng vay vốn nếu chưa có kế hoạch kinh doanh khả thi và chắc chắn sau dịch.

Mặc dù khó khăn, song doanh nghiệp và giới chuyên gia đều đề nghị, ngân hàng cần có giải pháp đẩy nhanh cơ cấu nợ hơn nữa với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19, vì bị chuyển nhóm nợ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến lịch sử tín dụng của doanh nghiệp sau này.

Xử lý nghiêm ngân hàng gây khó khăn cho doanh nghiệp

Ngày 16/4/2020, Thống đốc NHNN đã có văn bản gửi NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố về việc thiết lập đường dây nóng để xử lý khó khăn, vướng mắc liên quan đến Thông tư số 01. Thống đốc NHNN yêu cầu, giám đốc NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố thiết lập ngay số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý kịp thời, triệt để các kiến nghị, đề xuất và khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp, các hiệp hội trên địa bàn liên quan đến Thông tư 01.

NHNN cũng thành lập bộ phận thường trực tại NHNN chi nhánh để tiếp nhận, xử lý kịp thời, triệt để các phản ánh, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, người dân qua đường dây nóng. Giám đốc NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố phải thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai quyết liệt Thông tư 01; xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp thiếu trách nhiệm, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghệp, người dân, dẫn đến thắc mắc, khiếu kiện.

Ngân hàng cho vay phải lường tới rủi ro

PGS-TS. Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển

Gói tín dụng hỗ trợ 300.000 tỷ đồng là do các ngân hàng thương mại sử dụng nguồn thu nhập của mình để giảm lãi suất, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Do vậy, khi ngân hàng xem xét khoản cho vay này, họ sẽ tuân thủ theo quy định, quy chế của mình trong thực hiện các khoản vay này. Bên cạnh chia sẻ với doanh nghiệp, ngân hàng cũng phải tính đến rủi ro cho vay, phải tính đến khả năng hoàn vốn.

Vì vậy, gói tín dụng 300.000 tỷ đồng cần tiếp cận từ 2 phía. Phía ngân hàng phải tìm mọi cách để đơn giản hoá thủ tục. Trong khi đó, phía doanh nghiệp phải có kế hoạch sản xuất - kinh doanh khả thi, chuẩn bị điều kiện để khi nền kinh tế phục hồi thì sản xuất và có dòng tiền để trả ngân hàng.

Tin bài liên quan