Lo ngại suy thoái kinh tế, giới đầu tư tiếp tục bán mạnh cổ phiếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chứng khoán Mỹ giảm trong ngày thứ Hai (29/8), nối tiếp phiên lao dốc từ cuối tuần trước do lo ngại về việc Fed quyết liệt tăng mạnh lãi suất để chống lạm phát, ngay cả khi điều đó khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Lo ngại suy thoái kinh tế, giới đầu tư tiếp tục bán mạnh cổ phiếu

Phiên này, nhóm cổ phiếu tăng trưởng và công nghệ Megacap tiếp tục suy yếu và tác động mạnh đến thị trường, như Apple giảm 1,37% và Microsoft Corp giảm 1,07%, khi lợi suất trái phiếu kho bạc tăng.

Chỉ số biến động của CBOE (VIX), thước đo mức độ sợ hãi của Phố Wall đã tăng mức cao nhất trong bảy tuần là 27,67 điểm.

Theo một khảo sát, hiện có tới hơn 72% các nhà giao dịch trên thị trường đánh giá Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,75% tại cuộc họp tháng 9 và sẽ là lần tăng thứ ba liên tiếp với tốc độ đó.

Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm, vốn đặc biệt nhạy cảm với lãi suất đã chạm mức cao nhất trong 15 năm trong thời gian ngắn, trong khi đường cong lợi suất giữa lợi suất kỳ hạn 2 năm và 10 năm vẫn hoàn toàn đảo ngược.

Sự đảo ngược đường cong lãi suất này được nhiều người coi là một tín hiệu đáng tin cậy của một cuộc suy thoái kinh tế đang rình rập.

Có quan điểm cởi mở và trung lập hơn, ông Randy Frederick, Phó chủ tịch giao dịch của Charles Schwab ở Austin, Texas cho biết: "Việc bán tháo hôm thứ Sáu thẳng thắn là quá trớn, tôi biết Chủ tịch Fed nói rằng ông ấy sẽ quyết liệt chống lạm phát, nhưng thành thật mà nói thì những điều đó không khác mấy so với những gì ông ấy đã nói trong vài tuần qua. Ông ấy có hơi diều hâu hơn một chút, nhưng ý tôi là, những biến động mạnh mẽ sẽ chỉ xảy ra ít nhất cho đến khi chúng ta vượt qua đợt tăng lãi suất ngày 21/9”.

Hiện giới đầu tư chờ đợi báo cáo bảng lương phi nông nghiệp tháng 8 sẽ được công bố vào cuối tuần. Bất kỳ dấu hiệu chậm lại nào trên thị trường lao động có thể khiến Fed không ngần ngại tiếp tục tăng mạnh lãi suất.

Kết thúc phiên 29/8, chỉ số Dow Jones giảm 184,41 điểm (-0,57%), xuống 32.098,99 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 27,05 điểm (-0,67%), xuống 4.030,61 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 124,04 điểm (-1,02%), xuống 12.017,67 điểm.

Chứng khoán châu Âu giảm, dẫn đầu là nhóm cổ phiếu công nghệ, trong khi lợi suất trái phiếu tăng do nhận xét từ các ngân hàng trung ương làm tăng lo ngại về các biện pháp quyết liệt để dập tắt lạm phát trong bối cảnh nguy cơ suy thoái gia tăng.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 0,81% xuống 422,65 điểm, mức thấp nhất trong hơn một tháng, với cổ phiếu công nghệ nhạy cảm với lãi suất giảm 2,4%. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Đức tăng 0,1% lên mức cao nhất trong hai tháng.

Thành viên hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Isabel Schnabel cuối tuần qua đã cảnh báo rằng, các ngân hàng trung ương trong khu vực phải hành động mạnh mẽ để chống lại lạm phát, ngay cả khi điều đó kéo các nền kinh tế vào suy thoái, trong khi một thành viên khác là Francois Villeroy và nhà hoạch định chính sách Martins Kazaks cũng báo hiệu một bước tăng lãi suất lớn khác vào tháng 9.

Chỉ số đo lường biến động cho chứng khoán khu vực đồng euro, được mệnh danh là "thước đo sợ hãi của châu Âu", đã tăng lên mức cao nhất trong sáu tuần là 29,4 điểm.

Trong số các cổ phiếu riêng lẻ, đáng chú ý nhất là Uniper, sau khi cầu chính phủ Đức giúp đỡ nhiều hơn về tài chính, nâng gói cứu trợ lên 19 tỷ euro (19 tỷ USD), do giá khí đốt và điện tăng cao đang “đốt cháy” các khoản tiền mặt của họ. Cổ phiếu của Uniper tăng 3%.

Kết thúc phiên 29/8: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 52,43 điểm (-0,70%), xuống 7.427,31 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 78,48 điểm (-0,61%), xuống 12.892,99 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 51,98 điểm (-0,83%), xuống 6.222,28 điểm.

Giá dầu thô tăng mạnh và vẫn được thúc đẩy việc OPEC+ thông báo có thể cắt giảm sản lượng vào tuần trước để bù đắp sản lượng từ Iran nếu nước này đạt được những tiến bộ trong thỏa thuận hạt nhân với phương Tây. Ngày 5/9 tới, OPEC+ sẽ nhóm họp để đưa ra chính sách sản lượng cho tháng 10.

Kết thúc phiên 29/8, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ tăng 3,95 USD/thùng (+4,07%), lên 97,01 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 4,10 USD/thùng (+3,90%), lên 105,09 USD/thùng.

Tin bài liên quan